Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng là tài liệu văn mẫu lớp 9 được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hi vọng bài nghị luận xã hội này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các bạn học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

I. Dàn ý Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng

Dàn ý Nghị luận về câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng.

2. Thân bài

a. Giải thích

Nhiễu điều phủ lấy giá gương mang nghĩa là tấm vải đỏ phủ lên bài thờ. Câu ca dao này nhắc nhở con người rằng chúng ta có cùng một nguồn cội, cùng một nền văn hóa, phong tục tập quán chính vì thế chúng ta cần yêu thương nhau, đùm bọc nhau và đoàn kết với nhau để xây dựng một đất nước ngày càng vững mạnh hơn.

b. Phân tích

Ta cần đoàn kết, yêu thương nhau bởi trước hết nó giúp con người bỏ bớt được cái tôi của mình, biết hướng đến và nghĩ cho lợi ích chung của cộng đồng, của mọi người nhiều hơn, từ đó làm cho tập thể và bản thân cùng phát triển theo chiều hướng tích cực hơn cũng như mối quan hệ giữa người với người càng thêm gắn kết, yêu thương, gần gũi nhau hơn.

Bên cạnh đó, nó còn giúp cho những người yếu đuối, những người có hoàn cảnh khó khăn có được những điều tốt đẹp hơn, những người còn nhiều điểm yếu sẽ khắc phục bản thân mình được tốt hơn.

Ngoài ra, việc chúng ta yêu thương nhau còn làm cho khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thêm gắn bó, ngăn cản sự xâm lược của những kẻ thù xung quanh

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những lợi ích mà thói quen dậy sớm mang lại cho con người để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm chỉ biết sống cho bản thân mình mà không quan tâm đến người khác. Lại có những người có những tư tưởng lệch lạc, không trân trọng và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc,… Những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi bản thân để có được cuộc sống tốt đẹp hơn

e. Liên hệ bản thân

Là người học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước, ta cần sống và tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta và đoàn kết, yêu thương nhau để cuộc sống ngày càng gắn kết hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Dàn ý Nghị luận về câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. (Học sinh tự lựa chọn cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp cho bài làm văn của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

Ý kiến khuyên nhủ chúng ta - những công dân của tổ quốc hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với nhau và đoàn kết, cùng nhau giúp cho đất nước, quê hương của mình phát triển giàu đẹp, văn minh hơn khiến cho những kẻ thù lăm le xâm lược phải bỏ cuộc.

b. Phân tích

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.

Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn, khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc sẽ được nhân ra rộng hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng mẫu 1

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam ta có rất nhiều thể loại văn học hay. Một trong số những thể loại văn học dân gian đặc trưng của nhân dân ta tuy ngắn gọn nhưng mang đến nhiều bài học bổ ích chính là ca dao. Nổi bật trong số những bài ca dao chính là: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhiễu điều phủ lấy giá gương mang nghĩa là tấm vải đỏ phủ lên bài thờ. Câu ca dao này nhắc nhở con người rằng chúng ta có cùng một nguồn cội, cùng một nền văn hóa, phong tục tập quán chính vì thế chúng ta cần yêu thương nhau, đùm bọc nhau và đoàn kết với nhau để xây dựng một đất nước ngày càng vững mạnh hơn. Ta cần đoàn kết, yêu thương nhau bởi trước hết nó giúp con người bỏ bớt được cái tôi của mình, biết hướng đến và nghĩ cho lợi ích chung của cộng đồng, của mọi người nhiều hơn, từ đó làm cho tập thể và bản thân cùng phát triển theo chiều hướng tích cực hơn cũng như mối quan hệ giữa người với người càng thêm gắn kết, yêu thương, gần gũi nhau hơn. Bên cạnh đó, nó còn giúp cho những người yếu đuối, những người có hoàn cảnh khó khăn có được những điều tốt đẹp hơn, những người còn nhiều điểm yếu sẽ khắc phục bản thân mình được tốt hơn. Ngoài ra, việc chúng ta yêu thương nhau còn làm cho khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thêm gắn bó, ngăn cản sự xâm lược của những kẻ thù xung quanh. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm chỉ biết sống cho bản thân mình mà không quan tâm đến người khác. Lại có những người có những tư tưởng lệch lạc, không trân trọng và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc,… Những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi bản thân để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Là người học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước, ta cần sống và tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta và đoàn kết, yêu thương nhau để cuộc sống ngày càng gắn kết hơn. Cuộc sống ngắn ngủi để ta ích kỉ cho riêng mình, hãy học cách yêu thương và vươn lên để bản thân mình cũng như đất nước, xã hội được tốt hơn.

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng mẫu 2

Kho tàng văn học Việt Nam có nhiều câu ca dao, tục ngữ mang nhiều ý nghĩa sâu xa khuyên nhủ con người phải biết yêu thương, đùm bọc và đoàn kết với nhau. Một trong số đó chúng ta phải kể đến câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Câu nói khuyên nhủ chúng ta - những công dân của tổ quốc hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với nhau và đoàn kết, cùng nhau giúp cho đất nước, quê hương của mình phát triển giàu đẹp, văn minh hơn khiến cho những kẻ thù lăm le xâm lược phải bỏ cuộc. Bởi lẽ, trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn, khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc sẽ được nhân ra rộng hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

Là một người học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần phải biết rèn luyện bản thân thật tốt, sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, đoàn kết với mọi người. Đặc biệt, chúng ta cần có một lòng nồng nàn yêu nước, tự hào về những gì cha ông ta đã làm, đã để lại để nâng cao ý thức tự cường dân tộc.

Mỗi người chỉ được sống có một lần, chúng ta hãy sống, hãy cống hiến và trở thành một công dân tốt cho đất nước, xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp vốn có của đồng bào ta từ trước đến nay và để cho con cháu đời sau có cội nguồn, có niềm tin vào những giá trị tốt đẹp.

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng mẫu 3

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là vô cùng thiêng liêng. Tình nghĩa nồng thắm ấy đã in sâu vào trái tim khối óc người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc. Trên chặng đường mấy nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, nhân dân ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước thương nòi thành truyền thống quý báu. Truyền thống ấy đã trở thành tiếng hát, lời ca mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tiêu biển là câu ca dao:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng".

"Giá gương" là một vật dụng đặt trên bàn thờ gia tiên, một biểu tượng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có thể là một tấm ảnh, một tờ giấy đã phai màu ghi một vài nét về tiểu sử và công đức của người đang được thờ cúng. Giá gương thường được sơn son thếp vàng rất đẹp, một vẻ đẹp cổ kính trang nghiêm.

"Nhiễu điều" là một thứ hàng dệt cao cấp (vóc, nhiều, the, lụa...) màu đỏ thắm (điều). Đem nhiễu điều phủ lấy giá gương, làm cho giá gương đã đẹp, lại càng thêm đẹp, thêm trang trọng. Chữ "phủ" trong câu ca dao là nghĩa chở che, bao bọc, biểu thị một thái độ, một tấm lòng tôn kính, biết ơn... của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Hình ảnh gắn bó vừa thiêng liêng, vừa nghĩa tình.

Đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ so sánh đến khái quát, nhân dân ta đã lấy hình ảnh ''Nhiễu điều phủ lấy giá gương" để qua đó, nêu lên một bài học đạo lí có giá trị giáo dục sâu sắc: khuyên nhủ mọi người Việt Nam giữ gìn và nêu cao tình yêu thương đoàn kết dân tộc.

Bài học mà câu ca dao nêu ra thật sâu sắc, thấm thía.

Tại sao "Người trong một nước phải thương nhau cùng?" - Người trong một nước cùng chung cội nguồn, nòi giống đều là con Rồng cháu tiên. Họ có chung một nền văn hoá lâu đời, chung lịch sử, chung một mẹ Việt Nam yêu quý. Dù là Kinh hay Mường, Thái hay Tày. Ba-na hay Ê-đê, v.v... nhưng vẫn là anh em xa gần, anh em trong đại gia đình Việt Nam, có mối quan hệ vật chất và tinh thần gắn bó, chung một Thủ đô Hà Nội và chung một cơ đồ Việt Nam. Huyền thoại “Trăm trứng”, truyện cổ tích "Quả bầu” làm cho mỗi người chúng ta bồi hồi xúc động, biểu cảm sâu sắc lời ca "Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Tình yêu thương đoàn kết dân tộc ấp ủ trong tim ta tình làng nghĩa xóm, lòng yêu nước thương nòi thắm thiết bao la. Nó nhắc nhở ta biết chia ngọt sẻ bùi với nhau, biết yêu thương đùm bọc nhau. Nó cho ta niềm tin về sức mạnh nòi giống, về lòng tự hào dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thù trong giặc ngoài. Cả cộng đồng người Việt Nam đoàn kết yêu thương cùng đi lên phía trước, xây dựng đất nước phồn vinh.

Tình yêu thương, đùm bọc đồng loại là đạo lí sống tốt đẹp của nhân dân ta. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Câu ca dao-sau đây mỗi lần đọc lên, là người Việt Nam ai mà chẳng bồi hồi:

"Ai về Phú Thọ cùng ta,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng Mười.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba".

Dù sống ở miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược hoặc là Việt kiểu tha hương,... tất cả đều là con em đại gia đình Việt Nam. Việt Bắc. Tây Bắc là cái nôi của cách mạng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từng "hạt muối cắn đôi" với anh bộ đội Cụ Hồ trong thời chống Mĩ. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc là cơ sở của tình yêu nước. Qua đó, ta càng thấy trách nhiệm của mỗi người phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Trung hiếu, nhân nghĩa là nền tảng của đạo lí. Chữ hiếu là đạo làm con. Chữ trung là đạo làm người, làm dân. Trong mối quan hệ xã hội, con người phải sống tình nghĩa, thuỷ chung. Tình người, tình đồng bào là thiêng liêng cao cả "Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Tình yêu thương đoàn kết dân tộc phải được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể: nhường cơm sẻ áo, giúp thuốc men, lương thực... cho nhau khi gặp thiên tai địch họa. Đồng bào vùng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, Việt Bắc bị lũ lụt tàn phá thì đồng bào cả nước hướng về, ra sức giúp đỡ, chi viện. Hoạt động của các Hội Việt kiều đã thắt chặt ba, bốn triệu người Việt đang sinh sống làm ăn ở nước ngoài gắn bó với quê hương là một biểu hiện cao đẹp nâng cao tình cảm dân tộc.

Nghĩa tình của đồng bào ta thật sâu sắc, đẹp đẽ, ca dao, dân ca có bao bài hay ngợi ca:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Nhân dân ta nhân hậu, sống trọn vẹn nghĩa tình. Yêu nước, thương nòi, thương mình, thương người, tương thân tương ái,... là vẻ đẹp tâm hồn. Là đạo lí của dân tộc. Câu ca dao trên đã cho thấy nguồn sức mạnh Việt Nam. Với tình thương mà tổ tiên ta đã xây đắp nên nền Văn hiến Đại Việt lâu đời. Với tình thương mà nhân dân ta ngày nay đang xoá bỏ hận thù quá khứ, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hướng vào mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh". Hạnh phúc, ấy là tình thương. Đạo lí làm người, ấy là nhân hậu, ấy là tình thương.

Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng mẫu 4

Đất nước được tồn tại và phát triển, con người Việt Nam được ấm no, hạnh phúc một phần cũng nhờ truyền thống đoàn kết từ xưa đến nay của dân tộc ta. Người dân Việt Nam đã cùng nhau đứng lên, cùng nhau hợp lực để chống lại bao gian nguy, bao khó khăn, tai biến mới tồn tại và phát triển đến ngày nay. Để nhắc nhở các thế hệ sau phải luôn luôn giữ mãi tinh thần đoàn kết, ca dao Việt Nam có câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Đó là lời dạy ân cần, tha thiết nhất của ông cha ta để lại cho con cháu như bài học ở đời. Ngôn ngữ Việt Nam thật đa dạng và nhiều ý nghĩa. Ca dao Việt Nam thật phong phú, thật gợi cảm. Câu ca dao trên cũng thế. Nó bao hàm một ý nghĩa thật sâu sắc. Nhiễu điều là tâm nhiễu đó được phủ lên mặt gương để giúp gương không bị ố mờ theo năm tháng. Đó là vật vô tri, vô giác mà cũng có thể che chở cho nhau để được tồn tại, để phục vụ cho đời. Song câu ca dao trên không dừng lại ở ý nghĩa ấy. Nó còn ngụ một ẩn ý sâu xa: Những con người cùng sống trong một đất nước thì phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đó là lẽ sống, là đạo lí làm người. Tình đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua trở ngại gian lao, cho ta thêm sức mạnh. Tình đoàn kết là yếu tố quan trọng giúp ta tồn tại và phát triển trong xã hội. Câu ca dao trên là lời khuyên răn chân thành nhất của ông cha ta, là hướng đi, là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ sau.

Thật vậy, câu ca dao trên là sự đúc kết kinh nghiệm hoàn hảo nhất của tổ tiên để lại. Nếu không nhờ tấm vải đỏ che chở thì gương có còn trong sáng mãi được không? Tất nhiên, tấm gương ấy sẽ mờ theo năm tháng. Lúc đó vải không còn sử dụng được mà gương cũng thế. Cũng vậy, con người cần phải có tình đoàn kết. Thực tế lịch sử đã chứng minh cho ta thấy rõ điều đó. Thắng lợi vẻ vang của dân ta ngày nay đâu phải dễ dàng có được. Đó là bao sức người, sức của đồng bào ta đã hợp nhất với nhau. Tất cả và tất cả đã cùng nhau đứng lên tạo nên sức mạnh thần kì để đánh đổ giặc ngoại xâm. Tình đoàn kết luôn là động lực chủ yếu đưa đến những thành công rực rỡ. Nếu không có tinh thần đoàn kết thì liệu xã hội có còn tồn tại đến ngày nay không? Tinh thần đoàn kết luôn được nhân dân ta giữ mãi trong bất kì hoàn cảnh nào. Thiên tai lũ lụt, hạn hán tuy tàn phá thật khốc liệt nhưng nhờ sự đoàn kết, gắn bó, nhân dân ta đã cùng nhau chống lại, vượt qua tất cả. Nói chung, nếu con người không biết đoàn kết. hợp sức lực với nhau thì sẽ không thể nào tồn tại được, tình đoàn kết sẽ đem đến cho mọi người những kết quả tốt đẹp nhất.

Nhưng còn có nhiều người tự hỏi rằng: Tại sao người trong một nước thì phải đoàn kết với nhau? Một điều thật dễ hiểu. Bởi lẽ mỗi chúng ta đều chung một dòng giống, cùng chung một dân tộc, một tiếng nói, cùng sống trên một lãnh thổ. Những điểm chung đó là sợi dây ràng buộc, giúp những người trong một nước gắn bó với nhau. Chúng ta thử nghĩ nếu không may đất nước bị lâm nguy, chẳng lẽ tất cả chúng ta được an vui sinh tồn? Hoặc khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra thì tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hứng chịu. Do đó người trong một nước thì phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đó là tình nghĩa đồng bào cùng sống trên một lãnh thổ. Chính tình cảm thiêng liêng đó đã giúp cách mạng Việt Nam vượt qua mọi phong ba bão táp và cập bến vinh quang như hiện nay.

Hiểu được ý nghĩa vô cùng sâu sắc ấy, mỗi chúng ta cần phải làm gì để thực hiện đúng lời dạy trên? Chúng ta phải biết giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, khó khăn. Chẳng hạn như chúng ta phải đóng góp, giúp đỡ trẻ em tàn tật, mồ côi, những đồng bào bị bão lụt... Hơn nữa, khi có giặc ngoại xâm tất cả phải cùng nhau đứng lên chống giặc. Tình thương là thứ tình cảm được bộc lộ rõ rệt nhất qua nhiều hành động cụ thể. Có như thế. Đất nước mới tồn tại, cuộc sống nhân dân ta mới ấm no hạnh phúc.

Trong tình hình đất nước đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khó khăn, phức tạp thì câu ca dao trên có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi người cần phải thể hiện tình đoàn kết, gắn bó nhau hơn nữa để đưa đất nước ngày một đi lên. Tình đoàn kết sẽ là động lực là sức mạnh đưa đất nước đến những thắng lợi vẻ vang.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng hiểu và làm điều đó. Bởi vậy, chúng ta phải phê phán những thái độ sống thiếu trách nhiệm, phê phán những kẻ sống bàng quan với mọi người, thờ ơ trước những khó khăn của đất nước, của đồng bào. Những kẻ ấy đáng bị lên án đáng quét sạch đi. Tất cả chúng ta phải cùng nhau đi lên, cùng nhau xây dựng đất nước theo lời Bác dạy:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.

Tóm lại, câu ca dao trên là bài học sâu sắc nhất, là lời khuyên chân thành nhất của ông cha ta. Đó là đạo lí, là lẽ sống giúp cho thế hệ sau vươn tới tương lai tươi sáng. Tình thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau sẽ đưa chúng ta vượt qua tất cả. Từ đó, mỗi con người sẽ luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức và nhất là tình thương đồng loại. Tất cả sẽ cùng nhau hợp lực đưa đất nước ngày một đi lên. Riêng em, em nghĩ mình cần phải giúp đỡ những bạn gặp nhiều khó khăn trong học tập, những bạn không có điều kiện đến trường. Em sẽ cùng các bạn xây dựng tập thể lớp ngày thêm vững mạnh. Làm được như thế, em cảm thấy cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn, đời sống sẽ trở nên phong phú, thú vị hơn.

....................................

Ngoài Nghị luận Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng, các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm tài liệu môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Soạn Văn Lớp 9 (ngắn nhất) mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
27
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm