TOP 5 Bài Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn SIÊU HAY
Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.
Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn
Dàn ý thuyết minh Ngô Tử Văn
1. Mở bài
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" - câu chuyện kể về người con trai Ngô Tử Văn với nhiều phẩm chất tốt đẹp; đại diện cho cái thiện, dám đứng lên chống lại cái ác.
2. Thân bài
* Lai lịch, tính cách:
- Lai lịch nhân vật Ngô Tử Văn: tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.
- Tính cách: Cương trực, nóng nảy, luôn bất bình trước cái ác.
→ Nguyễn Dữ đã giúp người đọc hình dung đến một con người có thật, mọi người sẽ tin vào tính xác thực của câu chuyện; đồng thời hướng đến hành đồng chính nghĩa của nhân vật Ngô Tử Văn.
* Hành động của nhân vật Ngô Tử Văn
- Nhân vật Ngô Tử Văn được xây dựng là nhân vật có tính cách cương trực, luôn bất bình trước cái ác và cái xấu, hành động của Ngô Tử Văn trong câu chuyện là hành động đốt đền.
- Nguyên nhân: Do Ngô Tử Văn bất bình với tướng giặc họ Thôi, không giúp đỡ dân lành mà còn tác yêu, tác quái trong đền.
- Quá trình đốt đền:
+ Hành động đốt đền là hành động theo tín ngưỡng dân gian là tội báng bổ thần thánh, việc làm không ai dám làm. Nhưng Ngô Tử Văn dám làm.
+ Trước khi đốt, Ngô Tử Văn đã tắm rửa sạch sẽ, khấn vái thần linh, trời đất. Vì vậy hành động đốt đền này xuất phát từ sự cương trực, nghiêm túc, không xúc phạm đến thần linh.
+ Ý nghĩa việc đốt đền: Dám đứng lên chống lại cái ác, ca ngợi hành động chính nghĩa.
*Sự kiện sau khi đốt đền
- Ngô Tử Văn về nhà cảm thấy khó chịu trong người, cơ thể run lên từng đợt. Sau đó, Ngô Tử Văn đã có màn đối thoại với tướng giặc họ Thôi, thổ công và Diêm Vương.
- Đối với tướng giặc: Họ Thôi giả làm cư sĩ đến doạ Tử Văn, đòi xây lại đền. Tử Văn không đáp lại, ngồi ung dung.
→ Ngô Tử Văn là người can đảm, không bị khuất phục.
- Đối với thổ công: Thổ công đã kể lại toàn bộ câu chuyện, dặn dò cách đối phó với tên tướng giặc.
→ Ngô Tử Văn bản lĩnh, đã làm những điều người thường hay thần thánh cũng không dám làm. Ngô Tử Văn đã chống lại những thói xấu, những điều phi lý.
- Đối với Diêm Vương: Khi bị tướng giặc có những lời vu cáo xảo quyệt, lời quát mắng của Diêm Vương nhưng không hề sợ hãi, nao núng. Luôn bình tĩnh đưa ra những bằng chứng thuyết phục để làm rõ hành động của mình là đúng đắn.
→ Cuối cùng Ngô Tử Văn đã được xử thắng kiện, được giao giữ chức phán sử đền Tản Viên. Đây là kết quả xứng đáng cho hành động của Ngô Tử Văn; cái tốt luôn chiến thắng trước cái xấu.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc họa rõ nét nhân vật qua hành động, lời nói. Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật thành công qua những xung đột kịch tính. Sử dụng các chi tiết kì ảo, hoang đường.
3. Kết bài
Cảm nghĩ về nhân vật Ngô Tử Văn
Tham khảo thêm: Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn
Thuyết minh về Ngô Tử Văn mẫu 1
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" - tác phẩm tiêu biểu trong "Truyền kì mạn lục" thể hiện tiêu biểu cho quan điểm, vấn đề nhân sinh quan của nhà văn Nguyễn Dữ. Chuyện kể về Ngô Tử Văn, một con người có tính tình cương trực, dám đứng lên chống lại những điều xấu xa, mong muốn mang lại sự công bằng trong xã hội.
Ngô Tử Văn tên thật là Soạn, người ở huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Ngô Tử Văn vốn nổi tiếng là người có tính khảng khái, cương trực, không bao giờ chịu cúi đầu trước cái ác, sự xấu xa. "Chàng vốn kháng khái, nóng nảy, thấy gian tà thì không thể chịu được".
Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với hình ảnh vô cùng táo bạo qua hành động "không giống ai" và còn được xem là xúc phạm đến thần linh chính là đốt đền. Ngôi đền được mang tiếng là linh thiêng, là nơi ngày ngày người dân đến hương khói để cầu mong sự bình an, hạnh phúc nhưng lại có tên tướng họ Thôi đến tác quái. "Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách họ Thôi, tử trận gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian, có người dốc hết của cải, gia sản khánh kiệt cũng không đủ để cầu cúng".
Ngô Tử Văn vốn tính nóng nảy, trước sự việc không thể chấp nhận được này đã quyết định làm một việc khiến không ít người lo sợ chính là đốt đền, huỷ bỏ đi nơi trú ngụ của tướng giặc họ Thôi.
Chỉ mới nghe tên đốt đền thôi cũng đủ làm nhiều người hoảng sợ. Tuy nhiên, điều này lại không mang tính xúc phạm thần linh do hành động đốt đền của Ngô Tử Văn xuất phát từ tinh thần chính nghĩa, dám đứng lên chống lại cái ác, phá bỏ đi nguy hại cho chính người dân. Trước khi châm lửa đốt, người đọc thấy rõ hành động tắm rửa sạch sẽ, khấn vái trời đất rồi mới đốt. Chính từ hành động này cũng cho thấy Ngô Tử Văn không hề khinh rẻ, phỉ báng thần thánh mà còn một phần nào đó mong trời đất, thần linh chứng giám cho hành động của mình, trừ gian diệt ác.
"Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay, không cần gì cả" Xuất phát là kẻ sĩ nhưng hành động của Tử Văn rất giống với những bậc anh hùng ngày xưa. Dù là một con người nhỏ bé, nhưng vẫn dám đứng lên, hành động mà không lo sợ bất cứ điều gì. Ngô Tử Văn nóng nảy đấy nhưng đó không phải là hành động ngông cuồng, khởi phát mà nó bắt nguồn từ tinh thần nhân nghĩa, hành động để mang đến cuộc sống bình yên hơn cho người dân.
Tinh thần dám đứng lên tiêu diệt cái ác, cái xấu không chỉ được thể hiện qua hành động đốt đền mà còn được Nguyễn Dữ khắc hoạ thông qua cuộc nói chuyện với tướng giặc họ Thôi, đối mặt với Diêm Vương trước những lời vu khống của giặc.
Khi đốt đền về đến nhà, Ngô Tử Văn cảm thấy trong người không khoẻ "chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run". Trong chính lúc này chàng gặp được tướng giặc, giả dạng dưới lớp cư sĩ. Dưới những lời đe doạ, chỉ trích hành động của mình, đòi xây lại đền, "Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên". Sự hững hờ của Ngô Tử Văn trước những lời nói của tướng giặc càng khẳng định thêm ý chí đấu tranh chống lại cái ác đến cùng. Sự nguy hiểm của tính mạng, sự uy quyền của kẻ thù không làm chàng sợ hãi, tin vào hành động mà mình đã làm. Qua đó, nhà văn Nguyễn Dữ cũng thể hiện niềm tin của mình về sự chính nghĩa, bản lĩnh của con người trong những tình huống khó khăn, không hề nao núng trước bất kì sự cám dỗ nào.
Hành động nơi địa phủ của Ngô Tử Văn càng làm rõ hơn tính tình cương trực, ngay thẳng của chàng. Đứng trước Diêm Vương - người có quyền sinh sát trên đời nhưng không hề run sợ: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo rõ chỗ, không nên bắt chết một cách oan uổng". Đối mặt với những lời vu khống từ tướng giặc họ Thôi, Ngô Tử Văn cũng luôn bình tĩnh, khảng khái, đấu tranh đến cùng. Chàng vẫn luôn tin tưởng vào quyết định của mình, dù đã bị bắt đi xuống âm ti địa phủ nhưng chẳng hề sợ hãi.
Ngô Tử Văn không chỉ giúp mình mà còn giúp người. Bị tướng giặc vu oan nhưng luôn tin vào sự thật, tin vào chính nghĩa. "Xin đem giấy đến đền Tản Viên để hỏi hư thực, không có sự thực như thế, tôi lại chịu thêm cái tội nói càn". Ngô Tử Văn chống lại sự phi nghĩa đến cùng, đòi lại sự công bằng.
Chức phán sự ở đền Tản Viên chính là phần thưởng xứng đáng với những công lao của chàng. Hình ảnh chàng Ngô Tử Văn khảng khái, luôn luôn bênh vực cho kẻ yếu cũng là hình ảnh tiêu biểu mà nhà văn Nguyễn Dữ muốn hướng tới. Cái xấu, cái ác luôn thất bại trước hành động tốt đẹp. Đó cũng là bài học về nhân quả, người tốt sẽ gặp lành, kẻ xấu sẽ bị trừng trị.
Bằng những chi tiết kì ảo, hoang đường, tác phẩm được tô thêm phần huyền bí. Nhân vật được xây dựng thành công qua sự xung đột, hành động, lời nói. Nhân vật Ngô Tử Văn đã được xây dựng với bao phẩm chất đáng quý, thể hiện rõ cho khát vọng của tác giả, mong ước về một xã hội tốt đẹp, chính sẽ luôn thắng tà.
Thuyết minh nhân vật Ngô Tử Văn mẫu 2
Nguyễn Dữ là nhà tiểu thuyết truyền kỳ nổi tiếng của Việt Nam thời trung đại và “Truyền kỳ mạn lục” là tác phẩm văn xuôi duy nhất của Việt Nam từ xa xưa được đánh giá là “thiên cổ kỳ bút”. Trong “Truyền kỳ mạn lục” thì “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là một tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc. Truyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn – một anh chàng áo vải, rất dũng cảm và cứng cỏi dám chống lại cái ác, tính cách này được thể hiện qua hành động đốt cháy đền tà, chống cãi yêu quỷ, rửa mối hận cho thần Thổ địa và nhân dân.
Tác phẩm có sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa các yếu tố hư ảo, hoang đường góp phần làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, li kỳ lôi cuốn người đọc.
Qua vài nét giới thiệu ngay từ phần đầu của tác phẩm, người đọc đã hiểu được phần nào về lai lịch và tính cách của Ngô Tử Văn: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái, nóng nẩy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương phương”. Tính cách này càng được khẳng định thông qua câu chuyện đốt đền của nhân vật này. Trong làng có một ngôi đền rất linh ứng, nhưng vì trong chiến tranh có tên Bách họ Thôi tử trận ở gần đền từ đấy làm yêu quái trong dân gian, luôn luôn quấy nhiễu đời sống của dân làng, có người dốc hết của cải, gia sản cũng không đủ để cầu cúng. Tỏ thái độ bất bình trước việc này, Ngô Tử Văn tắm gội chay sạch, khấn trời rồi châm lửa đốt đèn. Trong khi mọi người “lắc đầu lè lưỡi” vì lo sợ cho Tử Văn thì anh “vung tay không cần gì cả”, hành động này của Ngô Tử Văn thể hiện đúng bản chất “nóng nẩy, khẳng khái, thấy sự gian tà thì không thể chịu được” của chàng, mọi người dân trong làng không ai dám làm vậy vì sợ mang vạ vào thân, nhưng chàng thì không, dám thẳng tay trừ hại cho làng mà không sợ gì cả.
Mặc dù sau khi đốt đền, thấy “trong mình khó chịu, đầu chao đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”, nhưng điều này không làm Ngô Tử Văn lo sợ, trong cơn mơ nói chuyện với hồn ma tên tướng giặc đã bị chàng đốt đền, mặc dù đang bị sốt nhưng không bị thế mà sự cứng cỏi, dũng cảm mất đi. Trước lời bịa đặt chàng đốt đền “khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện” nhưng thực chất là giở trò tác oai, tác quái với dân làng, không những thế hắn còn đe dọa “sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ” nhưng Ngô Tử Văn đã thể hiện sự rắn rỏi của mình qua hành động “mặc kệ” và “ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Khi được nghe câu chuyện của Thổ địa bị hồn ma tên tướng giặc cướp đền, gây tai vạ cho dân và chàng nhận được sự hướng dẫn của thần Thổ địa.
Bệnh càng nặng, đến đêm thì chàng bị hai tên quỷ sứ bắt đi. Khi bị hai quỷ dùng gông dài thừng lớn gông trói, Ngô Tử Văn kêu to để thể hiện sự oan uổng của mình: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo rõ cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”. Tính cách ngay thẳng cương trực được thể hiện qua màn đối đáp của Ngô Tử Văn với Diêm Vương và hồn ma tên tướng giặc. Chàng kể rõ tận tình những lời của thần Thổ địa nhưng đã bị hồn ma tên tướng giặc vu oan cho: “Ấy là trước vương phủ mà hắn còn quật cường như thế, mồm năm miệng mười, đơm đặt bịa tạc.
Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu, sợ gì mà hắn không dám làm cho một mớ lửa”, trước những lời đơm đặt của “người đội mũ trụ”, Ngô Tử Văn xin Diêm Vương cho người đến đền Tản Viên để xác minh, điều này đã làm hồn ma tên tướng giặc lo sợ và thay đổi thái độ: “xin đại vương khoan tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi”. Và cuối cùng khi sự thật được phơi bày, thì hồn ma tên tướng giặc bị “lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng” còn Tử Văn với sự dũng cảm của mình được Diêm Vương sai lính đưa về và truyền cho thần Thổ địa chia một nửa phần xôi lợn của người dân cúng tế cho Ngô Tử Văn. Và chàng được thần Thổ địa báo đáp bằng cách tiến cử chàng chức Phán sự ở đền Tản Viên. Tiêu đề “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” cũng từ đây mà ra. Cuối cùng, chàng trai Ngô Tử Văn với tính cách cứng cỏi, dũng cảm của mình đã chiến thắng hồn ma tên tướng giặc, đây cũng là sự chiến thắng của chính nghĩa với sự hiểm ác, gian tà, thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm
Thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” đã đề cao tinh thần khẳng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác, đồng thời thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà. Với các yếu tố kì ảo xen lẫn hiện thực, có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tác phẩm “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” nói riêng và “Truyền kỳ mạn lục” nói chung xứng đáng là “thiên cổ kỳ bút” của dân tộc.
Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn mẫu 3
Chức phán sự ở đền Tản Viên là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất được trích trong tập Truyền kì mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ, thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả Nguyễn Dữ đã thể hiện được niềm tin mạnh mẽ vào những điều thiện trong cuộc sống.
Ngô Tử Văn là nhân vật trung tâm của truyện ngắn Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, ngay trong phần mở đầu của tác phẩm, tác giả Nguyễn Dữ đã giới thiệu khái quát về quê quán cũng như tính cách của nhân vật, đó chính là một con người cương trực, khẳng khái, nóng nảy, thấy điểu gian tà là không chịu được. Qua lời giới thiệu phần mở đầu ta cũng thấy được thái độ của Nguyễn Dữ với nhân vật, đó là sự động viên, thấu hiểu với nhân vật với hành động đốt đền say đó.
Ở nơi mà Ngô Tử Văn sinh sống có một ngôi đền thiêng, nhưng từ khi có tên tướng giặc gian ác chết ở đó đã tác oai, tác quái, gây ra bao nhiêu tai họa cho người dân, vốn là người nóng tính lại ghét điều gian tà nên Ngô Tử Văn đã tức giận, tắm rửa sạch sẽ và châm lửa để đốt đền. Trước thái độ của chàng, rất nhiều người trong làng đều thấy lo lắng, lắc đầu lè lưỡi trước hành vi quá táo bạo của chàng và cũng vì trước nay chưa ai dám mạo phạm đến ngôi đền bị yêu ma chiếm lĩnh ấy.
Ngô Tử Văn đã dám làm việc mà mọi người không dám làm, khi đốt đền cùng với phong thái ung dung, đường hoàng, qua đó khẳng định được những phẩm chất tốt đẹp ở con người này, đó chính là sự chính trực, bản lĩnh hơn người.
Trong quan niệm của dân gian thì việc đốt đền là chuyện mạo phạm đến thần linh, sẽ phải nhận lại những hậu quả không tốt, không phải Ngô Tử Văn không biết điều này mà bởi vì chàng không sợ. Nói như thế không phải Ngô Tử Văn không tin vào thần linh, chàng vẫn tin tưởng và thể hiện thái độ thần kính, thể hiện trước hành động tắm rửa, thắp hương cầu khấn trời phật rồi mới châm lửa đốt đền. Như vậy, Ngô Tử Văn chỉ có những hành động ngông cuồng: đốt đền vì đó là nơi trú ngụ của cái xấu, cái ác.
Việc đốt đền của Ngô Tử Văn không đáng trách mà đáng ca ngợi, hành động của chàng không phải xuất phát từ việc chứng tỏ bản thân mà vì ý muốn tiêu diệt cái ác, bảo vệ cuộc sống của dân lành. Hành động nhìn qua có vẻ nóng nảy, ngông cuồng nhưng lại thể hiện được cốt cách của kẻ sĩ, cũng chính hành động này đã châm ngòi cho mâu thuẫn gay gắt giữa Ngô Tử Văn và tên tướng giặc bại trận.
Có thể nói, nét đặc sắc của tác phẩm này đó chính là việc tạo ra hai nét tính cách hoàn toàn đối nghịch của Ngô Tử Văn và tên tướng bại trận, nếu Ngô Tử Văn cương trực, thẳng thắn bao nhiêu thì tên tướng giặc lại càng ti tiện, đê hèn bấy nhiêu. Tên tướng bại trận họ Thôi là một kẻ xâm lược bại trận, hồn ma lưu lạc nơi đất khách không người cúng tế, với bản tính gian xảo, quỷ quyệt, hắn ta đã cướp ngôi đền thần và có bao nhiêu hành động tác oai tác quái cho dân lành.
Khi Ngô Tử Văn đốt đền, tên tướng bại trận đã yêu cầu Tử Văn xây lại đền, chàng nhất quyết không chịu thì hắn ta đã kiện chàng xuống tận Diêm Vương, qua hành động này ta thấy được tận cùng bản chất ti tiện của hắn, khi sống là một tên giặc cướp nước, chết đi cũng không bỏ được thói cậy mạnh mà hà hiếp dân lành.
Khi xuống dưới địa ngục, trước những lời cáo buộc đầy xảo trá của tên giặc họ Thôi, Ngô Tử Văn vẫn không hề lo lắng, sợ hãi mà vẫn điềm nhiên, không thèm tiếp lời của tướng giặc. Qua hành động này có thể thấy Ngô Tử Văn là một người có bản lĩnh cứng cỏi cùng niềm tin mạnh mẽ vào chính nghĩa, vì vậy mà trước cái ác, chàng đối diện bằng thái độ bình thản, điềm nhiên.
Với những lời cáo buộc mạnh mẽ của hồn ma tướng giặc, Tử Văn chỉ có một mình nhưng chàng không hề run sợ, chàng tin vào sức mạnh của chính nghĩa, hành động ngồi “ngất ngưởng” cũng không phải hành động của một kẻ liều lĩnh bất cần mà là người nắm chắc được chính nghĩa trong tay.
Thái độ tự tin và khí phách hơn người của Ngô Tử Văn được thể hiện rõ nét hơn khi bị tên tướng bại trận lôi xuống tận địa ngục để xét xử. Trước khung cảnh rùng rợn và những lời đe dọa trừng phạt của người dưới âm phủ thì chàng không hề buông xuôi lo lắng mà một mực thanh minh kêu oan và mong được Diêm Vương xét xử công bằng, minh bạch.
Đứng trước Diêm Vương, Tử Văn đã vạch trần bộ mặt xấu xa của tên tướng giặc bằng những lý luận sắc sảo, giọng điệu cứng cỏi mà hắn ta chẳng thể nào chối cãi được. Trước những lí lẽ mà Tử Văn đưa ra, Diêm Vương đã có những phán xử công bằng: trừng phạt thích đáng hồn ma tướng giặc họ Thôi và cho Tử Văn làm chức phán sự ở đền Tản Viên, chịu trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ chính nghĩa, công lý ở trần gian.
Chiến thắng của Tử Văn trước hồn ma tướng giặc không chỉ giúp chàng rửa sạch tội, trừng phạt tên tướng giặc gian ác, trả lại ngôi đền cho Thổ thần mà đây còn là sự thắng lợi của cái thiện với các ác. Thông qua tác phẩm, tác giả Nguyễn Trãi đã thể hiện niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như khẳng định được tinh thần tự tôn của dân tộc.
Có thể thấy, chuyện Chức phán sự đền Tản Viên được kết hợp giữa hai yếu tố kì và ảo, câu chuyện được xây dựng với những tình tiết li kì, hấp dẫn bởi sự xuất hiện của những không gian, nhân vật kì ảo như: địa ngục, Diêm Vương hay người chết đi vẫn có thể sống lại. Tuy nhiên, với cách dẫn dắt câu chuyện đầy tài tình của Nguyễn Dữ ta lại thấy câu chuyện có những khía cạnh rất thực, thể hiện thông qua chi tiết nhà văn nói về quê quán, tính cách, cũng như thời điểm diễn ra sự việc. Chính sự kết hợp giữa kì và ảo đó đã mang đến sự hấp dẫn cho câu chuyện.
Thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả Nguyễn Dữ đã ca ngợi con người với tính cách cứng cỏi, thẳng thắn và giàu tinh thần của dân tộc. Câu chuyện thể hiện được niềm tin mạnh mẽ của tác giả vào công lí, chính nghĩa ở đời, đồng thời ngầm phản ánh xã hội thực tại với biết bao xấu xa, tiêu cực, có thể kể đến như nạn tham nhũng ở quan lại khiến cho sự thực, công lý bị che mờ.
Thuyết minh nhân vật Ngô Tử Văn mẫu 4
Truyền kì mạn lục là một tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, trong cuốn truyền kì này gồm nhiều tác phẩm hay, đặc sắc, đặc điểm chung của các tác phẩm này chính là đều thể hiện được quan điểm, tư tưởng của nhà văn Nguyễn Dữ về các vấn đề xã hội cũng như vấn đề nhân sinh. Một trong những tác phẩm hay nhất, độc đáo nhất của tập truyền kì này, đó chính là tác phẩm “Chức phán sự đền Tản Viên”, tác phẩm xoay quanh nhân vật Ngô Tử Văn, một con người có bản tính nóng nảy song rất cương trực, khẳng khái, dám đốt đền để diệt trừ những cái tà ác. Nhân vật Ngô Tử Văn được nhà văn Nguyễn Dữ xây dựng với nhiều nét đẹp về phẩm chất, thông qua nhân vật này, nhà văn như muốn thể hiện khát vọng về lẽ công bằng trong xã hội phong kiến xưa.
Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn là người có bản tính khẳng khái, cương trực, không chấp nhận được cái gian tà, càng không chịu luồn cúi trước cái ác: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được”. Xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với những đặc điểm này, chính là cách mà Nguyễn Dữ cho nhân vật của mình thực hiện một hành động vô cùng táo bạo mà không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng dám làm, đó là đốt đền. Trong làng vốn có một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, đây cũng là nơi người dân thường xuyên lui tới hương khói để cầu những điều an lành, may mắn cho mình, cho gia đình.
Nhưng từ khi có tên tướng bại trận viên Bách họ Thôi tử trận gần đó, hắn ta đến ngôi đền tác yêu tác quái gây bao nhiêu phiền toái, tai họa cho dân làng: “Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách họ Thôi, tử trận gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian, có người dốc hết của cải, gia sản khánh kiệt cũng không đủ để cầu cúng”. Vốn là người nóng nảy, lại không thể chấp nhận được cái gian ác hoành hành trong nhân gian, Ngô Tử Văn đã có một quyết định liều lĩnh, táo bạo – Đốt đền. Ngô Tử Văn vốn là một kẻ sĩ, một người theo Nho học nên không mấy quan tâm đến những điều huyền diệu của thần linh, của Phật pháp. Nhưng hành động đốt đền của Ngô Tử Văn hoàn toàn không phải là sự coi thường thần linh mà xuất phát từ tấm lòng nhân nghĩa, vì nhân dân mà ra tay trừng trị, diệt trừ cái ác, ngăn chặn nó hoành hành gây đau khổ, phiền toái cho người dân. Theo dõi tác phẩm, ta có thể thấy rất rõ, trước khi châm lửa đốt đền, Ngô Tử Văn đã tắm rửa chay sạch, “khấn trời rồi châm lửa đốt đền”, hành động “khấn trời” của chàng thể hiện sự thành kính với bậc thánh thần và mong trời cao có thể chứng nhận cho tấm lòng trong sạch, cho hành động nhân nghĩa của mình.
Như vậy, ta có thể thấy, Ngô Tử Văn đốt đền hoàn toàn không phải do bản tính nóng nảy, càng không phải hành động ngông cuồng nông nổi, nhất thời. Chàng hoàn toàn ý thức hành động mà mình muốn làm, sẽ làm. Chính vì vậy nên chàng mới cầu khấn, mong nhận được sự chứng giám của trời xanh. Ta cũng thấy, Ngô Tử Văn là người rất cứng cỏi, có trách nhiệm với những quyết định của mình, bởi sau khi đốt đền thì ai nấy cũng lo lắng cho chàng nhưng bản thân chàng lại không hề quan tâm đến những hậu quả mình sẽ phải đón nhận sau hành động đốt đền này: “Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay, không cần gì cả”. Tuy là kẻ sĩ nhưng tính cách ngang tàng, quật cường của Tử Văn không thua gì những bậc quân tử xưa.
Sau khi đốt đền về, Ngô Tử Văn bị lên cơn sốt: “Chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run”. Trong cơn sốt chàng đã gặp tên tướng giặc bại trận họ Thôi. Qua cách ứng xử của Ngô Tử Văn đối với tên tướng giặc, ta còn thấy chàng là một người vô cùng can đảm, tính cách cường ngạnh, đặc biệt là đối với cái ác. Nghe tên tướng bại trận chỉ trích hành động đốt đền, yêu cầu Tử Văn dựng trả đền cũ, nếu không làm theo thì khó tránh khỏi những tai họa. Nhưng Ngô Tử Văn lại tỏ ra vô cùng hờ hững, thậm chí là coi thường đối với viên tướng giặc, chàng không những không làm theo mà còn phớt lờ hắn ta: “Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”.
Qua đây ta thấy Ngô Tử Văn không chỉ khảng khái, can đảm mà còn có một bản lĩnh hơn người. Trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, có thể đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào như vậy, không phải ai cũng bình tĩnh và làm được như chàng. Ngô Tử Văn không những không run sợ trước quyền thế của tên tướng giặc bại trận mà chàng còn rất hiên ngang, trực tiếp bộ lộ thái độ chán ghét, coi thường đối với hắn ta, thậm chí bày tỏ thái độ khiêu khích, sẵn sàng đấu tranh đến cùng với hắn ta. Ta cũng có thể thấy, Ngô Tử Văn không hề hối hận về việc mình đã làm, bởi chàng không thẹn với lương tâm, mục đích của chàng là hoàn toàn chính đáng. Điều này cũng thể hiện niềm tin của nhà văn Nguyễn Dữ về những điều chính nghĩa ở đời. Khi bị ốm run người, chân tay lạnh toát, dù biết đó là sự trừng phạt của tên giặc đối với mình, và mạng sống của mình có thể mất bất cứ lúc nào nhưng Ngô Tử Văn quyết không chịu thỏa hiệp, không chịu đầu hàng trước tên tướng bại trận.Việc xây lại ngôi đền để tên tướng giặc tác oai tác quái càng là điều không thể, dù có phải hi sinh cả mạng sống, ta cũng có thể thấy Ngô Tử Văn cũng không màng. Như vậy ta có thể thấy cái chí khí hơn người, bản lĩnh vững vàng mà khó ai sánh được của chàng.
Khi bị bắt xuống địa ngục, trước mặt Diêm Vương, bản tính khẳng khái, ngay thẳng của Tử Văn thể hiện ngay trong lời nói với Diêm Vương: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo rõ chỗ, không nên bắt chết một cách oan uổng”. Chàng không hề tỏ ra nao núng, sợ hãi, dù ở một nơi đáng sợ như địa ngục, chàng vẫn tin vào hành động của mình, tin rằng hành động ngay thẳng ấy sẽ được Diêm Vương thấu hiểu, minh xét. Trước những lời cáo buộc, vu oan của tên tướng giặc họ Thôi, Ngô Tử Văn không hề buông xuôi, không chấp nhận mà phản kháng đến cùng, đấu tranh đến cùng với hắn.
Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Ngô Tử Văn vẫn vô cùng tỉnh táo để suy xét, để biện hộ cho mình, chàng nhớ tới lời dặn của vị thổ công: “Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin đem giấy đến đền Tản Viên để hỏi hư thực, không có sự thực như thế, tôi lại chịu thêm cái tội nói càn”. Dù bị dồn vào thế bất lợi, nhưng vì lòng tin vào những điều chính nghĩa, tin vào sự minh xét, sáng suốt của Diêm Vương, Ngô Tử Văn đã cố gắng trình bày, đưa ra tất cả những lí lẽ có thể có để minh oan cho hành động chính nghĩa của mình. Đặc biệt, mục đích của chàng ở đây không chỉ là minh oan cho mình mà còn đòi lại lẽ công bằng cho viên thổ địa, cho nhân dân vô tội phải sống lầm than, kiên quyết bắt cái ác phải đền tội, phải quy hàng.
Sau khi đã được minh oan, tên tướng bại trận họ thôi phải chịu những trừng phạt thích đáng, Ngô Tử Văn đã được viên thổ địa đề cử làm chức phán sự ở đền Tản Viên. Đây là một phần thưởng thích đáng cho một con người ngay thẳng, khẳng khái như Ngô Tử Văn. Khi đã làm chức phán sự, chàng không hề tỏ ra kiêu căng, chàng vẫn hòa đồng, thân thiện và tỏ ra kính trọng đối với mọi người như trước đây: “…Tử Văn chỉ ngồi trên xe chắp tay thi lễ chứ không nói một lời nào, rồi thoắt đã cưỡi gió mà đi biến mất”.
“Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên” là một câu chuyện về tấm lòng ngay thẳng, về cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với cái ác, cái xấu xa. Ngô Tử Văn được nhà văn Nguyễn Dữ xây dựng như một người anh hùng với bao phẩm chất đáng quý, đồng thời, đây cũng là nhân vật tư tưởng nhà nhà văn xây dựng để thể hiện khát vọng về lẽ công bằng của mình.
