Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thái độ sống thờ ơ vô cảm

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thái độ sống thờ ơ vô cảm được VnDoc.com tổng hợp gồm có dàn ý và bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thái độ sống thờ ơ vô cảm. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm tài liệu học Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo nhé.

1. Dàn ý viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thái độ sống thờ ơ vô cảm

1. Mở bài:

- Giới thiệu và nêu vấn đề: “thái độ sống thờ ơ, vô cảm” rất cần được được chúng ta cùng xem xét, bàn luận.

2. Thân Bài:

- Khái niệm về thái độ sống thờ ơ, vô cảm: sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại…

- Biểu hiện của thái độ sống thờ ơ, vô cảm:

+ Hành động ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, thờ ơ trước mọi nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình.

+ Tự cô lập bản thân, tách biệt mình khỏi xã hội với những suy nghĩ tiêu cực, ích kỉ.

- Nguyên nhân của thái độ sống thờ ơ, vô cảm

+ Do bị ngoại cảnh tác động, hoặc bị cái xấu hãm hại nên mất niềm tin vào cuộc sống.

+ Do lối sống thực dụng, hưởng thụ… khiến người ta thấy cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa dẫn đến những cảm xúc đạo đức bị hạn chế thậm chí bị triệt tiêu.

+ Xã hội phát triển, nhiều các loại hình vui chơi giải trí. Nền kinh tế thị trường khiến con người coi trọng vật chất, sống thực dụng hơn.

+ Do phụ huynh nuông chiều con cái… dẫn đến sự ích kỉ,… mất kết nối với xung quanh

+ Nhà trường, xã hội chưa có các biện pháp quản lí, giáo dục thích hợp

- Tác hại của thái độ sống thờ ơ, vô cảm

+ Con người trở thành kẻ ích kỉ, vô trách nhiệm, vô lương tâm, chỉ biết sống cho mình mà không quan tâm đến người thân và những người xung quanh.

+ Không biết cảm thông, chia sẻ, yêu thương với những cảnh ngộ bất hạnh trong cuộc đời.

+ Bị xã hội coi thường, bị mọi người xa lánh.

- Giải pháp để từ bỏ thái độ sống thờ ơ, vô cảm

+ Cần xác định lí tưởng sống, mục đích sống đúng đắn, sống tử tế với người thân và mọi người xung quanh.

+ Mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của bạn đều phải xuất phát từ lòng nhân ái.

+ Hãy làm giàu tâm hồn bằng các tác phẩm văn chương nghệ thuật hoặc tích cực tham gia vào những phong trào, những hoạt động mang ý nghĩa xã hội rộng lớn….

+ Hãy sống đúng với chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội, biết yêu thương đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau…

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề: Thái độ sống thờ ơ, vô cảm là một thái độ xấu và cần được bạn xóa bỏ để phát triển, cải thiện hay thay đổi bản thân. Đừng để lối sống thờ ơ, vô cảm trở thành vật cản con đường của hành trình đến với thành công của bạn.

- Rút ra bài học cho bản thân: Là một người học sinh, bạn nên hiểu đúng về thái độ sống thờ ơ, vô cảm, biết xác định đúng nhiệm vụ học tập và tu dưỡng đạo đức, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Bạn cần chia sẻ những gì mình có thể cho những cuộc đời bất hạnh quanh ta để trái tim và cuộc sống này tràn ngập yêu thương; cố gắng ra sức chống bệnh vô cảm qua việc làm, học tập hằng ngày của bạn … và tuyên truyền giúp đỡ mọi người cùng làm theo.

2. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thái độ sống thờ ơ vô cảm mẫu 1

Xã hội hiện nay đang trên đà phát triển, tồn tại song song với những thời cơ là những khó khăn, thách thức và một trong những khó khăn nhất định trong phát triển đất nước đó là bệnh tật. Ngoài những căn bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người như bệnh tim, bệnh lao phổi, bệnh ung thư..., phải kể đến những bệnh về tinh thần và lối sống của con người như bệnh ích kỷ, bệnh vô cảm... Trong đó, bệnh vô cảm thực sự là một căn bệnh rất nguy hiểm và đáng quan ngại, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân con người và cả xã hội, cần phải ngăn chặn và chữa trị kịp thời.

