Phân tích khổ thơ thứ ba bài “Lính đảo hát tình ca trên đảo”
Phân tích khổ thơ thứ ba bài “Lính đảo hát tình ca trên đảo”
VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết Phân tích khổ thơ thứ ba bài "Lính đảo hát tình ca trên đảo" -. Đây là tài liệu học tập mới, được VnDoc biên soạn sát với chương trình sách giáo khoa mới nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức. Mời các bạn tham khảo!
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.
“Lính đảo hát tình ca trên đảo” viết về đề tài người lính, in trong tập “Bên cửa sổ máy bay” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nếu ở hai khổ thơ trước, tác giả đã miêu tả sân khấu trình diễn đặc biệt của những người lính thì đến khổ thơ thứ ba, nhà thơ tiếp tục khắc họa sinh động hình ảnh diễn viên cùng khán giả của buổi diễn này:
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu"
Cả diễn viên và khán giả đều là những người lính đảo, hiện lên với chân dung tự họa độc đáo, khác lạ “mấy thằng đầu trọc”, “rặt lính trọc đầu”. Khung cảnh không có lấy một người con gái, đâu đâu cũng chỉ thấy những anh chàng đầu trọc. Các từ láy “lô nhô”, “ngổn ngang” giàu sức gợi hình cùng ngôn ngữ đậm tính khẩu ngữ tự nhiên khiến câu thơ mang giọng điệu bông đùa, dí dỏm. Các chiến sĩ cùng tụ họp ca hát và buông lời trêu đùa, cười tếu táo trước ngoại hình của nhau. Ta cũng từng bắt gặp hình ảnh những người lính không có tóc trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.
Hai bài thơ cùng khắc họa dung mạo người lính nhưng nếu người lính Tây Tiến mang đậm vẻ gai góc, dữ dội thì người chiến sĩ đảo Trường Sa lại có phần hài hước, hóm hỉnh. Câu thơ thứ ba đã lí giải nguyên nhân làm nên sự đặc biệt trong ngoại hình ấy:
“Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”
Tác giả sử dụng điệp từ để đặc tả “đầu trọc” nhưng cũng đủ khắc họa cuộc sống vất vả của những người lính. Thiên nhiên Trường Sa vô cùng khắc nghiệt, điều kiện sống hết sức thiếu thốn. Ở nơi ấy, “Gió rát mặt,Đảo luôn thay hình dạng/ Sỏi cát bay như lũ chim hoang”. Đặc biệt, ở đảo Sơn Ca - nơi nhà thơ gặp các chiến sĩ, không có nguồn nước ngọt như tự nhiên. Các chiến sĩ đành phải cạo tóc, để dành phần nước ngọt quý giá ấy cho những công việc khác. Cách nói “không lẽ đành”, “đều trọc tếu” mang giọng điệu lạc quan, bông đùa nhưng lại khiến người đọc cảm thấy xót xa. Đối với người lính, những gian nan ấy dường như nhẹ tựa lông hồng. Nơi đầu sóng ngọn gió, biết bao thế hệ những người lính đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, dù trải qua muôn ngàn gian khổ nhưng trái tim họ vẫn yêu đời, kiên cường, cứng rắn. Nhà thơ đã kết hợp thể thơ tự do, cách ngắt nhịp linh hoạt với ngôn ngữ giản dị, giọng điệu hóm hỉnh, các từ láy, biện pháp tu từ điệp ngữ một cách tài tình. Từ đó, khổ thơ khắc họa một cách chân thực, xúc động hoàn cảnh sống và chiến đấu gian nan cùng tâm hồn trẻ trung, lạc quan, ngang tàng, mạnh mẽ của những chiến sĩ Trường Sa.
------------------------------------------------------
Hy vọng rằng bài viết trên đã đem đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích. VnDoc rất hân hạnh được đồng hành với thầy cô và các bạn học sinh trong quá trình chinh phục kiến thức. Để đón đọc nhiều bài viết hay, mới lạ trong kho tài liệu của VnDoc, mời bạn đọc truy cập vào những địa chỉ sau: Ngữ Văn lớp 10, Trắc nghiệm văn 10 Cánh diều,Văn mẫu lớp 10 Cánh diều.