Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”

VnDoc xin giới thiệu bài văn mẫu dưới đây với đề tài: Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” là tài liệu văn mẫu lớp 9 được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hi vọng, bài Bình luận câu tục ngữ này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các em học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời các quý thầy cô và các em tham khảo.

I. Dàn ý Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”

Dàn ý Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”.

2. Thân bài

a. Giải thích

Có làm thì mới có ăn: nhắc nhở con người phải biết dùng sức của mình để lao động, tạo ra của cải, vật chất.

Không dưng ai dễ mang phần đến cho: không có ai cho không ai cái gì, không ai có nghĩa vụ phải cung phụng chúng ta suốt đời

Ý cả câu: khuyên nhủ con người biết dùng sức lao động của mình, cần cù, chăm chỉ để tạo ra của cải, vật chất, chủ động trong chính cuộc sống của mình mà không trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào ai.

b. Phân tích

Chúng ta cần cần cù chăm chỉ lao động để tạo ra nhiều hơn của cải vật chất phục vụ đời sống cá nhân và góp phần làm phát triển xã hội.

Người không rèn luyện cho mình đức tính cần cù chăm chỉ sẽ nảy sinh nhiều tính xấu khác như: ỷ lại, dựa dẫm vào người khác,…

Nếu không cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhanh chóng bị xã hội đào thải và trở nên thụt lùi so với sự phát triển của thời đại.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy những dẫn chứng về những con người luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, cần cù, chăm chỉ lao động để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chỉ ưa dựa dẫm vào người khác, không cố gắng vươn lên, chăm chỉ lao động mà chỉ tập trung vào thú vui, đam mê của bản thân,… những người này đáng bị chê trách và cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và thay đổi bản thân nếu muốn tốt hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”, đồng thời rút ra bài học cho bản thân.

Dàn ý Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Câu nói mang ý nghĩa khuyên nhủ con người hãy tích cực lao động, làm việc chăm chỉ để thực hiện những ước mơ, mục tiêu mà bản thân mình đề ra. Có lao động, con người ta mới có niềm vui, thúc đẩy sự sáng tạo và có của cải, vật chất để nuôi sống bản thân → đề cao vai trò, tầm quan trọng của lao động.

b. Phân tích

Con người không thể sống mà cứ ngồi im một chỗ và không làm gì. Chỉ khi chúng ta làm việc, lao động mới tạo ra tiền của phục vụ đời sống và những nhu cầu của bản thân.

Lao động còn giúp cho xã hội này phát triển hơn, hiện đại hơn và đời sống của con người trở nên dễ dàng và nhàn hạ hơn.

Khi lao động, con người sẽ rút ra được những bài học cho riêng bản thân mình từ đó sẽ có sự sáng tạo, tư duy mới mẻ hơn, mở mang tầm hiểu biết.

Việc tích cực lao động sẽ tạo ra thành quả riêng cho mỗi con người đồng thời cũng là thước đo đánh giá con người vô cùng chính xác.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về tấm gương chăm chỉ lao động để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu và xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn những người lười biếng, chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại vào người khác mà không tích cực lao động, hoặc có những người quá an phận với công việc của mình mà không biết phấn đấu vươn lên,… những người này đáng bị chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”, đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.

Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”

Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ mang phần tới cho

II. Văn mẫu Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”

Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 1

Lao động là vinh quang. Thật vậy! Ở bất cứ thời đại nào thì lao động chân chính vẫn được con người ta tôn vinh. Có lao động mới tạo ra được những giá trị tốt đẹp nhất cho bản thân cũng như xã hội. Chính vì thế, câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” hoàn toàn đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Có làm thì mới có ăn ngụ ý nhắc nhở con người phải biết dùng sức của mình để lao động, tạo ra của cải, vật chất. Không dưng ai dễ mang phần đến cho ám chỉ việc không có ai cho không ai cái gì, không ai có nghĩa vụ phải cung phụng chúng ta suốt đời. Ý cả câu khuyên nhủ con người biết dùng sức lao động của mình, cần cù, chăm chỉ để tạo ra của cải, vật chất, chủ động trong chính cuộc sống của mình mà không trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào ai. Chúng ta cần cần cù chăm chỉ lao động để tạo ra nhiều hơn của cải vật chất phục vụ đời sống cá nhân và góp phần làm phát triển xã hội. Nếu không cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhanh chóng bị xã hội đào thải và trở nên thụt lùi so với sự phát triển của thời đại. Ngoài ra, người không rèn luyện cho mình đức tính cần cù chăm chỉ sẽ nảy sinh nhiều tính xấu khác như: ỷ lại, dựa dẫm vào người khác,… Người trẻ chúng ta hiện nay có nhiều điều kiện để lao động, phát triển bản thân và tạo ra những giá trị tốt đẹp, hãy biết nắm bắt cơ hội và khẳng định mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chỉ ưa dựa dẫm vào người khác, không cố gắng vươn lên, chăm chỉ lao động mà chỉ tập trung vào thú vui, đam mê của bản thân,… những người này đáng bị chê trách và cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và thay đổi bản thân nếu muốn tốt hơn. Cuộc sống rất ngắn ngủi để lãng phí hoặc trông chờ vào người khác, hãy nỗ lực vươn lên bằng khả năng của mình để khẳng định bản thân cũng như tạo ra những giá trị tốt đẹp nhất cho xã hội.

Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 2

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lần thất bại, vấp ngã. Nhưng lựa chọn bỏ cuộc hay đứng lên đi tiếp lại là ý chí của mỗi người. Có thể thấy, đức tính chăm chỉ cần cù là yếu tố quan trọng quyết định đến thành bại của mỗi người. Để khuyên nhủ chúng ta rèn luyện đức tính này, ông cha ta đã sáng tác ra câu tục ngữ: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Chăm chỉ cần cù là việc nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ của mỗi người; luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, cố gắng hơn người khác trong cuộc sống. Đây là một đức tính tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện. Trên con đường của mình sẽ có lúc chúng ta gặp thất bại, nhưng hãy biết đứng lên để vượt qua thất bại đó, hướng đến mục tiêu và ta sẽ có được thành công. Xã hội luôn phát triển, nếu con người không cố gắng vươn lên, nỗ lực, cố gắng sẽ bị thụt lùi về sau và sớm muộn cũng bị đào thải khỏi vòng xoay của xã hội. Mỗi con người cần phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, sống tốt hơn thì mới trở thành công dân có ích giúp đất nước giàu đẹp. Trên con đường chinh phục ước mơ, thành công chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và những vấp ngã, sau khi đứng lên sau vấp ngã, khó khăn đó chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân, từ đó tích lũy được kinh nghiệm sống, hoàn thiện mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống không có ước mơ, không biết phấn đấu vươn lên, chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không biết tự làm chủ cuộc sống của mình hoặc khi vấp ngã thì nản chí,… những người này sẽ không có được thành công, sẽ sớm bị xã hội đào thải. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất trên đời, không có ai là hoàn hảo cũng như không gặp thất bại, nhưng nếu ta biết vươn lên phía trước để hoàn thiện bản thân, ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng.

Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 3

Mỗi người trẻ chúng ta được sống trong nền hòa bình và tự do như hiện nay là một điều vô cùng may mắn. Nhưng không vì thế mà chúng ta thờ ơ với cuộc sống, với xã hội mà ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng cần phải cố gắng vươn lên, bởi lẽ: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Câu nói mang ý nghĩa khuyên nhủ con người hãy tích cực lao động, làm việc chăm chỉ để thực hiện những ước mơ, mục tiêu mà bản thân mình đề ra. Có lao động, con người ta mới có niềm vui, thúc đẩy sự sáng tạo và có của cải, vật chất để nuôi sống bản thân. Con người không thể sống mà cứ ngồi im một chỗ và không làm gì. Chỉ khi chúng ta làm việc, lao động mới tạo ra tiền của phục vụ đời sống và những nhu cầu của bản thân. Lao động còn giúp cho xã hội này phát triển hơn, hiện đại hơn và đời sống của con người trở nên dễ dàng và nhàn hạ hơn. Khi lao động, con người sẽ rút ra được những bài học cho riêng bản thân mình từ đó sẽ có sự sáng tạo, tư duy mới mẻ hơn, mở mang tầm hiểu biết. Việc tích cực lao động sẽ tạo ra thành quả riêng cho mỗi con người đồng thời cũng là thước đo đánh giá con người vô cùng chính xác. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chỉ ưa dựa dẫm vào người khác, không cố gắng vươn lên, chăm chỉ lao động mà chỉ tập trung vào thú vui, đam mê của bản thân. Lại có nhiều người làm được một nửa, gặp khó khăn thì bỏ dở… những người này sẽ khó có được thành công trong cuộc sống. Mỗi người có một ước mơ, hoài bão khác nhau, tuy nhiên nếu tất cả cùng cố gắng, chúng ta sẽ xây dựng được một đất nước vững mạnh. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Bình luận câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 4

Cuộc sống luôn đòi hỏi con người phải cố gắng, nỗ lực vươn lên để khẳng định giá trị của bản thân. Con người luôn luôn được đào tạo tính tự lập, kiên cường, ý chí. Mọi thứ chúng ta có được phải trả giá bằng mồ hôi, xương máu, bằng trí tuệ và sức lực của chúng ta thì mới có ý nghĩa và mang lại hạnh phúc cho ta. Chính vì vậy, trong kho tàng ca dao, tục ngữ của nước ta có câu nói “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”

Câu nói này muốn nhắc nhở khuyên nhủ con người ta phải biết lao động chân chính, để tạo ra của cải vật chất cho mình. Có như vậy cái bạn làm ra mới có ý nghĩa và lâu bền. Còn nếu như bạn không lao động chỉ nhăm nhăm chờ người khác mang quà, tới biếu mình thì chắc chắn là không bao giờ có chuyện đó. Nếu như bạn không làm gì có lợi cho họ. Không có động thái “Có qua có lại mới toại lòng nhau”

Trong xã hội phong kiến xưa kia, phần lớn của cải do người dân lao động làm ra rơi vào tay giai cấp bóc lột. Bọn chúng sống xa hoa, phè phỡn trên mồ hôi nước mắt dân nghèo. Thằng còng làm cho thằng ngay ăn, Ngồi mát ăn bát vàng là những sự thực phũ phàng diễn ra hằng ngày. Bởi thế, ông cha ta đã thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về lao động và hưởng thụ; qua đó phản ánh mơ ước, khát khao có được sự công bằng, hợp lí trong xã hội: “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho”

Câu nói trên đúc kết cho con người một nguyên tắc sống chân thành, mộc mạc, giản dị dạy con người phải biết quý trọng lao động, trân trọng những thành quả do công sức lao động của mình làm ra. Cuộc sống con người muốn tồn tại lâu dài, muốn tự mình hiên ngang, thẳng thắn đi trên con đường của mình được mọi người yêu quý, kính nể, thì cần phải biết lao động, lao động về thể xác hay trí óc thì đều là những lao động chân chính. Việc chúng ta tạo ra những vật chất, tiền tài từ sức lao động của mình giúp cho chúng ta khẳng định được vị thế, giá trị của bản thân trong cộng đồng, trong xã hội.

Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ mang phần tới cho

Còn những con người không biết lao động, không yêu quý việc lao động chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng, trông chờ người khác mang sẵn của cải vật chất tới cho mình, thì sớm muộn cũng phải trả giá đắt. Bởi trong cuộc sống nếu chúng ta không làm lợi cho họ, thì không có lý do gì họ lại mang lại lợi ích cho ta. Nhưng khi chúng ta làm lợi cho một người nào đó để nhận sự biếu xén của họ, thì vô tình chung chúng ta đang làm sai tới lợi ích của đông đảo mọi người. Việc làm sai trái này sẽ có ngày nào đó bị phanh phui ra ánh sáng, khiến cho chúng ta phải khốn đốn. Nhẹ thì cảnh cáo, kỷ luật, nặng thì tù tội, vướng vòng lao lý sinh tử…

Trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay, bên cạnh những người biết quý trọng lao động, có ý thức lao động để tự lập, tự cường thì cũng có nhiều người đang sống như một cây tầm gửi, sống bám vào xã hội, mong chờ sự giúp đỡ bố thí tình thương của xã hội như: hot girl Bella đang rất thu hút mọi người ở trên mạng xã hội hiện nay.

