Nghị luận xã hội về tình cảm giữa Cha mẹ và con cái
Nghị luận xã hội về tình cảm giữa Cha mẹ và con cái
- I. Dàn ý Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái
- II. Văn mẫu Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái
- 1. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 1
- 2. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 2
- 3. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 3
- 4. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 4
- 5. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 5
- 6. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 6
- 7. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 7
- 8. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 8
- 9. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 9
- 10. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 10
Nghị luận xã hội về tình cảm giữa Cha mẹ và con cái được VnDoc tổng hợp và đăng tải bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 8, giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng làm bài, rèn luyện kỹ năng viết các bài văn nghị luận xã hội. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.
I. Dàn ý Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái
1. Dàn ý Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái - Mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
2. Thân bài
a. Giải thích
Tình cảm giữa cha mẹ và con cái: là tình yêu thương, quý mến, đùm bọc, giúp đỡ nhau của các thành viên trong gia đình.
b. Phân tích
Một gia đình dạt dào tình cảm là một gia đình mọi người tôn trọng, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau mọi điều từ nhỏ nhất trong cuộc sống.
Tình cảm trong gia đình là những tình cảm tốt đẹp nhất của con người, giúp cho chúng ta rèn luyện tình cảm và những đức tính tốt đẹp khác, tình cảm gia đình là tiền đề để con người phát triển.
Gia đình có được hạnh phúc, êm ấm, dạt dào tình cảm hay không hoàn toàn là do ý thức, hành vi của con người. Chúng ta - những người con trong một gia đình nhỏ hãy cố gắng vun đắp một mái ấm hạnh phúc, từ đó làm nền tảng để gia đình to - đất nước Việt Nam phát triển bền vững hơn.
c. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chưa biết trân trọng tình cảm gia đình, sống thờ ơ, lạnh nhạt. Lại có những người sống bất hiếu, vô lễ với ông bà, cha mẹ,… đây là những hành vi xấu mà chúng ta cần bài trừ ra khỏi xã hội.
d. Liên hệ bản thân
Là một người con trong gia đình, chúng ta cần phải biết vâng lời, cố gắng học tập, giúp đỡ ông bà, cha mẹ. Có những hành động hiếu thuận, yêu thương,…
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
2. Dàn ý Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái - Mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Tình cảm giữa cha mẹ và con cái hay tình mẫu tử, tình phụ tử là những tình cảm quý báu nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đó là tình cảm yêu thương, sự nâng niu, quan tâm chăm sóc bằng cả tấm lòng mà cha mẹ dành cho con đồng thời là tình yêu thương, sự biết ơn, kính trọng mà người con dành cho cha mẹ mình.
b. Phân tích
Mẹ là người mang nặng đẻ đau, đem ta đến với thế giới này, trao cho ta sự sống và tình yêu thương. Từ tình yêu thương đó, mẹ dành hết tâm huyết để chăm sóc, dạy dỗ ta nên người, hun đúc cho ta những tình cảm cao quý khác với một mong ước ta trở thành người có ích cho xã hội và có một tấm lòng lương thiện.
Cha là người dạy dỗ, bảo vệ cho ta, là trụ cột trong gia đình, giúp gia đình vượt qua mọi sóng gió của cuộc sống, đùm bọc và bảo vệ ta.
Tình mẫu tử, tình phụ tử không chỉ là cội nguồn của những tình cảm khác mà đây còn là tình cảm theo con người đến suốt cuộc đời, góp phần làm cho xã hội này ấm áp hơn.
Mỗi người con cần có trách nhiệm yêu thương cha mẹ, tích cực học tập, trau dồi kiến thức để trở thành một người hiền tài giúp ích cho đất. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải luôn khắc ghi công lao to lớn của cha mẹ và đền đáp công ơn ấy bằng hành động thiết thực, xứng đáng. Tình mẫu tử, tình phụ tử không chỉ là cội nguồn của những tình cảm khác mà đây còn là tình cảm theo con người đến suốt cuộc đời, góp phần làm cho xã hội này ấm áp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về tình mẫu tử, tình phụ tử làm minh chứng cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn những con người ích kỉ, vô cảm, coi những tình cảm, những gì cha mẹ làm cho mình là điều hiển nhiên, lại có những người con bất hiếu với cha mẹ, không chịu báo đáp cha mẹ lúc về già,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: tình cảm giữa Cha mẹ và con cái và rút ra bài học, liên hệ bản thân.
II. Văn mẫu Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái
1. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 1
Trên thế gian này, không tình cảm nào quý gia hơn tình cảm gia đình tự nhiên, thuần khiết. Mái ấm gia đình được xây dựng từ tình cảm giữa cha mẹ và con cái, từ đó phát triển thành những tình cảm cao đẹp khác trong xã hội.
Định nghĩa một cách đơn giản thì tình cảm giữa cha mẹ và con cái chính là tình yêu thương, quý mến, đùm bọc giữa những thành viên trong gia đình. Tình cảm ấy có vai trò quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Nhờ có tình cảm đáng quý ấy mà con người biết cảm thông, thấu hiểu, hi sinh cho người khác. Đó còn là động lực để chúng ta không ngừng làm việc, phấn đấu. Không chỉ vậy, tình cảm giữa cha mẹ và con cái quý giá đến mức không gì đong đếm được nên vòng tay cha mẹ, tình yêu của con dành cho bậc sinh thành luôn là bến bờ bình yên đối với mỗi người. Gia đình là hạt nhân để hình thành xã hội nên gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên xã hội văn minh, đoàn kết. Ngược lại, có nhiều người chưa biết trân trọng tình cảm gia đình. Họ sống thờ ơ, lạnh nhạt, ích kỉ với chính người thân. Những hành vi này cần phải loại bỏ.
Để có được gia đình êm ấm, con người cần sống có trách nhiệm, biết quan tâm mọi người xung quanh, cố gắng trau dồi kiến thức và đạo đức để bản thân trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
2. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 2
Một trong những yếu tố quan trọng nhất gây dựng nên một xã hội như hiện nay chính là tình cảm của con người với con người. Có rất nhiều tình cảm quý báu trong cuộc sống nhưng có lẽ, tình cảm cao đẹp nhất, thanh khiết nhất chính là tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái hay tình mẫu tử, tình phụ tử là những tình cảm yêu thương, sự nâng niu, quan tâm chăm sóc bằng cả tấm lòng mà cha mẹ dành cho con đồng thời là tình yêu thương, sự biết ơn, kính trọng mà người con dành cho cha mẹ mình. Tình cảm gia đình là thứ tình cảm đầu tiên mà mỗi người con chúng ta nhận được khi vừa ra đời, là nền tảng để chúng ta xây dựng những tình cảm tốt đẹp khác ở tương lai. Tình cảm trong gia đình là những tình cảm tốt đẹp nhất của con người, giúp cho chúng ta rèn luyện tình cảm và những đức tính tốt đẹp khác, tình cảm gia đình là tiền đề để con người phát triển. Những người cha mẹ có tình yêu thương con sẽ hết lòng dạy dỗ con mình, tạo điều kiện để con phát triển trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Còn những người con yêu thương cha mẹ sẽ cố gắng học tập thật tốt, chủ động giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình cũng như yêu thương, đoàn kết với anh chị em của mình. Một gia đình có nền tảng yêu thương nhau thì tất cả mọi người sẽ phát triển theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Từ đó làm cơ sở để xã hội đi lên, văn minh, đẹp đẽ hơn khi con người biết yêu thương nhau. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người làm cha mẹ nhưng áp đặt con cái phải sống theo ý muốn của mình mà không lắng nghe con trẻ. Lại có những người con bướng bỉnh, không vâng lời cha mẹ, làm những việc khiến cha mẹ phiền lòng,… Những hành động này không chỉ khiến tình cảm gia đình rạn nứt mà còn có thể khiến con người có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Mỗi chúng ta đều có một gia đình, chúng ta hãy biết yêu thương gia đình đó, vun đắp cho gia đình đó ngày càng hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
3. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 3
Trong những thời điểm quan trọng nhất của cuộc sống chúng ta đều tìm đến điểm tựa tinh thần, những điểm tựa này sẽ vực chúng ta dậy khỏi những khó khăn, vấp ngã của cuộc đời này. Một trong những điểm tựa vững chắc nhất, xoa dịu hết những nỗi đau của chúng ta đó chính là gia đình. Tình cảm gia đình có sức mạnh vô cùng to lớn mà không ai có thể phủ nhận được. Gia đình là sự gắn kết giữa những người có cùng máu mủ, huyết thống trong một nhà. Đó chính là tình cảm đẹp đẽ thiêng liêng nhất ai cũng nâng niu trân trọng bằng cả trái tim. Tình cảm gia đình là điểm tựa thiêng liêng nhất giúp chúng ta vượt qua được mọi rào cản về không gian và thời gian để đem đến cho mỗi cá nhân sự sống tốt đẹp nhất. Tình cảm gia đình là thứ tình cảm đẹp, tồn tại vĩnh hằng vì nó thuộc về thế giới tinh thần là những gì cao quý bền vững nhất. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những giá trị tốt đẹp và nó không bao giờ mất đi. Tình cảm ấy sẽ là nơi chúng ta thấy được niềm tin trong cuộc sống. Tình cảm gia đình là tình cảm gắn kết diệu kỳ nhất mà cuộc sống đem lại cho mỗi con người giúp con người vượt qua được những khó khăn thử thách. Để tình cảm gia đình luôn bền vững thì mỗi người cần ý thức trau dồi, bồi đắp từ những điều nhỏ nhặt nhất. Những sự quan tâm nhỏ nhất sẽ làm cho tình cảm gia đình tốt đẹp hơn nhân văn hơn. Trong cuộc sống hiện đại, quan hệ xã hội được mở rộng nhiều thang đo mà tình cảm gắn kết giữa con người với con người đặc biệt là tình cảm gia đình là mắt xích quan trọng để gắn kết con người lại với nhau, xã hội này ngày càng tốt đẹp hơn.
4. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 4
Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Chính vì thế, chúng ta cần phải luôn hiếu thảo với cha mẹ, ông bà và luôn đề cao vai trò, tình cảm gia đình đối với bản thân mình. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cơ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, cơn đau của con, thao thức lo toan. Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì. Chẳng ai biết giới hạn cuối cùng của việc thế nào là trọn đạo; chỉ biết rằng, nụ cười mẹ cha khi thấy con được điểm tốt, niềm mãn nguyện khi con biết vâng lời phải, sự tự hào khi con lớn khôn, đấy là minh chứng cho thấy con đã làm đúng đạo của mình rồi. Cha mẹ sẽ hạnh phúc làm sao khi bạn mạnh khỏe, ngoan ngoãn học hành. Cha mẹ sẽ đau đớn biết bao khi nhìn nguồn sống, niềm tin của mình sa ngã? Chẳng cần làm những điều cao cả, đôi khi chỉ cần chạy đến ôm mẹ như thuở còn thơ thôi, ấy cũng đã là trọn đạo rồi. Mỗi con người có một cách thể hiện tình cảm, lòng hiếu thảo với cha mẹ khác nhau, chúng ta hãy sống trọn đạo làm con để cuộc đời thêm ý nghĩa hơn.
5. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 5
Cuộc sống của mỗi con người, chúng ta sẽ có những điều quan trọng khác nhau, những mục tiêu khác nhau mà ta cần hoàn thiện. Nhưng hơn hết, đối với tất cả con người, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Gia đình là gì? Gia đình là nơi ta sinh ra và lớn lên, là nơi có những người ruột thịt thân thương, là nơi có mẹ, có cha và có những tình yêu thương ấm áp. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái là những tình cảm gia đình tốt đẹp nhất mà mỗi chúng ta cần trân trọng. Gia đình là cội nguồn gốc gác của mỗi con người khi sinh ra, là nơi gắn bó thiêng liêng mà mỗi khi đi xa con người ta sẽ nhớ về. Gia đình là cái nôi yêu thương, nuôi dưỡng và che chở ta trong những năm tháng đầu đời. Một gia đình nhỏ có cha mẹ và con cái, một gia đình lớn là tập hợp của những gia đình nhỏ. Gia đình là nơi lưu giữ những kỉ niệm thời thơ ấu trong ngôi nhà thân thương. Là ký ức về những ngày chập chững biết đi với ánh mắt kỳ vọng và động viên của mẹ. Là ký ức về lần đầu tiên gọi bà, gọi mẹ trước nụ cười hạnh phúc của đấng sinh thành. Là kỉ niệm về những ngày mắc lỗi, bị cha mắng mẹ la, bắt phạt không cho đi chơi với đám trẻ trong xóm,… Gia đình cùng với ngôi nhà là ký ức về một đoạn đời mà ta lớn lên. Cha mẹ là những người nuôi ta khôn lớn, là nơi dạy ta cách yêu thương, san sẻ và giúp đỡ mọi người. Gia đình là cái nôi đầu tiên và quan trọng nhất để giáo dục một đứa trẻ thành người và giúp ích cho xã hội. Chính tình yêu thương của những người trong gia đình hình thành nên tình yêu ở mỗi con người. Ai rồi cũng sẽ khôn lớn. Ai rồi cũng sẽ trưởng thành. Ai rồi cũng sẽ trở thành những chú chim đủ lông đủ cánh bay đến những chân trời mới. Nhưng chúng ta hãy luôn nhớ rằng “gia đình”, cha mẹ luôn dang tay chờ đón chúng ta trở về nhà.
6. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 6
Con người được sinh ra ở vạch số 0 và xây dựng, hoàn thiện bản thân dựa trên nhiều yếu tố, khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Một yếu tố quan trọng làm nuôi dưỡng tâm hồn con người chính là tình cảm mà gốc rễ tình cảm là tình cảm gia đình - tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Tình cảm giữa cha mẹ và con cái hay tình mẫu tử, tình phụ tử là những tình cảm quý báu nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đó là tình cảm yêu thương, sự nâng niu, quan tâm chăm sóc bằng cả tấm lòng mà cha mẹ dành cho con đồng thời là tình yêu thương, sự biết ơn, kính trọng mà người con dành cho cha mẹ mình. Mẹ là người mang nặng đẻ đau, đem ta đến với thế giới này, trao cho ta sự sống và tình yêu thương. Từ tình yêu thương đó, mẹ dành hết tâm huyết để chăm sóc, dạy dỗ ta nên người, hun đúc cho ta những tình cảm cao quý khác với một mong ước ta trở thành người có ích cho xã hội và có một tấm lòng lương thiện. Còn cha là người dạy dỗ, bảo vệ cho ta, là trụ cột trong gia đình, giúp gia đình vượt qua mọi sóng gió của cuộc sống, đùm bọc và bảo vệ ta.
Tình mẫu tử, tình phụ tử không chỉ là cội nguồn của những tình cảm khác mà đây còn là tình cảm theo con người đến suốt cuộc đời, góp phần làm cho xã hội này ấm áp hơn. Mỗi người con cần có trách nhiệm yêu thương cha mẹ, tích cực học tập, trau dồi kiến thức để trở thành một người hiền tài giúp ích cho đất. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải luôn khắc ghi công lao to lớn của cha mẹ và đền đáp công ơn ấy bằng hành động thiết thực, xứng đáng. Tình mẫu tử, tình phụ tử không chỉ là cội nguồn của những tình cảm khác mà đây còn là tình cảm theo con người đến suốt cuộc đời, góp phần làm cho xã hội này ấm áp hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn những con người ích kỉ, vô cảm, coi những tình cảm, những gì cha mẹ làm cho mình là điều hiển nhiên nên thờ ơ, bàng quang trước những điều tốt đẹp mà mình nhận được. Lại có những người con bất hiếu với cha mẹ, không chịu báo đáp cha mẹ lúc về già, thậm chí là có những hành động ngược đãi cha mẹ… những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
Tình cảm giai đình là những tình cảm tốt đẹp nhất của con người mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
7. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 7
“Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân”
Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dần trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.
Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.
Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.
“Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”
Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.
8. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 8
Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng sẽ thuộc bài hát ngọt ngào và dễ thương của nhạc sĩ Ngọc Lễ:
“Ba là cây nến vàng.
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh
Thắp sáng một gia đình…”.
Lời bài hát giản dị mà vô cùng ý nghĩa, ngợi ca tình cảm gắn bó giữa những thành viên trong một gia đình. Đó là thứ tình cảm tự nhiên, đầu tiên và đáng gìn giữ trong cuộc đời của mỗi con người. Khi chúng ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ là những người luôn luôn yêu thương, vỗ về để nuôi chúng ta nên người. Khi chúng ta lớn lên, ra ngoài xã hội để học tập và làm việc, chính cha mẹ là người luôn dõi theo mọi hành động, mọi bước đi của ta, cha mẹ là người bên ta mỗi khi ta mệt mỏi hay vấp ngã. Tình cảm gia đình dường như là thứ tình yêu thiên bẩm, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi người.
Ông cha ta có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Câu ca dao thật là quen thuộc đến độ ai cũng có thể đọc thuộc lòng, nhưng không phải ai cũng cảm nhận thật sự ý nghĩa của nó và làm tròn được “đạo con”. Tất cả chúng ta có ai là không do cha sinh mẹ dưỡng, có ai có mặt trên cõi đời này mà không nhờ ơn cha mẹ. Cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục ra mỗi chúng ta. Hình ảnh người cha tựa núi Thái Sơn hùng vĩ ngất trời, hình ảnh của mẹ như nước ngoài biển Đông mênh mông rộng lớn, bao la. Tuy mỗi người có những cách dạy dỗ con cái, thiên chức của mỗi người khác nhau nhưng đều hướng tới một ước mơ: “Con cái sẽ nên người, sẽ trưởng thành, biết sống tự lập, hội tụ đầy đủ cả sức mạnh thân thể lẫn trí tuệ tinh thần. Trong gia đình, cha gánh vác, cáng đáng những công việc nặng nhọc nhất, xông xáo với đời lo xây dựng cơ nghiệp. Đối với nhà, cha là trụ cột vững chắc của vợ con. Công lao của cha nhiều vô kể. Bởi vậy dân gian ta mới có câu so sánh cha như ngọn núi sừng sững hiên ngang. Và nếu chỉ có cha không thì liệu người con có thể hình thành, phát triển và tu dưỡng nhân phẩm một cách hoàn thiện. Vai trò của của mẹ cũng to lớn không kém. Mẹ là người đã phải mang nặng đẻ đau, ấp iu, bồng bế, bú mớm cho chúng ta, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm sóc từng li từng tí một. Đó chính là tình cảm sâu nặng, một ân tình lớn lao mà mẹ dành cho con, tưởng chừng không bao giờ hết như nước không bao giờ cạn. Là một người con đất Việt được tiếp thụ truyền thống dân tộc, không ai là không biết đến tình mẫu tử thiêng liêng, tình phụ tử cao cả. Hình ảnh sóng biển lan tỏa ngoài biển khơi và cả hình ảnh từng đợt sóng cuộn trào dưới chân núi, đó chính là lời nhắn nhủ hãy ghi nhớ công lao của cha, tình nghĩa của mẹ dành cho mỗi chúng ta. Người cha tượng trưng cho tình cảm tha thiết, mặn mà. Hai yếu tố nhu và cương đó phải luôn in sâu, khắc kĩ vào trái tim, vào khối óc hay nói chung là luôn hiện hữu trong thân xác, tinh thần người con thì mới có thể tương trợ, hòa hợp dẫn đến sự thành đạt trong cuộc đời.
“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, bởi công lao cha mẹ chăm nuôi con vất vả nhiều bề. “Chín chữ cù lao” mà con phải nhớ là một cách thể hiện tấm lòng thành kính, mến yêu cha mẹ của con cái. Không chỉ vậy, làm con phải hiếu thảo với cha bằng chính những hành động cụ thể của mình, phải chăm lo báo hiếu với cha mẹ - đó mới là tấm lòng hiếu thảo của phận làm con.
Không chỉ là tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm gia đình còn là tình cảm của con cháu đối với ông bà, với những thế hệ đi trước. Ca dao có câu:
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Tình cảm yêu kính, thương nhớ của con cháu đối với ông bà được thể hiện một cách thật giản dị và giàu hình ảnh. Nuộc lạt mái nhà làm sao có thể đo đếm cũng giống như tấm lòng nhớ thương yêu kính của con cháu trong gia đình đối với ông bà không thể đếm được. Ông bà là người đã sinh thành ra cha mẹ ta, là người đã nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn và trưởng thành, là người luôn dành cho con cháu những tình cảm yêu thương trìu mến nhất. Chính vì thế, là thế hệ đi sau, mỗi chúng ta phải ghi nhớ công ơn và hiếu thuận với ông bà, tổ tiên.
Tình cảm gia đình còn là sự gắn bó yêu thương giữa những anh chị em trong nhà. Ông cha ta có lời răn:
“Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.
Trong một gia đình, anh chị em là những người ruột thịt gần gũi nhau nhất. Sự hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau giữa những người con trong gia đình là niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ. Anh chị em phải gắn bó với nhau như chân liền với tay trên cùng một cơ thể, không thể tách rời. Đó chính là yếu tố giúp cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Tóm lại, gia đình là cái nôi đầu tiên để trẻ thơ học hỏi và cũng là nơi cuối cùng con người ta muốn trở về sau biết bao mệt mỏi, ưu phiền ngoài xã hội. Tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em và con cháu là thứ tình cảm huyết thống thiêng liêng nhất nâng đỡ tâm hồn con người, để mỗi chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn. Xin mượn câu nói nổi tiếng của Gớt để kết bài: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự bình yên trong gia đình là người hạnh phúc nhất”.
9. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 9
Dù bạn ở đâu, bạn làm gì thì bạn vẫn biết rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên. Tình mẫu tử, tình phụ tử là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, là chiếc la bàn giúp ta định vị được những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Nó không giống như tình cảm bạn bè, cũng không phải là tình cảm khi ta yêu một người nào đó mà là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Không ai trong chúng ta không có tình cảm này. Và chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta không đơn độc giữa cuộc đời này, vì ít nhất vẫn còn tình cảm của cha mẹ.
Như mọi người biết, thông thường tình cảm bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Riêng tình cảm cha mẹ đối với con cái là do được khơi dậy từ tình yêu thương tự nhiên. Nó được xuất phát và diễn biến một cách hết sức tự nhiên. Tình thương của cha mẹ đối với con cái là sự tự nguyện hi sinh không điều kiện. Bằng chứng là nó không hề bắt đầu từ một hình thức “hợp đồng” hay “giao kèo” để ấn định sự lời lỗ giữa hai bên cha mẹ và con cái. Con cái bất luận là trai hay gái, bình thường hay mang dị tật, cha mẹ đều yêu thương, nuôi dưỡng, không ngại ngùng công lao cực khổ và tính toán với con cái. Chính vì thế, tình cảm cha – mẹ - con cái và ngược lại, đạo làm con đối với cha mẹ là quan hệ “máu mủ ruột rà”, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó nhất của con người. Nó là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ tình cảm khác trong xã hội chúng ta.
Như đã nói ở trên, mối quan hệ này đã tồn tại trong xã hội chúng ta, rộng rãi hơn nữa là trên thế giới, toàn nhân loại hàng ngàn năm và không phải ngẫu nhiên mà lại được đề cao, tôn vinh, tôn thờ như thế. Thuở sơ khai, tạo hóa đã cho ta được những gì? Một xã hội không văn hóa, không giai cấp, không gia đình,… Nhưng khi một đứa trẻ sinh ra, chúng đã được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và được dạy cho những bài học sinh tồn, những bài học đầu đời từ những người sinh thành. Trải qua rất nhiều thế kỉ, đến xã hội chúng ta ngày nay, cuộc sống văn minh, hiện đại, phân tầng giai cấp rõ rệt, con người đã tụ tập theo huyết thống tạo thành những gia đình,… Nhưng khi có một đứa trẻ sinh ra, nó vẫn được dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương, bảo vệ trong vòng tay của những người sinh thành. Những tiếng bập bẹ đầu đời, nó luôn gọi tên những người gần gũi với chúng nhất. Đó là cha, là mẹ! Điều tôi muốn nói ở đây là tình cảm của cha mẹ và con cái đã trở thành thứ tình cảm trường tồn, vượt qua không gian, thời gian và những biến đổi của các yếu tố trong xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng tình cảm này, phải vun đắp tình cảm này trở nên đẹp đẽ và to lớn hơn. Ta phải biết:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Đây là câu ca dao muốn nhắc nhở chúng ta về công lao to lớn của cha mẹ, “Núi Thái Sơn” là ngọn núi cao và đồ sộ ở Trung Quốc, ý muốn so sánh công lao của người cha vô cùng vĩ đại. Còn ví nghĩ mẹ như “nước trong nguồn” chảy ra là chỉ tình mẫu tử hết sức bền chặt, lâu dài giữa mẹ và con. Cả hai vế của câu ca dao trên không chỉ có ý nhấn mạnh, nhắc nhở những kẻ làm con phải biết đến công lao vô cùng to lớn và lâu dài của cha mẹ mà còn gián tiếp khuyên kẻ làm con phải biết làm tròn “chữ hiếu” với cha mẹ.
Vẫn biết tình mẫu tử, phụ tử là thiêng liêng, cao đẹp và chúng ta phải biết trân trọng tình cảm ấy. Nhưng trong cuộc sống thực tại có rất nhiều bậc làm cha mẹ không giữ đúng được vai trò của mình, không làm gương tốt cho con cái,… rồi cũng có những đứa con ngỗ ngược, hư hỏng,… Báo đài gần đây cũng đưa tin về nhiều vụ việc như vậy xảy ra. Theo tôi thấy thì đây quả là một vấn đề rộng lớn, không đơn giản bởi nếu nói cho cùng thì cũng có những nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu nói gọn lại thì có những nguyên nhân cơ bản như sau: Trước hết phải khẳng định đó cũng là một mặt trái của “cơ chế thị trường”, “thời cơ hội nhập” đã tác động mạnh vào xã hội nước ta trong thời gian vừa qua. Vì mục đích mưu sinh mà nhiều gia đình không còn giữ được nếp sống theo truyền thống văn hóa thuần Việt như ngày xưa, sự xa cách, xu thế độc lập, lối sống tự do theo kiểu phương Tây,… làm cho mối quan hệ tình cảm gia đình giữa bố mẹ và con cái có xu thế trở nên xa cách hơn. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập hiện nay, con cái muốn tự lập để khẳng định bản thân, sống một cách buông thả, bất cần,… đã làm cho nhiều sợi dây gắn kết gia đình trở nên yếu đi. Tiếp theo, mặc dù cha mẹ sống có trách nhiệm với con cái, song tình cảm thực vẫn thiếu, điều đó cũng xảy ra ở một số gia đình. Tuy vậy không nhiều. Nguyên nhân chính gây nên chuyện này là do người lớn thiếu trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái, do nhiều nguyên nhân mà họ không thể gần gũi con cái, từ đó không hiểu được tâm tư, tình cảm của con trẻ, không dành được tình thương yêu cho con cái dẫn đến việc không có tình cảm. Chẳng lẽ rồi sẽ có lúc gia đình và các giá trị tình cảm của chúng sẽ biến mất trong cuộc sống xã hội? Bạn thử tưởng tượng nếu như con cái vừa được đẻ ra là được máy tính hóa dữ liệu và chuyển vào Internet thay cho các giấy khai sinh. Tiếp đó đứa con sẽ được chuyển ngay cho các chú rô bốt tự động để nuôi nấng. Bố mẹ quá bận làm việc nên chỉ định kì hằng tháng mới mở chiếc máy tính của mình ra và truy cập vào mạng để biết được thông tin và tình trạng của con cái. Đừng quá “sốc” khi nghe mô phỏng cuộc sống gia đình tương lai như vậy các bạn ạ! Nếu để tình trạng này còn xảy ra thì đó là một viễn cảnh không quá xa vời đâu.
Nếu để cái viễn cảnh như trên không thể xảy ra thì chúng ta phải làm gì? Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc tới con cái. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc tới con cái. Cha mẹ nên quan tâm để giúp con cái định hướng, tránh xa cám dỗ, các tệ nạn xã hội. Và ngược lại, con cái cũng phải yêu thương kính trọng và tròn đạo hiếu với cha mẹ:
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Nếu chúng ta có thể thực hiện được tốt những điều này thì cái viễn cảnh về một tương lai gia đình và các giá trị về tình cảm gia đình sẽ chẳng bao giờ có thể biến mất trong xã hội.
Mỗi ngày hãy tập nói “Con yêu cha mẹ” để nó trở thành một thói quen. Tình yêu cha mẹ của con cái chính là những biểu hiện cao đẹp nhất của tình cảm con người đấy, bạn ạ. Đừng quên nói với các bậc sinh thành rằng “Con yêu cha mẹ”.
10. Nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngắn gọn - Mẫu 10
“Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. Cha mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn để mau thành người. Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật là vô tận, công lao ấy chỉ có thể so sánh với núi sông hùng vĩ và trường cửu mà thôi. Vì vậy, khi ta trưởng thành có thể tự lo cho cuộc sống, ta phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và luôn luôn đem lại niềm vui cho cha mẹ. Công ơn của cha mẹ như trời biển nên những việc ta làm không thể đền đáp đủ được. Chính vì thế, bằng tình cảm biết ơn cha mẹ tự đáy lòng, ta phải cố gắng hết sức và chân thành tự nguyện phụng dưỡng cha mẹ mình. Đó là một phần bổn phẩn của con cái trong gia đình và là tình cảm của con cái đối với cha mẹ. Vậy ta hiểu như thế nào là tình cảm của con đối với cha mẹ? Đó đơn giản là thứ tình cảm từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người chúng ta - một tình cảm hết sức cao cả, thiêng liêng, vô cùng trong sáng mà chẳng gì có thể mua được. Đó là sự vun đắp gắn chặt lâu bền giữa người con đối với cha mẹ.“Mẹ thương con con có hay chăng/Thương từ khi thai nghén ở trong lòng.” Đúng như lời bời hát, người con kể từ lúc còn trong bụng đã cảm nhận được biết bao tình cảm của người mẹ và cả sự quan tâm chăm sóc của người cha. Và rồi khi ta chào đời, ta lại được nuôi lớn bằng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ và bao vất vả khó nhọc của cha. Cha mẹ - những người có công rất lớn trong cuộc đời chúng ta, những người đã chứng kiến từng giai đoạn chúng ta trưởng thành và lớn lên. Từ “ba tháng biết lẫy”, “bảy tháng biết bò” rồi đến “mười tháng lò giò biết đi”, họ trông mong chúng ta khôn lớn từng ngày. Ngay từ những bước tập đi đầu đời, ta ngã thì cha mẹ đã vội chạy lại nâng đỡ dỗ dành hết sức khi con khóc, ngày con biết tập nói cả nhà như tập nói theo con. Thời gian cứ thế trôi đi, đồng nghĩa với việc con ngày càng khôn lớn và cha mẹ lại ngày càng vất vả hơn. Họ phải lo cho chúng ta từ cái ăn, cái mặc đến cái học hành. Cho dù vất vả mệt nhọc như thế nào thì họ vẫn luôn yêu thương, che chở cho con. Có ai trên đời này dám đảm bảo rằng từ lúc nằm trong nôi cho đến khi trưởng thành mà không làm cho cha mẹ mình buồn không? Lúc còn bé ta đã bao lần làm cha mẹ phải buồn lòng: nói dối cha mẹ, trốn học, bỏ học, cãi lại cha mẹ,… Chúng ta làm cho cha mẹ phải phiền lòng như vậy, ta chỉ thấy họ mắng chúng ta, có đôi lúc còn vung tay đánh mấy cái nhưng đâu có ai biết rằng đánh chúng ta đau như thế nào thì trong lòng họ lại đau bội phần. Họ thương chúng ta lắm nhưng không bộc lộ ra ngoài mà chỉ toàn là mắng chửi là vì học muốn ra nhận ra cái sai trong việc mình làm và hối lỗi. Nhưng ta đâu hiểu họ, hiểu được tấm chân tình của họ để rồi ta nghĩa rằng họ ghét ta lắm. Chúng ta chẳng không bao giờ biết được tình cha mẹ bao la biết chừng nào cho đến khi chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ thực sự. Khi lớn lên rồi ta mới biết được cha mẹ ta bao dung biết nhường nào bởi ta làm sai hay đối xử tệ bạc với cha mẹ thì họ vẫn luôn sẵn sàng tha thứ. Sau này lớn lên, bước vào đời, rời xa vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ ta mới biết được trên đời chẳng có ai quan tâm đến ta bằng họ. Thử hỏi xem khi bạn ốm ai là người chăm sóc bạn?
---------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Nghị luận xã hội về tình cảm giữa Cha mẹ và con cái. Hy vọng đây là tài liệu hay giúp các em có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình, từ đó đạt điểm cao trong các thi văn 8 sắp tới.
Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Ngữ văn lớp 8, Soạn văn 8, Đề thi học kì 2 lớp 8 môn Văn mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em học tập thật tốt.