Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo trong bài Lính đảo hát tình ca trên đảo
Vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo trong bài Lính đảo hát tình ca trên đảo để bạn đọc cùng tham khảo.
1. Dàn ý phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo
I.Mở bài:
- Giới thiệu về bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo và nhà thơ Trần Đăng Khoa.
- Giới thiệu chung về hình tượng người lính đảo.
II. Thân bài:
Hình tượng người lính đảo hiện lên là những con người không đẹp về ngoại hình nhưng nội tâm của họ lại phong phú, tươi đẹp. Tâm hồn họ tràn đầy sự lạc quan, niềm vui, tinh thần bất khuất.
- Cách xưng hô thân mật: gọi em – xưng anh
- Khổ đầu trong bài thơ được Trần Đăng Khoa miêu tả sự khắc nghiệt về thời tiết nơi quần đảo Trường Sa nhiều nắng gió. Sân khấu dựng lên vô cùng đặc biệt:
Giữa trời biển bao la, đá san hô kê thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
→ Sự thiếu thốn, khó khăn đặc biệt về vật chất nơi đây.
- Họ gọi đùa nhau mấy chàng đầu trọc, lính trọc đầu, lính già lính trẻ đều trọc tếu giống những sư cụ là bà con xa với bụt ốc
→ Chính cuộc sống gian nan, cùng với ngoại hình ấn tượng với đầu trọc lốc không tóc của những người lính đảo, càng làm nổi bật sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất nơi đây, điều kiện sống nguy hiểm.
- Điệp ngữ: “Nào hát lên cho…”
→ Nhấn mạnh vào tiếng hát của những người lính. Họ hát tình ca trên đảo với biết bao tâm trạng và cảm xúc trào dâng
Đến cuối bài, giọng điệu và hình ảnh thơ vẫn sống động, hóm hỉnh và tếu táo mang đậm phong cách thơ Trần Đăng Khoa. Hình ảnh “toàn những đá trọc đầu” khi thủy triều vừa rút như một kết thúc bất ngờ và ám ảnh. Đó là cả một sự quan sát, một phút xuất thần để có những câu thơ hay:
“Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu…”
- Bài thơ được viết theo mạch cảm hứng của một buổi trình diễn âm nhạc, từ khâu chuẩn bị cho đến lúc trình diễn và lời ca được cất lên cao trào.
- Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ gần gũi, giản dị, vô cùng dễ hiểu nhưng cũng không kém phần độc đáo.
- Bài thơ góp một giọng điệu rất riêng, vừa tươi vui, hóm hỉnh nhưng cũng cảm động, sâu lắng về cuộc sống của người lính nơi đảo xa.
III. Kết bài:
Nêu cảm nhận của em về hình tượng người lính đảo.
2. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo mẫu 1
Có lẽ mỗi câu thơ của Trần Đăng Khoa viết về Trường Sa đều chứa chan vị mặn của biển cả bạc trùng, thậm chí có cả máu và nước mắt nhiều thế hệ chiến sĩ hải quân canh trời giữ đảo. Lính đảo hát tình ca trên đảo lại góp một giọng điệu rất riêng, vừa tươi vui, hóm hỉnh nhưng cũng cảm động, sâu lắng về cuộc sống của người lính nơi đảo xa. Nhờ đó, tác phẩm neo vào lòng người sâu sắc, bền chặt suốt mấy chục năm qua.
Khổ đầu trong bài thơ được Trần Đăng Khoa miêu tả sự khắc nghiệt về thời tiết nơi quần đảo Trường Sa nhiều nắng gió. Cái sân khấu dựng lên giữa trời biển bao la ấy phải kỳ công và độc đáo lắm mới chịu nổi cái gió như quăng quật, tấp táp vào mặt con người. Sân khấu kê lên từ đá san hô biển, cánh gà phải dựng bằng tôn, tất cả đều tạm bợ thế thôi, vì không có phông màn nào chịu nổi thông thốc của gió trời biển đảo.
Nhưng sự thú vị nhất lại nằm ở khổ thơ thứ hai. Ở đây có sự đối lập giữa cái khắc nghiệt của thiên nhiên và sự dũng cảm, lạc quan của người lính. Gió rát mặt, “sỏi cát bay như lũ chim hoang”, thủy triều xuống lên liên tục khiến cho đảo cũng thay hình đổi dạng không ngừng. Quả là một vùng đất đầy gian nan, thử thách đối với người lính. Tuy vậy, người lính vẫn hiên ngang, lãng mạn và hào sảng.
Từ “mây nước mở màn”, hình tượng người lính đảo hiện lên thật độc đáo, tếu táo qua hình dáng bên ngoài lẫn vẻ đẹp tâm hồn, nhờ đó đã giúp cho Trần Đăng Khoa có được một giọng thơ hóm hỉnh, bông đùa nhưng tạo được cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc. Cuộc sống trên đảo Trường Sa khắc nghiệt, gian khổ “đến một cái cây cũng không sống được”, thành ra người lính cũng phải chấp nhận để thích nghi với môi trường. Thiếu thốn đủ thứ, trong đó có nước ngọt, vì vậy phần lớn họ phải cạo trọc đầu, thành ra “lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Họ gọi đùa nhau là “sư cụ”, là “bà con xa với bụt ốc”, thế hóa thành vui nhộn vì cảnh tượng “sư cụ hát tình ca” mới đưa duyên và “sóng sánh” làm sao!
Quả vậy, chính cuộc sống gian nan giữa nước trời thăm thẳm ấy, hình tượng người lính Trường Sa hiện lên thật lãng mạn và hào hoa. Họ hát tình ca trên đảo với biết bao tâm trạng và cảm xúc trào dâng: khát khao một tình yêu cháy bỏng, bày tỏ sự nồng nàn và chung thủy thiết tha. Cái giọng tình ca ở đây cũng thật kỳ lạ, cứ “ngang tàng như gió biển” nhưng lời lẽ tình tứ không chê vào đâu được, bồi hồi bỏng cháy “toàn nhớ với thương thôi”. Chính cái giọng phớt đời, tưng tửng lại là chỗ xót xa và lấy nhiều nước mắt của người đọc.
Hóm hỉnh nhất là khổ thơ với các câu hỏi tu từ tự vấn về người yêu của người lính đảo. Họ hát tình ca, yêu đắm say và nhớ thương tha thiết chỉ qua tưởng tượng, thành ra họ hình dung về người yêu của mình cũng có năm bảy đường khác biệt. Các em ở phương nào? Các em cao hay thấp? Xót xa nhất là bóng dáng nào sẽ đến với các anh như một câu hỏi xoáy sâu vào lặng lẽ, vào thăm thẳm ruột gan mong chờ khao khát mỗi khi đêm về trông ra chỉ bốn bề mây nước âm u.
Lãng mạn, hào hoa là thế, nhưng chất lính, sự kiên cường và dấn thân của người lính mới chính là vẻ đẹp cao cả về lòng yêu nước. Hát tình ca để khẳng định tình yêu thủy chung, khẳng định chủ quyền đất nước với biết bao khát vọng bình thường mà tạo hóa ban cho. Nhà thơ không nói hết, nhưng đó là tiếng nói phản kháng chiến tranh, là tiếng nói nhân văn sâu sắc. Cao hơn, hình tượng người lính đứng giữa trời nước bao la bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cho Tổ quốc chính là trách nhiệm lớn lao, thiêng liêng không gì sánh được.
Đến cuối bài, giọng điệu và hình ảnh thơ vẫn sống động, hóm hỉnh và tếu táo mang đậm phong cách thơ Trần Đăng Khoa. Hình ảnh “toàn những đá trọc đầu” khi thủy triều vừa rút như một kết thúc bất ngờ và ám ảnh. Đó là cả một sự quan sát, một phút xuất thần để có những câu thơ hay, ám gợi trong lòng người đọc.
3. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo mẫu 2
Một loạt bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về biển đảo và người lính được bạn đọc hoan nghênh đón nhận như: Tự tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài,... và đây là thi phẩm Lính đảo hát tình ca trên đảo. Bài thơ góp một giọng điệu rất riêng, vừa tươi vui, hóm hỉnh nhưng cũng cảm động, sâu lắng về cuộc sống của người lính nơi đảo xa. Nhờ đó, tác phẩm neo vào lòng người sâu sắc, bền chặt suốt mấy chục năm qua.
Khổ đầu trong bài thơ được Trần Đăng Khoa miêu tả sự khắc nghiệt về thời tiết nơi quần đảo Trường Sa nhiều nắng gió. Cái sân khấu dựng lên giữa trời biển bao la ấy phải kì công và độc đáo lắm mới chịu nổi cái gió như quăng quật, tấp táp vào mặt con người. Sân khấu kê lên từ đá san hô biển, cánh gà phải dựng bằng tôn, tất cả đều tạm bợ thế thôi, vì không có phông màn nào chịu nổi thông thốc của gió trời biển đảo:
Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn máy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa.
Nhưng sự thú vị nhất lại nằm ở khổ thơ thứ hai. Ở đây có sự đối lập giữa cái khắc nghiệt của thiên nhiên và sự dũng cảm, lạc quan của người lính. “Gió rát mặt”, “sỏi cát bay như lũ chim hoang”, thuỷ triều xuống lên liên tục khiến cho đảo cũng thay hình đổi dạng không ngừng. Quả là một vùng đất đầy gian nan, thử thách đối với người lính. Tuy vậy, người lính vẫn hiên ngang, lãng mạn và hào sảng:
Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...
Từ “mây nước mở màn”, hình tượng người lính đảo hiện lên thật độc đáo, tếu táo qua hình dáng bên ngoài lẫn vẻ đẹp tâm hồn, nhờ đó đã giúp cho Trần Đăng Khoa có được một giọng thơ hóm hỉnh, bông đùa nhưng tạo được cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.
Cuộc sống trên đảo Trường Sa khắc nghiệt, gian khổ “đến một cái cây cũng không sống được”, thành ra người lính cũng phải chấp nhận để thích nghỉ với môi trường. Thiếu thốn đủ thứ, trong đó có nước ngọt, vì vậy phần lớn họ phải cạo trọc đầu cho đỡ rít khi không có nước ngọt gội tóc, thành ra “lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Đọc đến đây, hẳn chúng ta không thể quên hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, cũng tếu táo và có vẻ “bặm trợn” khác thường giữa cuộc sống núi rừng miền Tây Bắc khắc nghiệt: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm”:
Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau.
Họ gọi đùa nhau là “sư cụ”, là “bà con xa với bụt ốc”, thế hoá thành vui nhộn vì cảnh tượng “sư cụ hát tình ca” mới đưa duyên và “sóng sánh” làm sao! Quả vậy, chính cuộc sống gian nan giữa nước trời thăm thẳm ấy, hình tượng người lính Trường Sa hiện lên thật lãng mạn và hào hoa. Họ hát tình ca trên đảo với biết bao tâm trạng và cảm xúc trào dâng: Khát khao một tình yêu chảy bỏng, bày tỏ sự nồng nàn và chung thuỷ thiết tha.
Cái giọng tình ca ở đây cũng thật kì lạ, cứ “ngang tàng như gió biển” nhưng lời lẽ tình tứ không chê vào đâu được, bồi hồi bỏng cháy “toàn nhớ với thương thôi”. Có lẽ chính những năm tháng sống cùng đồng đội nơi biển cả bạc trùng, nơi đảo nổi, đảo chìm của Tổ quốc giúp Trần Đăng Khoa có được chất liệu hiện thực chân thật và sâu sắc đến thế. Đọc thơ, người đọc không chỉ hiểu thêm về cuộc sống người lính Trường Sa mà còn để trái tim mình cảm thông và rưng rưng xúc động. Chính cái giọng phớt đời, tưng tửng lại là chỗ xót xa và lấy nhiều nước mắt của người đọc:
Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời...
Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng
Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình.
Hóm hỉnh nhất là khổ thơ với các câu hỏi tu từ tự vấn về người yêu của người lính đảo. Họ hát tình ca, yêu đắm say và nhớ thương tha thiết chỉ qua tưởng tượng, thành ra họ hình dung về người yêu của mình cũng có năm bảy đường khác biệt. “Các em ở phương nào?”, “Các em cao hay thấp?” Xót xa nhất là bóng dáng nào sẽ đến với các anh như một câu hỏi xoáy sâu vào lặng lẽ, vào thăm thẳm ruột gan mong chờ khao khát mỗi khi đêm về trông ra chỉ bốn bề mây nước âm u:
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước.
Lãng mạn, hào hoa là thế, nhưng chất lính, sự kiên cường và dấn thân của người lính mới chính là vẻ đẹp cao cả về lòng yêu nước. Hát tình ca để khẳng định tình yêu thuỷ chung, khẳng định chủ quyền đất nước. Nhà thơ không nói hết, nhưng đó là tiếng nói phản kháng chiến tranh, là tiếng nói nhân văn sâu sắc. Cao hơn, hình tượng người lính đứng giữa trời nước bao la bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cho Tổ quốc chính là trách nhiệm lớn lao, thiêng liêng không gì sánh được:
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngục ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này.
Đến cuối bài, giọng điệu và hình ảnh thơ vẫn sống động, hóm hỉnh và tếu táo mang đậm phong cách thơ Trần Đăng Khoa. Hình ảnh “toàn những đá trọc đầu” khi thuỷ triều vừa rút như một kết thúc bất ngờ và ám ảnh. Đó là cả một sự quan sát, một phút xuất thần để có những câu thơ hay:
Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ô, hoá ra toàn những đá trọc đầu....
4. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo mẫu 3
Nếu nói những con chữ là tinh hoa nghệ thuật thì những thi nhân chính là những nhà nghệ sĩ. Họ dùng con chữ để vẽ ra những bức tranh tuyệt đẹp. Trần Đăng Khoa chính là một nghệ nhân như vậy. Qua bài thơ Lính đảo hát bài ca trên đảo, những cảnh vật, con người xuất hiện lung linh. Vẻ đẹp ấy càng tôn lên được ý nghĩa của việc họ đang làm, của nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ nơi đất đảo. Hình ảnh của những người lính được ông khai thác dưới một góc nhìn vừa thơ mộng, vừa thể hiện được hết sự khó khăn của cuộc sống nơi hải đảo xa xôi.
“Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn…”
Ngay đoạn mở đầu, người đọc đã thấy được hết những cái khắc nghiệt của hải đảo. Nơi đây chỉ thấy nắng và gió, đảo theo dòng nước mà luôn thay đổi hình dáng. Trên nền khung cảnh tưởng chừng như chẳng thấy điểm cuối ấy, chim hoang vẫy cánh làm cảnh vật càng thêm tiêu điều. Mỗi ngày, cuộc sống con người nơi đây đều phải chịu sự vất vả ấy. Nhưng chính do đó, họ dần quen thuộc và bình thản trước những sóng gió ấy. Trên nền cảnh vật xơ xác, sự mãnh liệt và quyết tâm của những người lính làm sáng lên cả bức tranh chỉ toàn gam màu vàng và xanh. Họ lạc quan, cổ vũ nhau tiến bước về phía trước mặc cho sự vất vả vây quanh. Với họ, có lẽ chỉ cần có “chiến hữu” thì chẳng còn khó khăn mà chỉ có niềm vui và những điều thú vị. Hình ảnh so sánh mây nước như một buổi biểu diễn, màn ấy là một sân khấu lơ lửng giữa đất trời. Đó là một cách liên tưởng vô cùng độc đáo và thú vị của tác giả.
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng… rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau
Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang đang sóng sánh
Hóa ra là sư cụ hát tình ca”
Những câu thơ tiếp theo đây vẫn là hình ảnh khắc nghiệt của thiên nhiên vùng hải đảo. Không chỉ gò cát làm hoạt động những người lính khó khăn, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của họ. Những người lính hiện lên với hình ảnh ai nấy đều trọc đầu, kể cả già trẻ đều như nhau. Đó chính là do họ tự cạo hết tóc của mình để tránh dùng nhiều nước trong khi vệ sinh cá nhân. Bởi nơi đây, thứ hiếm hoi và cần tiết kiệm nhất chính là nước ngọt. Quanh đảo đều là nước, nhưng đó đều là nước biển mặn chát không thể sử dụng được. Thứ những người đất liền chúng ta không coi trọng, lại được những con người ở đó quý trọng đến từng giọt nhỏ. Để làm dịu đi bầu không khí nặng nề ấy, tác giả đã sử dụng những ngôn ngữ, hình ảnh hài hước. Đó là câu nói những người lính đầu trọc trông thật “tếu” và đùa vui so sánh họ với hình ảnh “sư cụ”. Sự đoàn kết của những người lính không chỉ còn là đồng chí, họ là những người anh em cùng chung hoạn nạn, là những người như một gia đình. Và cuối đoạn, bài ca ngân lên với giai điệu nhẹ nhàng như sóng biển. Đó chính là sự quyến rũ khi người và vật hòa quyện vào nhau, khi thiên nhiên đàn, biển tấu và con người ngân nga khúc tình ca.
“Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời…
Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước
Nào hát lên cho mấy nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai…
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”
Giọng hát như con người, những người lính cất giọng được miêu tả là ngang tàng,đúng chất những người chiến sĩ. Tuy nhiên giai điệu họ đang ngâm lại là những khúc tình ca lãng mạn toàn nhớ với thương. Lời ca ấy thể hiện sự yêu đời, lạc quan, cũng là niềm khao khát về một tình yêu của những người lính trẻ. Trong đêm ấy, tạm bỏ hết những gánh nặng trên vai, họ cũng chỉ là những chàng trai qua đôi mươi đầy khao khát, mong chờ. Những hình ảnh tiếp theo là sự ao ước về một viễn cảnh hạnh phúc. Rời xa hiện thực, mọi người như chìm vào đó với biển đảo, những sự vật nơi đất biển. Hai câu thơ cuối, “Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này” như một lời tuyên thệ. Họ sẽ vẫn đứng đó để bảo vệ từng tấc đất. Bởi sự hòa bình, một đất nước toàn vẹn cũng là khởi đầu từ sự yên bình nơi hải đảo xa xôi.
“Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu…”
Sau đoạn ngân lên đầy những cảm xúc, tác giả cũng thăng hoa trong những con chữ bay bổng. Bỗng “bàng hoàng” nhìn lại, như có gì kích động tác giả. Hóa ra đó là những “đầu trọc” của đồng đội, như đưa mọi người về lại hiện thực và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, khi đọc đến đây, người đọc lại chẳng cảm nhận được sự khó chịu của những người lính. Họ cam tâm làm tất cả vì Tổ Quốc thân yêu.
Với ngôn ngữ thơ mộc mạc nhưng lại như một bài ca du dương, Trần Đăng Khoa còn sử dụng rất nhiều từ gợi hình để làm người đọc hiểu rõ thêm về cuộc sống và con người ở vùng đảo xa xôi. Đó là những con người vừa dũng cảm, vừa mang trong mình tinh thần và tình yêu tha thiết. Cách trang giấy mà ta vẫn có thể hình dung được những người ấy, đẹp đẽ và nên thơ đến vậy!
Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính đảo trong bài Lính đảo hát tình ca trên đảo vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 Cánh diều tập 2. Mời các bạn cùng tham khảo thêm mục Văn mẫu 10 Cánh diều...