Suy nghĩ của em về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục lớp 9
Viết bài văn nghị luận về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục lớp 9
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Nghị luận về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục - Mẫu 1
Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi có việc học là nhiệm vụ quan trọng nhất, cần được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay lại đang xuất hiện một vấn đề rất đáng quan ngại. Đó là hiện tượng học sinh lười đọc sách - lười tiếp thu kiến thức một cách chủ động từ kho tàng tri thức lớn nhất của nhân loại.
Biểu hiện thường gặp của hiện tượng này chính là việc học sinh gần như không dành thời gian để đọc sách, mà dành toàn bộ thời gian rảnh cho những hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài sách giao khoa và những cuốn truyện tranh, thì các em không kể tên được bao nhiêu cuốn sách khác mà mình từng đọc. Nếu không được yêu cầu, thậm chí là bị bắt buộc bởi giáo viên, người lớn nhằm nhận thưởng hoặc ghi điểm, thì các em cũng sẽ không tìm đến sách để đọc. Tuy đây chỉ là một số ít trong các bạn học sinh, nhưng sức ảnh hưởng của vấn đề này không hề nhỏ một chút nào. Đặc biệt là khi chúng đang ngày càng lan ra rộng hơn.
Nguyên nhân của hiện tượng này, trước hết xuất phát từ chính tâm lý của các bạn học sinh. Các bạn cảm thấy việc học ở nhà trường là đã đủ rồi, nên không có nhu cầu đọc sách để kết nạp thêm kiến thức mới. Ngoài ra, các bạn ấy cũng còn ham chơi, dễ mất tập trung, thích thú với những buổi vui chơi với bạn bè, hay đi xem phim, dạo phố… dẫn đến không còn thời gian để đọc sách. Bên cạnh đó, việc học sinh lười đọc sách còn là hệ quả của nhiều nguyên nhân khách quan khác. Như lịch học ở trường và ở nhà quá dày, không còn thời gian rảnh cho việc đọc sách nữa. Việc tìm mua sách hoặc mượn sách còn nhiều khó khăn do điều kiện của gia đình, cách xa thư viện. Không được định hướng và chỉ dẫn để tìm được một cuốn sách phù hợp, cũng như chưa có phương pháp đọc sách hiệu quả. Tất cả những nguyên nhân đó, kết hợp với nhau dẫn đến sự lan tràn của hiện tượng lười đọc sách trong thế hệ học sinh ngày nay.
Để đẩy lùi hiện tượng này, chúng ta cần có những hành động thiết thực ngay từ hôm nay. Trước hết là ở chính bản thân các bạn học sinh. Các bạn cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc phát triển tư duy, vốn kiến thức cho bản thân, nhằm giúp hoàn thành sứ mệnh lớn nhất của người học sinh. Cùng với đó, các bạn cần tự đặt ra mục tiêu, kế hoạch đọc sách cho mình. Có thể chỉ từ những con số nhỏ, như đọc 20 trang sách trong một tuần, đọc xong cuốn sách này trong một tháng, sau đó tăng dần lên. Để tăng sự hứng thú và kiên trì, các bạn nên bắt đầu từ những cuốn sách có chủ đề yêu thích và tìm kiếm những người bạn cùng chung mục tiêu, chí hướng. Những điều đó sẽ giúp học dần có sự yêu thích và theo đuổi với việc đọc sách. Nhưng như vậy là chưa đủ. Để thực sự tạo nên phong trào đọc sách với học sinh, chúng ta còn cần sự chung tay góp sức của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng. Mọi người cần tạo điều kiện để học sinh có thể thuận lợi hơn trong việc đọc sách. Như thành lập, xây dựng nhiều hơn các thư viện cho mượn sách với sự đa dạng về số lượng cũng như chủ đề. Thành lập các hoạt động, câu lạc bộ, tổ chức về đọc sách cho học sinh cùng nhau tham gia và trao đổi, chia sẻ. Tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách đối với mỗi con người, đặc biệt là tuổi học trò. Chỉ khi cả cộng đồng cùng nhau đoàn kết vì mục tiêu lớn như vậy, thì hiện tượng lười, không đọc sách ở học sinh mới có thể hoàn toàn bị đẩy lùi.
Tôi cho rằng, lười đọc sách là một vấn đề đáng quan ngại, nếu để lâu dài dễ dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng hơn. Do đó chúng ta cần nghiêm túc đối mặt với hiện tượng này, thực hiện quyết liệt các biện pháp đã được đưa ra để sớm loại bỏ vấn đề này ra khỏi môi trường học đường.
Nghị luận về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục - Mẫu 2
Đang cập nhật…