Nghị luận về Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển của nước ta lớp 9
Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển của nước ta lớp 9
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Nghị luận Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển - Mẫu 1
Việt Nam là một nước có đường bờ biển dài, có nhiều bãi biển và vùng vịnh cùng các hòn đảo, quần đảo lớn. Do đó, kinh tế biển vẫn luôn là yếu tố quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong việc phát triển đất nước. Trong nền kinh tế biển của nước ta, nguồn lợi hải sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, vấn đề khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển là một vấn đề nóng hổi, luôn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nước, nhân dân.
Nguồn lợi hải sản trong kinh tế biển hiểu một cách đơn giản chính là những lợi ích về kinh tế mà các sản vật và thủy sản trong biển mang lại. Như trở thành thức ăn, đồ trang trí, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, nhiên liệu… Tất cả những hoạt động khai thác, chế biến các sản vật, thủy sản trong biển có thể đem về thu nhập cho người lao động, công ty thì sẽ là nguồn lợi cho kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, nguồn lợi hải sản của nước ta vô cùng phong phú và đa dạng. Với lợi thế đường bờ biển dài 3,260 km và vị trí vùng biển nhiệt đới giàu đa dạng sinh học, cùng sự giao thoa của các dòng chảy biển khác nhau, nguồn thủy hải sản trong vùng biển nước ta không chỉ đông đúc về giống loài mà còn cả về số lượng. Không chỉ vậy, số lượng lớn các vùng nước nông, vùng vịnh ven biển cũng giúp hoạt động đánh bắt và nuôi thủy hải sản phát triển mạnh mẽ. Tổng sản lượng thủy sản thu được vào năm 2023 đạt 9,269 triệu tấn, đem đến giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Trong đó khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn. Những con số đó chính là minh chứng sống cho Ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc đến nguồn muối biển vô tận, các sa khoáng với trữ lượng công nghiệp (ôxit titan, cát trắng) cùng nhiều mỏ dầu, khí (ở thềm lục địa). Tất cả đều góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế biển nước ta.
Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng ngày đêm đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, đe dọa trực tiếp cũng như gián tiếp. Những đặc điểm về vị trí địa lý đã đem đến sự đa dạng, phong phú và thuận lợi trong nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, thì cũng đem đến rất nhiều những đợt thiên tai lớn. Hằng năm, nước ta phải đón nhận rất nhiều trận bão lớn kéo dài liên tiếp trong hơn nửa năm, gây thiệt hại nhiều về người và của. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất trên đất liền cũng gián tiếp gây ra sự ô nhiễm của môi trường biển, khiến sự đa dạng sinh vật biển ngày càng giảm, thậm chí nhiều loài phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Cùng với đó các hoạt động khai thác trái phép, thiếu kế hoạch, không có sự phân loại khi đánh bắt, tiêu diệt cả những con non, con đang trong mùa đẻ trứng cũng gián tiếp gây nên sự sụt giảm của thủy hải sản trên biển. Ngoài ra, việc phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch biển cũng khiến các vùng biển gần bờ bị ô nhiễm do rác thải, ồn ào và đông người đến thường xuyên khiến thủy hải sản di chuyển đến nơi khác. Những nguyên nhân trên đã tác động đến nguồn lợi hải sản nước ta một thời gian dài, khiến các hậu quả ngày càng rõ rệt.
Do đó, để bảo vệ sự phát triển của kinh tế biển nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực và triệt để để ngăn chặn, đẩy lùi những nguyên nhân, tác hại đó. Mà trước hết, quan trọng nhất chính là ở ý thức con người. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của biển và thủy hải sản, từ đó kêu gọi mọi người có ý thức bảo vệ môi trường biển và các loài sinh vật sống ở đó. Ngoài các phương pháp tuyên truyền thông thường, có thể sử dụng các hình thức mới như phim ảnh, phim ngắn, phóng sự, hài kịch, truyện tranh, âm nhạc… để tăng sự lan tỏa. Đồng thời mời gọi những người nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội cùng chung tay tuyên truyền để có thể đến gần và nhanh hơn tới những người trẻ. Đó là phương pháp về lâu dài, còn trước mắt, cần thực hiện ngay đó phải là những hình thức xử phạt đủ mạnh để răn đe những cá nhân, tập thể có hành động gây ô nhiễm môi trường biển hay cố tình khai thác trái phép, sai quy định. Cùng với đó, các nhân tố khách quan như thiên tai, con người không thể can thiệp được, thì chúng ta cần đẩy mạnh các công tác phòng, chống hiệu quả hơn. Như tăng cường các thiết bị dự báo thời tiết, thông tin liên lạc, gia cố các lồng bè chăn nuôi và tàu thuyền trên biển. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nâng cao kĩ thuật chế biến, sản xuất thủy hải sản để nâng cao giá thành khi xuất khẩu. Bởi hiện nay, chúng ta tuy xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chưa đa dạng về loại hình, chủ yếu xuất khẩu thô, đại trà nên chưa có giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó, việc đầu tư hơn về quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Hiện nay, nguồn lợi hải sản của nước ta vẫn đang trên đà tăng trưởng và có tiềm năng rất lớn. Vì vậy, cần có sự chung tay đoàn kết của từng cá nhân, tổ chức, ban ngành với nhau để cùng thúc đẩy phát triển hơn nữa nền kinh tế biển của đất nước. Đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc kinh tế khác trên thế giới.
Nghị luận Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển - Mẫu 2
Đang cập nhật…