Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước
Đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước
- 1. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 1
- 2. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 2
- 3. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 3
- 4. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 4
- 5. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 5
- 6. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 6
Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước được VnDoc.com tổng hợp và gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu học Ngữ văn 10 nhé.
1. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 1
Đất nước là đề tài lớn, xuyên suốt trong lịch sử văn học mà các nhà thơ luôn tìm đến để khai thác. Nguyễn Đình Thi chính là một gương mặt tiêu biểu cho đề tài này, nổi tiếng vời bài thơ Đất nước. Bài thơ đã nói về một đất nước mỗi lúc lại hiện ra với một vẻ mặt mới lấp lánh, đa dạng và hàm chứa một nội dung cụ thể lịch sử. Các câu thơ trong bài có độ dài, ngắn xen kẽ nhau cùng nhịp điệu biến đổi linh hoạt. Ngoài ra, bài có sự kết hợp với những hình ảnh sinh động, biểu cảm, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao tạo cho đoạn thơ như một áng văn hay ca ngợi về tình yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, nhà thơ chú ý diễn tả sâu sắc, tinh tế tiếng nói nội tâm của nhân vật trữ tình. Trong đó có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tưởng.
2. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 2
Từ việc cảm nhận bài thơ Đất nước, ta thấy được nhiều nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ. Tác giả lựa chọn thể thơ tự do, phóng khoáng không bị bó buộc về số chữ trong một câu, số câu trong một bài vừa tạo ra nét độc đáo về hình thức cho bài thơ, vừa là cơ hội để dòng chảy của cảm xúc được phát triển một cách tự nhiên. Bằng việc sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian với đa dạng các thể loại: từ phong tục – tập quán sinh hoạt của nhân dân đến các thể loại của văn học dân gian như ca dao – dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sự tích, …Điều đặc biệt là tác giả sử dụng một cách sáng tạo, không trích dẫn nguyên văn mà chỉ trích một vài từ nhưng người đọc cũng có thể hiểu về thi liệu dân gian ấy. Giọng thơ trữ tình – chính luận, là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người. Bài thơ như một lời ca, lời hát chạm đến trái tim người đọc.
3. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 3
Đến với bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, ta dễ dàng thấy được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Nhà thơ vô cùng khéo léo, uyển chuyển khi thay đổi nhịp thơ và giọng điệu, lúc thì da diết, sâu lắng; lúc thì tràn đầy căm phẫn, uất hận. Ngoài ra, việc sử dụng thành công biện pháp so sánh "Sáng mát trong như sáng tháng năm", điệp từ "đây là" đã góp phần làm nổi bật bức tranh mùa thu và đất nước. Từ đây, tác phẩm giống như lời ca tha thiết yêu thương, dễ dàng chạm đến trái tim con người. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi quả là một con người tài hoa.
-> Câu sử dụng biện pháp so sánh: Từ đây, tác phẩm giống như lời ca tha thiết yêu thương, dễ dàng chạm đến trái tim con người.
4. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 4
Trong bài thơ "Đất nước", tác giả Nguyễn Đình Thi đã có nhiều sáng tạo về hình thức nghệ thuật. Đầu tiên, đó là việc sử dụng hình ảnh thơ giàu sức gợi. Khi nói tới mùa thu Hà Nội, nhà thơ dùng những chi tiết tiêu biểu gắn liền với địa danh này như "sáng chớm lạnh", "hương cốm", "phố dài", "hơi may". Hay viết về đất nước trong chiến tranh, ông khéo léo dựng lên các hình ảnh "cánh đồng quê chảy đầy máu", "bữa cơm chan đầy nước mắt". Ngôn ngữ mộc mạc cũng là yếu tố góp phần tạo nên ấn tượng cho độc giả. Nhờ vậy, mỗi khi đọc tác phẩm, em lại trào dâng nỗi niềm yêu mến, tự hào về Tổ quốc, về truyền thống anh hùng, bất khuất. Những tình cảm cao đẹp ấy giống như dòng suối trong trẻo, mát lành, tưới mát tâm hồn con người.
->Câu sử dụng biện pháp so sánh: Những tình cảm cao đẹp ấy giống như dòng suối trong trẻo, mát lành, tưới mát tâm hồn con người.
5. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 5
Nguyễn Đình Thi giống như một người họa sĩ đại tài khi vẽ nên bức tranh sắc nét về đất nước qua sáng tác "Đất nước". Bằng thể thơ tự do, ngôn ngữ dễ hiểu cùng các biện pháp tu từ điệp ngữ "đây là", liệt kê "trời xanh", "núi rừng", "những cánh đồng",.. nhà thơ đã khắc họa sinh động về hình tượng đất nước. Đất nước hiện lên chân thực trong bức tranh mùa thu cổ kính của Hà Nội, trong không gian rộng lớn của đất trời và trong những năm chiến tranh đau thương, quật cường.
-> Câu sử dụng biện pháp so sánh: Nguyễn Đình Thi giống như một người họa sĩ đại tài khi đã vẽ nên bức tranh sắc nét về đất nước qua sáng tác "Đất nước".
6. Viết đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước mẫu 6
"Đất Nước" là bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Đình Thi. Tác phẩm được viết theo thể thơ tự do với những câu thơ dài, ngắn khác nhau. Vậy nên, nhà thơ có thể thỏa sức sáng tạo và bày tỏ những xúc cảm của mình về đất nước. Không chỉ vậy, với những hình ảnh thơ giàu sức gợi, tác giả đã mang đến cho người đọc những hình dung về mùa thu Hà Nội và hình ảnh quê hương. Mùa thu với "hương cốm", "gió heo may", "nắng lá rơi đầy" đầy thi vị. Viết về đất nước đau thương nhưng anh hùng, tác giả dùng những hình ảnh như "cánh đồng quê chảy máu", "Dây thép gai đâm nát trời chiều", "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất". Chúng đã góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Nhờ tài năng trong việc sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Đình Thi đã mang đến cho người đọc một bài thơ ý nghĩa viết về Tổ quốc thân yêu. Qua đây, người đọc thêm yêu, thêm tự hào về một đất nước anh hùng, bất khuất.