Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm
Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm
Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em học sinh tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình. Mời các bạn tham khảo.
I. Dàn ý Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Thực trạng
Tình trạng quy hoạch các đô thị chưa thể gắn liền với vấn đề về xử lý chất nước thải nên ô nhiễm nguồn nước ở các thành phố lớn, ở các khu công nghiệp và nhất là khu đô thị cũng đang ở mức báo động.
Nước bị ô nhiễm trên nhiều nơi và nhiều địa điểm khác nhau như ao hồ, sông ngòi, hay hệ thống ống dẫn thoát nước thải.
b. Nguyên nhân
Sự thiếu ý thức của nhiều người dân, do sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ thường đặt mục tiêu lợi nhuận đầu tiên nên đã vi phạm quy trình khai thác, làm ô nhiễm môi trường và không xử lí nước thải đúng theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý bảo vệ môi trường chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả đã vô tình tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường ngày càng tiếp diễn.
c. Hậu quả
Nhiều sông ngòi ao hồ bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của con người.
Nước ô nhiễm dẫn đến nguồn nước sạch sẽ không đủ phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu cây trồng và sinh hoạt hàng ngày của con người.
Nước ô nhiễm cũng là nguồn phát sinh sinh ra các mầm mống dịch bệnh nguy hiểm khác.
d. Giải pháp
Trước tiên, các cơ quan chức năng cần cung cấp một nguồn nước sạch an toàn đã qua xử lý để cung cấp cho các hộ dân trong vùng bị nước ô nhiễm và đưa ra các phương pháp xử lý nước đơn giản để họ có nguồn nước sạch sử dụng.
Tại các khu đô thị hay các khu công nghiệp, tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi cho chảy ra ngoài môi trường và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của các doanh nghiệp.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm.
II. Văn mẫu Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm
1. Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm - Mẫu 1
Nước là một trong những món quà quý giá mà Mẹ Thiên Nhiên ban tặng cho con người và vạn vật. Cũng như không khí, ánh sáng, đất đai,...nguồn tài nguyên này không kéo dài vô tận. Việc nguồn nước ngọt bị ô nhiễm nghiêm trọng là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại.
Theo cách hiểu thông thường, nguồn nước mà chúng ta dùng để ăn uống và sinh hoạt chính là nước ngọt. Nó khác với nước biển – thứ có vị mặn tự nhiên. Hiện tại, các nguồn nước ngọt có trong tự nhiên phần lớn là ở các ao hồ, sông suối. Một số lượng nước ngọt đáng kể khác nằm ở mạch nước ngầm trong lòng đất. Ngoài ra, con người có thể thiết kế thêm các kênh đào, hào rãnh, hồ chứa...
Ở nhiều nơi trên thế giới, nước ngọt được xem là điều xa xỉ. Chúng vốn chiếm tỉ lệ nhỏ bé, nay còn chịu những tác động xấu do con người gây ra. Hàng loạt các con sông, kênh rạch bị biến đổi màu kèm theo mùi hôi thối nồng nặc cùng các váng thải, bọt khí. Các sinh vật sinh sống trong nước dần dần chết do môi trường sống quá ô nhiễm hoặc mắc phải rác thải. Theo thống kê, tại các thành phố lớn như Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm nghìn mét khối nước thải và hơn nghìn tấn rác thải xả ra môi trường. Trong đó, chỉ 10% là được xử lý đúng quy trình.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường nước ngọt vô cùng đáng sợ. Theo Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng chín nghìn người tử vong mỗi năm do nguồn nước bẩn. Ước tính có khoảng hai mươi nghìn người phát hiện bị ung thư từ nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ vậy, nguồn nước ô nhiễm không thể sử dụng cho sinh hoạt khiến người dân thiếu nước sạch sử dụng. Các sinh vật khác trên trái đất cũng chết dần, chết mòn dưới sự ô nhiễm trầm trọng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, chẳng mấy chốc Trái Đất sẽ biến thành hành tinh khô cằn và chết chóc.
Để bảo nguồn nước, mỗi con người cần nâng cao ý thức từ những hành động nhỏ nhất. Là công dân tốt, ta không vứt rác bừa bãi, sử dụng nước tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước. Trồng cây, sử dụng những vật dụng có nguồn gốc tự nhiên cũng là cách để bảo vệ môi trường, giữ sạch nguồn nước.
Bảo vệ nguồn nước sạch là nhiệm vụ của toàn thể nhân loại. Nước là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống của toàn bộ sinh vật trên Trái Đất. Mỗi người trong chúng ta cần kiên quyết chung tay bảo vệ nguồn nước sạch.
2. Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm - Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là nhiều hệ quả, nhiều thảm họa xảy ra khiến cuộc sống con người bị ảnh hưởng to lớn, thậm chí là gây ảnh hưởng đối với cả thế hệ tương lai. Một trong số đó ta phải kể đến chính là hiện tượng nguồn nước ngọt bị ô nhiễm. Tình trạng quy hoạch các đô thị chưa thể gắn liền với vấn đề về xử lý chất nước thải nên ô nhiễm nguồn nước ở các thành phố lớn, ở các khu công nghiệp và nhất là khu đô thị cũng đang ở mức báo động. Nước bị ô nhiễm trên nhiều nơi và nhiều địa điểm khác nhau như ao hồ, sông ngòi, hay hệ thống ống dẫn thoát nước thải. Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên chúng ta phải kể đến chính là sự thiếu ý thức của nhiều người dân, do sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ thường đặt mục tiêu lợi nhuận đầu tiên nên đã vi phạm quy trình khai thác, làm ô nhiễm môi trường và không xử lí nước thải đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc quản lý bảo vệ môi trường chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả đã vô tình tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường ngày càng tiếp diễn. Hậu quả là nhiều sông ngòi ao hồ bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của con người. Nước ô nhiễm dẫn đến nguồn nước sạch sẽ không đủ phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu cây trồng và sinh hoạt hàng ngày của con người. Nước ô nhiễm cũng là nguồn phát sinh sinh ra các mầm mống dịch bệnh nguy hiểm khác. Để khắc phục thực trạng đáng buồn này, trước tiên, các cơ quan chức năng cần cung cấp một nguồn nước sạch an toàn đã qua xử lý để cung cấp cho các hộ dân trong vùng bị nước ô nhiễm và đưa ra các phương pháp xử lý nước đơn giản để họ có nguồn nước sạch sử dụng. Tại các khu đô thị hay các khu công nghiệp, tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi cho chảy ra ngoài môi trường và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của các doanh nghiệp. Mỗi người một hành động, mỗi người ý thức hơn một chút sẽ giúp cho xã hội ngày càng tốt hơn, môi trường sống của con người cũng từ đó được cải thiện hơn và chính bản thân ta cũng sẽ thấy ý nghĩa hơn.
3. Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm - Mẫu 3
Hiện nay, sức khỏe và tính mạng của con người đang bị đe dọa bởi nhiều mối hiểm họa từ nhiều phía như thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… Trong số các dạng ô nhiễm môi trường thì ô nhiễm môi trường nước đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người một cách trực tiếp mà còn là nguy cơ tiềm ẩn các bệnh cấp và mãn tính.
Trước hết, ta cần phải hiểu ô nhiễm môi trường nước là gì? Ô nhiễm môi trường nước là hiện tượng mà các vùng nước như: sông, hồ, biển hay nguồn nước ngầm… bị nhiễm các chất độc hại có trong: thuốc bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp… chưa được xử lý. Nói cách khác, ô nhiễm môi trường nước là sự thay đổi chất lượng nước không đáp ứng được các mục đích sử dụng khác nhau, vượt qua tiêu chuẩn cho phép và gây ra ảnh hưởng xấu đến đời sống con người và sinh vật.
Hiện nay, đa số các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thường là nơi có dân cư đông đúc cũng như tập trung nhiều khu công nghiệp lớn đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Phần lướn nước thải trong sinh hoạt ( khoảng 600.000 m3 mỗi ngày và khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông, hồ ở khu vực Hà Nội) và nước thải công nghiệp (khoảng 260.000 m3, trong đó chỉ có khoảng 10% được xử lý) đều không được xử lý mà đổ trực tiếp ra các sông, hồ. Rất nhiều nhà máy cũng như cơ sở sản xuất: lò mổ, các khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện (7000 m3 mỗi ngày, 30% được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. 2360 con sông, suối dài hơn 10km, hàng nghìn hồ, ao là con số của hệ thống nước mặt Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nước nêu trên đang bị suy thoái và phá hủy một cách trầm trọng do con người khai thác quá mức và ô nhiễm với mức độ khác nhau. Thậm chí có nhiều con sông, đoạn sông đang “chết” dần. Không những thế, mước độ ô nhiễm môi trường nước đang không ngừng gia tăng do không kiểm soát hiệu quả được nguồn gây ô nhiễm.
Vậy, do đâu mà môi trường nước bị ô nhiễm? do đâu mà những con sông đang bị “bức tử” từng ngày. Trên thực tế, ô nhiễm môi trường nước có thể xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên. Các hiện tượng làm giảm chất lượng nước thì đều bị xem là nguyên nhân ô nhiễm nước (mưa, tuyết ta, gió bão, lũ lụt, hoạt động sống cũng như xác của các sinh vật khi chết ngấm vào lòng đất…). Tuy nhiên, nguyên nhân tự nhiên chỉ làm môi trường ô nhiễm ở mức độ nhẹ. Nguyên nhân mà chúng ta cần quan tâm chính là nguyên nhân nhân tạo, là những nguyên nhân xuất phát từ hoạt động của con người. Thứ nhất cần phải kể đến nguồn chất thải từ sinh hoạt và y tế. Mỗi ngày, một lượng lớn rác thải sinh hoạt và y tế thải ra môi trường mà không qua xử lý. Bên cạnh đó, việc dân số nước ta ngày càng tăng (đứng thứ 12 thế giới) dẫn đến lượng rác thải sinh hoạt tăng theo. Dân số tăng nhanh, do đó nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế cũng tăng lên, các nguồn thải tăng, sự ô nhiễm môi trường cũng theo đó mà tăng lên. Nguyên nhân thứ hai là do sử dụng quá mức các loại phân bón cũng như hóa chất độc hại trong nông nghiệp. Hoạt động chăn nuôi gia súc tạo ra các loại chất thải: phân, nước tiểu, thức ăn thừa.. chưa qua xử lí mà đổ trực tiếp vào môi trường. Cùng với đó là các loại hóa chất dùng trong sản xuất nông nghiệp như: thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón cho cây trồng. Chúng vừa gây ô nhiễm nguồn nước mặt lại vừa gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Việc người dân sử dụng các loại phân bón, chất hóa học không kiểm soát kỹ càng, dùng quá mức cho phép gấp 3-4 lần. Bên cạnh đó, đa số các vỏ chai thuốc sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân cuối cùng và cũng là nguyên nhân nghiêm trọng nhất chính là nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Khi mà các khu công nghiệp ở nước a mọc lên ngày một nhiều, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng cao. Do đó, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp xả trực tiếp nước thải ra môi trường mà không qua xử lí, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Hàng loạt các vụ việc về xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lí đã được đưa tin trong thời gian gần đây là dấu hiệu đáng báo động cho môi trường nước của Việt Nam. Đặc biệt là vụ xả thải của Formosa làm cá chết hàng loạt tại vùng biển của các tỉnh miền Trung, hay vụ việc Vedan xả thải ra sông Thị Vải năm nào… Hành động của các công ty, nhà máy, xí nghiệp ấy đang từng ngày, từng giờ hủy hoại đi môi trường nước – nguồn sống của con người.
Ô nhiễm môi trường nước, con người sẽ nhận lại những hậu quả gì? Nước là tài nguyên quý giá và vô cùng thiết yếu đối với con người. Trên thực tế, có thể thấy rằng, khi nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng đã gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khi nguồn nước ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh từ đó dẫn đến suy giảm nòi giống. Ở một số địa phương của nước ta, khi nghiên cứu các trường hợp mắc bệnh ung thư và viêm nhiễm ở phụ nữ đã thấy rằng có đến 40 -50% là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo thông tin của daychuyenlocnuoc.info vào 26/1/2015: thống kê và đánh giá của Bộ Y tế và Bộ tài nguyên môi trường, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Bên cạnh đó còn gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà sử dụng nguồn nước ô nhiễm chính là một trong những nguyên nhân chính.
Để giải quyết được triệt để các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước thì đòi hỏi phải có những chiến lược cụ thể. Chúng ta cần có chiến lược lâu dài là cung cấp những nguồn nước uống an toàn đã qua xử lí đồng thời carit hiện hệ thống vệ sinh. Còn chiến lược ngắn hạn là sử dụng các phương pháp xử lý nước đơn giản tại nhà. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, còn cần phải thắt chặt hơn nữa vấn đề kiểm soát ô nhiễm, bắt buộc các doanh nghiệp (bao gồm cả quy mô lớn và nhỏ) đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu. Có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi phạm.
Hành vi gây ô nhiễm môi trường nước cũng chính là hành vi mang tính “tội ác” khi chúng có thể cướp đi cuộc sống của con người. Chính vì thế hãy chung tay bảo vệ môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung để hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn đối với con người.
4. Nghị luận xã hội nguồn nước ngọt bị ô nhiễm - Mẫu 4
Ngày nay, vấn đề về ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta có thể dễ dàng để bắt gặp những hình ảnh về môi trường bị ô nhiễm ngay chính xung quanh chúng ta và điều này khiến cho chúng ta phải suy nghĩ.
Trước hết là tình trạng quy hoạch các đô thị chưa thể gắn liền với vấn đề về xử lý chất nước thải cho nên ô nhiễm ở các thành phố lớn, ở các khu công nghiệp và nhất là khu đô thị cũng đang ở mức báo động.
Trong tổng số 183 khu công nghiệp ở trong cả nước thì đã có tới 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý về nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng từ 60 tới 70 chất thải rắn đã được thu gom, cơ sở hạ tầng chưa thoát nước và xử lí nước thải cho nên chất thải vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết là lượng nước thải đều đổ thẳng ra sông.
Ví dụ điển hình của việc xả nước thải không ai không biết đó là con sống Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất từ nhà máy thải ra của công ti bột ngọt suốt 14 năm trời. Con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, là một biểu tượng cho nền văn hóa dân tộc.
Đầu tiên đó là do sự thiếu ý thức của nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp giới trẻ. Họ có thể vứt rác bừa bãi khi đã ăn xong rồi thải nước lung tung khi cho rằng bảo vệ môi trường chỉ có trách nhiệm của nhà nước chứ không phải của mình. Hành động tuy nhỏ nhưng nếu góp lại thì rất to, làm ảnh hưởng tới môi trường công cộng.
Một nguyên nhân đáng kể tới đó là do sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ thường đặt mục tiêu lợi nhuận đầu tiên cho nên có không ít các doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường cho nên cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường ngày càng tiếp diễn
Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường này. Điển hình đó là làng ung thư ở Thạch Sơn Phú thọ có hàng trăm người chết vì căn bệnh ung thư quái ác mà nguyên nhân đó là dò dùng nguồn nước thải đang bị ô nhiễm.
Cạn kiệt về tài nguyên sinh vật là một trong những hậu quả không thể tránh được khi môi trường bị ô nhiễm. Các rặng san hô ở phía cửa sông cũng như là các vùng nước lợ đang dần biến mất. Hiện tượng về thủy triều cũng xuất hiện ở Ninh Thuận, Khánh Hòa..
Các xác cá chết từ biển cũng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng mùi hôi thối, nguồn nước đặc ngầu và ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ra ở trong tương lai gần thì Việt Nam sẽ có thể bị thiếu nước sinh hoạt một cách trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày càng nhiều.
Chúng ta cần phải tiếp tục về công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt và thiết thực hơn nữa. Hơn nữa là phải có hình phạt nặng và nghiêm khắc đối với những hành động làm ảnh hưởng tới môi trường.
Bên cạnh đó thì cũng cần phải giáo dục về ý thức của người dân qua các kênh truyền hình, báo chí…
Hãy đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường ở trong các sách giáo khoa từ cấp tiểu học để giúp cho học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về môi trường và hậu quả của việc phá hoại môi trường.
Hãy tổ chức các phong trào tình nguyện mang tính chất bảo vệ môi trường như dọn rác ở các khu dân cư, làm sạch bãi biển …
Tình trạng môi trường chúng ta hiện nay ngày càng nghiêm trọng cho nên các bạn hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường để chính bản thân được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp.