Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

Văn mẫu lớp 9: Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương

a. Mở bài:

Giới thiệu qua về tác phẩm và nhân vật Vũ Nương

b. Thân bài:

- Vũ Nương là người con hiếu thảo:

+ Khi chồng đi lính ở nhà bầu bạn với mẹ chồng

+ Mẹ chồng ốm nàng hết mực chạy chữa thuốc thang, lễ bái thần phật và dùng cả lời lẽ ngon ngọt để khuyên răn mẹ

+ Lời trăn trối của mẹ chồng trước khi mất đã khẳng định sự hiếu thảo của Vũ Nương

+ Nàng lo ma chay, cúng bái mẹ chồng như cha mẹ đẻ

- Vũ nương là người vợ thủy chung, son sắt

+ Một mình nuôi con, chăm con và mẹ chồng, thay chồng làm cha và làm tròn đạo hiếu

+ Ngày đêm mong nhớ Trương Sinh về, không mong chồng về với chiến công hiển hách, chỉ mong chồng bình an quay về.

+ Thương con nên chỉ bóng mình trên tường là cha => Khi Trương Sinh đi lính về, vì thế mà gây ra hiểu nhầm, nghĩ Vũ Nương phản bội mình; mặc nàng giải thích vẫn đuổi nàng đi

+ Vũ Nương vì muốn chứng minh lòng thủy chung của mình, chỉ có thể nhảy Hoàng Giang tự vẫn

+ Câu thề trước khi chết của Vũ Nương đã một lần nữa khẳng định lòng thủy chung của nàng.

c. Kết bài

Khẳng định lòng hiếu thảo và thủy chung của Vũ Nương, lên án xã hội phong kiến xưa.

II. Văn mẫu Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương 

1. Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương - Mẫu 1

“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ. Ra đời vào thời kì đất nước loạn lạc với những cuộc nội chiến, tác phẩm khắc họa sâu sắc hiện thực xã hội và chân dung đáng thương của con người. Nguyễn Dữ tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của Vũ Nương trên nền lịch sử tàn khốc. Ở Vũ Nương hội tụ nhiều nét tính cách cao đẹp, trong đó có lòng hiếu thảo.

Vũ Nương đẹp người đẹp nết, hội tụ đầy đủ công – dung – ngôn – hạnh. Nàng có tư dung tốt đẹp nên Trương Sinh đã xin mẹ trăm lạng vào cưới về. Với chồng, nàng là một người vợ thủy chung, biết giữ gìn khuôn phép. Sự lễ độ đó của Vũ Nương đã góp phần nhiều vào không khí yên ấm của gia đình. Khi tiễn chồng đi, Vũ Nương không cầu vinh hiển mà chỉ hy vọng chồng được bình yên trở về. Vũ Nương hết mực chung thủy: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết, tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”. Nàng quả thật là một người vợ hiền hậu và tần tảo. Điều này cũng ngầm cho thấy Vũ Nương là một nàng dâu tốt.

Cụ thể, đối với mẹ chồng, Vũ Nương đã làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Khi bà đau ốm vì mong nhớ con trai, nàng “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào, khôn khéo khuyên lơn”. Nàng thấu hiểu nỗi lòng người mẹ, dùng hết sức mình để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bà. Có thể thấy, sự săn sóc mà Vũ Nương dành cho mẹ chồng không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn xuất phát trực tiếp từ trái tim nhân hậu, đầy yêu thương và tinh tế của nàng. Lời trăng trối của mẹ chồng trước khi qua đời đã chứng giám cho tấm lòng đáng trọng ấy: “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thường dễ xảy ra hiềm khích, nhất là trong xã hội xưa. Nhiều nàng dâu có số phận đau thương vì sự cay nghiệt từ mẹ chồng. Sự hòa thuận giữa Vũ Nương và mẹ chồng đã cho thấy vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương. Nàng đoan chính, hiếu thảo, khéo léo, dịu dàng khiến mẹ chồng không thể không cảm động. Vì thế, bà mong muốn con dâu mình sẽ được hạnh phúc về sau để xứng với những gì nàng đã cống hiến.

Không dừng lại ở đó, khi mẹ chồng qua đời, Vũ Nương đã một thân một mình lo liệu ma chay, tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ. Chi tiết này một lần nữa khắc sâu sự thuần khiết, nhân hậu của Vũ Nương. Mọi việc nàng làm đều xuất phát từ trái tim chân thành mà không đòi hỏi đền đáp vật chất.

Tình yêu dành cho quê nhà cũng phần nào cho thấy sự hiếu thảo, không quên đi nguồn cội của Vũ Nương. Bị chồng hàm oan rồi gieo mình xuống dòng sông, may mắn nàng được thần tiên thương xót. Sống an nhàn nhưng Vũ Nương vẫn canh cánh nỗi nhớ nhà. Khi gặp chàng Phan, nghe anh ta kể cảnh nhà cây cối mọc thành rừng, phần mộ tổ tiên cỏ gai rợp mắt thì Vũ Nương đau xót đến mức ứa nước mắt. Nàng khẳng định ắt có ngày tìm về quê cũ. Chi tiết nhỏ nhưng có giá trị cao trong việc biểu đạt tấm lòng trung hiếu vẹn tròn của người phụ nữ.

Như vậy, phẩm chất hiếu thảo của Vũ Nương đã được Nguyễn Dữ thể hiện một cách chân thực, tài tình qua ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ của nhân vật. Tác ggiả sử dụng những yếu tố hoang đường kì ảo, tình tiết truyện hấp dẫn và éo le để thử thách nhân vật. Từ đó, ta thấy Vũ Nương hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống.

2. Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương - Mẫu 2

Phụ nữ là một nửa của thế giới này, là những người xứng đáng được yêu thương và trân trọng nhất. Vậy nhưng trong xã hội phong kiến xưa, số phận của những người phụ nữ lại như bài thơ Bánh trôi nước của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương:

“Thân em thời trắng phận em tròn,

Bảy nổi ba chìm mấy nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.”

Những người phụ nữ khi đó dù có xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn đến đâu vẫn gánh chịu những bất công, áp bức của xã hội phong kiến trọng nam khinh nhữ, cổ hủ và lạc hậu. Có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đồng cảm với số phận của họ đã sáng tác các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của những người phụ nữ và vạch mặt xã hội phong kiến tàn ác. Nổi bật trong số đó không thể không kể đến tác phẩm chuyện người con gái Nam Xương, một trong hai mươi truyện của Truyền kì mạn lục do tác giả Nguyễn Dữ sáng tác. Nhân vật chính của truyện là nàng Vũ Nương, hay còn gọi là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương. Nàng là một người phụ nữ vô cùng tốt đẹp với tấm lòng thủy chung và hiếu thảo.

Vũ Nương là một người phụ nữ đẹp nết, đẹp người nên được Trương Sinh cảm mến và dùng sính lễ lớn đến hỏi cưới. Chưa ở bên nhau được bao lâu thì đất nước xảy ra chiến tranh, Trương Sinh phải đi lính, nàng Vũ Nương khi đó đã mang thai sắp sinh cùng mẹ chồng ở nhà chờ đợi. Lúc này, lòng hiếu thảo của Vũ Nương mới sáng tỏ hơn bao giờ hết. Nàng một mình sinh con, hằng ngày ở bên bầu bạn, chăm sóc mẹ chồng, cùng mẹ đợi chồng bình an quay về. Nhưng bà cụ do nhớ thương con trai quá mà sinh tâm bệnh, ốm nặng. Vũ Nương đã hết mực chạy chữa thuốc thang cho mẹ chồng, nàng còn thành tâm lễ bái thần phật để mong bà cụ được phù hộ độ trì. Nhưng hơn cả, nàng biết tâm bệnh của mẹ không thể chỉ có dùng thuốc thang hay lễ bái mà có thể khỏi được, nên Vũ Nương còn dùng những lời lẽ ngọt ngào an ủi bà cụ. Vũ Nương yêu thương mẹ chồng xuất phát từ tình cảm tận đáy lòng, nên nàng mới để ý từng chút, chăm sóc không chỉ sức khỏe mà còn tâm hồn cho bà cụ một cách khéo léo và ân cần đến thế. Nhưng không trụ được lâu, mẹ chồng nàng đã qua đời, trước khi mất, những lời trăn chối của bà đã khẳng định được rõ nhất lòng hiếu thảo của Vũ Nương. Bà được Vũ Nương thương yêu, săn sóc nên cũng yêu thương Vũ Nương không kém, bà dành những lời cuối để an ủi Vũ Nương, mong nàng không đau xót cho mình quá và mong “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ.” Đây là câu nói đắt giá, thể hiện tình cảm của mẹ chồng dành cho nàng và chứng nhận lòng hiếu thảo của nàng. Vũ Nương đã được mẹ chồng cầu phúc cho, khẳng định nàng sẽ được nhận những điều tốt đẹp, cuộc đời sẽ không phụ nàng như nàng không phụ mẹ chồng mình. Nàng còn lo chu đáo hậu sự cho bà cụ, không khác nào lo cho cha mẹ đẻ của mình. Tấm lòng hiếu thảo của Vũ Nương thật đáng giá và sâu sắc làm sao.

Không chỉ hiếu thảo, Vũ Nương còn là người có lòng thủy chung sâu sắc. Khi chồng đi lính, nàng không mong chồng mang “ấn phong hầu trở về quê”, mà chỉ mong sao Trương Sinh có thể bình an quay về. Nàng một mình sinh con, chăm sóc con và mẹ chồng, yêu thương mẹ chồng như mẹ đẻ của mình, điều này cũng chính là sự yêu thương, thủy chung của Vũ Nương dành cho chồng mình, nàng muốn thay chồng gánh vác trách nhiệm, làm tròn đạo hiếu. Từ sau khi mẹ chồng mất nàng cùng con nhỏ ngày ngày đợi chồng trở về. Thương con không có cha ở bên, Vũ Nương mỗi tối đã chỉ vào bóng mình trên tường bảo đó là cha của Đản. Nàng luôn giữ tiết hạnh, làm một người vợ đảm đang, thủy chung, chiếc bóng mỗi tối có lẽ chính là nhân chứng rõ nhất cho lòng thủy chung của Vũ Nương với chồng mình. Nhưng cuộc đời thật bất công với nàng, Trương Sinh quay về, với tính tình hay ghen tuông, bị lời nói của con làm cho hiểu nhầm chiếc bóng là người đàn ông gian díu với Vũ nương, nghĩ nàng không đứng đắn, thủy chung nên đã đuổi nàng đi. Vũ Nương hết mực thanh minh, lại còn được họ hàng, làng xóm chứng minh cho lòng thủy chung nhưng vẫn không lay chuyển được Trương Sinh tính tình cục cằn, nóng giận. Cuối cùng, với tiếng oan không thể rửa sạch ngay, Vũ Nương đã lựa chọn tự vẫn để chứng minh lòng thủy chung của mình, trước khi nhảy xuống sông Hoàng Giang, nàng đã thề rằng: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.” Câu thề của nàng đã thể hiện lòng thủy chung, một lòng với chồng, dám lấy cái chết để chứng minh, cũng ẩn chứa trong đó, người đọc chúng ta có thể thấy được sự bất lực, đau khổ tột cùng của Vũ Nương.

Vũ Nương quả là một người phụ nữ có tấm lòng thủy chung và hiếu thảo, nhưng tiếc thay, nàng lại là hồng nhan bạc mệnh. Sống trong xã hội phong kiến xưa, Vũ Nương cũng chính là đại diện cho những người phụ nữ khi đó, dù họ có tài sắc vẹn toàn như thế nào đều không tránh khỏi được số phận lênh đênh, bất công, giống như câu nói “Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Nhà văn Nguyễn Dữ đã khắc họa thật thành công Vũ Nương, người con gái hiếu thảo và có lòng thủy chung sâu sắc. Qua đó chúng ta còn thấy được sự phê phán xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ và những người đàn ông có tính gia trưởng như Trương Sinh đã đẩy cuộc sống của Vũ Nương hay những người phụ nữ vào bước đường cùng.

3. Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương - Mẫu 3

Nguyễn Dữ là một tác giả tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. ”Truyền kỳ mạn lục”của ông là một tác phẩm đỉnh cao của thể loại truyện truyền kì. Tác phẩm gồm 20 thiên truyện, trong đó ”Chuyện người con gái Nam Xương” là một truyện ngắn xuất sắc viết về số phận người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Đọc truyện, em vô cùng cảm phục trước lòng hiếu thảo của Vũ Nương.

Nguyễn Dữ sống ở thế kỉ XVI, đây là thời kì xã hội phong kiến suy tàn, các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Mạc tranh giành quyền binh gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Cuộc sống của nhân dân vô cùng lầm than, cực khổ. Quyền sống của con người, nhất là người phụ nữ bị chà đạp, bị coi rẻ, coi khinh. Nguyễn Dữ đã gửi gắm tinh thần nhân đạo vào tác phẩm mình viết. Một trong số đó là “Chuyện người con gái Nam Xương”. Tác phẩm đã thể hiện được lòng hiếu thảo của Vũ Nương như sau:

Chuyện kể về người con gái xinh đẹp, nết na tên là Vũ Thị Thiết. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, người cùng làng. Trương Sinh đi lính, để lại Vũ Nương ở nhà. Nàng một mình sinh con, nuôi con, chăm sóc mẹ già khi bà bị ốm, lấy lời ngọt ngào khuyên lơn mong bà sớm khỏi bệnh và lo ma chay chu tất khi bà cụ qua đời.

Qua chuyện, ta có thể thấy Vũ Nương là một người con vô cùng hiếu thảo. Nàng hết sức hiếu thảo với mẹ chồng. Nàng chăm sóc bà rất chu đáo, nhất là khi bà ốm, nàng “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và láy lời ngọt ngào, không khéo khuyên lơn. Với người ốm đau bệnh tật, chăm lo thuốc thang là việc làm quan trọng đầu tiên phải có. Khi mẹ chồng ốm, Vũ Nương đã lo lắng thuốc thang hết sức mình chăm sóc mẹ chồng. Nàng cầu cúng mong cho mẹ chồng khỏi bệnh. Hành động lễ bái thần phật là hành động an ủi tâm linh cho mẹ chồng. Nàng dùng “lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”, đó là lời của tình cảm chân thành, ân cần, động viên, an ủi người ốm. Khi mẹ chồng ốm, Vũ Nương đã chăm sóc cả về mặt vật chất, tinh thần, tình cảm. Nàng thấu hiểu bệnh của mẹ chồng chủ yếu là do tâm bệnh, do thương nhớ và lo lắng cho con trai. Do đó cách chăm sóc của nàng chủ yếu hướng tới chăm sóc tinh thần cho bà cụ. Trước khi mất, lời trăng trối của mẹ chồng càng khắc sâu lòng hiếu thảo của nàng: “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Lời trăng trối của mẹ chồng đã khách quan ghi nhận lòng hiếu thảo của Vun Nương. Bà cầu phúc cho con dâu với ý niệm: con dâu bà hiếu thảo, sống tốt thì nhân nào quả nấy. Bà tin rằng sau này trời sẽ cho con dâu được hưởng phúc đức. Mối quan hệ mẹ chồng làng dâu trong xã hội phong kiến thường nặng nề, căng thẳng. Mẹ chồng thường rất cay nghiệt với nàng dâu. Chúng ta chắc chưa quên sự cay nghiệt của Sùng bà đối với con dâu trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”. Chỉ vì gia đình Thị Kính không môn đăng hộ đối mà Sùng bà đuổi Thị Kính ra khỏi nhà. Còn mẹ chồng Vũ Nương trong truyện cầu phúc cho con dâu như thế chứng tỏ bà cụ không hề cay nghiệt mà cảm nhận được lòng hiếu thảo của con dâu. Vũ Nương rất chân thành với mẹ chòng ngay cả khi bà mất, nàng”hết lời thương xót”và đã báo hiếu rất chu toàn “lo ma chay, tế lễ như đối với cha mẹ đẻ mình”. Nàng báo hiếu mẹ chồng như đối với đấng sinh thành ra mình vậy. Đó là tình cảm rất đáng nể trọng. Khi ở dưới thủy cung nghe lời Phan Lang kể về cảnh nhà cây cối mọc thành rừng, phần mộ tổ tiên cỏ gai rợp mắt thì Vũ Nương đã ứa nước mắt, quả quyết ”tôi tất phải tìm về có ngày để khỏi mang tiếng xấu xa”. Dù sống bình yên ở cõi khác, nàng vẫn quan tâm lo lắng về nhà cửa, phần mộ tổ tiên. Tất cả mọi hành động, cử chỉ, lời nói của Vũ Nương đã thể hiện tình cảm nàng dành cho mẹ chồng là vô cùng chân thành. Nàng thật sự là một người con dâu hiếu thảo.

Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật Vũ Nương điển hình cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nguyễn Dữ đã có sáng tạo so với cổ tích, thêm, bớt, thay đổi tình tiết để nhấn mạnh, làm nổi bật lòng hiểu thảo, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ. Nhà văn đã thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật qua củ chỉ, hành động, lời nói. Qua hình tượng nhân vật, tác giả đã thể hiện tinh thần nhan đạo cao cả, đó chính là trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp lòng hiếu thảo của Vũ Nương. Từ đó, người đọc có thể cảm nhận và nhận biết rằng mình nên hiếu thảo với cha mẹ.

Sau khi đọc “Chuyện người con gái Nam Xương”, em càng thêm trân trọng và cảm phục Nguyễn Dữ và nhận ra rằng bản thân mình nên biết sống tốt và hiếu thảo hơn với cha mẹ, ông bà.

-------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Phân tích đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” để làm sáng tỏ tình phụ tử thiêng liêng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh

Đánh giá bài viết
16 50.784
Sắp xếp theo

Lớp 9

Xem thêm