Cô gái này chỉ sinh năm 1988 còn rất trẻ sức khỏe bình thường, nhưng lại muốn có cuộc sống ăn ngon, mặc đẹp mà không phải lao động. Cô gái này thường xa vào nhà hàng, khách sạn, đi xe taxi mà không chịu trả tiền, rồi khi mọi người mắng mỏ cô thì cô gái này lại kêu rằng mình đang có bầu cần phải được chăm sóc nhằm kêu gọi tình thương của xã hội.

Tất nhiên trong xã hội ta nhiều người có lòng hảo tâm và sẵn sàng giúp đỡ cô gái này. Nhưng dường như lòng tham của cô gái này quá lớn. Cô ta ngày càng đòi hỏi nhiều hơn và luôn luôn muốn người khác cung phụng mình mà không bao giờ nghĩ mình làm gì cho họ, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Những người có tư tưởng sống như cô gái Bella này thật đáng chê trách và đáng xấu hổ. Nên loại bỏ những con người này ra khỏi xã hội không nên quá quan tâm tới họ, để họ lợi dụng lòng tốt của cộng đồng nhằm trục lợi. Nên dạy họ những bài học để họ hiểu được giá trị của việc lao động ý nghĩa như thế nào.

Câu tục ngữ trên là thái độ sống, quan điểm hoàn toàn đúng đắn của cha ông ta việc cống hiến, lao động với thành quả hưởng thụ. Có lao động thì mới được hưởng thụ thành quả. Thông qua câu tục ngữ ông cha ta đã khẳng định một chân lý tồn tại mãi mãi đó là lao động mới là tiêu chuẩn đo sự thành công, đạo đức, giá trị của một con người khi sống trong xã hội.

Trong giai đoạn hiện đại, câu tục ngữ này càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó nhằm giáo dục, khuyên nhủ những vị quan chức, quyền cao chức trọng phải biết giữ mình trước những túi quà, những tập phong bì, để giữ cho tâm hồn trong sạch, thanh cao. Bởi “Không dưng ai dễ mang phần đến cho” đằng sau những món quà đắt tiền, những tập phong bì kia đều là những âm mưu khác, nếu vị quan chức kia nhận đồng nghĩa đã thương lượng, bao che cho điều ác, điều xấu, đã bán rẻ thanh danh và phẩm hạnh của mình. Rồi sẽ có một ngày anh ta phải trả giá trước pháp luật và trước toàn thể người dân trong xã hội.

Nghị luận về câu tục ngữ “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” mẫu 5

Mở bài: Giới thiệu về câu "Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”

Từ xưa đến nay dân tộc Việt Nam luôn luôn có truyền thống yêu lao động, luôn hăng say trong sản xuất và chiến đấu, chính vì thế, lao động trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của nhân dân, chính vì vậy mới có câu tục ngữ:

“Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”.

Thân bài: Suy nghĩ về câu "Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”

Câu tục ngữ trên nghĩa đen của nó muốn nói đến những người yêu lao động, phải làm, phải lao động mới có cái để ăn, chứ không dưng, không ai đem phần đến cho ăn hết. Và đặc biệt nghĩa bóng của câu nói này là đề cập đến tinh thần hăng say trong lao động, phải biết yêu lao động, không lao động chúng ta sẽ không thể trở thành những con người có ích cho xã hội được. Như ngạn ngữ Trung Quốc cũng có câu “Nhàn cư bất thiện” chính sự hăng say mới tạo nên một con người có ích.

Và phải có lao động mới có cái để ăn, mới tạo ra được của cải vật chất, không ai có thể đem thức ăn, hay vật chất đến cho những người lười lao động. Tinh thần lao động luôn phải được nâng cao, hăng say trong lao động, cần phải lao động để tạo nên những giá trị có ích cho cuộc sống, mới tạo thành một con người có ích cho cuộc sống. Chăm chỉ lao động, chúng ta sẽ có được một cuộc sống sung túc, luôn ấm no, đầy đủ.

Không dưng không lao động mà có cái để ăn được, không lao động dễ dẫn đến những suy nghĩ sai lệch, như trong cuộc sống chúng ta đều thấy những con người lười lao động đều là những con người hư hỏng và là thành phần xấu trong xã hội, khi họ lười lao động, họ sẽ nghĩ đến việc xấu như ăn cắp, ăn trộm để có được thứ mà ăn, để tồn tại, lười lao động chỉ nghĩ đến những hành vi xấu trong xã hội, không tạo nên những điều tốt đẹp được.

Dân tộc ta nói quả không sai "Có làm thì mới có ăn” quả là đúng, từ xưa chúng ta đều thấy những con người chăm chỉ lao động đều là những con người thành công, có điều kiện sống sung túc, chăm chỉ, hăng say trong lao động, họ là những con người luôn yêu lao động. Lao động sẽ tạo ra vật chất, tạo ra cơm áo gạo tiền cho họ tồn tại và hơn nữa cho họ giá trị về cuộc sống, về giá trị của đồng tiền, họ sẽ biết cách sử dụng nó hiệu quả hơn.

Câu tục ngữ này đã để lại cho dân tộc Việt Nam rất nhiều những suy tư sâu sắc về cuộc sống, nó để lại cho chúng ta những bài học có giá trị hơn về cuộc sống, những trải nghiệm sâu sắc hơn về cuộc sống này. Chúng ta cần phải luôn có tinh thần phê và và tự phê trong cuộc sống vì chính điều đó để lại cho chúng ta những trải nghiệm mới mẻ hơn về cuộc sống, những hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống này.

Cần phải biết lao động, yêu lao động từ đó chúng ta mới trở thành những con người có ích cho xã hội, biết lao động chúng ta sẽ hiểu được sự vất vả, những khó khăn khi kiếm ra được đồng tiền để mưu sinh, sự vất vả đó được đánh giá bằng những giọt mồ hôi của những người nông dân, hay sự toan tính của những người lao động bằng đầu óc. Tất cả đều để cho họ những trải nghiệm, đó là những trải nghiệm riêng, cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống này, biết sống đúng đắn, chúng ta sẽ cảm nhận được rất nhiều từ cuộc sống này.

Tuy nhiên như chúng ta đều thấy trong xã hội cũng xuất hiện rất nhiều người lười lao động, họ chỉ muốn “Ăn không ngồi rồi”, không muốn lao động, những người nhàn rỗi, không có việc gì làm thì thường có những suy nghĩ sai lệch, họ thường làm những điều trái pháp luật, nghĩ ra để có cái ăn, nhưng không chịu làm. Họ sợ vất vả, không muốn lao động, hầu hết những người lười lao động thì đều trở thành gánh nặng cho xã hội và cho gia đình của họ.

Câu tục ngữ của chúng ta sẽ vẫn sống mãi với thời gian, luôn nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải biết quý trọng lao động, luôn yêu lao động, quý trọng những giá trị mà dân tộc đã để lại cho mỗi con người chúng ta. Phải biết làm nên những giá trị sống to lớn, từ đó chúng ta sẽ thấy cuộc đời có rất nhiều điều đáng suy ngẫm, và đáng được trân trọng hơn rất nhiều.

Kết bài: Bài văn nêu suy nghĩ về câu ”Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”

Câu tục ngữ đã để lại cho mỗi chúng ta những bài học, những cảm nghĩ sâu sắc hơn về lao động, sự chăm chỉ, sẽ giúp chúng ta có được những điều tốt nhất cho cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội này. Luôn yêu lao động, cần cù thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mỗi chúng ta.

Giải thích và bình luận câu tục ngữ: “Có làm thì mới có ăn…” mẫu 6

Cũng như hai tiếng học - hành, học - hỏi, hai chữ làm và ăn được nhân dân ta nói đến trong ca dao, tục ngữ thật sâu sắc, ý vị đậm đà. Đây là câu tục ngữ tiêu biểu nhất nêu lên bài học làm người, thể hiện một triết lí nhân sinh tích cực về mối quan hệ giữa làm và ăn của mỗi người trong xã hội:

‘Có làm thì mới có ăn,
Không dưng ai dễ đem phần đến cho’

1. Câu tục ngữ diễn đạt dưới hình thức thơ lục bát. Câu lục mộc mạc, giản dị như một lời ăn tiếng nói hàng ngày của bà con lao động về một sự thật hiển nhiên ở đời: ‘Có làm thì mới có ăn’. Dân gian đã sử dụng cách nói điều kiện - hệ quả để chỉ ra một chân lí. "Có làm" là điểu kiện; ‘có ăn’ là hệ quả. Thật là dễ hiểu, vì có làm thì mới có ăn; muốn có ăn thì phải làm, phải lao động.

Hai tiếng ‘không dưng’ trong câu bát nghĩa là không bỗng chốc, không tự nhiên, tự dưng mà có. Chữ ‘phần’ là miếng ăn, là của cải vật chất. ‘Có con mà gả chồng gần - Nửa đêm đốt đuốc đem phần biếu cha’ (ca dao). Nghĩa câu bát bổ sung cho nghĩa câu lục, dân gian đã nhắc khẽ người đời nên biết, nên nhớ là không tự dưng, không bỗng chốc vô cớ mà thiên hạ đem miếng ăn, đem của cải vật chất đến cho không mình.

Tóm lại, câu tục ngữ đã chỉ rõ: Muốn sống, muốn tồn tại, muốn ấm no thì phải lao động; không thể sống ỷ lại thiên hạ.

2. Câu tục ngữ đã khẳng định giá trị to lớn của lao động, ca ngợi sức lao động và con người lao động. Lao động trước hết để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống gia đình mình. Lao động còn để phục vụ đất nước và nhân dân trên vị thế công dân. Có làm có lao động mới sản xuất ra mọi của cải vật chất và sáng tạo ra mọi giá trị tinh thần để làm cho đất nước ngày thêm giàu đẹp. Lao động là nguồn sống, nguồn ấm no hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Qua câu tục ngữ, nhân dân ta đã phê phán những kẻ lười biếng, ăn bám, chỉ biết ‘Ăn dày làm mỏng’ ỷ lại ‘Há miệng chờ sung’. ‘Có làm thì mới có ăn’ siêng năng, chịu khó lao động thì ấm no, có bát ăn bát để. Lười biếng thì đói rét, khổ cực, chẳng ai cho, chẳng ai thương! Muốn ấm no hạnh phúc và được mọi người tôn trọng thì phải lao động, cần cù, chịu khó. Đã từ bao đời nay, người nông dân Việt Nam đem mồ hôi và công sức bám lấy ruộng đồng, nương rẫy, cuốc bẫm cày sâu, một nắng hai sương, cày cấy quanh năm mới làm ra được hạt gạo để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình mình. Nhờ thế mới có lương thực nuôi bộ đội đánh giặc, mới có nhiều gạo để xuất khẩu. Khái niệm làm và ăn rất rộng lớn. Người thợ xây nhà, làm cầu đường, trường học, bệnh viện, dệt vải, làm ra mọi vật dụng cho quốc kế, dân sinh. Thầy thuốc chữa bệnh, săn sóc sức khỏe nhân dân. Giáo viên dạy học, đào tạo thế hệ trẻ thành người lao động có văn hóa, có kĩ thuật cho đất nước. Lao động chân tay và lao động trí óc đều vẻ vang. Tất cả đều là nguồn nhân lực để nuôi sống xã hội, để xây dựng đất nước ngày một thêm văn minh, giàu đẹp. ‘Có làm thì mới có ăn’ từ chân lí ấy ta mới cảm nhận được, lao động là cái đáng quý nhất, người lao động là người đáng kính nhất trong xã hội.

3. Câu tục ngữ trên chỉ rõ lao động là thước đo giá trị phẩm giá của mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình, mỗi công dân trong xã hội. Cần cù siêng năng, kiên nhẫn, chịu khó, dũng cảm, sáng tạo, v.v... là những đức tính tốt đẹp được hình thành phát triển trong lao động, làm nên nhân cách công dân. Và cũng vì thế mà các thói xấu, tệ nạn như lười biếng, ỷ lại, ngại khó ngại khổ, tham lam, thích ăn ngon, mặc dẹp, xài sang mà chây lười, bóc lột, tham nhũng, xa hoà, lãng phí, v.v... đều bị cộng đồng chê cười, khinh bỉ, lên án. Dân gian nói thật hay về chuyện làm và ăn ở đời. Những câu tục ngữ ấy đã trở thành bài học luân lí thấm thía:

- ‘Hay ăn thì lăn vào bếp’.

- ‘Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn’.

- ‘Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ’.

- ‘Có khó mới có miếng ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho’

4. Câu tục ngữ ‘Có làm thì mới có ăn...’ nêu lên một nguyên tắc, một quan niệm đúng đắn, công bằng, về làm và ăn, về cống hiến và hưởng thụ: có làm thì có hưởng, làm tốt hưởng nhiều, làm ít, làm dở thì hưởng ít, không làm không hưởng. Trong xã hội cũ, nhân dân lao động đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn đói rét, trái lại, tầng lớp trên không làm mà lại sống trong nhung lụa. Đó là nghịch lí, bất công: ‘Thằng còng làm cho thằng ngay ăn’, ‘Kẻ ăn không hết người tần không ra.

Lao động thủ công, lao động cơ bắp thật đáng quý. Một giọt mồ hôi, một hạt cơm vàng. Nhưng lao động kĩ thuật, lao động sáng tạo, tài kinh doanh quản lí mới là phẩm chất cần có, nên có đối với mọi người sống trong nền kinh tế - xã hội tri thức.

Nếu làm mà không tiết kiệm, sống xa hoa lãng phí, cần mà không kiệm, thì có thể nói là chưa hiểu đầy đủ câu tục ngữ ‘Có làm thì mới có ăn...’. Qua câu tục ngữ trên, nhân dân ta đã đề cao lao động, nêu lên bài học giáo dục tinh thần lao động, nhắc nhở mọi người yêu lao động, biết sống bằng lao động. Bước vào đời, ai cũng phải sống bằng lao động, phải biết làm giàu một cách chính đáng bằng vốn liếng của mình, bằng chất xám và tài năng của mình. Cuộc đời đâu chỉ vì ăn mà làm, mà lao động? Còn nhiều ý nghĩa cao quý hơn. Vì sự ấm no hạnh phúc của toàn thể cộng đồng, vì sự phú cường của đất nước mà người người lao động, nhà nhà lao động. Làm để ăn để sống; làm còn để hiến dâng và phục vụ. Ông cha ta còn nhắc nhở: ‘Miệng ăn núi lở’, vì thế cần kiệm phải là quốc sách.

Học đi đôi với hành, học tập khoa học, kĩ thuật,... phải là niềm say mê của thanh thiếu nhi. Để có miếng ăn mà phải lấy cái xe bò làm công cụ, phải làm kiểu con trâu đi trước, người cày theo sau thì buồn lắm! Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giúp chúng ta hiếu sâu hơn hai chữ làm và ăn trong câu tục ngữ ‘Có làm thì mới có ăn...’ này. Vì thế, học giỏi, lao động giỏi, được sống trong khoa học và giàu có là chí hướng, là ước vọng của mỗi chúng ta.

---------------------------

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu Ngữ văn lớp 9, Soạn văn lớp 9, Học tốt Ngữ Văn lớp 9, Soạn Văn lớp 9 (ngắn nhất), Tài liệu học tập lớp 9

Đánh giá bài viết
43 53.581
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm