Biện pháp tu từ trong bài Chợ Tết
Biện pháp tu từ trong bài Chợ Tết được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Biện pháp tu từ trong bài Chợ Tết
Câu hỏi: Biện pháp tu từ trong bài Chợ tết
Lời giải:
Biện pháp tu từ trong Chợ tết là:
- So sánh: Sương trắng so sánh với giọt sữa. Hiệu quả:
+ Tạo sự sinh động cho hình ảnh.
+ Nhấn mạnh dáng vẻ, sự ngọt ngào, thơm mát, tinh khiết… của giọt sương ban mai.
- Nhân hóa: Tia nắng “nháy”, “núi uốn mình”, trong chiếc “áo the xanh”, “đồi thoa son” –“nằm”: Cảnh vật vô tri trở nên sống động như con người: tia nắng như đứa trẻ tinh nghịch, reo vui, núi đồi như cô thiếu nữ đang trang điểm, làm duyên, làm dáng muốn hoà vào dòng người đi chợ tết.
- Ẩn dụ: “chiếc áo the xanh”: ngầm thể hiện sắc màu của cỏ cây hoa lá mọc trên núi, gợi sức sống tràn trề của mùa xuân.
=> Các biện pháp nghệ thuật đã tạo nên bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ đầy sức sống của thiên nhiên, gợi được cả cái náo nức, vui vẻ của thiên nhiên trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp. Đoạn thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ…
1. Lời thơ bài Chợ tết
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
2. Cảm nghĩ của em về đoạn thơ Chợ tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ
- Ngày nay có hội chợ; ngày xưa dân gian có chợ Tết. Chợ Tết thường họp vào những ngày cuối năm. Chợ Tết đông vui, nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Đi chợ Tết để bán hàng, để mua sắm. Cũng có người, nhất là trẻ con đi chợ Tết để vui chơi.
- Bài thơ "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ là một kiệt tác văn chương, vừa đẹp vừa vui. Đọc "Chợ Tết" ta tưởng như được sống lại không khí hội hè dân gian hàng trăm năm về trước. Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ; đây là phần đầu bài thơ "Chợ Tết":
"Dải mây trắng... ra vào đầy cổng chợ".
- Những câu thơ mở đầu gợi tả một sáng tinh mơ nơi làng quê trong ánh bình minh. Dải mây trắng trên đỉnh núi "đỏ dần" lên. Những giọt sương mai như viên ngọc "hồng lam" được nhân hóa, đang "ôm ấp" nóc nhà gianh nơi thôn ấp.
- Những con đường quê "viền trắng" uốn lượn mép đồi xanh. Đỉnh núi, đồi xanh, nóc nhà gianh, con đường, dải mây trắng, giọt sương hồng lam... tất cả đều ửng sáng, trông rất đẹp mắt. Nghệ thuật phối sắc của nhà thơ thật tài hoa:
"Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh"
- Trên con đường uốn mình, mềm mại như dải lụa ấy, có biết bao nhiêu con người, già trẻ gái trai từ các thôn ấp "kéo hàng" nối đuôi nhau đi chợ Tết với niềm vui náo nức. Cảnh đi chợ Tết "tưng bừng" đông vui như đi hội:
"Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc"
- Mỗi người đi chợ Tết đều có một dáng vẻ riêng. Đoàn Văn Cừ đã làm hiện lên trước mắt chúng ta những con người hiền lành, giản dị, đáng yêu bằng bao nét vẽ có hồn, rất sinh động. Mặc áo đỏ, áo mới, áo đẹp là những thằng cu "chạy lon xon" mừng vui tíu tít. Là vài cụ già, tay chống gậy, lung còng "bước lom khom" chậm rãi. Là cô thôn nữ xinh tươi với chiếc yếm thắm, duyên dáng và kín đáo "che môi cười lặng lẽ". Là những em bé lần đầu được đi chợ Tết, còn rụt rè sợ hãi "nép đầu bên yếm mẹ?"...ngơ ngác trước những con người lạ, cảnh lạ:
"Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ"
- Cảnh lợn, bò, gia súc "đi chợ Tết" thật ngộ nghĩnh, vội vàng và hối hả. Ta tưởng như nhà thơ đang nheo mắt tủm tỉm cười:
"Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau".
- Dưới ánh hồng bình minh, mọi cảnh vật đều trở nên tráng lệ. Từ giọt sương trắng đến tia nắng tía, từ núi xanh đến đồi son, tất cả đều cựa quậy, náo nức, sáng bừng lên. Cảnh chợ Tết càng thêm đẹp:
"Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh"
- Cảnh vật được nhân hóa như mang tình người, hồn người, cùng khoe sắc chia vui với bà con các ấp "tưng bừng" đi chợ Tết. Các động từ được tác giả dùng rất đắt: "ró", "nháy hoài", "uốn mình", "thoa", "nằm"...
- Khép lại đoạn thơ là một hình ảnh đông vui của phiên chợ Tết ngày xưa:
"Người mua bán ra vào đầy cổng chợ".
- Bức tranh dân gian "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ mang vẻ đẹp vừa bình dị thân thuộc, vừa rực rỡ sắc màu. Tác giả đã làm sống lại cảnh vật và cuộc sống nơi đồng quê đậm đà màu sắc văn hóa dân gian với tất cả tấm lòng yêu thương nồng hậu. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ chỉ màu sắc của ngòi bút nghệ thuật Đoàn Văn Cừ rất giàu có, tinh luyện: trắng, đỏ, hồng lam, viền trắng, xanh, biếc, đỏ, thắm, vàng, tía, the xanh, thoa son,...
- Đọc đoạn thơ, ta tưởng như mình cũng được đi chợ Tết cùng bà con các ấp hơn mấy chục năm về trước.
3. Phân tích bài thơ Chợ tết
Cảm nhận không khí Tết thông qua bài thơ Chợ Tết
- Phiên chợ Tết bất hủ của Đoàn Văn Cừ đã là hình ảnh đi vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả. Ở đó ta cảm nhận được một hồn thơ dạt dào sức sống. Chỉ với những câu thơ trong bài này ta cũng có thể thấy đâu đó như vang vọng tiếng nói cười khúc khích hóm hỉnh của một miền quê xưa. Đây cũng chính là một cách để lưu giữ lại các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc qua các câu thơ giản dị.
Bức tranh thiên nhiên đầy sống động
- Ngay từ những câu thơ đầu tiên của bài Chợ Tết, tác giả đã vẽ ra cho con người ta một bức tranh về một sáng tinh mơ khi cả làng chìm trong ánh bình minh. Những dải mây trắng dần lấp ló trên đỉnh đồi. Những giọt sương mai như viên ngọc khẽ đung đưa trên các mái nhà gianh. Để có thể lột tả được bức tranh đó, Đoàn Văn Cừ đã dùng hệ thống hình ảnh vô cùng tinh tế và cảnh vật được nhân hóa với những góc nhìn tuyệt vời.
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
- Trong bức tranh ấy ta còn thấy được hình ảnh của những con đường quê uốn lượn mép xanh đồi.. Tất cả trông đều ửng sáng và như tô thêm nét đẹp của cả bức tranh. Tất cả cho thấy một nghệ thuật phối thơ thật hài hòa và đặc sắc.
Những hoạt động của con người
- Trong bức tranh thiên nhiên sáng mai vô cùng tinh khôi ấy ta bắt gặp được hình ảnh của những con người. Đó là những nam thanh nữ tú, già trẻ gái trai đang từ các thôn ấp nối đuôi nhau đi chợ Tết. Qua đó có thể cảm nhận được sự háo hức và tấp nập. Có thể nói đi chợ Tết cũng giống như đi trẩy hội.
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
- Mỗi người đều được Đoàn Văn Cừ miêu tả với các dáng vẻ riêng. Đó chính là con người bình dị, hiền lành, chân thành và vô cùng sinh động. Là cu cậu mặc áo mới màu đỏ chạy lon ton trên các con đường. Là các cụ già tay chống gậy lưng bước lom khom. Hay là các cô thiếu nữ thôn quê vô cùng xinh tươi trong chiếc yếm thắm duyên dáng và rụt rè. Đó cũng là hình ảnh của các em bé còn rụt rè sợ hãi mà nép người bên phía tay mẹ… Tất nhiên bức tranh sẽ kém phần sống động nếu thiếu đi hình ảnh của các đàn bò, lợn, gà đi chợ Tết. Trông chúng mới ngộ nghĩnh biết làm sao.
- Trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy, mọi người, mọi cảnh vật đều hiện lên vô cùng rực rỡ. Với khổ thơ tiếp theo Đoàn Văn Cừ đã miêu tả không khí chợ Tết vô cùng vui tươi và tinh tế. Sở dĩ có được điều này bởi nhà thơ đã nhân hóa cảnh vật như mang tình người và tưng bừng hơn.
Khung cảnh chợ Tết và dấu ấn thời gian
- Trong không khí tươi đẹp ấy chính là hình ảnh của các con vật, đồ dùng cúng được tô thắm thêm. Và một màu sắc không thể thiếu chính là màu đỏ, bởi con người ta quan niệm màu đỏ là màu của sự may mắn và hạnh phúc. Và đó cũng chính là màu sắc chủ đạo trong bức tranh chợ Tết của Đoàn Văn Cừ.
- Đầu tiên ta có thể dễ dàng thấy được hình ảnh của bà cụ già với mái tóc bạc trắng. Đó cũng chính là sản phẩm của những năm tháng thời gian trôi lặng lẽ. Và điểm đặc biệt ở đây chính là dấu ấn và bà lão cũng chính là chứng nhân của thời gian. Hình ảnh này đã gợi lên bao suy tư về một con người nhân hậu, thuần phác.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
- Và tác giả đã thành công trong việc khắc họa không gian và thời gian một cách đặc sắc. Bao trùm lên tất cả bức tranh chợ Tết chính là các sản vật đặc trưng. Từ các thức ăn hằng ngày đến các món đồ chơi tết và đến cả các đồ cúng tâm linh đều được bày bán. Qua đó ta có thể thấy được một bức tranh rất đỗi thân quen của ngày Tết những năm tháng cũ. Đó cũng chính là cái hay và cái tài tình của nhà thơ.
-----------------------------------------------
Với nội dung bài Biện pháp tu từ trong bài Chợ Tết các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về khái niệm, nội dung, biện pháp tu từ, giá trị nghệ thuật của bài thơ...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Biện pháp tu từ trong bài Chợ Tết. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé