Viết đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bài Tỏ lòng
Viết đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A
- 1. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 1
- 2. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 2
- 3. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 3
- 4. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 4
- 5. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 5
- 6. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 6
- 7. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 7
- 8. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 8
Viết đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bài Tỏ lòng được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu học Ngữ văn 10 nhé.
1. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 1
Hình ảnh "trang nam nhi" trong bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ lão là hình ảnh biểu trưng cho hào khí Đông A dưới thời nhà Trần. Trang nam tử hiện lên vô cùng oai dũng với tư thế cầm ngang ngọn giáo "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu". Người tráng sĩ đã trấn giữ non sông vữa chẵn mấy thu cho thấy tinh thần chiến đấu luôn sục sôi, sẵn sàng bảo vệ đất nước ở mọi thời điểm. Sức mạnh của quân đội nhà Trần vì thế cũng được củng cố và nuôi dưỡng bởi những trang nam tử hào hùng. Người nam nhi tuy trẻ tuổi mà khí phách oai hùng tạo nên khí thế lấn át cả sao trời. Vẻ đẹp của "trang nam nhi" thời Trần còn hiện lên với hoài bão, lí tưởng cao đẹp. Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh sẽ cảm thấy luống thẹn khi lắng tai nghe chuyện Vũ Hầu. Hình ảnh của "trang nam nhi" đã cho ta thấy được hào khí Đông A sục sôi dưới thời nhà Trần.
2. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 2
Trong lịch sử nước nhà, thời đại nhà Trần là một trong những thời đại lịch sử phát triển nhất. Không thể phủ nhận những thành tựu mà quân dân nhà Trần làm cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân sự, kinh tế hay tôn giáo…Nhắc đến nhà Trần là nhắc đến hào khí Đông A. Đặc biệt hào khí ấy không chỉ được nhắc đến trong lịch sử mà nó còn được nhắc đến qua bài thơ Tỏ lòng của vị tướng quân tài ba Phạm Ngũ Lão. Đồng thời qua bài thơ này, nhà thơ cũng muốn thể hiện nỗi “thẹn” của mình. Xưa kia, sinh thời phận làm trai thì phải có công danh và sự nghiệp. Một người nam nhi chân chính là phải có danh với núi sông, có công với đất nước. Chỉ có như thế mới xứng đáng là phận nam tri đầu đội trời chân đạp đất. Cái nợ công danh của nhà thơ vẫn còn trong khi ông đã từng đánh nam dẹp bắc, chặn biết bao nhiêu con đường của giặc đi. Phạm Ngũ Lão – một vị tướng tài ba của nhà Trần thế nhưng ông vẫn khiêm tốn về công danh của mình với vua, với nước. Ông “thẹn” khi nghe chuyện Vũ Hầu bởi vì Vũ Hầu cũng là phận bề tôi như ông. Nhưng Vũ Hầu làm được nhiều việc có công lớn với đất nước với vua hơn. Chính vì thế mà dù Phạm Ngũ Lão tài giỏi và hết lòng vì đất nước nhưng bản thân nhà thơ vẫn không cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm. Theo nhà thơ, có lẽ bấy nhiêu thôi chưa đủ để gọi là công danh với đất nước.Qua đây ta có thể thấy rõ được hào khí Đông A thời nhà Trần và nỗi thẹn của người quân tử, người tướng quân hết lòng ra sinh vào tử vì vua vì nước. Có thể nói hào khí Đông A là yếu tố cơ bản làm nên ba lần chiến thắng giặc nguyên Mông. Đồng thời ta có thể thấy được tấm lòng của vị tướng quân tài ba với đất nước mình. Dẫu có bao nhiêu chiến công hiển hách, Phạm ngũ Lão vẫn thấy chưa đủ để phục vụ cho vua và cho đất nước.
3. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 3
Trong bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão, hình ảnh "trang nam nhi" với hào khí Đông A được miêu tả với vẻ hùng dũng, oai nghiêm. Hình ảnh "trang nam nhi" được đặt trong không gian rộng lớn "non sông" và thời gian dài vô tận "chẵn mấy thu" với tư thế hiên ngang cầm ngọn giáo đã cho thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Hình ảnh, tầm vóc của người tráng sĩ sánh ngang với núi, sông, với tầm vóc hùng vĩ của vũ trụ "Tam quân tì hổ khí thôn ngưu". Mỗi trang nam tử là một người góp phần làm nên sức mạnh quân đội nhà Trần. Những tráng sĩ ấy được ví như loài dũng mãnh, khí thế át cả sao trời. Hình ảnh "trang nam nhi" thời Trần còn gắn liền với hoài bão, lí tưởng cao đẹp. Người nam tử khi chưa trả xong nợ công danh sẽ cảm thấy thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu. "Trang nam nhi" là hình ảnh biểu trưng cho quân đội và hào khí Đông A.
4. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 4
Trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, triều đại để lại nhiều dấu ấn nhất có lẽ là triều Trần. Không những đạt được những thành tựu to lớn về mặt kinh tế, văn hóa mà thời Trần còn lừng lẫy sử sách với chiến thắng của ba lần chống quân Mông - Nguyên. Phải chăng chính những chiến thắng vang dội ấy đã tạo nên một hào khí vô cùng to lớn, mạnh mẽ, chỉ có ở thời Trần mà không phải bất kì một triều đại nào khác của Việt Nam – hào khí Đông A. Hào khí Đông A đã nghiễm nhiên trở thành niềm cảm hứng đi vào không ít tác phẩm thơ ca nổi tiếng vào thời ấy, trong đó có tác phẩm thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão. "Thuật hoài" (hay Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão mang cái hào khí hào hùng của thời đại Đông A - thời đại nhà Trần. Bài thơ toát lên vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, với lý tưởng, nhân cách lớn. Ấy là vẻ đẹp của sức mạnh thời đại, khí thế hùng tráng.
Bài thơ Thuật hoài thể hiện rõ hào khí Đông A thời Trần. Hai câu thơ đầu là tiêu biểu cho sự thể hiện đó:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
Bản dịch:
“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”
Hai câu thơ đầu tiên là bức tranh chân dung của người anh hùng thời đại nhà Trần. “Hoành sóc giang sơn” có nghĩa là cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ đất nước. Hình ảnh người anh hùng cầm ngang ngọn giáo chặn đường quân địch mang vẻ đẹp của vị tráng sĩ mang hào khí anh hùng đang giương ngang ngọn giáo bảo vệ quê hương. Bản dịch đề chữ “Múa giáo” có hơi khiên cưỡng do múa giáo là một tư thế động, chưa thể hiện được hết tính ngang tàng, oai nghiêm, tĩnh mà như động của bản chữ Hán: “Hoành sóc” (cầm ngang ngọn giáo). Cụm từ hoàn mỹ này thể hiện sự chắc chắn, hiên ngang, khí phách của người anh hùng chí lớn. “Giang sơn” là từ chỉ không gian rộng lớn. "Giang sơn" và người anh hùng cùng xuất hiện trong 1 câu thơ, tương phản đối lập với nhau bởi tính ước lệ trong thơ Đường luật: một bên rộng lớn bao la, một bên nhỏ bé mà bất khuất. Sự tương phản này đã nhấn mạnh vẻ đẹp của hình tượng người tráng sĩ. “Kháp kỉ thu”: nghĩa là thời gian đã qua mấy thu. Sự vô tận của không gian thời gian đã làm nổi bật lên hình tượng người anh hùng với sự dẻo dai, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc dù trải qua bao thu. Âm điệu thơ khỏe khoắn, vang vọng hào khí Đông A càng làm khí thơ trở nên hào hùng, cường tráng. Câu thơ đầu tiên đã toát lên vẻ đẹp của người anh hùng hiên ngang, luôn trong tư thế cầm giáo sẵn sàng bảo vệ quê hương.
Câu thơ thứ hai vẽ lên hình ảnh đoàn quân nhà Trần với khí thế át người: Hình ảnh đoàn quân hiện lên thật tráng lệ, hào hùng. Đến câu thứ hai, hình ảnh thơ ở đây được mở rộng ra. Nếu như câu thơ thứ nhất chỉ có người anh hùng thì ở dưới câu thơ thứ hai là hình ảnh của đoàn quân “tam quân” đông đúc. Ba quân ở đây chính là 3 nhánh quân: tiền quân, trung quân, hậu quân của nhà Trần. Phép so sánh “tam quân tì hổ” thể hiện sức mạnh to lớn, ví như mãnh hổ chốn rừng xanh của ba quân nhà Trần thời ấy. Hình ảnh ước lệ “khí thôn ngưu” tượng trưng cho khí thế mạnh mẽ, hùng dũng có thể “nuốt trôi trâu” của đoàn quân. Hoặc có thể hiểu khí thế ấy át cả sao Ngưu trên trời. Khái quát hình ảnh của những chiến binh nhà Trần khi xung trận với khí thế ngút trời, sức mạnh to lớn. Chính bởi đồng lòng cho nên ba quân của nhà Trần mạnh mẽ như hổ báo, khí thế át cả sao Ngưu trên trời. Có thể nói, hai câu thơ đầu đã thành công trong việc thể hiện sự hào hùng, bất khuất của quân đội nhà Trần. Đó chính là sự thể hiện của hào khí Đông A.
Nếu hai câu thơ đầu, nhà thơ thể hiện hào khí Đông A của một thời đại đầy hào hùng thì đến hai câu thơ cuối nhà thơ bày tỏ nỗi “thẹn” của mình:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Bản dịch:
“Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Hai câu cuối bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện khát vọng lập công danh, báo đền Tổ quốc của một đấng nam nhi chân chính thời Trần. Ý chí của người con thời Trần thời bấy giờ là phải lập được công danh mới xứng đáng, mới thỏa chí làm trai. Chỉ có như thế mới xứng đáng là phận nam tri đầu đội trời chân đạp đất. Ý chí này ảnh hưởng từ quan điểm Nho giáo: Thân là nam nhi, phải lập được công danh để xứng đáng với cái chí lớn ở đời. Phạm Ngũ Lão, một vị tướng tài ba của nhà Trần, đã dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp binh nghiệp của nhà Trần nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy đủ và thỏa mãn. Trong tâm tư của ông, lúc nào cũng mang nặng món nợ công danh với đất nước mà cảm thấy “thẹn” khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu. “Thẹn” ở đây là cái thẹn thùng của một cái tâm đầy trong sáng, tâm hồn nhiệt huyết, nhân cách cao cả, nâng tầm vị thế của ông. Hai câu thơ như lời tâm tình của tác giả, như muốn bộc bạch rằng cái nợ công danh của nhà thơ vẫn còn trong khi ông đã từng đánh nam dẹp bắc, chặn biết bao nhiêu con đường của giặc đi.
Qua đây ta có thể thấy rõ được hào khí Đông A thời nhà Trần và nỗi thẹn của người quân tử, người tướng quân hết lòng ra sinh vào tử vì vua vì nước. Có thể nói hào khí Đông A là cốt lõi tinh thần để làm nên ba lần chiến thắng giặc nguyên Mông. Bài thơ đã giúp người ta thấy được tấm lòng của vị tướng quân tài ba với đất nước mình. Dẫu có bao nhiêu chiến công hiển hách, Phạm Ngũ Lão vẫn thấy chưa đủ để phục vụ cho vua và cho đất nước. Bài thơ Tỏ lòng được Phạm Ngũ Lão viết theo thể Đường luật, với cách thể hiện vô cùng súc tích, ngắn gọn nhưng rất cô đọng, hàm súc. "Thuật hoài" toát lên cái hào khí oai thiêng của dân tộc từ một tâm hồn yêu nước sâu sắc. Mỗi khi đọc bài thơ, người con của dân tộc lại thêm một lần được tự hào về một triều đại hào hùng với hào khí bất diệt.
5. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 5
“Trang nam nhi” mà Phạm Ngũ Lão nhắc đến chính là một thể hiện hào khí Đông A thời Trần. Bởi ông cũng là một người dưới thời Trần, thời mà khí thế hào hùng với những con người luôn sôi sục nhiệt huyết, chí lớn trên mọi phương diện đặc biệt trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Những con người oai hùng, hào sảng, phóng khoáng đó, mang trong mình dòng máu của trang nam nhi, luôn theo đuổi giấc mộng lập công danh, đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập và hòa bình của dân tộc. Đó là tấm lòng khi chưa làm gì được cho đất nước thì cảm thấy “thẹn”, làm được rồi thì mong muốn làm được nhiều hơn… Một tấm lòng tận trung, tận nghĩa không bao giờ dừng mang theo hào khí Đông A của cả một triều đại.
6. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 6
“Tỏ lòng” là một tác phẩm văn học đầy cảm xúc của Phạm Ngũ Lão, một tướng quân tài ba của nhà Trần. Trong tác phẩm này, ông đã tạo ra một không gian vũ trụ rộng lớn và bao la, với trung tâm là hình ảnh người tráng sĩ thời Trần cầm ngang một thanh giáo đầy uy nghi, oai phong, hiên ngang và lẫm liệt. Không chỉ đóng vai trò như một biểu tượng của không gian vũ trụ, “ngọn giáo” còn trở thành một thước đo cho độ dài của quãng thời gian mà quân và dân ta đã phải đấu tranh để bảo vệ đất nước. Trong suốt thời kì đó, các chiến sĩ của chúng ta đã đối mặt với những thử thách khó khăn và chống lại những kẻ thù với sự bền bỉ và kiên trì không biết mệt mỏi. Họ đã được nâng lên thành những nhân vật vĩ đại, tương đương với trời đất vô tận, như một cách để ca ngợi tinh thần kháng chiến kiên cường của con người trong thời kì đó.
Những chiến sĩ này đã được đưa lên vị thế như một biểu tượng của sự kiên cường, bền bỉ và sự hy sinh để bảo vệ đất nước. Dù là các chiến sĩ trên mặt trận hay những người dân đang sinh sống tại đất nước, tất cả đều là những tráng sĩ đồng lòng, đồng cam cộng khổ chiến đấu vì tự do và vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tác phẩm này đã thể hiện được sự kiên cường và tinh thần của những người giúp đỡ và bảo vệ đất nước, và là một tác phẩm văn học đáng để đọc và cảm nhận.
7. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 7
Thời đại nhà Trần là một thời kỳ lịch sử quan trọng và phát triển nhất của Việt Nam. Nhà Trần đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong văn hóa, chính trị, quân sự, kinh tế và tôn giáo. Hào khí Đông A thời nhà Trần được thể hiện qua bài thơ “Tỏ lòng” của tướng quân Phạm Ngũ Lão, tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy thẹn về công danh của mình với đất nước. Dù là một vị tướng tài ba của nhà Trần, ông vẫn khiêm tốn và không hài lòng với những gì mình đã làm. Việc làm của Vũ Hầu, một người có nhiều công lớn hơn với đất nước, càng khiến Phạm Ngũ Lão thấy thẹn hơn. Hào khí Đông A đã giúp nhà Trần chiến thắng giặc Mông và thể hiện tấm lòng của vị tướng quân tài ba với đất nước. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu chiến công hiển hách, Phạm Ngũ Lão vẫn thấy chưa đủ để phục vụ cho vua và cho đất nước.
8. Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A mẫu 8
Trong bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão, hình ảnh “trang nam nhi” được sử dụng như một biểu trưng cho hào khí Đông A thời nhà Trần. Trang nam tử trong bài thơ được miêu tả trong tư thế cầm ngang ngọn giáo, “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”, cho thấy sự oai dũng và vẻ đẹp của những người lính nhà Trần. Có thể hiểu rằng những trang nam tử hào hùng đã trở thành những biểu tượng của sức mạnh quân đội nhà Trần. Họ sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ đất nước, luôn sẵn sàng đối mặt với mọi mối nguy hiểm và thử thách.
Ngoài sức mạnh quân đội, hình ảnh “trang nam nhi” còn mang đầy ý nghĩa về hoài bão và lí tưởng. Vẻ đẹp của “trang nam nhi” cũng là một biểu tượng cho sự kiêu hãnh và oai phong của những trang nam tử trong thời Trần. Tuy tuổi trẻ nhưng khí phách oai hùng của những trang nam tử đã tạo nên khí thế lấn át cả sao trời, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Những trang nam tử hào hùng đã củng cố và nuôi dưỡng sức mạnh của quân đội nhà Trần, cũng như làm nên hào khí Đông A thời bấy giờ. Họ là một biểu tượng của lòng yêu nước và sự hy sinh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Việt Nam. Để vinh danh những trang nam tử hào hùng trong lịch sử, chúng ta cần học tập và truyền lại tinh thần của họ, vì đó là di sản quý giá để giữ mãi hào khí Đông A.