Nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện
Nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mà bạn yêu thích
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.
1. Dàn ý bài nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện
I. Mờ bài
Giới thiệu truyện kể. Nêu khái quát định hướng của bài viết.
II. Thân bài
1. Tóm tắt truyện
2. Chủ đề và ý nghĩa của chủ đề: Nêu được chủ đề của câu truyện và ý nghĩa của chủ đề đó
3. Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật
3.1 Phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống
3.2 Phân tích, đánh giá cách xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng và tác dụng trong việc thể hiện chủ đề
3.3 Phân tích, đánh giá cách khắc họa tính cách nhân vật qua lời thoại, ngôn ngữ
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và sự đặc sắc của các nét nghệ thuật.
- Tác động của truyện đối với bản thân và người đọc.
2. Bài nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện
Thần Trụ Trời” là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt cổ được sản sinh từ thời tối cổ và còn tồn tại đến ngày nay, được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.
Cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Vì cũng chưa tìm hiểu được nhưng họ lại không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Độc giả ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của những người Việt cổ muốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình.Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại. Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần.
Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là “vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên, giang chân đạp đất xuống,…” cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. như ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng đã làm giống hệt như vậy. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn giống như quả trứng của vũ trụ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của bản thân ông chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời.
Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Từ cái ban đầu vốn ít ỏi, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật Việt Nam như thế nào. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt.
Truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” vừa cho các bạn đọc biết được sự hình thành của trời đất, sông, núi, đá,…vừa cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.
3. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 2
Nhắc đến những câu chuyện cổ tích của nước ta, không thể bỏ qua truyện “Cây khế”. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện dân gian của nước ta.
Truyện kể về hai anh em nhà nọ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào nhau. Cha mẹ mất để lại cho hai anh em một cây khế và một chút ruộng vườn, của cải, tuy không khá giả nhưng hai anh em vẫn có cuộc sống no đủ. Từ khi người anh trai lấy vợ bỗng sinh ra lười nhác, mọi việc đều đổ hết lên đầu vợ chồng người em. Thậm chí sợ em tranh công nên anh trai đã chia gia tài, chiếm hết của nải, đẩy vợ chồng em ra túp lều nát với cây khế của cha mẹ để lại. Vợ chồng người em chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho cây khế ra quả, chim quý đến ăn và đã trả công vợ chồng em trai bằng vàng bạc. Tiếng đồn đến tai người anh, người anh tham lam nên gạ đổi gia tài lấy cây khế. Chim quý cũng đến ăn và hứa trả ơn bằng vàng, nhưng vì tính tham lam vô độ của người anh nên đã bị chim quý hất xuống biển sâu. Cốt truyện tuy rất đơn giản, ngắn gọn nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.
Truyện “Cây khế” phản ánh cuộc xung đột giữa hai tuyến nhân vật trong một gia đình, một bên là vợ chồng người em trai hiền lành, chăm chỉ, chịu khó; một bên là vợ chồng người anh trai tham lam, ích kỉ, chỉ nghĩ đến đồng tiền. Thông qua khai thác xung đột trong gia đình này, tác giả dân gian đã phản ánh chủ đề của chuyện đó là phê phán sự tham lam, ích kỉ của con người, ca ngợi những con người chịu khó, chăm chỉ, biết sống lương thiện, biết thế nào là đủ. Câu chuyện còn là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang xem nhẹ tình anh em trong gia đình, cắt đứt tình máu mủ ruột rà chỉ vì những cái lợi trước mắt. Chủ đề truyện này không mới nhưng nó vẫn có giá trị không riêng với thế giới cổ tích mà còn cả xã hội hiện thực bây giờ.
Góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện, ngoài giá trị của chủ đề và bài học sâu sắc trong truyện Cây khế thì không thể quên sự đóng góp của các hình thức nghệ thuật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và bài học trong truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn.
Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tình huống truyện chia gia tài, vốn rất quen thuộc trong truyện kể dân gian. Nhờ tình huống này bản chất xấu xa tham lam của vợ chồng người anh trai được bộc lộ. Tình huống thứ hai, góp phần giúp mạch truyện tiến triển là tình huống chim quý xuất hiện và ăn khế của vợ chồng em trai. Nhờ chim quý vợ chồng em trai được đền đáp xứng đáng cho tấm lòng, sự lương thiện của mình. Cũng nhờ chim quý mà vợ chồng người anh trai đã bị trừng trị thích đáng cho bản tính tham lam, mờ mắt vì tiền của mình. Nhân vật chim quý đóng vai trò là nhân vật chức năng, thế lực siêu nhiên, thay nhân dân thực hiện mong ước của họ. Đây cũng là kiểu nhân vật khá quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam.
Xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng cũng là một nét nổi bật cho truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó người anh trai là tuyến nhân vật đại diện cho kiểu người tham lam, chỉ nghĩ đến đồng tiền; nhân vật em trai là đại diện cho tuyến nhân vật bất hạnh, mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi, cam chịu. Hai tuyến nhân vật chính - tà khá quen thuộc trong truyện cổ tích, là đại diện cho các kiểu người trong xã hội phân chia giai cấp thời bấy giờ.
Nét đặc sắc cuối cùng em muốn nói đến trong bài viết là cách khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Nhân vật trong truyện cổ tích vốn chưa có những tâm lý hay nét tính cách độc đáo, riêng biệt như trong văn xuôi của các tác giả văn học. Nhưng thông qua lời thoại, ngôn ngữ, hành động chúng ta cũng thấy được phần nào những nét tính cách đặc trưng của nhân vật. Chẳng hạn qua thái độ “rối rít, mừng quýnh, vái lấy vái để “ khi gặp chim thần của vợ chồng anh trai cũng đủ thấy vợ chồng anh ta là người tham lam, ích kỉ, tôn sùng vật chất, luôn trông chờ vào vận may; hành động “nhét đầy vàng vào tay áo, ống quần, lết mãi mới ra khỏi hang” đủ thấy anh trai tham lam đến mờ lý trí… còn vợ chồng người em trai thấy con chim thần chỉ biết than “ ông chim ơi, ông ăn hết khế nhà cháu…” rồi hành động “chỉ nhặt vừa đủ vàng bạc nhét vào túi rồi ra về” cũng đủ thấy người em trai vốn bản tính lương thiện, hiền lành. Nhân vật chỉ được khắc họa qua hành động, ngôn ngữ nhưng những nét tính cách nổi bật vẫn hiện lên tương đối đậm nét.
Những phân tích ở trên đây cho thấy Cây khế là một truyện cổ tích tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ Việt Nam. Về chủ đề, truyện chính là lời cảnh tỉnh, phê phán đến những người có lối sống ham vật chất, coi thường tình cảm máu mủ. Về hình thức nghệ thuật, tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ, hành động để nhân vật bộc lộ rõ cá tính của mình, thông qua đó chủ đề truyện cũng được tô đậm.
Câu chuyện là một bài học đắt giá cảnh tỉnh những người tham lam, không coi trọng tình cảm gia đình, sớm hay muộn cũng sẽ nhận phải một kết cục không may mắn.
4. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 3
Chiến tranh từ xưa đến nay vẫn luôn là vấn đề "nóng" của xã hội. Chiến tranh không chỉ gây ra vô vàn thiệt hại về tài sản, vật chất, bom đạn nơi chiến trường còn để lại bao nỗi mất mát, ám ảnh, thậm chí là những di chứng đến tận ngày hôm nay. Trong những năm tháng đau thương ấy, văn học xuất hiện như một thứ vũ khí tinh thần, mang hi vọng đến cho nhân loại. Một trong số rất nhiều tác phẩm ấn tượng nhất phải kể đến truyện ngắn "Buổi học cuối cùng" của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê. Bằng ngòi bút tài hoa, điềm tĩnh của mình, tác giả đã khai thác đề tài chiến tranh theo một cách rất riêng, mang lại những bài học sâu sắc cho nhiều thế hệ sau này.
Lấy bối cảnh sau cuộc chiến Pháp - Phổ với phần thua thuộc về đất nước Pháp, nhà văn đã dựng lên một câu chuyện vô cùng cảm động về tình yêu Tổ quốc và tinh thần tự tôn dân tộc. Vùng An-dát bị cắt cho Phổ, dẫn đến việc tất cả các trường học ở nơi đây chỉ được phép dạy tiếng Đức.
Buổi học được bắt đầu với không khí kì lạ cùng lời thầy Ha-men: "Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con...". Cậu bé Phrăng trước kia coi việc học là điều gì đó nhàm chán. Nhưng đến lúc này, cậu bé lại hối hận vì những lần trốn học, tiếc nuối cho những buổi học mình bỏ lỡ, ước gì mình có thể đọc một cách trôi chảy. Tư tưởng, suy nghĩ của cậu đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, nhìn thầy Ha-men trên bục giảng mà cậu biết cảm thấy thương, thấy tiếc. Sự chia cắt của dân tộc chính là bước ngoặt lớn để cậu bé Phrăng trưởng thành hơn.
Thầy Ha-men có lẽ là người đại thể hiện được rõ nhất nỗi đau mất nước của một dân tộc. Ông đã khoác lên mình bộ đồ đẹp nhất, truyền tải kiến thức cho mọi người hết lòng hết dạ. Những lời tâm huyết của ông khi nhắc về ngôn ngữ mẹ đẻ càng tô đậm hơn tình yêu nước và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc của một người thầy giáo. Bằng tất cả sức lực của mình, ông đã dũng cảm dạy đến hết buổi học. Tuy nhiên trong lúc đó, qua con mắt của cậu học trò, ta vẫn được thấy nét yếu đuối, niềm tiếc thương của người thầy đáng quý ấy khi chuẩn bị phải rời đi. Giây phút kết thúc lớp, ông dường như rơi vào tuyệt vọng. Hành động cầm phấn viết dòng chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM" bằng tất cả sức lực của mình là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần phản kháng của ông cũng như của mọi người. Tất cả đều thể hiện tình yêu lớn lao ông dành cho đất nước, cho thứ tiếng mẹ đẻ thiêng liêng của dân tộc.
Ngay cả những cụ già trong làng cũng tới, dành chút thời gian ít ỏi còn lại để tham gia cùng mọi người. Giờ đây, buổi học ấy không còn chỉ là để dạy tiếng Pháp nữa. Nó đã trở thành buổi học về lòng yêu nước, tự tôn và tự hào đối với gốc gác, nguồn cội. Tiếng Pháp lúc này không chỉ là một thứ ngôn ngữ nữa mà là "chìa khóa của chốn lao tù", giúp giải thoát cả một dân tộc khỏi ách nô lệ. Chỉ cần giữ được tiếng mẹ đẻ thì dù khó khăn đến đâu, con người vẫn sẽ không khuất phục, sẽ còn khát vọng và đấu tranh cho một tương lai hòa bình, thống nhất.
Với tác phẩm, nhà văn An-phông-xơ Đô-đê đã chứng tỏ được sự tài hoa của mình trong nghệ thuật kể chuyện. Ở đây, tác giả đã lựa chọn ngôi kể thứ nhất, đặt người đọc vào điểm nhìn của Phrăng - cậu bé ở một vùng bị chia cắt, khiến cho câu chuyện trở nên đáng tin hơn. Bằng việc xây dựng bối cảnh và tình huống truyện éo le, nhà văn đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của buổi học cuối ấy. Nó đã biến một cậu bé nghịch ngợm trở nên ham học. Những lời độc thoại của Phrăng đã cho ta thấy rất rõ sự phát triển trong suy nghĩ và nhận thức của cậu. Không chỉ có vậy, nhân vật thầy Ha-men cũng được miêu tả rất sinh động, rõ nét qua vẻ bề ngoài và hành động. Từ sự chau chuốt trong trang phục đến việc kiên nhẫn giảng giải, truyền thụ kiến thức đều cho thấy người thầy đó đáng kính đến như nào. Ông trân trọng từng phút giây quý giá cuối cùng ở nơi mình đã gắn bó suốt bốn mươi năm. Tất cả đã cùng mang đến cho người đọc sự tiếc nuối, buồn đau, thương cảm cho một dân tộc bị chia cắt.
Bằng góc nhìn khác biệt cùng ngòi bút độc đáo của mình, An-phông-xơ Đô-đê đã mang đến cho chúng ta một tác phẩm đầy cảm xúc. "Buổi học cuối cùng" là thông điệp về tình yêu Tổ quốc và niềm hi vọng về một tương lai hòa bình, thống nhất. Qua đó, chúng ta lại càng thêm trân trọng nền độc lập và biết ơn sự hi sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Bao người lính trẻ đã ngã xuống để mang đến cuộc sống yên lành bây giờ. Đồng thời, ta cũng cần bảo vệ, gìn giữ ngôn ngữ riêng của dân tộc. Hãy học tập và trau dồi bản thân cả về tri thức và đạo đức, góp sức vào công cuộc kiến thiết nước nhà.
5. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 4
Truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh là một trong những truyền thuyết lâu đời nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam và đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người. Câu chuyện thể hiện niềm khao khát chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta, trước nỗi lo thiên tai bão lụt vẫn thường hoành hành hằng năm qua.
Đầu tiên, truyền thuyết này như muốn nói về hiện tượng thiên tai, bão lụt hàng năm cũng như lòng quyết tâm chống lại thiên tai của nhân dân ta ngày trước. Sơn Tinh , Thuỷ Tinh kể về đời vua Hùng thứ 18. Kể rằng vua Hùng có một người con gái vô cùng xinh đẹp lại nết na diền dịu có tên là Mị Nương. Nay nàng đã đến tuổi thành thân, nên vua cha muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Trong số đó có hai chàng trai kiệt xuất là SƠn Tinh và Thuỷ Tinh. Một người là chúa vùng non cao, còn một người là vua hùng nước thẳm. Vì đưa được sính lễ tới trước là " voi chín ngà, gà chín cựa" nên Sơn Tinh được cưới Mị Nương về làm vợ. Tức tối, ghen ghét vì thua cuộc nên Thuỷ Tinh đã hô mưa gọi gió, tạo ra lũ lụt để đánh bại Sơn Tinh. Thuỷ Tinh đã dâng nước thì Sơn Tinh dời núi non. Thuỷ Tinh đại diện cho thiên nhiên giông bão, lũ lụt còn Sơn Tinh đại diện là biểu tượng cho nhân dân ta với tinh thần kiên cường, bất khuất sự mưu trí và anh dũng không chịu đầu hàng trước thiên nhiên, số phận.
Tiếp đó, tác giả dân gian đã lựa chọn được hình ảnh, nghệ thuật đặc sắc để diễn tả được hình ảnh thiên tai bão lũ và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trước thiên tai. Đây là câu chuyện được viết theo kiểu thần thoại Việt Nam nên có thể thấy được truyện chưa có nhiều yếu tố kì ảo để nói về những hiện tượng thiên nhiên. Từ tình huống vua Hùng kén rể, ta có thể thấy đươc núi non, nhân dân ta luôn đặt lên hàng đầu. Vua Hùng đã đặt ra những sính lễ là voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao. Những sính lễ này có thể thấy được dễ dàng tìm dược ở vùng núi rừng chứ không phải ở biển cả. Sơn Tinh đã có một lợi thế rõ ràng trước Thuỷ Tinh. Sau đó một loạt những chi tiết kỳ ảo đã xảy ra như Thuỷ Tinh đã hô mưa, gọi gió, nước dâng lên cao bao nhiêu thì Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu như vẽ nên bức tranh thiên tai ngày xưa. Lũ lụt càng lên cao thì dân ta càng gắng sức chiến đấu chống lại thiên tai. Cùng với đó là hình ảnh người dân Việt Nam hay còn là dân Văn Lang cùng Sơn Tinh chống lại cuộc chiến với Thuỷ Tinh càng tô đậm vẻ kiên cường của nhân dân Việt Nam trước bão lũ.
Câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh được khắc hoạ qua các chi tiết kì ảo sinh động về hai vị thần rất thành công trong việc đưa người đọc đến với hình ảnh của người dân thời xưa đối mặt với sự tức giận từ thiên nhiên như thế nào. Truyện đã gắn với bao thế hệ luôn nhắc nhở chúng ta về tình đoàn kết của nhân dân trước mọi khó khăn, thử thách.
6. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 5
Có lẽ, những bí ẩn về thiên nhiên vẫn là một câu hỏi lớn đối với con người thời cổ. Chính vì vậy, họ đã sáng tạo nên các câu chuyện để trả lời cho những thắc mắc của bản thân. Đọc truyện "Thần Trụ trời", ta thấy được cách phân chia bầu trời và mặt đất. Đọc "Prô-mê-tê và loài người", ta được giải đáp về cách các vị thần tạo ra muôn vật và loài người. Không giống hai tác phẩm trên, truyện "Đi san mặt đất" lại là những lí giải đơn giản về quá trình loài người chung lòng, góp sức san phẳng mặt đất để làm ăn mà không có sự xuất hiện của các vị thần. Truyện gây ấn tượng bởi những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.
Truyện "Đi san mặt đất" có chủ đề viết về quá trình khai hoang và cải tạo tự nhiên của người Lô lô xưa, quá trình này cần có sự giúp sức của tất cả mọi người lúc bấy giờ. Người Lô Lô xưa đã có những nhận thức khá nguyên sơ, đơn giả về thế giới vũ trụ, đồng thời họ cũng có ý thức trong việc cải tạo thế giới sống quanh mình Khi Trái Đất vẫn còn hoang sơ thì người xưa đã cùng nhau đi trình khai hoang và cải tạo tự nhiên. Đó là thời gian không thể xác định, mà người cổ xưa chỉ biết là:
"Ngày xưa, từ rất xưa...
Người già không nhớ nổi
Mấy năm mấy nghìn đời
Ngày xưa từ rất xưa...
Người trẻ không biết tới
Mấy nghìn, mấy vạn năm"
Mốc thời gian không cụ thể khiến chúng ta không thể biết chính xác đó là thời điểm nào. Khoảng thời gian ấy xưa đến mức người già cũng không thể nhớ nổi, người trẻ thì lại chẳng thể biết tới. Và cuộc sống con người lúc bấy lại thật đơn giản. Trước khi đi san mặt đất, con người vẫn sống chung, ở chung và ăn chung với nhau. Người Lô Lô xưa đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên để trồng bắp, lấy nước uống từ "bụng đá" "Trồng bắp trên núi cao/ Uống nước từ bụng đá". Tuy nhiên, sống trong không gian hoang sơ, thiếu thốn khi "Bầu trời nhìn chưa phẳng/ Mặt đất còn nhấp nhô" nên con người thời cổ đã khẩn trương cùng nhau đi tái tạo thế giới.
Để có thể san phẳng mặt đất, san phẳng bầu trời thì người Lô Lô đã biết tận dụng sức mạnh của các loài vật xung quanh lúc bấy giờ:
"Kiếm con trâu sừng cong
Chọn con trâu sừng dài"
Họ kiếm những con trâu sừng phải cong, phải dài vì đây là những con trâu khỏe, trâu tốt. Chúng đi cày bừa san đất mà không quản gì mệt nhọc. Có sức giúp đỡ của chúng thì công cuộc cải tạo mặt đất của người Lô Lô xưa chẳng mấy chốc mà thành. Thế nhưng công việc san phẳng mặt đất, san phẳng bầu trời là công việc chung của muôn loài nên con người đã đi chuột chũi cóc, ếch. Đáp lại lời kêu gọi của người Lô Lô xưa, các con vật đều tìm cớ trốn tránh, thoái thác. Không thể trông cậy vào chúng, con người đã tập hợp sức mạnh của nhau để cải tạo thiên nhiên "Giống nào cũng không đi/ Người gọi nhau làm lấy". Truyện "Đi san mặt đất" của người Lô Lô không chỉ đơn thuần là lời lí giải về sự bằng phẳng của mặt đất và bầu trời mà còn phản ánh nhận thức của người Lô Lô xưa về quá trình tạo lập thế giới. Theo cách lí giải của họ, để có được mặt đất, bầu trời bằng phẳng như ngày nay thì người Lô Lô xưa đã phải đi san mặt đất. Con người đã tự biết tập hợp sức mạnh của cộng đồng để chung tay thực hiện công việc. Và qua đây, ta thấy được con người trong buổi sơ khai đã có ý thức trong việc cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình.
Không chỉ độc đáo ở chủ đề, truyện "Đi san mặt đất" còn có những đặc sắc ở khía cạnh nghệ thuật. Người Lô Lô xưa đã sáng tạo truyện thần thoại bằng hình thức thơ ca với giọng điệu vui tươi, nhí nhảnh tạo cảm giác thích thú cho người đọc.
Bên canh đó, truyện còn sử dụng biện pháp nhân hóa cùng với ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh. Các con vật được nhân hóa có những cử chỉ giống con người đã giúp cho chuyện trở nên sinh động hơn. Người Lô Lô xưa đã sử dụng ngôn ngữ gần gũi, giản dị giúp cho bạn đọc ở mọi lứa tuổi dễ dàng tiếp nhận truyện.
"Đi san mặt đất" là một trong những truyện thần thoại đặc sắc của người Lô Lô. Truyện đã thể hiện những lí giải nguyên sơ của người xưa về vũ trụ, về thế giới qua thể thơ năm chữ kết hợp sử dụng các biện pháp nghệ thuật. Qua câu chuyện, ta càng thêm ấn tượng với trí tưởng tượng của người xưa trong việc sáng tạo những giá trị văn hóa dân gian.
7. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 6
Khi nói về các truyện ngụ ngôn nước ngoài không thể không nhắc đên câu chuyện Con cáo và chùm nho của một nhà văn Hy Lạp danh tiếng. Đây thực sự là một tác phẩm xuất sắc trong thể loại ngụ ngôn với chủ đề sâu sắc và sự thể hiện nghệ thuật tuyệt vời.
Câu chuyện kể về một con cáo đi xuống núi và bắt gặp một vườn nho quả mọng nước khiến anh ta khát khao vô cùng. Tuy nhiên, cho dù con cáo cố gắng nhảy lên cây này sang cây khác anh ta vẫn không thể đạt được chùm nho. Ngay cả những chùm nho phía dưới cùng cũng khiến con cáo không thể với tới. Cuối cùng, cáo bất đắc dĩ phải từ bỏ và cho rằng những chùm nho xanh đó chưa chín chua và không ngon. Mặc dù câu chuyện có cốt truyện đơn giản nhưng lại chứa đựng những bài học quý báu về cuộc sống.
Con cáo và chùm nho thể hiện giá trị của câu chuyện thông qua chủ đề và bài học cuộc sống mà nó mang đến. Con cáo trong câu chuyện trở thành biểu tượng của sự kiên nhẫn và tự phụ của con người. Chúng ta cần nhận ra sai lầm và thất bại của mình và học từ chúng điều này là một thông điệp vô cùng quý báu lối sống con người.
Tác phẩm cũng chứa đựng yếu tố nghệ thuật mạnh mẽ thông qua việc xây dựng nhân vật và tình hống, tính biểu tượng của các nhân vật.
8. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 7
Các sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần thường mang tới cho bạn đọc một thế giới trong trẻo, hồn nhiên, tươi sáng. Trong đó, truyện "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" được coi là một tác phẩm tiêu biểu. Truyện đã thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Những câu chuyện thú vị xoay quanh bố và nhân vật "tôi" được khắc họa thật tài tình trong tác phẩm. Người bố dạy "tôi" cách gọi tên loài hoa thông qua việc nhắm mắt rồi chạm tay hoặc ngửi mùi hương. Bố còn dạy "tôi" bài học ý nghĩa về vẻ đẹp của các món quà. Từng lời chỉ bảo sâu sắc ở bố đã giúp "tôi" hiểu ra nhiều điều. Từ đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần như muốn khẳng định giá trị to lớn mà tình yêu thương đem lại.
Trước hết, điểm nổi bật ở đoạn trích "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" đến từ tình yêu thiên nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai nhân vật là người bố và "tôi". Bố - một người thích trồng hoa. Sau giờ làm vất vả ở đồng ruộng, bố không đi nghỉ ngơi mà chăm chỉ ra vườn tưới hoa. Bố dạy "tôi" cách gọi tên từng loài hoa bằng cách nhắm mắt rồi đưa tay ra chạm hoặc ngửi hương thơm. Tình yêu hoa cỏ, cây cối ở bố đã truyền cảm hứng tích cực tới nhân vật "tôi". Vì thế, người con cũng mang trong mình niềm yêu thích tự nhiên. Sau bao ngày cố gắng rèn luyện, "tôi" đã có thể đoán đúng tên các loài hoa ngay khi nhắm mắt. "Tôi" còn coi khu vườn ngoài kia là món quà bất tận của bản thân và "mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn". Với tấm lòng trân trọng, nâng niu vẻ đẹp thiên nhiên, "tôi" cũng nhận ra những bông hoa chính là "người đưa đường" cho mình trong khu vườn rộng lớn.
Bên cạnh tình yêu thiên nhiên, tác giả còn gửi gắm bài học ý nghĩa về lòng yêu thương. Đó là tình thương bao la, vô bờ mà bố dành cho "tôi". Bố tận tình chỉ bảo, dạy dỗ "tôi" về mọi thứ xung quanh. Khi "tôi" đứng trước khó khăn, bố luôn nhẹ nhàng động viên, an ủi "Tôi luôn nói sai. Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng.". Không chỉ dành tình cảm thương yêu tới các thành viên của gia đình, bố còn luôn quan tâm, để ý tới mọi người. Khoảnh khắc biết có ai đó gặp nạn ngoài bờ sông, bố vội vàng tới mức "quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra". Bố không chút chần chừ mà lao mình xuống dòng nước, kịp thời cứu sống thằng Tí - bạn của "tôi". Lớn lên từ những bảo ban ở bố, "tôi" cũng rèn luyện cho mình tấm lòng nhân ái, biết yêu thương. "Tôi" luôn kính trọng, biết ơn bố, coi bố là món quà "bự" nhất của mình.
Cuối cùng, qua đoạn trích, nhà văn cũng không quên gửi lời nhắn nhủ mỗi người hãy biết yêu cuộc sống. Yêu cuộc sống có thể bắt đầu từ điều giản đơn nhất: trân trọng vẻ đẹp của từng món quà. Người bố trong tác phẩm luôn biết nâng niu những món quà dù lớn hay nhỏ. Bố nhận thấy mỗi món quà đều chất chứa một ý nghĩa riêng biệt. Hay yêu cuộc sống còn là sự thích thú khi lắng nghe âm thanh tuyệt diệu của mỗi cái tên. Nhân vật "tôi" thường gọi tên bạn mình nhiều lần chỉ vì âm thanh ấy quá tuyệt diệu. "Tôi" cũng ghi nhớ lời dạy ở bố "mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu.".
Có thể thấy, những đặc sắc về mặt nghệ thuật là một yếu tố quan trọng góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Đầu tiên, tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi", lựa chọn điểm nhìn từ người con đã làm câu chuyện của bố và "tôi" trở nên vô cùng sinh động, chân thực. Điều đó cũng giúp nhân vật dễ dàng bộc lộ tâm tư, cảm xúc. Bên cạnh đó, tác giả còn thành công trong việc xây dựng nhân vật thông qua lời nói, hành động, cảm xúc. Mỗi nhân vật đều hiện lên chân thực với nét tính cách riêng biệt. Ngoài ra, việc sử dụng các hình ảnh thân thuộc, bình dị cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc.
Bằng ngòi bút sáng tạo độc đáo, lời văn nhẹ nhàng, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã nhắn nhủ tới chúng ta bài học về cội nguồn yêu thương. Mỗi người hãy biết bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Đoạn trích "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" sẽ mãi in sâu trong lòng bạn đọc bởi chính những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp. Tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống của các nhân vật là lời nhắc nhở chúng ta về việc sống bao dung, nhân ái hơn. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã mang đến một tác phẩm đặc sắc như vậy.
9. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 8
Trong hệ thống thần thoại của dân tộc Việt Nam ta về sự sáng lập vũ trụ, Trần Trụ Trời được coi như truyện mở đầu. Truyện được các nhà khảo cứu văn hóa dân gian sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong cuốn "Hợp tuyển thơ văn Việt Nam". Truyện thể hiện giá trị đặc sắc trên nhiều phương diện như chủ đề, hình thức nghệ thuật. Qua đó thể hiện sự tôn kính thiêng liêng của co người với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và với trời đất.
Truyện kể rằng vào thời kì trời đất còn hỗn độn, tối tăm, chưa có thế gian và vạn vật, muôn loài, có một vị thần với ngoại hình và sức mạnh phi thường xuất hiện. Thần ngẩng đầu để đội trời lên rồi tự mình đào đất, đập đá tạo thành một cái cột chống trời. Khi trời đã cao và khô, thần đã phá cột đi và lấy đất đá ném tung khắp nơi tạo thành núi, đảo, đồi cao và biển rộng. Vì vậy, ngày nay, mặt đất không được bằng phẳng. Vị thần ấy được gọi là Trời hay Ngọc Hoàng. Sau đó, các vị thần khác tiếp tục xây dựng thế giới.
Qua cốt truyện Thần Trụ Trời, ta có thể dễ dàng nhận ra giá trị của truyện trước hết thể hiện qua chủ đề và bài học cuộc sống mà nó gửi gắm. Đây là một tác phẩm văn học dân gian thuộc nhóm truyện thần thoại suy nguyên (giải thích các hiện tượng tự nhiên), được nhân dân sáng tạo, lưu truyền từ xa xưa, lưu truyền từ xa xưa nhằm lý giải sự hình thành trời đất, núi sông, biển cả của những người xưa cổ bằng trực quan và tưởng tượng. Truyện thể hiện cái nhìn của con người cổ đại về hiện tượng thế giới được hình thành, được sắp đặt trật tự như bây giờ rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều giá trị, thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Qua đó thể hiện sự tôn kính và thiêng liêng của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng, trời đất.
Ngay từ thời nguyên thuỷ, cuộc sống sinh hoạt, lao động đã luôn đòi hỏi con người phải quan sát, suy ngẩm về các hiện tượng tự nhiên liên quan mật thiết tới mình. Truyện cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ thế giới tự nhiên xung quanh họ. Vì trình độ của con người bấy giờ chưa đủ để nhận thức đúng các hiện tượng ấy nên từ những điều quan sát được kết hợp với trí tưởng tượng hồn nhiên, chất phác, ngây thơ, họ đã sáng tạo ra những yếu tố siêu nhiên, những vị thần linh để giải thích sự hình thành thế giới tự nhiên. Qua đó thể hiện ước mơ chinh phục thiên nhiên của người Việt cổ từ thời xa xưa.
Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là "vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên" cũng là hành động có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. Giống hệt như hình ảnh ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn mà vũ trụ giống như quả trứng khổng lồ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất. Rồi bằng sự biến hóa lớn lên không ngừng của bản thân, ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước. Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Dù vốn hiểu biết ít ỏi, nhưng từ thuở sơkhai, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Nhờ vậy, hệ thống các truyện giải thích về vũ trụ, tự nhiên, vạn vật đã góp phần tạo nên kho tàng thần thoại phong phú, đồ sộ. Đồng thời truyện Thần trụ trời cũng giúp cho con người Việt Nam có nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Qua đó thể hiện thái độ tôn kính thiêng liêng của mỗi người với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, trời đất cũng như sự trân trọng, khâm phục ước mơ chinh phục thiên nhiên, mở rộng hiểu biết, khám phá thế giới của thế hệ con cháu chúng ta với cha ông từ thời sơ khai.
Như vậy có thể thấy Thần trụ trời là một trong những truyện thần thoại đầu tiên, tiêu biểu, đặc sắc trong kho tàng truyện thần thoại dân gian Việt Nam.
Góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện, ngoài giá trị của chủ đề thì các hình thức nghệ thuật cũng rất đặc sắc, ấn tượng, làm nên giá trị của tác phẩm. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và ý nghĩa truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn.
Nét hấp dẫn đầu tiên về đặc sắc nghệ thuật của truyện là về đặc trưng thể loại. Đây là một truyện thần thoại đặc sắc hấp dẫn với 4 đặc trưng tiêu biểu của thể loại. Đó là đặc trưng về không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật. Truyện lấy bối cảnh không gian sơ khai, rộng lớn là vũ trụ đang trong quá trình tạo lập. Thời gian của truyện được nhắc đến là "thuở ấy, từ đó". Đây cũng mang tính chất cổ sơ, không xác định cụ thể, không rõ ràng. Cốt truyện xoay quanh việc giải thích quá trình tạo lập ra vũ trụ, trời, đất, thế giới tự nhiên. Nhân vật được kể trong truyện cũng mang đặc trưng thể loại thần thoại. Tất cả các nhân vật đều là các vị thần. Từ nhân vật trung tâm là thần Trụ Trời đến các nhân vật phụ khác như thần Đếm cát, thần Tát bể (biển), thần Kể sao, thần Đào sông, thần Trồng cây, thần Xây rú (núi). Và tất cả các vị thần đều có vóc dáng khổng lồ và sức mạnh phi thường để thực hiện việc làm vĩ đại, phi thường, mang đậm giá trị nhân văn.
Thứ hai, truyện có cách xây dựng nhân vật độc đáo, mang đặc trưng của thể loại thần thoại. Nhân vật trung tâm của truyện là một vị thần. Đó là thần tối cao – thần Trụ Trời. Thần là năng lực siêu phàm, có khả năng phi thường, có ý chí, mạnh mẽ, tài năng, có công sáng tạo ra vũ trụ, thế giới tự nhiên và vạn vật. Vị thần ấy được gọi là Trời hay Ngọc Hoàng. Như vậy, hình tượng nhân vật trung tâm được kể trong truyện rất tiêu biểu, điển hình, rất sinh động, lôi cuốn.
10. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 9
Truyện ngắn Giang của Bảo Ninh là một truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh. Chủ đề của truyện ngắn cũng như hình thức nghệ thuật trong Giang rất nhẹ nhàng, nhưng khắc khoải, khiến cho con người ta phải suy nghĩ mãi. Đó có lẽ là sự thành công trong truyện ngắn này của nhà văn Bảo Ninh.
Chủ đề của Giang là sự gặp gỡ và nỗi nhớ của những con người trong chiến tranh. Không giống với hiện thực chiến tranh ở các tác phẩm văn học cách mạng vốn là sự chiến đấu hay anh dũng, hiện thực chiến tranh trong Giang của Bảo Ninh là một hiện thực khác. Đó là một hiện thực với cuộc gặp gỡ thoáng chốc mà nỗi nhớ đến cả đời người, day dứt. Chiến tranh đã chia cắt con người ta, đã chia cắt sự lãng mạn lứa đôi, không cho con người ta ngày gặp lại. Hiện thực ấy cũng rất tàn khốc chẳng kém gì máu và đạn bom nơi chiến trường. Với một chủ đề như vậy, Giang đã thành công để bạn đọc đón nhận.
Sự thành công của truyện ngắn này không chỉ nằm ở đề tài hay chủ đề mà còn nằm ở hình thức nghệ thuật. Với điểm nhìn của người kể chuyện xưng "tôi" - trực tiếp tham gia vào câu chuyện, truyện ngắn trở nên gần gũi hơn khi là lời chia sẻ của người trong cuộc. Người kể chuyện ở đây dẫu "hạn tri" nhưng lại đúng là bản chất của con người trong cuộc sống hiện thực - không bao giờ biết được tất cả.
Như vậy, có thể thấy chủ đề và hình thức nghệ thuật trong Giang đã làm nên sự thành công cho truyện ngắn này. Truyện ngắn Giang của Bảo Ninh đã giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời, số phận của con người trong chiến tranh. Từ đó, càng cảm thấy tự hào và biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc cho Tổ quốc.
11. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 10
Nhắc đến những câu chuyện cổ tích của nước ta, không thể bỏ qua truyện Cây khế. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện dân gian nước ta.
Truyện kể về hai anh em nhà nọ mồi côi cha mẹ từ nhỏ sống nương tựa vào nhau. Cha mẹ mất để lại cho hai anh em một cây khế và một chút ruộng vườn, của cải tuy không khá giả nhưng hai anh em vẫn có một cuộc sống no đủ. Từ khi người anh trai lấy vợ bỗng sinh ra lười nhác mọi việc đều đổ lên đều vợ chồng người em. Thâm chí sợ em tranh công nên anh trai đã chia tài sản gia tài, chiếm hết của cải đẩy vợ chồng người em ra túp lều nát với cây khế của che mẹ để lại. Vợ chồng người em chăm chỉ làm lụng chăm bẵm cho cây khế ra quả. Chim quý đến ăn và đã trả công vợ chông em trai bằng vàng bạc. Tiếng đồn đến tai người anh trai và người anh đã tham lam nên gạ đổi gia tài lấy cây khế. Chim quý cũng đến ăn và hứa trả ơn nhưng vì tính tham lam vô độ nên người anh đã bị chim quý hất xuống biển sâu. Cốt truyện tuy rất đơn giản nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.
Yếu tốt nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tình huống truyện được chia gia tài, vốn rất quen thuộc trong truyện kể dân gian. Nhờ tình huống này mà bản chất xấu xa tham lam của vợ chồng người anh trai được bộc lộ. Tình huống thứ hai góp phần giúp mạch truyện tiến triển là tình huống chim quý xuất hiện và ăn khế của vợ chồng người em trai. Nhờ chim quý mà hai vợ chồng người em được đền đáp xứng đáng. Nhân vật chim quý đóng vai trò là nhân vật có chức năng thế lực siêu nhiên thay nhân dân thực hiện mong ước của họ. Đây cũng là kiểu nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam. Nét đặc sắc xây dựng nhân vật cũng khá nổi bật cho truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó người anh trai là tuyến nhân vật đại diện cho kiểu người tham lam chỉ nghĩ đến đồng tiền; nhân vật người em trai là đại diện cho tuyến nhân vật bất hạnh chịu nhiều thiệt thòi. Hai tuyến nhân vật này khá quen thuộc với kiểu người trong xã hội phân chia giai cấp thời bấy giờ.
Nét đặc sắc cuối cùng là sự khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Thông qua những lời thoại ngôn ngữ hành động mà chúng ta có thể thấy phần nào nét riêng biệt trong văn của tác giải và hiểu phần nào tính cách của nhân vật. Về nghệ thuật tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ và hành động để nhân vật bộ lộ rõ được cá tính của mình, thông qua đó chủ đề truyện cũng được tô đậm.
Câu chuyện là bài học đắt giá và cảnh tỉnh cho những người tham lam không coi trọng gia đình tình cảm anh chị em sớm hay muộn cũng sẽ nhận được kết cục không may mắn.
12. Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện mẫu 11
Nguyễn Dữ sống ở thế kỉ XVI, quê ở Hải Dương, là một "danh sĩ thời Lê Sơ". "Truyền kì mạn lục" do ông sáng tác đã đem lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, gồm hai mươi truyện, ghi chép tản mạn những câu chuyện lạ trong dân gian thời Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ với sự gia công, sáng tạo. Nổi bật trong tập truyện này, ta có thể kể đến "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên". Tác phẩm thể hiện rõ sự ngợi ca và khát vọng công lí của nhân dân trong đời sống, đồng thời lên án xã hội phong kiến đương thời với những kẻ tham lam, tàn bạo.
Câu chuyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn với chiến thắng oanh liệt trước cái xấu, cái ác. Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, Lạng Giang, chàng nổi tiếng trong vùng với "tính cách cương trực, khảng khái". Ở nơi chàng sinh sống có một ngôi đền rất thiêng. Vậy mà vào cuối đời nhà Hồ, khi "quân Ngô sang lấn cướp", "viên Bách hộ họ Thôi tử trận gần đó đã chiếm lấy ngôi đền và làm yêu làm quái trong dân gian". Ngô Tử Văn rất tức giận vì điều này, vì thế, chàng đã quyết định đốt đền. Sau khi về nhà, chàng lên cơn sốt, trong cơn mê man chàng thấy hồn ma tên bại tướng phương Bắc. Mặc cho tên tướng giặc đe dọa, uy hiếp rằng nếu không trả lại ngôi đền Tử Văn sẽ gặp phải tai vạ, chàng vẫn ung dung, bình thản. Thổ Công hiện lên kể lại toàn bộ sự việc mình bị hại cho Tử Văn và những tội ác tên hung thần gây ra. Vì vậy, trước mặt Diêm Vương, chàng đã dũng cảm tố cáo hồn ma viên Bách hộ. Cuối cùng, Tử Văn được Diêm Vương cho sống lại. Sau này, với lời đề bạt của Thổ công, chàng đã nhận chức Phán sự ở đền Tản Viên.
Nguyễn Dữ đã thành công xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với tính cách thẳng thắn, dũng cảm. Hành động đốt đền của chàng có chủ đích, cẩn trọng và không phải là hành động bộc phát. Nó xuất phát từ mục đích tốt đẹp, muốn trừ khử tên tướng giặc để người dân có cuộc sống yên bình. Điều này cho thấy Ngô Tử Văn là một người dũng cảm, Tử Văn tin hành động chính nghĩa của mình sẽ được ông trời ủng hộ. Trước lời đe dọa của tên bại tướng phương Bắc, chàng vẫn tỏ ra điềm tĩnh, tự nhiên "Tử Văn mặc kệ", vẫn cứ "ngồi ngất ngưởng tự nhiên". Chàng đã vạch trần tội ác của tên hung thần và trả lại ngôi đền cho Thổ Công. Một loạt câu thoại đã minh chứng cho điều này: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng", "xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn". Từ nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả muốn đề cao sự nhân nghĩa, dũng cảm của con người. Những đức tính này giúp con người có thể sống vì cộng đồng, vì hạnh phúc nhân dân. Việc Ngô Tử Văn nhận chức Phán sự đền Tản Viên còn thể hiện ước mơ của nhân dân về sự công bằng trong xã hội.
Trái ngược với Tử Văn, viên Bách hộ họ Thôi đại diện cho sự gian xảo. Một tên tướng bại trận lưu vong nơi đất khách mà cướp ngôi đền của Thổ thần để tác oai, tác quái, gây bao phiền nhiễu cho dân lành, hắn còn xảo trá tới mức đút lót, dọa nạt những tên quỷ Dạ Xoa. Tác phẩm còn lên án, tố cáo chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan, chà đạp lên đời sống của người dân. Điều này được thể hiện rõ nhất qua không gian kì ảo ở thế giới âm ti. Nhân vật kì ảo Diêm Vương được khắc họa là một người chính trực, phán xử đúng tội. Khi biết được lũ quỷ sai thông đồng với hồn ma tên hung thần, người đã "sai lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng, bỏ người ấy vào ngục Cửu U". Câu nói của Diêm Vương thể hiện sự răn đe những tên tham quan "Lũ các ngươi chia tòa sở, giữ chức sự, cầm lệnh chí công, làm phép chí công, thưởng thì xứng đáng mà không thiên vị, phạt thì đích xác mà không nghiệt ngã, vậy mà còn có sự dối trá càn bậy như thế; huống chi về đời nhà Hán, nhà Đường buôn quan bán ngục, thì những mối tệ còn nói sao hết được!".
Cốt truyện kịch tính, hấp dẫn, sự đan xen giữa các yếu tố thực và ảo dày đặc cũng làm nên sức hút cho tác phẩm. Yếu tố kì áo có thể kể đến như: nhân vật kì ảo (hồn ma tên tướng giặc, quỷ Dạ Xoa, Diêm Vương, Thổ công), chi tiết kì ảo: Tử Văn chết đi sống lại; chàng nhận chức Phán sự đền Tản Viên. Yếu tố thực trong tác phẩm: địa danh có thật (vùng đất Lạng Giang), thời gian lịch sử (cuối đời nhà Hồ). Ngoài ra, lối kể chuyện lôi cuốn và việc sử dụng ngôi kể thứ ba cũng góp phần giúp người đọc hình dung ra một cách khái quát sự kiện được nhắc tới. Lời bình cuối truyện đã góp phần thể hiện quan niệm của tác giả về kẻ sĩ.
Truyện ngầm phản ánh xã hội phong kiến đương thời nhiều bao nhiêu bất công với người dân thấp cổ bé họng. Qua cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác của Ngô Tử Văn, tác giả đã khẳng định niềm tin về sự chiến thắng của cái thiện. Đồng thời, cũng thể hiện khát vọng công bằng của nhân dân. Truyện đem lại cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống về sự dũng cảm, kiên cường, khảng khái khi đấu tranh với cái xấu, cái ác.