"Bệnh vô cảm" như một bệnh dịch lây lan trong toàn xã hội và rất nhiều người mắc phải, không nặng thì nhẹ. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời của dân tộc ta. Vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí, nhưng hiện nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Có thể nói thứ "vi rút" nguy hiểm của căn bệnh này đã và đang xâm nhập vào tất cả các tầng lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn có lối sống hiện đại.

Sự phát triển của xã hội ngày nay một mặt mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ cho con người nhưng mặt khác nó lại làm nảy sinh tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn "cái tôi" mà quên mất "cái ta". Tiền bạc, danh vọng, quyền lực... là những cám dỗ khiến con người đam mê đời sống vật chất mà coi nhẹ đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với không ít người, "bệnh vô cảm" bắt nguồn từ tính ích kỉ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc.

"Bệnh vô cảm" có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là sự thờ ơ trước niềm vui hoặc nỗi buồn của những người xung quanh hay thản nhiên trước một câu chuyện buồn trong sách báo hoặc trên phim ảnh. Nhưng đáng sợ hơn cả là thái độ lạnh lùng đến tàn nhẫn trước những đau thương, mất mát của đồng loại như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân của thiên tai bão lụt... Trái tim của những kẻ mắc "bệnh vô cảm" không hề băn khoăn, rung động trước những gì liên quan tới lĩnh vực tinh thần. Họ không hiểu rằng lời mắng nhiếc, nhục mạ của họ sẽ khoét sâu nỗi đau trong lòng một đứa trẻ bất hạnh như thế nào. Một ánh mắt dửng dưng, khỉnh bỉ của họ trước một người khuyết tật sẽ làm tăng thêm mặc cảm và nỗi buồn khó nguôi ngoai.

"Bệnh vô cảm" còn biểu hiện qua thái độ dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường. Không ít kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian, sợ liên lụy tới mình. Ở trường, ở lớp, "bệnh vô cảm" thể hiện qua thái độ thiếu quan tâm đối với các bạn yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Vô cảm còn thể hiện trong cung cách ứng xử lạnh nhạt, thiếu hòa đồng với bạn bè và người thân. Điều đó dẫn tới sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ và ngày càng đẩy kẻ mắc "bệnh vô cảm" vào tình trạng cô độc, héo hắt về mặt tinh thần. Cuộc sống nhạt nhẽo của họ thực ra chỉ là sự tồn tại vô nghĩa mà thôi.

Câu chuyện ngụ ngôn Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại xuất hiện từ thuở xa xưa kể về một anh chàng khi nhà hàng xóm liền vách bị cháy mà vẫn thản nhiên kéo chăn trùm đầu nằm ngủ, còn tặc lưỡi tự nhủ là cháy nhà người khác chứ có phải cháy nhà mình đâu mà sợ! Rốt cuộc, lửa cháy lan sang nhà anh ta, mọi thứ tan thành tro bụi. Lúc đó, anh ta mới tỉnh ngộ, ân hận vò đầu, bứt tai kêu khóc. Thờ ơ, lạnh nhạt đến ích kỉ như thế là tự chuốc họa vào thân.

"Bệnh vô cảm" hiện nay khá phổ biến trong xã hội và biểu hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Một thanh niên không nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt. Một học sinh lớn thấy một em nhỏ té ngã mà không đỡ dậy. Đường bị kẹt mà nhiều người cứ cố tình luồn lách, không biết nhường nhau, vi phạm luật lệ giao thông. Thấy người bị tai nạn mà không giúp đỡ. Quay lưng ngoảnh mặt trước tình cảnh đau thương của đồng bào bị thiên tai, bão lụt, trước số phận bất hạnh của hàng ngàn trẻ thơ mồ côi, người già không nơi nương tựa... Đó là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đến tàn nhẫn. Thái độ ấy rất đáng phê phán và lên án. Nếu không, nó sẽ thành hiện tượng bình thường được xã hội chấp nhận và cứ thế lan rộng mãi như một bệnh dịch nguy hiểm.

