Nghị luận phân tích đánh giá tác phẩm Chiếc lược ngà

Phân tích đánh giá tác phẩm Chiếc lược ngà

Nghị luận phân tích đánh giá tác phẩm Chiếc lược ngà được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm Chiếc lược ngà mẫu 1

Nghệ thuật viết văn nói theo nhà văn Nga Sê-khốp đúng là "nghệ thuật của những chi tiết". Sự lựa chọn chi tiết "đắt giá" có khả năng "nói" được nhiều về tính cách nhân vật, thể hiện tài quan sát, tài kể chuyện của người viết. Trong Chiếc lược ngà người đọc có thể tìm thấy rất nhiều những chi tiết như thế thông qua tình huống truyện độc đáo.

Có hai tình tiết cơ bản tạo nên tình huống truyện trong đoạn trích này. Tình tiết thứ nhất kể người cha đi kháng chiến về thăm nhà sau gần bảy năm đi vắng, não nức được gặp cô con gái bé bỏng – đứa con duy nhất – chưa đầy một tuổi khi anh ra đi, nhưng đến giây phút thiêng liêng mà người cha hằng chờ đợi ấy, bé Thu lại không chịu nhận cha. Để rồi, cuối cùng nhận ra cha mình và biểu lộ tình cảm với cha thì người cha cũng đã hết ngày phép phải ra đi. Tình huống thứ hai là sau khi ông Sáu đi vào khu căn cứ, ông dành tất cả những tình cảm và tình yêu thương, nỗi nhớ bé Thu bằng việc làm chiếc lược ngà tặng con, nhưng khi chưa kịp tặng thì ông đã hi sinh.

Truyện viết về tình cảm cha con, nhưng là tình cảm cha con được thể hiện trong chiến tranh. Người cha là anh Sáu, "thoát li đi kháng chiến từ đầu năm 1946". Con gái anh là bé Thu "đứa con gái đầu lòng – và cũng là đứa con duy nhất của anh", lúc anh đi bé Thu "chưa đầy một tuổi". Biền biệt sáu, bảy năm trời hai cha con không được gặp nhau. Anh Sáu chỉ thấy con qua "tấm ảnh nhỏ". Vì thế, nay được về thăm nhà mấy hôm, "cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh". Và mong muốn tha thiết nhất của anh là được đứa con gọi mình một tiếng "ba". Tình huống truyện thật tự nhiên, hợp lí: còn gì tự nhiên hơn tình cảm cha con; chiến tranh, người cha đi đánh giặc phải xa con; vậy mà cũng thật bất ngờ và không kém phần gay cấn: khi người cha có dịp về thăm con thì đứa con nhất định không chịu gọi cha mặc dù anh cố gắng làm mọi cách. Khoảng thời gian về phép thăm nhà lại chỉ vẻn vẹn gói gọn có ba ngày ngắn ngủi, tạo thêm sự dồn nén cho câu chuyện.

Cái mong ước của người cha được nghe con mình gọi "ba" tưởng đơn giản nhưng mà thực ra lại vô cùng khó khăn. Ngay từ khi mới trông thấy con từ xa, anh Sáu đã không thể kìm được tình cảm của mình: "không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên vội vã bước những bước dài, rồi đứng lại kêu to: "Thu ! Con" anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh". Nhưng, những phản ứng của bé Thu, con anh, lại hoàn toàn trái ngược với những gì anh nghĩ: "nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng". Và khi thấy anh vẫn tiếp tục tiến về phía nó, thì "mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: "Má ! Má!". Những hành động cảm xúc của anh Sáu lẫn bé Thu đều rất đúng với tâm lí của mỗi người, ngẫm kĩ thì khó mà khác được. Đó chính là cái tài của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nguyên cớ của tình huống này là vết thẹo trên mặt người cha – dấu ấn của chiến tranh – đã khiến cho em bé thấy khác với tấm hình ba chụp chung với mẹ mà em vẫn coi. Thế nên, trong mấy ngày ba về phép, Thu đã không chịu gọi ba lấy một tiếng. Ngay cả khi mẹ nó cố tình đặt nó vào những tình huống bắt buộc phải gọi đến ba nó, thì Thu cũng chỉ gọi trống không: "Vô ăn cơm !", "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái", "Cơm sôi rồi, nhão bây giờ". Cả hai cha con thi gan với nhau, không ai chịu ai và những lần này phần thắng thuộc về bé Thu.

Và cao trào của tình huống này là chi tiết trước sự bướng bỉnh của bé Thu, anh Sáu đã không giữ được bình tĩnh "vung tay đánh vào mông nó và hét lên" khi nó hất cái trứng anh gắp cho nó. Bé Thu phản ứng lại bằng cách bỏ sang nhà bà ngoại. Và đến đây, nhà văn đã tạo ra chi tiết để "cởi nút" truyện. Bà ngoại đã giải thích cho bé Thu hiểu về vết thẹo mà ba em có, vi vậy, Thu đã chấp nhận người ba của mình. Thế nhưng, éo le thay, đây cũng là lúc mà anh Sáu phải quay lại căn cứ. Đoạn văn miêu tả cuộc chia tay của hai cha con đã bộc lộ tình yêu thương mãnh liệt của con đối với cha.

Khác với lúc về, lần này anh Sáu cố gắng kìm nén tình cảm của mình, "anh chỉ dám đứng nhìn nó". Bé Thu, sau một ngày ở bên nhà bà ngoại, lúc này đã biết được nhiều điều về ba nó. "Vẻ mặt của nó có gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi, sâu xa". Và cái giây phút bùng nổ tình cảm của bé Thu là giây phút mà Thu gọi ba, không phải là một tiếng gọi thầm mà là một tiếng kêu thét kéo dài.

Tình huống thứ nhất kết thúc, mở ra tình huống thứ hai. Nỗi nhớ con, sự dằn vặt vì đã đánh con khiến anh Sáu ngày đêm làm chiếc lược ngà cho con – đúng theo lời dặn của bé lúc chia tay cha "Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!".

Một buổi chiều, anh Sáu hớt hải chạy từ rừng về như trẻ con bắt được quà, thì ra anh đã tìm được một khúc ngà voi. Sau đó ngày đêm anh lấy vỏ đạn cưa nhỏ khúc ngà voi thành từng miếng nhỏ, tỉ mẩn làm từng chiếc răng lược. Dường như, trong khi làm cây lược từ ngà voi ấy, người cha được đối diện cùng con, tâm sự, trò chuyện với con, vì thế, những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược kì công như "người thợ bạc". Người cha còn cẩn thận khắc lên lược dòng chữ để tặng con gái của mình: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Vậy mà, thật đáng buồn vì anh đã không chờ được đến lúc trao tận tay con gái mình chiếc lược mà anh đã kì công làm cùng với tất cả những yêu thương của cha dành cho con. Giây phút cuối cùng khi chuẩn bị lìa xa cuộc đời, không còn đủ sức để trăn trối điều gì, nhưng tình cha con là không thể chết được, anh đưa cho người bạn chiến đấu của mình cây lược. Đó chính là tâm nguyện cuối cùng của anh, tâm nguyện muốn gửi gắm cây lược để trao nó lại cho bé Thu.

Bằng các tình huống truyện khá bất ngờ, nhưng tự nhiên, hợp lí, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được chủ đề tác phẩm, ca ngợi tình cha con, cao cả thiêng liêng. Chính tình cảm này đã góp phần làm nên sức mạnh cho những người lính nơi chiến trường, và cả cho những người thân nơi hậu phương.

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm Chiếc lược ngà mẫu 2

Nguyễn Quang Sáng (1932 - 2014), là một nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là với những tác phẩm viết về đề tài người lính và chiến tranh. Văn chương của Nguyễn Quang Sáng là một chất giọng nhẹ nhàng, chân thành, trong sáng và cảm động, chính vì vậy ông được mệnh danh là "một trong những con khủng long quý hiếm của nền văn học thời chiến trận mà tác phẩm không có hận thù". Với tác phẩm nổi tiếng nhất của đời mình - Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng không hề cố khơi gợi lên những mối thù hận chiến tranh mà thay vào đó ông tập trung xoáy mạnh vào tình cảm gia đình, tình cảm cha con và những nỗi đau trong cảnh ngộ đầy éo le của những ngày đất nước đau thương.

Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà trước tiên có lẽ cần phải nói đến nỗi đau, nỗi bất hạnh của người lính chiến - anh Sáu. Người đàn ông dường như đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cầm súng chiến đấu suốt hàng chục năm trời, từ những ngày đứa con gái của anh chưa tròn một tuổi. Anh Sáu hy sinh nhiều lắm, chấp nhận rời bỏ quê hương, rời xa vợ con để theo tiếng gọi của Tổ quốc, hy sinh cả sức khỏe, xương máu của mình ở tại chiến trường. Sau nhiều năm chiến đấu cuối cùng anh nhận lại được những gì? Một tấm thân đầy sương gió, một vết sẹo dữ tợn trên mặt và cuối cùng đó là sự xa lánh, kinh sợ của đứa con gái mà thuở bé anh chưa được ẵm bồng con ngày nào. Đứa trẻ ấy, nó chỉ thương người cha ở trong bức ảnh của mẹ, chứ không phải một người đàn ông trung niên có vết sẹo xấu xí, và trong suốt những ngày nghỉ phép ấy, anh Sáu đã phải đối diện với những nỗi đau thực ghê gớm, sự buồn rầu, xót xa, sự nuối tiếc khi đã bỏ lỡ những thời gian ở cạnh đứa con. Rồi cả những cử chỉ ghét bỏ, lạnh lùng của bé Thu dường như đang cứa vào trái tim anh từng nhát, mang đến những nỗi đớn đau day dứt trong tâm hồn. Không chỉ vậy, trước sự hỗn láo của đứa con mà anh chưa dạy dỗ ngày nào, anh đã đánh nó, khiến nó khóc bỏ đi, có lẽ bé Thu đau một thì anh Sáu lại là người đau mười. Rõ ràng bé Thu không có lỗi, anh Sáu lại càng không có lỗi, lỗi là bởi hoàn cảnh trái ngang đã đẩy đưa khiến cho mối quan hệ cha con trở nên căng thẳng. Cho đến khi cha con nhận nhau, giữa một khung cảnh đầy cảm động yêu thương, mà người ta ước chi nó kéo dài được thêm vài giờ nữa thì anh Sáu lại phải vác súng quay trở lại chiến trường, rồi cuối cùng hy sinh tại đó. Anh đã ra đi khi chưa kịp tận tay đưa cho đứa con gái yêu của mình chiếc lược ngà mà anh hứa sẽ tặng nó, ra đi trong những nỗi đau và nuối tiếc dồn nén, cả đối với người ra đi và những người ở lại. Vậy có thể nói rằng, nhân vật anh Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà chính là một trong những đại diện, ví dụ tiêu biểu nhất về câu nói: "Không có hạnh phúc nào cho người lính". Điều đó khiến mỗi chúng ta ngày hôm nay lại càng phải thêm trân trọng những gì mà cha ông đã hy sinh xương máu, tình cảm cá nhân để giành lại, đồng thời có tấm lòng yêu thương, kính trọng với những con người đã ngã xuống về nền độc lập dân tộc cũng như với thân nhân của họ.

Một nhân vật thứ hai nữa trong truyện ngắn ấy là bé Thu, có thể nói rằng cô bé cũng là một trong những nạn nhân gián tiếp của chiến tranh. Bé Thu có hoàn cảnh tội nghiệp, cha ra đi vào chiến trường từ những ngày bé còn chưa biết gì, thiếu thốn tình cảm của cha, lớn lên trong vòng tay của mẹ, của bà vào những năm tháng đất nước nhiều đau thương. Thế nhưng có lẽ trẻ con thời kỳ này trưởng thành sớm, Thu là một cô bé biết suy nghĩ, bé thấu hiểu cho hành động đi chiến đấu của cha, và trong trái tim bé nhỏ của nó không chỉ là những tình cảm yêu thương thắm thiết phụ tử, mà còn là cả tấm lòng ngưỡng mộ về một người lính cách mạng anh hùng. Nhưng chính sự xa cách và những suy nghĩ non dại của Thu đã dẫn đến những bi kịch gia đình, khi mà cô bé một lòng yêu thương trân trọng người đàn ông trẻ tuổi ở trong tấm ảnh, cô bé ấy không thể hiểu được rằng bom đạn có thể lấy đi của người ta tất cả mọi thứ, và để lại trên thân thể những vết sẹo không bao giờ lành. Sự kỳ vọng bao nhiêu về một người cha trẻ trung, sáng láng thì bé Thu lại càng thất vọng và sợ hãi khi thấy một người tự xưng là cha mình, nhưng mặt lại có vết sẹo dữ tợn, bộ dáng phong trần già nua, khác hoàn toàn với những gì bé tưởng tượng. Điều ấy khiến bé Thu thất vọng và căm ghét người đàn ông trước mắt, Thu không chịu nhận ông Sáu là cha, không gọi một tiếng "cha" nào cả, và còn có những hành động hỗn hào, lạnh lùng với ông Sáu. Khi ấy người ta mới thật thấm thía những bi kịch gia đình của người lính, khi xa nhà quá lâu, đến vợ có khi còn quên mặt nói gì đến một đứa bé 8 tuổi chưa từng gặp mặt cha lần nào, chưa từng được ôm hôn hưởng thụ thứ tình cảm phụ tử ấm áp như bé Thu. Thì việc bé Thu giãy nảy, băn khoăn, khó chịu trong lòng khi đối diện với một ông Sáu hoàn toàn khác xa những gì bé biết là hoàn toàn có thể xảy ra và có lẽ nó đã xảy ra trong rất nhiều gia đình của những người lính chiến. Thế mới nói một khi người lính ra đi, họ chỉ có thể mất đi nhiều thứ, chứ chẳng nhận được điều gì ngoài việc đất nước nay mai được hòa bình. Một lý tưởng vĩ đại, đã đựng dựng nên bằng hàng vạn những hy sinh mất mắt mà không phải ai cũng thấu hiểu. Một bi kịch khác trong mối quan hệ giữa cha con bé Thu và của chính bé Thu có lẽ là nỗi niềm hối hận, nuối tiếc muộn màng. Khi cô bé đã hiểu ra mọi chuyện, quyết định quay về nhận cha, thì cũng là lúc anh Sáu phải quay lại chiến trường. Cuộc hội ngộ cha con cảm động chỉ diễn ra trong vài phút giây ngắn ngủi, ông Sáu vẫn chưa bù đắp được gì cho con, còn bé Thu cũng chưa kịp yêu thương ông Sáu như những gì nó hằng tưởng đến. Đó là nỗi đau không chỉ của riêng hai nhân vật mà nó còn là nỗi đau chung của nhiều gia đình trên đất Việt lúc bấy giờ, bao nhiêu tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em, tình vợ chồng nhiều khi chỉ kịp bùng lên một nhoáng rồi đứt đoạn vì những hy sinh mất mát trong chiến tranh, để cho những người ở lại biết bao xót xa, ân hận. Đặc biệt ở trong hoàn cảnh của bé Thu, ngày bé nhận cha cũng là lần cuối cô bé còn được nhìn thấy cha bằng xương bằng thịt, thì lại càng thêm đau đớn. Người con gái ấy kể cả khi lớn lên, có lẽ trong trái tim vẫn luôn âm ỉ đau đớn một nỗi niềm hối hận, khi giờ đây chỉ còn lại duy nhất chiếc lược ngà là kỷ vật người cha tỉ mẩn khắc từng nhát dao để lại cho cô bé.

Nhưng có một điều không thể nào chối cãi được rằng, dù gần gũi thì ít, xa cách thì nhiều thế nhưng tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu là những tình cảm thật thắm thiết và sâu nặng. Khi bản thân ông Sáu cố gắng bù đắp, cố gắng, chăm sóc bé Thu những ngày nghỉ phép, nén nhịn nỗi đau nỗi tức giận trước sự lạnh nhạt của con bé, chỉ mong được con bé thừa nhận. Đến khi ra chiến trường nhiều nguy hiểm gian khó, ông Sáu vẫn nhớ y nguyên những lời dặn dò của bé Thu tỉ mẩn làm cho nó một chiếc lược ngà, làm xong rồi thì luôn đặt trong túi trước ngực, thỉnh thoảng lại lấy ra chải tóc cho chiếc lược thêm bóng bẩy, đẹp đẽ. Có thể nói bao nhiêu yêu thương đều dồn cả vào trong đó. Thì ở bé Thu là những tình cảm ngây thơ trong sáng, tình yêu thương đối với cha hình thành từ tấm ảnh, rồi qua những lời kể của mẹ, của bà, và cuối cùng là khi đã hiểu rõ mọi chuyện, thì con bé trở nên dũng cảm, lập tức quay về nhận cha, vì sợ không được gặp cha nữa. Có thể nhận thấy rằng Thu là một đứa trẻ hiểu chuyện, tuy có cứng đầu, thế nhưng là một đứa trẻ ngoan, sẵn sàng sửa sai khi nhận ra lỗi lầm của mình.

Đến nay chiến tranh dù đã qua đi được hơn nửa thế kỷ nhưng có những nỗi đau, có những câu chuyện vẫn khiến nhiều độc giả phải thấy xúc động và đau đớn cho nhân vật, cuộc đời của những người lính chiến và gia đình của họ. Đặc biệt trong truyện ngắn Chiếc lược ngà thì tình cảm cha con giữa hai nhân vật ông Sáu và bé Thu vừa khiến người ta cảm động lại cũng là một bi kịch đầy xót xa, khiến chúng ta không thể không có nhiều trăn trở suy nghĩ.

Đánh giá bài viết
12 11.415
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10 CD

    Xem thêm