Ca dao về tình yêu quê hương đất nước
Ca dao về tình yêu quê hương đất nước được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Ca dao về tình yêu quê hương đất nước
1. Khái niệm Ca dao
Ca dao là những tiếng lòng của con người được phác họa qua những vần thơ dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ được kế thừa và phát huy trở thành “tinh hoa – bản sắc độc đáo riêng biệt của dân tộc”.
Nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn, gắn sâu vào trong từng nếp sống nếp nghĩ. Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy con cháu về niềm tự hào đất nước, tổ quốc là máu là thịt, là hồn của mỗi người. Trong dáng hình của đất nước hôm nay, có xương máu của những người nằm xuống vì độc lập tự do dân tộc, có nước mắt của những vị vua đã gồng mình giữ nước, và cả giọt mồ hôi của những người nông dân thấm vào từng thớ đất thiêng liêng. Bởi vậy, tình yêu quê hương đất nước là một chủ đề lớn của văn học Việt Nam. Ngay từ những vần thơ đầu tiên là ca dao, ta đã thấy một tình yêu nước nồng nàn và mãnh liệt.
2. Thiên nhiên trong Ca dao miền Bắc
Những câu ca dao rất nổi tiếng,được đưa vào những câu hát ru, những bài hát hay. Những hình ảnh rất quen thuộc như hình ảnh cánh cò, từ hình ảnh cánh cò tác giả đã thể hiện được tất cả các nơi mà địa danh mà mình nhắc đến trong những câu ca dao ấy.
Cánh cò bay bổng bay cao,
Bay qua Cửa phủ bay vào Đồng Đăng.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Hình ảnh của Quê Hương – đất nước ngự trị trong Ca dao, trong tiếng hát, chan chứa tình cảm, yêu mến, niềm tự hào của dân tộc:
Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Ngàn năm văn vật bây giờ là đây
Thăng Long là trọng địa của nước ta được hưng khởi vào thời Lý Thái Tổ năm 1010, xưa gọi là kinh đô, cố đô… Ngày nay được gọi là Thủ đô Hà Nội, nơi phát triển đất nước, đưa đất nước vươn tầm với thế giới:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên,Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ được thể hiện qua các câu thơ rất đẹp và thân thương. Những hình ảnh về giếng, chợ, cổng chợ, đường,… những hình ảnh luôn luôn gắn bó với chúng ta thương ngày, những hình ảnh quen thuộc đã tạo nên một niềm yêu quê hương tha thiết.
Xem kìa Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên…
Phong cảnh Hồ Tây giữa lòng Hà Nội rất nên thơ, ẩn chứa biết bao lịch sử như một bức tranh sinh động:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương [7]
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Quả thật, thắng cảnh nơi đây nên thơ, hữu tình, diệu kỳ đối với con người:
Trên Chùa đã động tiếng chuông
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu
Không những thế, mà còn có những con sông nổi tiếng uốn lượn quanh xóm làng:
Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch [8] uốn quanh xóm làng
Bên bờ vải nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng
Những câu ca dao cũng dựa vào những địa danh đặc trưng của nơi ấy để nói về quê hương. Những hình ảnh ấy gợi nên một vẻ đẹp quê hương, con người thắm thiết và còn thể hiện tình yêu của con người với quê hương, đất nước trong những câu ca dao ấy.
Sông Ngâu, sông Cả, sông Đào,
Ba con sông ấy đổ vào sông Thương.
Con sông sâu, nước dọc đò ngang,
Mình về bên ấy, ta sang bên này.
Đương cơn nước lớn đò đầy…
Hình ảnh lũy tre làng làm vệ sĩ quê hương, con sông chuyên chở ân tình đất nước uốn quanh xóm làng, để nuôi dưỡng những sản vật, làm xanh tươi cây trái cho làng quê:
Đồn rằng chợ Bỏi vui thay
Đằng đông có miếu, đằng tây có chùa
Giữa chợ lại có đền thờ
Dưới sông nước chảy đò đưa dập dìu
Đây là nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện thuần phong mỹ tục của dân Việt Nam, phục hiện lại nếp sinh hoạt truyền thống.
Miền Bắc còn có những quả núi cao ngất ngưởng khoe vẻ đẹp cường tráng, oai hùng với chiến công, oanh liệt về lịch sử của dân tộc:
Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long
Hay:
Nhất cao là núi Ba Vì,
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn[9]
Với nét đẹp hài hòa hoàn hảo, tương hợp cùng bốn mùa :
Quê em có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có Chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Các Tỉnh miền Bắc đều thừa hưởng di sản thiên nhiên ban tặng, để minh chứng điều này chúng ta sẽ khảo sát:
Bắc Cạn có suối đãi vàng,
Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh.
Ngoài những con sông, suối, hồ.. là những dãy núi oai hùng đã ẩn chứa những dấu ấn vẻ vang trong lịch sử cũng như trong Phật giáo là Đỉnh Thiêng Yên Tử:
Nào ai quyết chí tu hành,
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Thể hiện sự vượt khó, ý chí, nghị lực của bậc tu hành, nơi đây không chỉ là thiên nhiên hùng vĩ mà còn lưu danh sử sách những kỳ tích oanh liệt của dân tộc.
Chùa Hương – Động Hương Tích, phong cảnh thiên nhiên đẹp sắc sảo được chúa Trịnh Sâm khắc 5 chữ: “Nam thiên đệ nhất động”. Hành trình vào Động Hương Tích, từ Bến Đục sang Bến Trong, chùa Thiên Trù chập chùng giữa rừng núi bao la:
Ai đi trẩy hội chùa Hương
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm
Mớ rau sắng, quả mơ non
Mơ chua sắng ngọt, biết còn thương chăng?
Không chỉ là một thiên động đệ nhất, mà còn có lễ hội, những sản vật địa phương nổi tiếng như rau sắng, quả mơ, hồng trà, củ mài...
Nếu như những phía trên là những ngôi cổ tự tọa lạc chập chùng giữa thiên nhiên của núi rừng thì Chùa Phả Lại tỉnh Hải Dương vươn cao, soi mình trên sông nước:
Xa đưa văng vẳng tiếng chuông,
Kìa chùa Phả Lại chập chùng bên sông.
Những hình ảnh tỏa sáng bản sắc dân tộc cũng lưu dấu nơi tận cùng miền biên giới Lạng Sơn nổi tiếng:
Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Tất cả những thiên nhiên kỳ vĩ ấy được tạo hóa ưu đãi, đến với Hà Nam, phong cảnh Chùa Tiên không nằm giữa rừng núi thiên tạo mà do bảo tồn sinh thái của con người tạo nên:
Chùa Tiên chín chín cây thông,
Ai không trồng đủ, làng không cho về.
Không chỉ là nước non hữu tình từ thiên nhiên tạo hóa, mà còn có những đặc sản của từng miền, không cầu kỳ, tận hưởng những hương vị ngọt ngào từ những đặc sản:
Thanh Trì có bánh cuốn ngon,
Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng.
Thanh Trì cảnh đẹp người đông,
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh.
Chúng ta cất bước từ Nam ra Bắc đã cảm nhận được vẻ đẹp thiên phú ấy:
Đường về xứ Bắc xa xa,
Có về Hà Nội với ta thì về.
Đường thủy thì tiện thuyền bè,
Đường bộ cứ bến Bồ Đề [10] mà sang.
Thời nay chẳng sợ gian nan,
Đường sắt tàu hỏa bạt ngàn nối nhau.
Đường không “book vé” rất mau,
Khởi hành Sơn Nhất hội tao Nội Bài [11].
3. Thiên nhiên trong Ca dao miền Trung
Chúng ta dừng chân nơi khúc ruột thân thương miền Trung, xứ Nghệ:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Nhưng con đường xứ Lạng lại khác, phải vượt núi lội đèo, cảm nhận sự thú vị của thiên nhiên:
Đường lên Xứ Lạng bao xa,
Cách một trái núi với ba quãng đồng.
Ai ơi đứng mà lại trông,
Kìa núi Thành Lạng kìa sông Tam Cờ.
Quảng Nam cũng thế:
Quảng Nam có lụa Phú Bông
Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn
Quảng Nam là đất quê mình
Núi, đồng, sông, biển rành rành từ đâu
Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân
Nam thì Quảng Ngãi, giáp gần núi Phong.
Tây thì giáp đến sông Buông,
Rừng cao rừng thấp mấy tầng mây xanh.
Đông thì biển rộng thênh thang,
Đất đai trăm dặm rành rành như ghi.
Đến với “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đường bộ là thế, còn đường biển thì có Hang Dơi nên Ca dao đã nói:
Đi bộ thì khiếp Hải Vân,
Đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi.
Nhưng cũng có những cảnh rất hữu tình trong Ca dao Huế:
Hồ Tịnh Tâm nhiều sen Bách Hợp,
Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam.
Hay:
Đi mô cũng nhớ quê mình,
Nhớ Hương Giang gió mát, nhớ Ngự Bình trăng thanh.
Cứ mỗi địa danh, gần như có một câu ca dao:
Bình Định có núi Vọng Phu.
Có đầm Thị Nại, có cù lao xanh.
Em về Bình Định cùng anh.
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
Hình ảnh núi Vọng Phụ như nói lên tình cảm sắc son thủy chung của người phụ nữ Việt Nam, luôn chịu thương, chịu khó vì mái ấm gia đình.
4. Thiên nhiên trong Ca dao miền Nam
Miền Nam – vùng đất mới khai phá, tuy được thiên nhiên ưu đãi, nhưng khi còn ban sơ hoang dã là vùng “kinh địa”:
Rừng thiêng nước độc thú bầy,
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh.
Hay:
Tới đây sứ sở lạ lùng,
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.
Thế nhưng, bằng nghị lực và ý chí sắt đá của dân tộc, Cha Ông ta đã thu phục và kiến tạo thành vùng đất mới trù phú:
Ai về Gia Định thì về,
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn.
Hay:
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Những vụ lúa bội thu, những vườn hoa quả trĩu cành…
Biên Hoà bưởi chẳng đắng the
Ăn vào ngọt lịm như chè đậu xanh
Dự báo đều hướng về thiên nhiên:
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
Hay:
Én bay thấp, mưa ngập bờ ao,
Én bay cao, mưa rào lại tạnh.
Hay:
Hễ mà hoa quả được mùa,
Chắc là nước bể, nước mưa đầy trời.
Ai ơi, nên nhớ lấy lời,
Trông cơ trời đất, liệu thời làm ăn.
Đặc sản, sản vật, hoa màu phong phú nơi đó, thể hiện quá trình phấn đấu và sức sống dạt dào dân bản xứ:
Tháp Mười sinh nghiệp phèn chua,
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng.
Hoặc:
Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.
Hay:
Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai về xứ Bạc thong dong cuộc đời.
Cảnh vật thật yên bình bên dòng Vàm Cỏ:
Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy,
Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng.
Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang,
Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?
Có vườn cây trái, có cầu vang danh
Đến với xứ dừa Bến Tre, cảnh thiên nhiên và những sản vật không kém:
Bến Tre dừa ngọt sông dài,
Nơi chợ Mõ Cày có kẹo nổi danh.
Kẹo Mõ Cày vừa thơm vừa béo,
Gái Mõ Cày vừa khéo vừa ngoan.
Anh đây muốn hỏi thiệt nàng,
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?
Chúng ta xuôi dòng Hậu Giang sẽ được thường thức rất nhiều các món ăn đặc trưng từng vùng:
Ai về tới thẳng Năm Căn
Ghé ăn bánh gỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau,
Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên!
Không những thế mà còn được ngắm cây cầu bắt ngang hai Tỉnh Tiền Giang – Bến Tre thật tuyệt vời:
Rạch Miễu văng nối hai đầu
Bến Tre một nửa, nửa cầu Tiền Giang
Ai về sông nước Hậu Giang
Ghé thăm xứ sở bạt ngàn sản nông
-----------------------------------------------
Với nội dung bài Ca dao về tình yêu quê hương đất nước các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về khái niệm, nội dung, biện pháp tu từ, giá trị nghệ thuật của bài ca dao...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Ca dao về tình yêu quê hương đất nước. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé