Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói vứt rác bừa bãi

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói vứt rác bừa bãi nằm trong chương trình Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo. Bài viết được VnDoc tổng hợp gồm có dàn ý và 2 bài luận. Mời các bạn cùng theo dõi để có thêm tài liệu học Ngữ văn 10 nhé.

1. Dàn ý thuyết phục người khác từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần thuyết phục: Hiện tượng vứt rác thải ra nơi công cộng.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Thực trạng

Ở những nơi công cộng: bệnh viện, nhà trường, các danh lam thắng cảnh không khó để bắt gặp những rác thải được vứt ngổn ngang bao gồm các loại rác thải từ mềm đến cứng bốc mùi hôi thối và gây ảnh hưởng đến cảnh quan của nơi công cộng đó.

b. Nguyên nhân

Chủ quan: do ý thức của người dân chưa tốt, tiện tay là vứt rác vì nghĩ nơi công cộng không phải là trách nhiệm của bản thân mình.

Khách quan: do lượng thùng rác ở nơi công cộng Việt Nam chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu xả rác vô cùng lớn của người dân khiến cho rác thải vứt bừa bãi.

c. Hậu quả

Lượng rác thải xả ra nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường khi ngày nay ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

Gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người; gây mất mĩ quan.

Việc rác thải xả bừa bãi ở nơi công cộng gây khó khăn cho nhân viên vệ sinh trong việc thu gom và xử lí.

d. Giải pháp

Mỗi con người cần tự giác ý thức phân loại rác thải, bỏ rác vào đúng nơi quy định ở những nơi công cộng.

Mỗi nơi công cộng cần có những biển báo đổ rác thải, bố trí thùng rác hợp lí cũng như có những hình phạt thích đáng với những trường hợp xả rác bừa bãi.

Nhà nước, các cấp quản lí cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa những tác hại của rác thải đồng thời có hình thức xử lí nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề thuyết phục: hiện tượng vứt rác thải bừa bãi ra nơi công cộng đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

2. Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi mẫu 1

Một hiện tượng khá phổ biến và đáng buồn hiện nay là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng. Ngồi bên hồ, dù là hồ đẹp nổi tiếng, người ta cũng tiện tay vứt rác xuống…, vậy bạn có suy nghĩ về hiện tượng này và làm cách nào để ngăn chặn hành vi sai trái này?

Rác thải hay chất thải là bất kể những thứ gì con người vứt đi, không sử dụng nữa và thải ra ngoài môi trường như vỏ lon, túi nilon, bao bì, thức ăn thừa… Có rất nhiều loại rác thải: Rác thải sinh hoạt rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp, rác thải xây dựng, y tế,… chúng ta có thể bắt gặp rác ở bất kì đâu xung quanh môi trường sống. Đây là vấn đề nan giải đối với toàn cầu, không chỉ ở quốc gia nào và hiện tượng vứt rác thải đang ngày càng trở nên phổ biến, ở bất kì đâu ta cũng có thể bắt gặp hiện tượng vứt rác bừa bãi. Ở trường học, học sinh được giáo dục phải vứt rác đúng nơi quy định nhưng vẫn còn một số em ăn xong bánh kẹo, vứt vỏ ngay trên sân trường. Đi đến các cơ quan, công ty, mặc dù đã treo biển Cấm vứt rác nơi công cộng, nhưng vẫn còn thấy mẩu đầu thuốc vứt đầy trên sàn hành lang. Về các khu phố, tiện tay là người ta vứt rác ra đường với quan niệm đổ rác đâu chẳng được, miễn là nhà mình sạch. Những lần tổ chức sự kiện ở quảng trường hay tổ chức lễ hội lớn, sau khi du khách, người tham dự ra về, để lại một bãi rác khổng lồ, thật kinh hoàng. Đặc biệt là những khu du lịch nổi tiếng, dù là bãi biển, dòng sông đẹp đến mấy, công viên đã được quét dọn sạch sẽ đến đâu, nhưng cứ tiện tay là họ ném rác, vứt rác. Chúng ta hẳn không thể quên được dòng sông Tô Lịch, nếu như vài chục năm trở về trước, đây được coi là dòng sông thơ mộng, lãng mạn với dòng nước trong xanh, mát lành thì ngày nay, nó đã trở thành dòng sông chết với thứ nước đặc sánh, đen ngòm, bốc mùi hôi thối, không một loài sinh vật nào có thể sống sót nổi bởi nước thải sinh hoạt của cả thành phố dồn về đây. Rồi những danh thắng như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hoàng thành ở Hà Nội các bãi biển nổi tiếng ở Quảng Ninh, Bình Thuận, Thanh Hóa,… đâu đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh khách du lịch hay người dân ném rác ra đường, làm mất mĩ quan, gây ô nhiễm môi trường.

Việc vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân, không chỉ khiến sức khỏe bị suy giảm, gây nhiều bệnh tật bởi những loại rác khó phân hủy như túi nilon, vỏ nhựa… mà nó còn giảm hình ảnh Việt Nam tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, khiến cho ngành du lịch giảm mạnh, thiệt hại chung về kinh tế. Hơn thế nữa, việc người dân vứt rác bừa bãi sẽ khiến mỗi đơn vị, cơ quan phải tiêu tốn những khoản chi phí lớn để thuê nhân sự dọn dẹp vệ sinh… Ai cũng hiểu vứt rác bừa bãi có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và ném rác không đúng nơi quy định là đang hủy hoại cuộc sống của chính chúng ta. Nhưng nguyên nhân tại sao “ngồi bên hồ, dù là hồ đẹp nổi tiếng, người ta cũng tiện tay vứt rác xuống”?. Trước tiên phải kể đến nguyên nhân khách quan: Nhà nước, địa phương, cơ quan ban ngành chưa có chế tài xử lí đúng đắn, nghiêm khắc những hành vi vi phạm vứt rác bừa bãi, hệ thống thùng rác chưa được đầu tư ở nhiều nơi hoặc bố trí vị trí đặt chưa thích hợp, hệ thống xử lý rác thải chưa được đầu tư hiện đại khiến nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xử lý rác. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người chưa cao, cha mẹ không giáo dục nghiêm khắc con cái, làm gương xấu cho con, một người vứt được thì những người khác cũng có thể vứt được, dần dần tập trung thành bãi rác lớn. Do thái độ sống ích kỉ, nhỏ nhen, không vì lợi ích chung của một số người cá nhân. Vậy đứng trước thực trạng đáng buồn trên, mỗi chúng ta cần tự giác nâng cao nhận thức, ý thức của bản thân trong việc bảo vệ môi trường; lên án, phê phán những hành vi vứt rác bừa bãi, bên cạnh đó tuyên truyền cho gia đình, những người xung quanh cần vứt rác, xử lí rác đúng nơi quy định. Mỗi địa phương, cơ quan cần có những biện pháp phạt thật nặng những hành vi vi phạm, đầu tư những trang thiết bị, công nghệ xử lí rác thải hiện đại thay vì chỉ nghĩ đến những lợi nhuận trước mắt.

Vấn đề vứt rác bừa bãi đang là vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện đại ngày nay và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nguy hại đến sức khỏe, đời sống của con người. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường góp phần xây dựng xã hội văn minh, sạch đẹp, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.

3. Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi mẫu 2

Rác thải hiện nay là một vấn đề rất nhức nhối đối với nước ta nói riêng và toàn thế giới nói chung bởi chúng ta rất hay bắt gặp được những túi rác ở bên đường, trên vỉa hè hay ở trên mặt hồ công cộng. Chính vì thế mà môi trường chúng ta sống ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.

Hiện nay vấn đề xả rác bừa bãi đang trở thành một vấn đề cấp thiết của xã hội khi ở đâu ta cũng bắt gặp những túi rác vứt đầy đường trên vỉa hè. Ở những nơi công cộng thì ý thức của người dân khi vứt rác lại càng thiếu ý thức, cho dù chiếc thùng rác ở cách chỗ họ không xa. Một số những nơi công cộng sau những dịp lễ tết hay hội chợ hay các hoạt động ngoài trời, khi mọi thứ kết thúc thì những nơi đó trở thành những đống rác khổng lồ được vứt tràn lan. Cảnh tượng này thật khủng khiếp. Hay ở công viên, nơi vui chơi giải trí mọi người sau khi ăn uống xong lại tiện tay vứt những bịch nilon xuống đất gây mất mỹ quan của nơi đó.

Những hành động này xuất phát từ ý thức của mỗi người. Môi trường là nơi chúng ta sinh sống thế nhưng lại không có ý thực bảo vệ nó mà làm cho nó ngày càng ô nhiễm bởi chính hành động của mình. Hành động đó là do chúng ta đã quá chủ quan, đã không hiểu biết về tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống của chúng ta. Những hành động xả rác bừa bãi ấy thể hiện sự ích kỷ của mỗi cá nhân, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, không coi trọng sự sạch sẽ của những nơi công cộng.

Chính từ những hành động vô ý thức ấy mà ven đường xuất hiện ngày càng nhiều những đống rác, sông hồ xuất hiện những chiếc bọc nilon nổi trên mặt nước gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống của một số loài sinh vật khác. Những bãi rác khi tồn tại lâu ngày sẽ phân huỷ, bốc mùi hôi thối và sẽ ngấm ngược xuống đất, vào nguồn nước mà chúng ta sử dụng. Những bãi rác tự phát ấy còn là nơi sinh sống của những loài muỗi, loài ruồi gây nên bệnh tả hay loài chuột làm lây lan bệnh hạch. Điều đó đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm. Và hành vi xả rác bừa bãi ấy còn thể hiện sự vô ý thức của con người. Có thể nói rằng việc vứt rác bừa bãi không chỉ là một hành vi không đẹp mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống của con người. đây là một hành động sai trái cần lên án và phê phán để có thể chấm dứt được hiện trạng này,

Mỗi người trong chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi ra đường phố, nơi công cộng. Xã hội ngày càng văn minh hiện đại, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức trước việc làm của mình. Mỗi người có ý thức một chút sẽ tạo nên một cộng đồng biết bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

4. Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi mẫu 3

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rác thải. Mỗi năm, hàng tỷ tấn rác được sinh ra và chúng ta đã vô tình tạo ra một môi trường ô nhiễm và không an toàn cho sức khỏe con người và các loài sinh vật khác trên trái đất. Tuy nhiên, nếu mỗi người trong chúng ta chấp nhận trách nhiệm của mình và thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, chúng ta có thể cùng nhau làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Đầu tiên, chúng ta cần nhận thức rõ rằng hành động vứt rác bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, mà còn gây hại đến môi trường tự nhiên. Rác thải bị vứt bừa bãi có thể gây ra những vấn đề khó khăn và nguy hiểm như mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các loài động vật, đặc biệt là đối với các khu vực nông thôn hoặc đang phát triển.

Thứ hai, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng việc vứt rác bừa bãi là một hành động thiếu văn minh và không đúng nghĩa vụ của chúng ta. Chúng ta đã đóng góp vào tình trạng ô nhiễm môi trường và chúng ta cũng là người có thể giúp đỡ giảm thiểu tình trạng này. Thay vì vứt rác bừa bãi, chúng ta nên học cách sử dụng các phương tiện tái chế và tiết kiệm tài nguyên.

Cuối cùng, chúng ta cần nhận thức rõ rằng việc giữ gìn môi trường sống là trách nhiệm của tất cả mọi người, không chỉ riêng một cá nhân, một tổ chức hay một quốc gia nào.

Nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, hẳn là bạn đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, những hành động vô tình của một số người khiến môi trường trở nên ô nhiễm và đe dọa sức khỏe của con người cũng như các loài sinh vật khác.

Thói quen vứt rác bừa bãi không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến tình trạng đô thị hóa, phá hủy mỹ quan thiên nhiên, làm giảm chất lượng cuộc sống và du lịch, và gây tổn thất cho ngân sách nhà nước.

Với sự tăng trưởng dân số và sự phát triển kinh tế, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Việc vứt rác bừa bãi đã và đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và môi trường sống.

Một số nơi đã triển khai các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo một môi trường sống trong lành hơn. Tuy nhiên, để thành công trong việc giải quyết vấn đề này, chúng ta cần sự hợp tác và đồng thuận của tất cả mọi người.

Vì vậy, tôi khuyến khích bạn hãy bỏ thói quen vứt rác bừa bãi và thay đổi hành động của mình để đóng góp vào việc giữ gìn môi trường sống xung quanh. Bạn có thể bắt đầu bằng việc sắp xếp rác thải của mình và đưa chúng đúng nơi quy định, tham gia các hoạt động xã hội về bảo vệ môi trường, và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về việc bảo vệ môi trường với những người xung quanh.

Chúng ta đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống xung quanh, và chỉ cần một hành động nhỏ từ mỗi người, chúng ta có thể góp phần giải quyết vấn đề.

5. Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi mẫu 4

Sau hàng ngàn năm của cách mạng nông nghiệp và cách mạng công nghiệp mới xảy ra 500 năm trước đây, con người ngày càng chứng tỏ vị trí bá chủ của mình đối với hành tinh. Từ một động vật chỉ đứng giữa chuỗi thức ăn, chúng ta đã tiến bộ lên trên đỉnh chuỗi thức ăn và có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường xung quanh. Trước đây, chúng ta tác động chủ yếu đến động thực vật - nguồn thực phẩm hàng ngày cho chúng ta, nhưng hiện nay, việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cùng với việc sản xuất hàng loạt sản phẩm nhân tạo, đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường trên tất cả các khía cạnh, bao gồm đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. Trong số này, việc xả rác bừa bãi có vẻ như là một hành động tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại có sức ảnh hưởng kinh khủng đến môi trường.

Đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc xả rác bừa bãi không chỉ là hành động vô tình, mà đã trở thành thói quen xấu ăn sâu vào tiềm thức. Người ta có cảm giác rằng việc vứt rác ra môi trường rộng lớn như Trái Đất không đáng kể và không gây tác hại nghiêm trọng. Nhưng họ chẳng quan tâm rác sẽ biến mất bằng cách nào. Đôi khi tôi cảm thấy khó hiểu khi thấy người ta vứt chai nước đã uống hết ra đường, trong khi đó, thùng rác xanh đang chờ sẵn để tiếp nhận. Tôi thấy đáng tiếc là không thể thuyết phục được một bộ phận người dân để chúng không vứt rác bừa bãi. Họ vứt rác ngay sau khi sử dụng, không muốn dành thêm thời gian để đặt rác vào thùng. Tôi khẳng định rác không bẩn, bởi nó chỉ mới rời miệng chúng ta vài giây trước đó, liệu có ai dám so sánh miệng tôi với thùng rác để khuyên nên vứt rác nhanh chóng?

Không chỉ ngoài đường phố hay công viên, đôi khi thùng rác có thể được đặt xa xa. Nhưng có những nơi, chẳng hạn như các quán ăn, thậm chí cả sọt rác đặt ngay dưới bàn ăn, chờ đợi thực khách vứt những thứ dư thừa vào một cách thuận tiện nhất. Nhưng không! Mọi người lại không thích điều đó. Vào cuối ngày làm việc, chúng ta luôn thấy những nhân viên làm thêm phải cúi lưng quét từng vỏ tôm, tờ giấy ăn nhàu nát, xương gà và vỏ ốc được vứt bừa bãi xuống đất. Và còn sọt rác nữa? Thậm chí ngay chủ quán còn muốn bán chúng cho những người thu mua rác để kiếm ít lợi nhuận. Ngoài đường phố, công viên và quán ăn, các vùng đất trống ven sông hay ven biển cũng trở thành nơi vứt rác lý tưởng của nhiều người. Lần này, họ không chỉ vứt vài cái giấy ăn hay vỏ ốc mà họ vứt cả bao bì, túi đựng rác, bất chấp dòng chữ rõ ràng trên biển gỗ "cấm xả rác". Tóm lại, việc xả rác và vứt rác bừa bãi đã trở thành một thói quen khó bỏ, trở thành một hành động tiện tay, thậm chí đôi khi việc vứt rác trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các hàng xóm, khi một người lén lút mang rác qua cổng nhà người khác vào ban đêm chẳng hạn. Đúng không sai khi nói rằng xả rác bừa bãi đã trở thành một "văn hóa" tồi tệ của người Việt Nam.

Có lẽ nguyên nhân chính cho thói quen xả rác bừa bãi đến từ ý thức của mỗi người, không phải bởi họ không biết đọc, không biết nơi đặt thùng rác, mà vì họ không thích, không quen với việc bỏ rác vào thùng, hoặc thấy việc đó quá văn minh, không hợp với phong cách của họ. Ngoài ra, cơ sở vật chất của đất nước ta vẫn chưa hoàn thiện, với số lượng thùng rác phân bố khá ít, phải đi một khoảng cách xa mới tìm được thùng rác. Hơn nữa, có người đi ăn trộm cả thùng rác giữa đêm, không rõ họ đem về nhà để chứa rác hay là đem bán sắt vụn, điều này vẫn là một ẩn số. Cuối cùng, pháp luật của đất nước ta vẫn chưa đủ nghiêm khắc để xử lý những hành vi xả rác bừa bãi, việc đúng nơi quy định hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và đạo đức của từng cá nhân. Do đó, thói quen "văn hóa" bạ đâu vứt đấy vẫn là điều rất phổ biến ở Việt Nam.

Và cái "văn hóa" kinh khủng đó đã mang lại những tác động đáng sợ cho môi trường. Những người vứt rác luôn nghĩ rằng họ chỉ tiện tay vứt một tờ giấy nhỏ, một chai nhựa nhỏ, nhưng họ chẳng bao giờ nghĩ rằng nếu 7 tỷ con người trên thế giới cũng vứt như vậy, tôi chắc chắn rằng chỉ trong một tháng, Trái Đất sẽ không còn chỗ cho chúng ta sống. Vì những đống rác cao như núi đang lấn át mọi nơi, và chúng ta đang thực sự ngồi trên một đống rác.

Chưa kể việc bạn vứt một chiếc túi nylon xuống đất, nó mất tới 500 năm để phân hủy hoàn toàn. Túi nylon hay bất kỳ vật liệu nhựa nào khác tồn tại trong đất cũng làm cản trở sự sống và phát triển của cây xanh. Cây xanh cung cấp oxy cho chúng ta để hít thở, hấp thụ khí carbon dioxide, và chúng ta sẽ chết nếu thiếu oxy. Vậy việc xả rác có phải là việc bạn đang tự giết chết bản thân và cả loài người không?

Không chỉ vậy, lượng rác thải chôn trong đất cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình trồng trọt và sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Những rác thải được xả ra sông, suối, hồ, biển trở thành sát thủ của sinh vật sống dưới nước, bởi chúng ăn nhầm và nước bị ô nhiễm, khiến chúng không thể sống sót khi bị nhiễm độc.

Không chỉ vậy, con người cần phải chịu trách nhiệm cho hậu quả gián tiếp của việc tiêu thụ hải sản được đánh bắt từ nguồn nước ô nhiễm. Việc xả rác không đúng nơi quy định, cạnh bờ sông, bên ngoài khu dân cư sẽ dẫn đến tích tụ rác thải không được xử lý đúng cách. Đây sẽ trở thành một đống phế thải bốc mùi, thu hút ruồi bọ và các loài gặm nhấm như chuột, gây ra bệnh nguy hiểm. Mùi hôi thối sẽ trở thành nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, gây khó chịu khi hít phải. Các khí độc sẽ qua đường hô hấp vào phổi con người, tích tụ và gây ra các bệnh tiềm ẩn hoặc các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi,...

Rác rưởi bị vứt bừa bãi vô tình lọt xuống cống thoát nước sẽ trở thành những đám ùn tắc lớn, gây ngập lụt đường xá mỗi khi mùa mưa đến, khiến giao thông bị trì trệ, ách tắc. Hơn nữa, việc vứt rác bừa bãi khắp nơi còn làm mất mỹ quan của môi trường sống, ảnh hưởng đến ấn tượng của khách du lịch nước ngoài về Việt Nam, gây giảm ấn tượng tốt mà nước ta đã cất công xây dựng với quốc tế.

Việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh còn gây ra tổn thất ngân sách nhà nước, khi phải tiến hành thu gom, xử lý, và vệ sinh sông hồ, thông cống,... Ngoài ra, đây còn là một thói quen xấu, biểu hiện sự kém văn minh, thiếu ý thức của con người. Hành động vứt rác bừa bãi của cha mẹ trở thành tấm gương xấu cho tầng lớp thiếu nhi.

Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng về xả rác bừa bãi của hàng triệu người từ thành thị đến nông thôn, cần tăng cường nhận thức của người dân về hậu quả của hành vi này thông qua các hoạt động tuyên truyền tác động trực tiếp đến lợi ích cá nhân. Mỗi người cần nhận thức rõ rằng hành vi xả rác ngày hôm nay sẽ gây ra những nguy hại nào cho bản thân và tương lai của con cháu. Cần thường xuyên triển khai các khẩu hiệu tuyên truyền tại các khu vực công cộng, nơi có đông người qua lại, đặc biệt là trong các trường học, tổ chức và thông qua phương tiện truyền thông để đưa thông tin đến mọi ngóc ngách đất nước, giúp mọi người tiếp cận và thấu hiểu. Đồng thời, cần tổ chức các chương trình tình nguyện thu gom rác thường xuyên với các chủ đề và khẩu hiệu khác nhau, tập trung vào việc thu gom và dọn dẹp các khu vực bờ biển, bờ sông, khu dân cư, xung quanh trường học, cơ quan... nói chung, làm sạch ở bất kỳ đâu mình sinh sống. Cuối cùng, ngoài việc khuyến khích người dân nhận thức tự giác, nhà nước cũng cần quản lý và thiết lập các quy định, hình thức xử lý như cảnh cáo, răn đe phù hợp để đối phó với các trường hợp xả rác bừa bãi, gây hại cho môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Tóm lại, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một tổ chức hay một quốc gia mà là của toàn nhân loại. Chúng ta cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh để duy trì sức sống cho hành tinh và để con cháu chúng ta được sống trong một môi trường xanh sạch. Hãy ngăn ngừa những vấn đề nguy hại đến từ hành động vô ý thức của chúng ta để đảm bảo một tương lai tươi sáng cho thế hệ sau.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10 CTST

    Xem thêm