Ở mức độ cao hơn, bệnh vô cảm đồng nghĩa với thái độ vô trách nhiệm, gây ra tác hại không nhỏ cho xã hội, cho đất nước. Có thể lấy một vài ví dụ trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế... Đó là những người có chức có quyền kí duyệt những dự án công trình lớn mà không nghĩ tới hậu quả sau mười năm hai mươi năm, người dân trong vùng sẽ sống ra sao. Chỉ vì một mối lợi nhỏ, họ có thể xóa sạch nhiều khu rừng nguyên sinh, biến thành trang trại trồng cà phê... nhưng cà phê chưa thu hoạch được thì lũ đã tràn về, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Chính vì vậy, chúng ta cần chung tay lên án bệnh vô cảm, thói thờ ơ, lạnh nhạt để cái thiện, điều tốt cần được nhân rộng; cái ác, cái xấu phải bị diệt trừ. Khi vấn đề trên nếu thực hiện đồng bộ và triệt để thì tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, đất nước Việt Nam sẽ tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong ước và hi vọng.

3. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thái độ sống thờ ơ vô cảm mẫu 2

Xã hội đang phát triển nhưng gặp khó khăn, bao gồm bệnh tật. Ngoài bệnh về sức khỏe như tim, lao phổi, ung thư, còn có những bệnh tâm lý và lối sống như bệnh ích kỷ và vô cảm. Bệnh vô cảm gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và xã hội, cần ngăn chặn và chữa trị kịp thời.

Bệnh vô cảm lây lan trong xã hội và nhiều người mắc phải. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc trước sự vật, hiện tượng và nỗi đau khổ của người khác. Đây là thái độ tiêu cực, trái ngược với đạo đức nhân ái của dân tộc ta. Vô cảm trở thành căn bệnh trầm kha khó chữa. “Vi rút” của căn bệnh này đã xâm nhập vào tất cả các tầng lớp và lứa tuổi, đặc biệt là ở thành phố lớn.

Sự phát triển của xã hội mang lại cuộc sống vật chất nhưng cũng gây ra tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến “cái tôi” mà quên “cái ta”. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực là những cám dỗ khiến con người coi nhẹ đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với nhiều người, “bệnh vô cảm” bắt nguồn từ tính ích kỉ và nhận thức hạn hẹp.

“Bệnh vô cảm” là một trạng thái tình cảm và tâm lý mà có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu và hành vi khác nhau. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm, sự thờ ơ và thái độ lạnh lùng đến những cảm xúc và nỗi đau của người khác. Khi mắc phải “bệnh vô cảm”, con người không cảm nhận được niềm vui hay nỗi buồn của người khác, không quan tâm đến những câu chuyện buồn trong sách báo hay trên phim ảnh. Hơn nữa, người mắc “bệnh vô cảm” có thể thể hiện sự thờ ơ và tàn nhẫn đến mức đáng sợ trước những đau thương và mất mát của đồng loại như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật và nạn nhân của thiên tai bão lụt.

Trái tim của những người mắc “bệnh vô cảm” trở nên lạnh lùng và không băn khoăn, rung động trước những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tinh thần. Họ không hiểu rằng những lời mắng nhiếc, nhục mạ mà họ giương về một đứa trẻ bất hạnh có thể gây thêm đau đớn và tổn thương. Ánh mắt lạnh lùng, đồng tử của họ trước một người khuyết tật chỉ khiến cho cảm giác tự ti và nỗi buồn không nguôi ngoai trở nên lớn mạnh hơn.

“Bệnh vô cảm” còn thể hiện qua thái độ dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường. Có không ít người vội vã bỏ đi, không quan tâm đến nạn nhân chỉ vì sợ mất thời gian hoặc lo ngại đến chính bản thân mình. Trong không gian học đường, trong lớp học, “bệnh vô cảm” thể hiện qua sự thiếu quan tâm đối với những bạn học yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Sự lạnh nhạt và thiếu hòa đồng trong cách ứng xử của những người mắc “bệnh vô cảm” khiến cho các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo và khiến cho họ càng thêm cảm thấy cô đơn và suy sụp tinh thần. Cuộc sống của những người mắc “bệnh vô cảm” trở nên nhạt nhẽo và vô nghĩa.

Một câu chuyện ngụ ngôn mang tên “Cháy nhà hàng xóm” đã từ thuở xa xưa để lại một bài học đáng suy ngẫm về tình trạng “bệnh vô cảm”. Câu chuyện kể về một người đàn ông khi nhà hàng xóm liền kề bị cháy, nhưng anh ta lại thản nhiên kéo chăn trùm đầu và tiếp tục nằm ngủ. Anh ta tự an ủi rằng cháy nhà chỉ xảy ra với nhà của người khác chứ không phải nhà mình. Kết quả, lửa cháy đã lan sang nhà của anh ta, biến mọi thứ thành tro bụi. Lúc đó, anh ta mới thức tỉnh, hối hận và khóc lóc. Thái độ thờ ơ và lạnh nhạt đến mức ích kỉ của anh ta đã đẩy anh ta vào tình thế đau đớn.

Hiện nay, “bệnh vô cảm” đang trở nên phổ biến trong xã hội và biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chẳng hạn, có những người trẻ không nhường chỗ cho người già trên xe buýt, hoặc học sinh lớn nhìn thấy một em nhỏ ngã nhưng không giúp đỡ. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người không biết nhường đường, vi phạm luật giao thông chỉ vì không muốn mất thời gian. Họ còn quay lưng và không chú ý đến những người gặp tai nạn hoặc đau đớn trong các tình huống thiên tai. Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và tàn nhẫn như vậy đáng phê phán và lên án. Nếu không được đối phó và nhìn nhận đúng vấn đề, “bệnh vô cảm” sẽ trở thành một hiện tượng bình thường được xã hội chấp nhận và lan rộng như một dịch bệnh nguy hiểm.

Bệnh vô cảm là thái độ vô trách nhiệm gây tác hại cho xã hội và quốc gia. Ví dụ, những người có quyền phê duyệt dự án lớn không quan tâm đến hậu quả sau này. Họ có thể phá hủy rừng nguyên sinh để trồng cà phê, nhưng khi cà phê chưa thu hoạch, thiên tai lại xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Để đối phó với bệnh vô cảm, chúng ta cần lên án và chống lại thái độ này. Chúng ta cần tạo ra những chính sách và quy định nghiêm ngặt để kiểm soát và trừng phạt những hành vi vô trách nhiệm. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi người về trách nhiệm và sự chăm sóc đối với môi trường và xã hội.

Bệnh vô cảm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên, mà còn tác động xấu đến cuộc sống của cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Việc thiếu trách nhiệm và không quan tâm đến hậu quả đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn xảy ra trong lĩnh vực giao thông vận tải. Những dự án xây dựng lớn mà không được đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng có thể gây ra sự cố nghiêm trọng và thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài ra, bệnh vô cảm còn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Việc không đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng giáo dục đã ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển của học sinh. Trong lĩnh vực y tế, việc thiếu tài nguyên và không quan tâm đến nhu cầu sức khỏe của người dân đã góp phần vào tình trạng bệnh tật gia tăng và không có sự phục vụ tốt nhất cho cộng đồng.

Vì vậy, việc lên án và chống lại bệnh vô cảm là cần thiết. Chúng ta cần tạo ra những chính sách và quy định nghiêm ngặt để kiểm soát và trừng phạt những hành vi vô trách nhiệm và không quan tâm đến hậu quả. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của trách nhiệm và sự chăm sóc đối với môi trường và xã hội.

Nếu chúng ta cùng nhau đoàn kết và hành động, chắc chắn rằng chúng ta có thể thay đổi tư duy và hành vi của mọi người, từ đó xây dựng một xã hội văn minh, phát triển và bền vững. Đất nước Việt Nam có thể tự hào sánh vai với các cường quốc trên thế giới, thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với những người đi trước đã xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10 CTST

    Xem thêm