Thuyết minh nhân vật Ngô Tử Văn mẫu 5
Nguyễn Dữ là một nhà văn chuyên viết về tiểu thuyết truyền kì nổi tiếng ở Việt Nam. Đặc Biệt,tác phẩm “truyền kì mạn lục” được đánh giá là “thiên cổ kì bút “. Truyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn, anh chàng áo vải dũng cảm chống lại cái ác và đặc biệt hơn nữa tính cách này được thể hiện qua hành động đốt cháy đền, chống yêu quỷ và rửa mối hận cho thần thổ địa và toàn nhân dân.
Tác phẩm này có sự hòa quyện giữa yếu tố thực và ảo, có tính chất hoang đường góp phần làm cho câu chuyện thêm phần được li kì hấp dẫn nhằm lôi cuốn người đọc.
Ngay từ đầu tác phẩm thì người đọc đã hiểu được phần nào về tích cách của Ngô Tử Văn qua một phần mở đầu giới thiệu đó là: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái, nóng nẩy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương phương”. Tính cách này càng được khẳng định hơn khi thông qua câu chuyện đốt đền, trong làng có một ngôi đền rất linh nghiệm nhưng do trong chiến tranh có một người tử trận họ Thôi tên Bách gần đấy làm yêu quái chuyên đi quấy nhiễu dân lành. Trước sự việc bất bình đó cho nên Ngô Tử Văn đã tắm gội sạch, đốt đèn,khấn trời rồi châm lửa để đốt đền. Trong khi mọi người lè lưỡi vì lo sợ Tử Văn gặp chuyện nhưng mà Tử Văn vẫn thẳng tay trừ hại cho dân mà không hề sợ gì cả.
Sau khi đốt đền thì Tử Văn thấy trong người mình khó chịu đầu chao đảo và chân tay bủn rủn, rồi nổi lên cơn sốt rét nhưng điều này không làm cho Tử văn lo sợ, ở trong mơ Tử Văn còn nói chuyện với cả tên tướng giặc bị chàng đốt đền. Ngô Tử Văn vẫn luôn thể hiện sự rắn rỏi và dũng cảm của mình qua hành động “mặc kệ” cho dù bị tên tướng cướp dọa nạt.
Bệnh ngày càng nặng,khi đêm đến chàng bị hai tên quỷ sứ bắt đi, dùng gông dài trói và sau đó là Ngô Tử Văn kêu oan cho bản thân mình: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo rõ cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”. tính cách ngay thẳng còn được thể hiện qua màn đối đáp giữa Tử Văn và Diêm Vương cùng với hồn ma của tên tướng giặc vu oan cho Tử Văn.
Trước những lời bịa đặt vu oan của tên tướng giặc giành cho mình thì Tử Văn đã xin Diêm Vương cho người đến đền để xác minh điều này, chính việc này đã làm cho tên tướng giặc vô cùng hoang mang lo sợ và thay đổi thái độ nài xin “xin đại vương khoan tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi”. Và cuối cùng thì tên tướng giặc bị chụp lồng sắt vào người, khẩu gỗ thì nhét vào miệng khi sự thật được phơi bày, còn về phần Tử Văn thì được Diêm Vương sai lính đưa về và truyền cho thần thổ địa chia một phần xôi lợn của người dân cúng tế cho Tử Văn, không những thế còn ban cho làm chức phán sự ở đền.
Cuối cùng qua câu chuyện, ở phần cuối thì với sự cứng cỏi và dũng cảm của mình thì Tử Văn đã chiến thắng được tên tướng giặc, giành lại phần thắng, đây cũng là sự chiến thắng giữa chính nghĩa với gian tà hiểm ác. Cuối cùng Ngô tử Văn với tính cách dũng cảm, cứng cỏi đã chiến thắng được tên hồn ma tướng giặc, thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.
Thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, chuyện đã đề cao tính khẳng khái, dám đấu tranh vì công lí,chính nghĩa. Với các yếu tố hiện thực xen lẫn với yếu tố ảo mang một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tác phẩm “Truyền kì mạn lục “ xứng đáng với cái danh thiên cổ kỳ bút của dân tộc.
Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết được tổng hợp gồm có dàn ý và 5 bài văn mẫu thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời giải đáp thắc mắc của các bạn trong thời gian sớm nhất có thể nhé.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm các bài liên quan đến tác phẩm: