Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Ngữ văn lớp 8: Viết bài tập làm Văn số 1 - Văn tự sự (làm tại lớp)

Ngữ văn lớp 8: Viết bài tập làm căn số 1 - Văn tự sự (làm tại lớp) gồm các bài văn mẫu tham khảo hay về đề tài: Kể về một việc em đã làm cho bố mẹ phiền lòng. Qua tài liệu này, các bạn sẽ biết cách miêu tả một người từ ngoại hình đến tính cách, hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm nhiều ý tưởng và cách hành văn sáng tạo nhằm học tốt môn Ngữ văn lớp 8, đạt điểm cao trong bài viết văn số 1 lớp 8.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 8.

A. Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học.

Dàn ý Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề định kể: Ngày đầu tiên đi học

2. Thân bài

a. Tâm trạng của em khi chuẩn bị đến trường

  • Soạn sửa sách vở, quần áo tươm tất chu đáo đợi ngày được đến trường.
  • Vui vẻ, háo hức vì sắp được gặp lại bạn bè, thầy cô.
  • Suy tư, băn khoăn không biết trong những tháng qua các bạn đã làm gì và thay đổi như thế nào.

b. Kể về ngày đến trường

  • Sáng hôm đó dậy sớm để ăn uống và chuẩn bị đến trường.
  • Ngạc nhiên trước sự thay đổi của mọi người và cảnh vật: các bạn ai cũng vui tươi và trông lớn hơn hẳn sau một mùa hè. Cây phượng đã rụng hết những bông hoa đỏ của đợt chớm hè…
  • Lớp học thơm tho mùi của bàn ghế mới, sách vở mới và những bộ quần áo mới.
  • Cô giáo luôn tươi cười và tận tình giảng dạy.

→ Ngày đầu tiên đi học thật vui tươi, hứng khởi.

3. Kết bài

Nêu cảm xúc về ngày đầu tiên đi học.

Bài văn mẫu Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

Đầu năm nay, dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp nên chủ yếu thời gian chúng em được các thầy cô dạy học online và không phải đến trường. Thật may mắn rằng Việt Nam đã kiểm soát được dịch và cuộc sống trở lại như bình thường. Chính vì thế, việc quay lại trường trong ngày đầu tiên của năm học mới đối với chúng em vô cùng ý nghĩa.

Hơn nửa năm chỉ học ở nhà không được gặp thầy cô và bạn bè khiến em vô cùng buồn chán. Khi nhận được tin mùa thu này chúng em được quay lại trường học em đã rất vui mừng. Em cùng bố mẹ đi hiệu sách sắm sửa sách vở cẩn thận, chu đáo. Từng quyển sách, quyển vở được em bao bọc và dán nhãn thật đẹp đẽ. Em hồi hộp đếm từng ngày được gặp lại bạn bè và mái trường thân yêu.

Cuối cùng ngày ấy cũng đã đến, sau bữa cơm tối, bố mẹ dặn dò em kiểm tra lại sách vở đồ dùng, quần áo một lần nữa để ngày mai có thể đến trường thật tốt. Em ngồi khoanh tay trên bàn ngắm nhìn những quyển sách mới tinh được xếp ngăn nắp và suy nghĩ miên man. Không biết trong những tháng ngày qua các bạn đã thay đổi như thế nào; những cái cây bé xíu trong trường đã lớn thêm nhiều chưa;… bao nhiêu câu hỏi vây quanh em vừa làm em háo hức, hồi hộp lại thêm trằn trọc khó ngủ.

Sáng ngày tựu trường em dậy sớm và được mẹ đưa đến trường. Trước cánh cổng rộng lớn đang mở ra trước mắt mình, em vẫy tay chào mẹ rồi bước vội vào trong. Hiện ra trước mắt em là một sân trường đông đúc, rộn rã tiếng cười đùa, trò chuyện của các bạn học sinh sau bao ngày gặp lại. Những hàng cây như lớn hẳn lên, chững chạc, cứng cáp hơn trước rất nhiều. Thoang thoảng là mùi sơn mới của những bức tường, những bộ bàn ghế lâu ngày không sử dụng được nhà trường tân trang lại.

Em từ từ bước đi, hít thở bầu không khí ở trường học đã lâu không được tận hưởng thì chợt có một cánh tay vỗ vào vai em. Hóa ra đó là cô bạn thân cùng lớp của em. Chà! Cậu lớn hơn nhiều đấy nhỉ. Chúng em cùng nhau trò chuyện tíu tít và bước đi đến lớp học của mình - cái cảm giác mà lâu lắm rồi mới có lại được vô cùng dễ chịu. Bước chân vào lớp học, các bạn tươi cười chào em; bạn nào cũng lớn hơn, đáng yêu hơn và vui vẻ hơn. Vì là ngày đầu tiên nên chúng em chưa phải học gì nhiều chỉ nghe cô giáo dặn dò và chuẩn bị cho buổi khai giảng ngày mai. Cô giáo từ từ bước vào lớp, trên tay cầm quyển sổ ghi chép tươi cười nhìn chúng em. Cô mặc chiếc áo dài trắng, khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhẹ nhàng và có nụ cười tươi. Cô phổ biến chúng em về nội quy của lớp học và công tác chuẩn bị cho năm học mới. Chính sự tập trung và say mê của cô làm cho chúng em đắm chìm mà quên mất đi sự trôi chảy của thời gian.

Sau khi phổ biến xong nội quy lớp học và nội dung chương trình, cô trò chuyện cùng chúng em để hiểu nhau hơn. Buổi dặn dò kết thúc trong niềm hân hoan của cả cô và trò. Trở về nhà trong tâm trạng vui vẻ, em hi vọng đây sẽ là một năm học đầy may mắn và hứng khởi.

B. Người ấy (bạn, thầy giáo, cô giáo, người thân...) sống mãi trong lòng tôi.

Dàn ý Người ấy sống mãi trong lòng tôi - Cô giáo

1. Mở bài

Giới thiệu về cô giáo.

2. Thân bài

a. Ngoại hình

Cô có dáng người như thế nào? (cao, thấp, mảnh mai…)

Miêu tả những đặc điểm ngoại hình nổi bật của cô.

b. Tính cách, phẩm chất

Cô là người như thế nào? (hiền lành, nghiêm khắc, dịu dàng…)

Những tính cách của cô được thể hiện như thế nào? (cách cô giảng dạy, giúp đỡ học sinh,…)

c. Những kỉ niệm mà em nhớ mãi

Kể ra những kỉ niệm em nhớ mãi về cô (lần mắc lỗi; lúc được khen…)

Nêu tình cảm của em dành cho cô.

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm của mình.

Bài văn mẫu Người ấy sống mãi trong lòng tôi - Cô giáo

Mỗi chúng ta, ai cũng mong sau này mình trở thành một người tài giỏi, sống có ích cho xã hội. Để làm được điều đó không thể vắng bóng công ơn của những người thầy, người cô dìu dắt chúng ta trên con đường chinh phục tri thức. Người xưa từng nói: “Cô giáo như mẹ hiền”. Cô giáo là người mẹ thứ hai dạy dỗ chúng ta. Chắc hẳn trong lòng mỗi người, ai cũng có sự ngưỡng mộ nhất định dành cho cô giáo. Đối với bản thân tôi, cô giáo chủ nhiệm năm lớp bốn là người mãi luôn sống trong lòng tôi.

Gia đình tôi là người gốc Bắc, đến khi tôi học hết lớp ba thì có biến cố xảy ra và cả nhà quyết định chuyển vào Nam sinh sống. Lúc đó, tôi chỉ là một học sinh bình thường, không giỏi giang hay hơn ai gì cả. Chuyển đến một môi trường mới, một cuộc sống mới với bao lạ lẫm, tôi cảm thấy thật cô độc và buồn bã. Ngày đi học cũng đến. Tôi được người quen xin cho vào ngôi trường ở gần đó để theo học. Ngày đầu đến lớp, cô giáo chủ nhiệm bước vào trong tà áo dài trắng tinh khôi mỉm cười nhìn tôi thân thiện. Cô giới thiệu tôi với mọi người, hỏi han những câu chuyện và động viên tôi trong học tập. Tôi không nhớ hết ngày hôm ấy đã nói những gì nhưng cái dáng người mảnh mai, giọng nói trầm ấm của người con gái miền nam, mái tóc suôn dài óng mượt cùng đôi môi đỏ hồng của cô đã in sâu vào tâm trí tôi với những hình ảnh đẹp đẽ nhất,

Ngày tháng trôi đi, tôi dường như đã quen hơn với môi trường ở đây. Mỗi tuần, cô đều gặp riêng tôi để hỏi han, vì cô biết tôi lạ lẫm với môi trường mới, cần phải thích nghi nhiều thứ nên sợ tôi không theo kịp mọi người. Trên lớp, cô quan tâm đến tôi nhiều hơn, ân cần bảo ban cho tôi học tập, tỉ mỉ giải đáp những thắc mắc của tôi. Và cứ thế, tôi tiến bộ từng ngày, thành tích học tập cũng được cải thiện đáng kể. Cô chính là người truyền cho tôi cảm hứng và tình yêu thương để tôi vươn lên. Khi nhìn thành tích học tập của tôi, nét mặt cô không khỏi vui mừng, xúc động. Suốt cả năm học, tôi có những tiến bộ vượt bậc, đến cuối năm tôi đứng trong top những bạn học sinh giỏi xuất sắc của trường. Không chỉ tôi mà cả gia đình tôi luôn thấy biết ơn và trân trọng những công ơn to lớn mà cô dành cho tôi.

Bước sang năm học lớp năm, tuy không còn được cô chủ nhiệm nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên gặp cô, chào hỏi và chia sẻ việc học tập cũng như cuộc sống với cô. Cô luôn cho tôi những lời khuyên đắt giá để tôi hoàn thiện bản thân mình. Cuối năm lớp năm, gia đình tôi lại quyết định chuyển về bắc, về quê hương để sinh sống. Chia tay miền nam, chia tay trường lớp sau gần hai năm gắn bó khiến tôi vô cùng buồn bã. Vì quyết định chuyển đi đột ngột, trong vòng một tuần, gia đình tôi đã chuyển về bắc. Tôi còn nhớ ngày hôm đó bố tôi lên trường xin cho tôi nghỉ học và chuyển đi, bố bảo tôi chào thầy chủ nhiệm và các bạn lần cuối để ra đi, tôi vẫn xin bố nán lại một chút rồi chạy ùa xuống lớp học cô đang dạy, ôm cô khóc như mưa để nói lời chia tay cô. Tôi nhớ mãi giọt nước mắt nóng hổi của cô lăn dài trên trán tôi. Cô làm tôi cảm thấy ấm áp như tình mẹ.

Tuy đã về quê hương nhiều năm, tôi vẫn luôn mong có dịp quay lại nơi đó để gặp mọi người, để đến thăm cô, hỏi han tình hình sức khỏe và cuộc sống của cô. Tôi chưa bao giờ quên cô và những công lao to lớn mà cô đã làm. Không chỉ tốt với tôi, với những học trò khác và cả những đồng nghiệp, những người quanh mình, cô luôn sống với tình yêu thương chan hòa. Ân cần, chu đáo với tất cả mọi người. Học sinh của cô ai cũng lễ phép, hiếu thảo, trọng tình nghĩa. Cô luôn tìm mọi cách giúp đỡ những bạn học sinh khó khăn có thể tiếp tục đi học và vươn lên thành người. Có nhiều anh chị khóa trước được cô dạy dỗ đã trở thành con người có địa vị trong xã hội và được người đời kính trọng.

Nhiều năm qua đi, tuy chưa có cơ hội gặp lại cô nhưng những lời cô dạy và sự ân cần, trìu mến của cô vẫn luôn tồn tại như mới ngày hôm qua trong kí ức của tôi. Những tình cảm, sự quan tâm của cô sẽ cùng tôi đi hết cuộc đời và nhắc nhở tôi sống tốt va khắc ghi hình ảnh cô giáo vào trong trái tim.

Người ấy sống mãi trong lòng tôi - Cô giáo mẫu 2

Lá cây đã rơi đầy trên hè phố. Một năm học mới đã bắt đầu khi mùa thu về. Về theo mùa thu, mùa tựu trường là những kỉ niệm ấm áp của những ngày đầu tiên tới lớp. Đẹp đẽ nhất trong những hình ảnh thân thương ấy là cô giáo lớp Một của tôi, cô Đàm Thu Hằng.

Năm ấy, cô tôi còn rất trẻ. Có lẽ chỉ 27, 28 tuổi thôi. Cô giáo tôi xinh lắm, xinh nhất trường. Khuôn mặt cô tròn trịa, hiền hòa với đôi mắt nâu ấm áp. Mái tóc đen óng ánh càng làm nổi bật nước da hồng mịn màng của cô. Quả thật, cô tôi rất xinh trong bộ quần áo giản dị ngày thường lên lớp. Cô tôi càng xinh hơn trong tà áo dài rực rỡ những buổi sáng thứ hai chào cờ có nắng vàng trải nhẹ. Tôi cứ nhớ mãi cái nhìn âu yếm của cô lúc hướng dẫn chúng tôi xếp hàng. Tôi không sao quên được bàn tay mềm mại đã dắt tôi líu ríu đi diễu hành qua lễ đài trong ngày khai giảng.

Vào lớp, cô Hằng dạy chúng tôi tập đọc, tập viết, tập làm toán. Bàn tay cô nắn nót viết từng chữ mẫu trên bảng đen. Bàn tay cô thoăn thoắt xòe que tính cho chúng tôi tập làm toán. Giờ chơi, đôi bàn tay cô lại vươn cao tung bóng cho chúng tôi cùng chạy nhảy chơi đùa. Đến bữa trưa, bàn tay cô hối hả, nhịp nhàng xới cơm, chan canh cho mỗi chúng tôi. Tôi lớn khôn dần lên trong vòng tay âu yếm của cô.

Một lần, tôi đã làm cho cô hoảng sợ. Hôm ấy, cũng như mọi ngày, tôi mê mệt với giấc ngủ trưa. Nghe tiếng trống đánh báo thức, tôi hốt hoảng dậy và lao ra cửa. Thế là tôi va vào cột ngoài hiên. Máu chảy đầm đìa. Các bạn rối rít gọi cô. Cô Hằng chạy vội ra đỡ lấy tôi. Dù đang sợ lắm, tôi vẫn nhìn thấy cô tái đi, môi run run. Rồi cô bế tôi vào. đặt nằm trên bàn, băng cho tôi vừa động viên: “Đừng khóc con nhé. Không chảy máu nữa rồi" Quả thật là cú va chạm này đã để lại một vết sẹo nhỏ và dài chỉ bằng que tăm, nhưng nó đã đem đến trong tim tôi một hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền”, cùng tôi lớn dần lên theo năm tháng.

Ngày tổng kết năm học cũng là ngày tôi chia tay cô giáo. Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng mùa hè năm ấy. Cô Hằng mặc áo dài màu xanh da trời có hoa nhỏ lốm đốm trắng. Tóc cô búi cao để lộ rõ khuôn mặt hiền từ, xinh đẹp. Cả lớp ngồi im phăng phắc, mở to mắt nhìn cô. Có lẽ cô cũng xúc động nên tiếng nói trầm và nhỏ hơn bình thường: “Các con yêu quý của cô. Thế là hết một năm học rồi. Các con đã lớn thêm một ít. Cô mong các con học giỏi, ngoan ngoãn và sẽ nhớ về cô, nhớ về các bạn”. Rồi cô đi từng bàn, nắm tay, xoa đầu tạm biệt từng thành viên của lớp. Đến lượt mình, tôi đưa cả hai tay nắm chặt tay cô và thì thầm:

“Con yêu cô lắm! Con xin cảm ơn cô!”.

Tôi đã được học với các thầy (cô) giáo mới, nhưng mỗi độ thu về, đón năm học mới, tôi lại thấy hiển hiện trước mắt tôi tấm áo dài xanh có hoa lốm đốm trắng và bàn tay tôi như ấm sực lên trong bàn tay cô giáo tự thuở nào.

C. Tôi thấy mình đã khôn lớn

Dàn ý Tôi thấy mình đã lớn khôn

1. Mở bài

Giới thiệu vào vấn đề: Tôi thấy mình đã khôn lớn.

2. Thân bài

a. Những thay đổi của bản thân

  • Ngoại hình: cao lớn hơn, khỏe mạnh hơn.
  • Tính cách: chững chạc hơn; biết suy nghĩ và lắng nghe nhiều hơn; biết yêu thương nhường nhịn hơn.
  • Hành động: biết phân biệt phải trái - đúng sai, cư xử với mọi người trưởng thành hơn, biết làm những việc có ích cho cộng đồng.
  • Thói quen, sở thích: không còn thích và chơi nhiều những trò chơi của trẻ con trước đây, thay vào đó tích cực học tập, trau dồi kiến thức và giúp đỡ bố mẹ.

b. Kỉ niệm khiến bản thân thay đổi hoặc việc làm tốt mà bản thân làm được khi đã lớn khôn hơn.

Kỉ niệm khiến bản thân thay đổi:

  • Học sinh kể về kỉ niệm hoặc lần mắc lỗi của bản thân mà giúp mình trưởng thành hơn.
  • Ví dụ: không nghe lời bố mẹ, tự làm việc theo cảm tính khiến bản thân phạm sai lầm,…

Việc làm tốt mà bản thân làm được khi đã lớn khôn:

  • Học sinh kể về việc làm tốt hoặc việc mình đã làm mà mình cho đó là trưởng thành.
  • Ví dụ: giúp bố mẹ chăm sóc dạy dỗ em, dọn dẹp nhà cửa; cố gắng, chăm chỉ vươn lên trong học tập; biết làm nhiều việc tốt để giúp đỡ người khác…

3. Kết bài

Nêu bài học mà bản thân cần cố gắng để hoàn thiện bản thân.

Bài văn mẫu Tôi thấy mình đã lớn khôn

Mỗi chúng ta ai rồi cũng phải trưởng thành vững bước đi trên con đường tương lai phía trước; không thể mãi trẻ con, dựa dẫm vào bố mẹ hoặc người khác. Ý thức được điều đó, bản thân tôi đã cố gắng thay đổi rất nhiều và tôi thấy mình đã lớn khôn.

Trường học không chỉ mang đến cho tôi những kiến thức bổ ích mà còn giúp tôi nhận thức ra nhiều điều, từ đó tự hoàn thiện bản thân để trưởng thành hơn. Tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi của bản thân một cách rõ rệt. Tôi đã cao hơn trước rất nhiều, so với lứa tuổi mười bốn, mười lăm, tôi có chiều cao và sức khỏe vượt trội hơn những bạn khác nhờ việc tập thể dục thường xuyên. Giọng nói cũng có nhiều thay đổi, không còn là âm thanh trong trẻo của trẻ con mà kì dậy thì đã làm cho giọng nói của tôi trầm ấm hơn và có phần hơi ồm, tuy nhiên nó không hề khiến tôi tự ti mà còn rất hài lòng vì đó là bằng chứng cho thấy tôi đã đến tuổi trưởng thành và như một lời nhắc nhở tôi phải cư xử người lớn hơn trước.

Sự trưởng thành, lớn khôn của tôi không chỉ ở sự thay đổ về ngoại hình mà nó thể hiện rõ nhất ở trong tính cách và hành động của tôi. Tôi không còn là cậu trai mê những trò chơi điện tử hay tranh dành đồ chơi với em nữa. Giờ đây, tôi ra dáng một người anh đích thực. Tôi giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà, chơi với em lúc bố mẹ bận và tự giác làm hết mọi việc cá nhân của mình mà không cần ai nhắc nhở hay kêu ca. Tôi chú ý nhiều hơn đến cảm xúc của người khác, quan tâm mọi người những lúc họ buồn vui và an ủi, chia sẻ với họ. Tôi cũng quan tâm đến ngoại hình của mình nhiều hơn. Trước đây quần áo và đồ dùng của tôi đều do một tay mẹ mua sắm nhưng nay tôi đã có thể tự lựa chọn những bộ trang phục, những món đồ phù hợp với bản thân mình và cảm thấy tự tin khi diện chúng. Tôi bắt đầu hình thành những sở thích mới “người lớn” hơn. Những lúc mẹ nấu ăn, tôi thường đứng cạnh quan sát và phụ mẹ, thì ra nấu ăn cũng thú vị đến thế. Tôi nhờ mẹ chỉ dạy cho mình nấu những món từ dễ đến khó và tôi cũng có thể nấu được kha khá, không lo sẽ bị đói khi bố mẹ vắng nhà và sau này khi tôi có gia đình nhỏ, tôi có thể tự nấu cho vợ con mình. Và chính những sở thích, những điều bình dị này làm tôi thêm yêu đời hơn.

Sự trưởng thành không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình tích lũy, rèn luyện và bao nhiêu bài học kinh nghiêm cho bản thân tôi. Tôi trưởng thành hơn sau lần tôi mắc lỗi to lớn với bố mẹ. Khoảng một năm trước, tôi vẫn còn là một đứa trẻ ham chơi, vô lo vô nghĩ và chỉ quan tâm đến những thú vui, sở thích của mình. Tôi ham mê trò chơi điện tử đến mức tôi thường xuyên lén bố mẹ chơi và nghỉ học để ngồi ở quán net chơi cho xong ván. Lần đó có một anh lớn thách đấu tôi chơi game. Tôi đồng ý như một lẽ thường tình. Ngày hôm đó tôi nghỉ học không suy nghĩ và ngồi đấu game với anh ta cả buổi tối đến tận ngày hôm sau mà không về nhà cũng không đến trường. Tôi không hề biết là bố mẹ lại lo lắng cho mình như thế. Trưa hôm sau, tôi ung dung đi về, dù biết sẽ bị bố mẹ quát mắng nhưng tôi không hề mảy may lo sợ. Nhưng khi đặt chân vào nhà, mọi thứ khác xa tưởng tượng của tôi. Đập váo mắt tôi là hình ảnh mẹ tôi đang ôm mặt khóc, bố tôi gục đầu đầy mệt mỏi, lo âu. Tôi đang không hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ chạy đến ôm chặt lấy tôi khóc nức nở. Tôi ngây người không biết phải làm thế nào, mãi sau tôi mới biết hóa ra bố mẹ tưởng tôi bị bắt cóc hoặc có chuyện chẳng lành nên đã vô cùng lo lắng và chạy khắp nơi để tìm tôi. Hôm đó, sau khi thừa nhận lỗi lầm với bố mẹ, bố tôi có nói một câu mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được: “Là một người đàn ông, điều tối thiểu là không được làm những người yêu thương mình phải khóc, phải lo lắng.” tôi hiểu và nhận ra lỗi lầm của mình và xin lỗi bố mẹ. Từ ngày hôm đó, tôi tự hứa với lòng phải quyết tâm bỏ chơi game và học hành thật tốt để bố mẹ yên lòng. Tôi quan tâm đến gia đình nhiều hơn, cố gắng mọi thứ nhiều hơn và chính sự cố gắng đó làm tôi tốt hơn và vui vẻ hơn.

Nếu không có lỗi lầm, con người chúng ta sẽ không thể trưởng thành. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy cố gắng rút ra bài học và sửa chữa lỗi lầm của mình trước khi quá muộn để sống tốt hơn và trưởng thành hơn.

---------------------------

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Dưới đây là bài soạn Viết bài tập làm văn số 1 - Văn tự sự bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 8: Viết bài tập làm văn số 1 - Văn tự sự

Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 1 lớp 8 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 8 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới

Chia sẻ, đánh giá bài viết
211
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm