Cách phân biệt từ tượng hình và từ tượng thanh
Cách phân biệt từ tượng hình và từ tượng thanh được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Cách phân biệt từ tượng hình và từ tượng thanh
Câu hỏi: Cách phân biệt từ tượng hình và từ tượng thanh
Trả lời:
* Giống nhau: Đều có chức năng gợi hình và mô phỏng âm thanh cụ thể, sinh động như trong cuộc sống nên có giá trị biểu cảm cao. Nó thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự. Phần lớn, từ tượng hình và từ tượng thanh là những từ láy. Mỗi khi xuất hiện trong thơ, nó khiến cho thơ giàu hình tượng, cảm xúc thơ ấn tượng, thi vị, gần gũi với âm nhạc.
* Khác nhau:
- Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.
- Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.
1. Từ tượng thanh
Là những từ mô phỏng âm thanh của thiên nhiên, động vật và con người. Phần lớn từ tượng thanh là từ láy.
– Ví dụ:
+ Âm thanh tiếng mưa sử dụng từ tượng thanh như: rào trào, ầm ầm, lộp độp, tí tách.
+ Mô tả âm thanh của tiếng gió như: xào xạc, lao xao…
+ Âm thanh con người: Tiếng cười: hi hi, ha ha, khanh khách, hắc hắc, khúc khích…
+ Âm thanh thiên nhiên như: Tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót ríu rít, tiếng vịt kêu cạp cạp…
+ Tiếng người cười: ha hả, hà hà, khúc khích, sằng sặc, hô hố, khà khà, hềnh hệch, ngặt nghẽo, rúc rích, sặc sụa,...
+Tiếng nước chảy: ồng ộc, róc rách, tồ tồ, ồ ồ, rào rào,...
+ Tiếng gió thổi: ào ào, xào xạc, vi vu, rì rào, vu vu, vi vút,...
+ Tiếng chim kêu: chiêm chiếp, líu lo, ríu rít, quang quác, thánh thót,...
+ Tiếng chân người đi: thình thịch, bành bạch, lạch bạch, lệt sệt, loẹt quẹt,...
2. Từ tượng hình
Là những từ gợi tả được hình dáng, ngoại hình hay vẻ bề ngoài của người, của vật. Phần lớn từ tượng hình là từ láy.
– Ví dụ:
+ Từ tượng hình gợi tả vóc dáng như mũm mĩm, gầy gầy, cao lênh khênh, ục ịch… lom khom, thướt tha, bệ vệ, đủng đỉnh; lặc lè, lòng khòng, lừ đừ, thất thểu, tập tễnh,...
+ Mô tả vẻ bề ngoài của vật: lực lưỡng, be bé, gầy gầy, cao co, lè tè, chót vót, ngoằn ngoèo, thăm thẳm, mênh mông, nhấp nhô, khấp khểnh, phập phồng, mấp mô,...
+ Gợi tả màu sắc: chon chót, bềnh bệch, sặc sỡ, loè loẹt, chói chang,...
3. Tác dụng của từ tượng hình, tượng thanh
- Làm tăng tính biểu cảm, biểu đạt của ngôn ngữ và làm miêu tả trở nên cụ thể và sinh động hơn. Vì đa số từ tượng thanh, tượng hình đều là từ láy
- Giúp khả năng miêu tả, diễn tả cảnh vật, con người, thiên nhiên chi tiết, thực tế và đa dạng.
- Lưu ý đa số từ tượng thanh, tượng hình là từ láy, nhưng tất cả từ láy đều không phải là tượng thanh hoặc tượng hình. Đôi khi 2 loại từ này có thể không là từ láy.
- Không nên quá lạm dụng 2 loại từ này vì sẽ ảnh hưởng đến nội dung, nghệ thuật tác phẩm.
=> Tóm lại: Từ tượng hình và từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh rất cụ thể, sinh động, đa dạng, nhiều màu vẻ. Do đó, nó có giá trị miêu tả, giá trị biểu cảm cao. Khi được sử dụng trong văn miêu tả và tự sự, từ tượng hình và từ tượng thanh góp phần làm cho cảnh vật, con người hiện ra tự nhiên, sống động với nhiều dáng vẻ, cử chỉ, âm thanh, màu sắc và tâm trạng khác nhau. Từ tượng hình và từ tượng thanh là lớp từ có vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn chương.
4. Đoạn văn ví dụ có sử dụng từ tượng hình, tượng thanh
Ông mặt trời tỏa nắng chói chang, làm không khí thật oi ả bỗng nhiên mây đen kéo đến, trời nổi giông làm cho lá rụng lả tả, bụi bay mù mịt. Những đám mây lớn, nặng bao phủ cả bầu trời. Cơn gió lành lạnh thổi qua mang theo vài hạt mưa. Mưa mau dần, lẹt đẹt, xiên xẹo theo gió, hạt mưa rào rào bắn xuống lòng đường trắng xóa. Nước chảy lênh láng, chỉ ít phút đường bây giờ đã toàn là nước. Cành cây nghiêng ngả theo gió, cành to thì sà vào dây điện. Mọi người kéo nhau dạt vào hai bên đường người thì trú lại, người thì mặc áo mưa đi tiếp. Trên vỉa hè mỗi lúc một đông. Mọi người xúm xít vào với nhau để cho người khác trú.
=> Từ tượng hình: chói chang, lả tả, mù mịt, xiên xẹo, xúm xít, lênh láng
=> Từ tượng thanh: lẹt đẹt, rào rào,...
-----------------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Cách phân biệt từ tượng hình và từ tượng thanh. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé