Nghị luận xã hội về cho và nhận trong cuộc sống

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về cho và nhận trong cuộc sống dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 9

1. Dàn ý Nghị luận xã hội về cho và nhận

Dàn ý Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: cho và nhận.

(Trong cuộc sống, con người muốn phát triển và thành công cần phải rèn luyện những đức tính quý báu. Một trong số đó phải kể đến việc “cho và nhận”).

2. Thân bài

a. Giải thích

“Cho”: nghĩa là cho đi, trao đi tình cảm, sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

“Nhận”: là chấp thuận việc làm, tình cảm mà người khác dành cho mình.

“Cho và nhận” là một thông điệp ý nghĩa: trong cuộc sống, con người cần biết trao đi tình cảm, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn. Khi trao đi những điều quý giá ấy chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, niềm hạnh phúc, an yên trong tâm hồn và cả những sự giúp đỡ từ người khác.

b. Bàn luận

(Trả lời cho câu hỏi Tại sao chúng ta phải biết cho đi và nhận lại?)

Cuộc sống còn có nhiều mảnh đời khó khăn, giúp đỡ họ làm cho xã hội phát triển tốt hơn, họ sẽ đỡ đi phần nào thiếu thốn; hơn nữa lại thể hiện được hơi ấm tình người.

Khi chúng ta trao cho người khác bất cứ điều gì, ta sẽ cảm thấy thanh thản, hạnh phúc hơn.

Hành động cho đi, giúp đỡ người khác sẽ lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra toàn xã hội, mọi người sẽ có suy nghĩ tích cực, tốt đẹp và nhân văn hơn.

c. Mở rộng vấn đề

Trong cuộc sống có nhiều tấm gương về sự “cho đi”, giúp đỡ người khác.

(Học sinh tự tìm dẫn chứng chứng minh cho luận điểm này).

d. Phản đề

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người vô cảm, lãnh đạm trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác; ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình; chỉ muốn nhận những điều tốt đẹp của người khác mà không muốn cho đi → những người này đáng bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề và liên hệ bản thân.

Dàn ý nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 2

1. Mở bài

Nhà thơ Tố Hữu có câu “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Giữa cuộc sống bộn bề lo âu, chúng ta rất cần những yêu thương và sẻ chia, dù nó bình dị, nhỏ nhoi nhưng đó là một tấm lòng đáng trân trọng. Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương vốn dĩ là một quy luật trong cuộc sống. Đó vẫn là một mối quan hệ nhân quả giữa “cho” và “nhận” mà đôi khi ta không nhận ra.

2. Thân bài

a. Giải thích

Cho chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” rất nhỏ, nhất đời thường nhưng đó là cả một tấm lòng đáng quý.

Nhận chính là được đáp trả, được đền ơn.

→ Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều mối quan hệ tương trợ, bổ sung cho nhau.

b. Bàn luận

• Biểu hiện của cho và nhận

Trong cuộc sống quanh ta, đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, đau khổ cần rất nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ, bao dung, rộng lượng. Họ cần chúng ta chia ngọt sẻ bùi.

Chúng ta trao đi yêu thương chúng ta sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn. Dù cái chúng ta nhận lại không phải là vật chất, là những thứ hiển hiện, chỉ là niềm vui, là sự an nhiên mà thôi.

Khi trao đi hạnh phúc cho người khác, chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống của mình thực đáng sống và đáng trân trọng. Có nhiều người làm từ thiện cả một đời, họ trao đi rất nhiều mà chẳng mong nhận lại điều gì. Nhưng thứ họ nhận được là sự nhẹ nhõm và bình an trong tâm mình.

Những người đang cho đi, đôi khi sự nhận lại không phải trong phút chốc, cũng không hẳn nó sẽ hiển hiện ngay trước mắt. Điều bạn nhận lại có khi là cả một quá trình, sau này bạn mới nhận ra mình được đáp trả nhiều hơn cái cho đi đó.

• Ý nghĩa của cho và nhận

Cho và nhận là những quy luật của tự nhiên và xã hội loài người. Trong xã hội, vấn đề này càng cần được nhận thức rõ ràng: không cho thì không thể nào nhận được.

Cho và nhận xứng đáng được ngợi ca với tinh thần ta biết sống vì người khác, một người vì mọi người.

Cho là một hạnh phúc, vì phải có mới cho được, điều đó càng có ý nghĩa khi cái ta cho không chỉ là vật chất, tiền bạc mà là lòng nhân ái.

Xã hội càng phát triển, vấn đề cho và nhận càng được nhận thức rõ ràng. Muốn đời sống được nâng lên, mỗi cá nhân phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng. Có như vậy, bằng tài năng và sức lực, mới góp phần làm giàu cho Tổ quốc, làm giàu cho bản thân. Khi đó, cái mà ta cho cũng là cái ta nhận. Trong cuộc sống, nếu chỉ cho mà không nhận thì khó duy trì lâu dài, nhưng nếu như cho và lại đòi hỏi được đền đáp thì sự cho mất đi giá trị đích thực của nó.

c. Mở rộng, phản đề

Cho và nhận đáng phê phán khi: những kẻ tham lam tàn nhẫn sống trên mồ hôi nước mắt của người khác, kẻ tầm thường chỉ muốn nhận muốn vay mà không muốn cho, muốn trả.

Phê phán một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ biết nhận từ cha mẹ, từ gia đình, người thân… để rồi sống ích kỉ, vô cảm, không biết chia sẻ với bạn bè, đồng loại.

d. Bài học nhận thức và hành động

Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Vì thế, sống, hãy đừng chỉ biết nhận lấy, mà còn học cách cho đi.

3. Kết bài

Hãy mở rộng lòng mình để cảm nhận cuộc sống. Hãy yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để xã hội càng văn minh, để cái nắm tay giữa con người với con người thêm ấm áp.

2. Văn mẫu Nghị luận xã hội về cho và nhận

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 1

Trong “Một khúc ca”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Nếu là con chim, chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không có trả/Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Đúng vậy, “cho đi” và “nhận lại” là hai cụm từ đơn giản nhưng là bài học có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời mỗi người.

Ở đây, ta có thể hiểu “cho đi” chính là biết sẻ chia, giúp đỡ, yêu thương, đồng cảm với mọi người xung quanh. Sự “cho đi” ấy có thể được thể hiện bằng vô vàn hình thức khác nhau. Còn “nhận lại” chính là việc chúng ta đón nhận lòng tốt, những giá trị (cả về vật chất lẫn tinh thần) mà người khác trao cho ta. “cho” và “nhận” tưởng như là hai khái niệm đối lập nhưng thực chất lại thống nhất, cùng là nền móng để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Khi ta biết cách cho đi đồng nghĩa với việc ta biết quan tâm, san sẻ, thấu hiểu cho niềm vui và nỗi buồn của mọi người. Mỗi lần ta cho đi là một lần hạt mầm yêu thương được nảy nở. Con người trở nên đoàn kết, sống với nhau bằng sự chân thành. Biết cho đi cũng bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như nhân hậu, vị tha, dũng cảm,… Nhờ việc cho ta mà tâm hồn ta thanh thản, tự do. Hãy thử tưởng tượng nếu mỗi người chỉ ích kỉ, chỉ biết nhận mà không biết cho, sống cho riêng mình thì cõi đời sẽ lạnh nhạt biết mấy! Bên cạnh đó,đúng như ông cha đã nói “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, ta cũng sẽ được nhận lại những gì xứng đáng điều mình đã sẻ chia.

Trong cuộc sống, có rất nhiều minh chứng về sự “cho đi” và “nhận lại” này. Mỗi người là một cá thể độc lập nhưng không thể sống một cách cá nhân, ích kỉ. Lịch sử đất nước, con người được tạo nên từ chính sự “cho đi” cao cả. Để có được độc lập, hòa bình ngày hôm nay thì biết bao anh hùng dân tộc đã ngã xuống. Trong đó, có những người đã trở thành biểu tượng, cũng có những người lặng lẽ hi sinh. Họ cho đi thanh xuân, sức trẻ, trí tuệ và cả sinh mạng của mình. Và thế hệ sau đã nhận lấy điều ấy. Hôm nay, đất nước vẫn đang trên đà phát triển, con người vẫn không ngừng cống hiến và cho đi những giá trị cao đẹp để xứng đáng với những điều đã được nhận.

Ngược lại, có một số người sống nhỏ nhen, ích kỉ, dối trá. Cách sống ấy sẽ khiến họ trở nên cô độc, biến cuộc đời họ thành chuỗi ngày vô nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh việc biết cho đi, ta cũng cần biết nhận lại sao cho đúng. Ta cần biết gửi gắm niềm tin, sự sẻ chia vào những người xứng đáng, nhận thức được giá trị mà mình đã gửi trao, ý thức rõ ràng về thành quả mình đã tạo ra để không trở thành những người cả tin, mù quáng. Có như vậy, cuộc sống con người mới trở nên ý nghĩa, xã hội phát triển văn minh.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 2

Chúng ta sống và tồn tại trên thế gian này không chỉ nghĩ đến bản thân mình mà cũng cần biết sống vì người khác, biết yêu thương, chia sẻ, cho đi để nhận lại những tình cảm, những giá trị tốt đẹp. Cho và nhận luôn là những yếu tố song hành trong cuộc sống, góp phần làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp, giá trị và ý nghĩa hơn. Cho là cho đi tình cảm yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia, đồng cảm và cũng là cả sự giúp đỡ về vật chất của chúng ta đối với những người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, những người đang gặp bất hạnh. Còn nhận là nhận lại, thứ nhận lại tốt đẹp, cao cả nhất mà mỗi chúng ta có đó chính là tình cảm, là sự biết ơn, là niềm tin yêu, sự chân thành của người khác trước con người mình. Cho đi để mong nhận lại những giá trị vật chất tương xứng là sự cho đi tầm thường, nhưng cho đi mà không mong nhận lại, hoặc nhận lại tình cảm, tấm lòng của người khác là sự cho đi cao cả, quý giá. Sống trên đời, ta không chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, cho cuộc sống của mình mà cần biết nghĩ cho người khác, sống vì người khác, với những nghĩa cử cao đẹp cùng với những truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã mất bao đời để gây dựng. Xã hội có ngày càng văn minh, tốt đẹp hay không chính là dựa vào chúng ta, những con người chủ nhân của đất nước, nếu chúng ta biết cho đi, biết cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp thì cuộc sống sẽ tràn đầy màu sắc, ý nghĩa. Nếu chúng ta ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình, thì xã hội sẽ ngày càng trở nên lạnh lùng, con người quay lưng với nhau. Nghĩ tốt và làm tốt tạo nên một xã hội đáng sống. Ngay từ hôm nay, hãy biết sống cho đi, bỏ qua cái tôi cá nhân để hướng đến cái ta chung tốt đẹp. Cuộc sống vốn dĩ đã ngắn ngủi, hãy để lại cho đời một dấu ấn cá nhân với những màu sắc đẹp đẽ nhất.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 3

Một đời người - một dòng sông. Chúng ta bên cạnh việc bồi đắp cho dòng sông đó được tươi tốt hơn thì cũng cần cho đi phù sa màu mỡ để ruộng đồng phát triển xanh tươi. Đời người cũng thế, chúng ta sống thì phải biết cho đi để được nhận lại. Cho là việc chúng ta giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, san sẻ với những người có hoàn cảnh bất hạnh hoặc đơn giản là sự chia sẻ với người gặp muộn phiền trong cuộc sống của họ. Cho mang nghĩa giúp đỡ, khiến cho người khác tốt hơn. Cho là một nghĩa cử cao đẹp mà mỗi người cần có để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Khi ta cho đi, ta sẽ được nhận lại, nhận lại sự biết ơn, tình cảm chân thành từ người khác. Khi chúng ta cho đi đủ nhiều, đủ chân thành, ta sẽ nhận lại những điều lớn lao, khi ta gặp khó khăn, vấp ngã trên đường đời sẽ có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ ta như cách ta đã làm cho người khác. Cho và nhận mang một thông điệp ý nghĩa: trong cuộc sống, con người cần biết trao đi tình cảm, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn. Khi trao đi những điều quý giá ấy chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, niềm hạnh phúc, an yên trong tâm hồn. Cho đi là gốc rễ của hạnh phúc. Một trái tim rộng mở mới có thể đón nhận yêu thương. Có mỉm cười mới nhận được nụ cười. Có cho đi sự nỗ lực không ngừng ta mới mong nhận lại được thành công. Có mỉm cười mới nhận được nụ cười. Có cho đi sự nỗ lực không ngừng ta mới mong nhận được thành công. Tình yêu thương, sự cho đi và nhận lại giúp con người xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn, từ đó khối sức mạnh sẽ lớn hơn. Vậy nên hãy đừng ngần ngại việc cho đi, cho đi là bạn đã cống hiến cho cuộc đời dù đó chỉ là một điều rất nhỏ. Học sinh chúng ta ngay từ hôm nay hãy học cách cho đi từ những điều nhỏ nhặt nhất, xây dựng một cuộc sống ý nghĩa, giàu tình yêu thương vì chỉ khi con người sống có tình yêu thương thì xã hội mới tốt đẹp hơn được. Cho và nhận muôn đời nay là một truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, hãy tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp đó để làm vẻ vang nước nhà.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 4

Một đời người ngắn lắm! Quá ngắn để chúng ta sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình mà không dang rộng vòng tay với mọi người xung quanh. Chính vì thế chúng ta cần biết sống cho đi để được nhận lại. Cho mang nghĩa là cho đi, trao đi tình cảm, sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Còn nhận ở đây là chấp thuận việc làm, tình cảm mà người khác dành cho mình. “Cho và nhận” mang một thông điệp ý nghĩa: trong cuộc sống, con người cần biết trao đi tình cảm, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn. Khi trao đi những điều quý giá ấy chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, niềm hạnh phúc, an yên trong tâm hồn và cả những sự giúp đỡ từ người khác. “Cho” không đồng nghĩa với việc khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp người khác có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống; là người lắng nghe và luôn sẵn sàng sẻ chia với người khác. Bất cứ ai cũng đã có lần nghe câu nói “cho đi là hạnh phúc” nhưng thực hiện được điều đó không phải là điều dễ dàng. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Ở đâu đó xung quanh chúng ta luôn có những mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia giúp đỡ. Chúng ta trao đi yêu thương thì chúng ta sẽ được nhận lại niềm vui từ trong tâm hồn của mình. Không hẳn là cho đi rồi sẽ trông chờ người ta trả lại cho mình là vui mà niềm vui bắt nguồn từ chính cảm xúc, nhận lại được những điều thực sự ý nghĩa. Khi chúng ta trao đi cho người khác những điều yêu thương chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống này thực sự rất tươi đẹp và đáng trân trọng. Tình yêu thương, sự cho đi và nhận lại giúp con người xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn, từ đó khối sức mạnh sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác. Lại có những người có điều kiện đầy đủ nhưng chỉ biết đến bản thân mình, tham lam vô độ,… Những người này cần bị chỉ trích và phải thay đổi lối sống của bản thân nếu muốn cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho và nhận vẫn luôn tuần hoàn, xoay vòng trong cuộc sống của ta, hãy là một mảnh ghép của vòng tuần hoàn tốt đẹp đó và giúp ích cho người, cho đời thêm ý nghĩa.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 5

Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Mỗi con người cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Để khuyến khích con người có những nghĩa cử cao đẹp, sống biết cho đi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Vậy tấm lòng ở đây là gì? Tấm lòng được nhắc đến trong câu hát là lòng nhân hậu, tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết. Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người giúp đỡ người khác hòng tư lợi cá nhân, trục lợi cho bản thân mình,… đây là những hành động tiêu cực mà chúng ta không nên học theo. Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 6

Làm thế nào để cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn? Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình. Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh câu hỏi này, nhưng đối với bản thân tôi, điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống chính là việc sống cho đi để nhận lại. Cho mang nghĩa bao quát là yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn. Nhận ở đây là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác. Người sống cho đi là những người sẵn sàng giúp đỡ người khác, không từ chối người có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Họ cũng là những người hết lòng vì người khác với mong muốn xã hội tốt hơn, mong cuộc sống của người bất hạnh tốt đẹp hơn. Việc cho đi có vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người: Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại một cách xứng đáng: đó là sự thanh thản, thoải mái khi nhìn người khác tốt đẹp hơn, được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn,… Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác, những người này đáng bị xã hội lên án. Mỗi người một cuộc sống riêng nhưng lại sống trong xã hội chung. Chúng ta hãy biết san sẻ, yêu thương người khác để thấy cuộc đời này ý nghĩa hơn.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 7

Mỗi người sống trên đời đều có những kế hoạch, những dự định riêng, và cả những nỗi lo riêng. Nhưng cuộc sống đâu chỉ thể biết đến riêng bản thân, mà cần phải quan tâm đến những người xung quanh. Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại rất ít. Bất cứ ai cũng đã có lần nghe câu nói “cho đi là hạnh phúc” nhưng thực hiện được điều đó không phải là điều dễ dàng. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. “Cho” không có nghĩa là khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp người khác có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập từ trong sâu thẳm trái tim mình, hạnh phúc đó đang đến từ chính hành động đẹp đẽ của bạn. Cuộc sống này có nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất. Mỗi người chúng ta hãy thử cho đi môt cái gì đó, để rồi biến niềm hạnh của người khác thành niềm hạnh phúc của chính mình. Con người không ai hoàn hảo cả, quan trọng là chúng ta biết sống như thế nào cho xứng đáng với bản chất thật sự của mình, để không phải hổ thẹn với lương tâm. Ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta, là tình yêu của mẹ cha, là tình thân của bạn bè, là niềm vui và hạnh phúc khi đối mặt và vượt qua khó khăn, là ước mơ và hy vọng vào ngày mai. Và điều gì nuôi dưỡng tâm hồn ta, xây đắp nên cuộc sống của chúng ta, thì ta cần, nên và phải sống vì chính những điều đó. - sự “cho” và “nhận” lại.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 8

Con người muốn trở nên tốt đẹp cần phải rèn luyện rất nhiều phẩm chất, một trong số đó chính là học cách cho đi, yêu thương đồng loại để nhận về những điều tốt đẹp.

Cho đi là yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn. Còn thứ ta nhận lại là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác. Cuộc sống của con người sẽ trở nên lạnh nhạt, vô cảm nếu mỗi người chỉ biết sống cho mình, không biết thương yêu, san sẻ, giúp đỡ đồng loại. Nếu mỗi cá nhân chỉ biết đến bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội, lâu dần ta sẽ chết mòn, tâm hồn ủ dột. Tình yêu thương, sự cho đi và nhận lại giúp con người xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn, từ đó khối sức mạnh sẽ lớn hơn. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại một cách xứng đáng: đó là sự thành thản, thoải mái khi nhìn người khác tốt đẹp hơn, được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn,…

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, những người này nếu không sửa đổi sẽ tự tách mình khỏi xã hội và trở nên thất bại hơn.

Mỗi chúng ta được lựa chọn cho mình cách sống, hãy sống với tấm lòng chân thành, tình yêu thương, cho đi yêu thương để nhận về những điều tốt đẹp nhất.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 9

Cuộc sống luôn gửi gắm đến con người những nghĩa cử cao đẹp, mong muốn con người sống có ích và truyền tải những thông điệp văn minh đến các thế hệ. Từ xưa đến nay, ông cha ta đã để lại nhiều bài học sâu sắc về nghĩa cử cho đi và nhận lại vô cùng thấm thía.

Vậy thế nào là cho và nhận? Cho ở đây mang nghĩa bao quát; đó là khi chúng ta yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để khiến cho xã hội này tốt hơn. Còn nhận ở đây là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi chúng ta cho đi, giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương, giúp đỡ lại khi mình rơi vào tình huống khó khăn. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác để cộng đồng, xã hội ngày càng vững mạnh trên nền tảng tình cảm.

Làm thế nào để nhận biết được những người sẵn sàng cho đi? Sẵn sàng cho đi là khi chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác dù là không thân thiết, quen biết khi họ gặp khó khăn cũng như không từ chối người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Người sẵn sàng cho đi còn là người hết lòng vì người khác với mong muốn xã hội tốt hơn, mong cuộc sống của người bất hạnh tốt đẹp hơn mà không hề toan tính thiệt hơn hay mong được tư lợi.

Việc cho đi mang nhiều lợi ích, ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại những điều xứng đáng: đó là sự thảnh thản, thoải mái khi nhìn cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, những người sẵn sàng cho đi mà không toan tính sẽ được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại khi chúng ta gặp khó khăn,…

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng sống với tình thương, sẵn sàng cho đi, giúp đỡ người khác. Ngoài kia vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác, chỉ biết sống cho bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội lên án.

Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 10

Giữa một cuộc sống có biết bao nhiêu bộn bề và lo lắng cho nên chúng ta ắt hẳn ai cũng rất cần những yêu thương và chia sẻ cho dù là bình dị nhất. Trao đi yêu thương để nhận lại vốn là một quy luật luôn có trong cuộc sống. Đó là mối quan hệ qua lại lẫn nhau

Cho và nhận vừa là vô hình vừa là hữu hình. Ý của câu nói này là nếu chúng ta cho đi những gì thì chúng ta sẽ được nhận lại xứng đáng với những gì mà mình cho đi. Đó là một mối quan hệ cần được giữ gìn và trân trọng

Đã có rất nhiều người vẫn chưa hình dung rõ cho và nhận là gì? Cho là cho đi những yêu thương, sẵn sàng có thể giúp đỡ người khác và những việc làm đó xuất phát từ trái tim từ bản thân của mỗi người. Nhận là được đáp trả lại từ những gì mình đã cho đi. Cho và nhận có mối quan hệ khăng khít nhau, đó còn là mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó là mối quan hệ tương trợ nhau.

Có câu hát rằng “sống trên đời sống cần có một tấm lòng” đây là một câu hát, một triết lí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một tấm lòng đáng kính và đang được ghi nhận.

Biểu hiện của cho đi và nhận lại trong cuộc sống đó chính là trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta mà đôi lúc chúng ta cũng không thể nhận ra được. Đó chính là phép màu, là điều kì diệu mà tạo hóa ban tặng.

Khi mỗi người chúng ta sống có ích, sống biết cho đi thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bao giờ hết và ta sẽ cảm thấy yêu đời hơn, hạnh phúc hơn.

Ở đâu đó xung quanh chúng ta luôn có những mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia giúp đỡ. Chúng ta không ngần ngại mà hãy giúp đỡ, bao dung và rộng lượng khi còn có thể. Chúng ta trao đi yêu thương thì chúng ta sẽ được nhận lại niềm vui từ trong tâm hồn của mình. Không hẳn là cho đi rồi sẽ trông chờ người ta trả lại cho mình là vui mà niềm vui bắt nguồn từ chính cảm xúc, nhận lại được những điều thực sự ý nghĩa.

Khi chúng ta trao đi cho người khác những điều yêu thương chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống này thực sự rất tươi đẹp và đáng trân trọng. Có rất nhiều người đi làm từ thiện cả đời luôn luôn quan tâm đến những người nghèo khổ bần cùng, mang cho họ những miếng cơm manh áo “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đấy là những tấm lòng thực và chân thành của họ dành cho những con người đói khổ bất hạnh của xã hội. Họ trao đi cả đời mà chẳng mong nhận lại được điều gì nhưng những cái họ nhận được là hữu hình, là ý nghĩa của cuộc sống trong họ.

Bởi thế cho nên những người đang cho đi đôi khi không phải là sự nhận lại trong phút chốc mà có khi là cả một quá trình, sau này bạn sẽ nhận ra được rằng mình được nhận nhiều hơn thế.

Bên cạnh những người luôn biết cho đi thì còn rất nhiều người sống rất ích kỷ, chỉ mong muốn nhận về cho mình chứ không hề muốn cho đi. Họ cứ giữ khư khư cho riêng mình. Đây là một thực tế rất đáng lên án, lối sống này rất ích kỉ. Sự tính toán hơn thiệt được mất trong cuộc sống sẽ làm cho họ đánh mất đi chính mình và sẽ bị mọi người xa lánh

Cho đi là một điều chúng ta nên làm trong cuộc sống cho nên chúng ta hãy sống sao để cho bản thân thấy có ý nghĩa hơn và bạn sẽ thấy điều kì diệu từ trong cuộc sống về luật cho đi và nhận lại.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 11

Dù cuộc sống xã hội có thay đổi và phát triển đến nhường nào thì tình yêu thương giữa người với người là không thể thiếu. Sự chia sẻ đôi khi chỉ rất bình dị, giản đơn nhưng lại chứa sức mạnh vô bờ đối với những người nhận được sự giúp đỡ. Trao đi yêu thương và nhận lại thành quả là một trong những quy luật tất yếu của cuộc sống. Ông bà ta đã có câu "Gieo nhân nào, gặt quả ấy”.

Khái niệm cho và nhận thường khó để phân định sao cho công bằng. Đại ý của câu nói này là nếu chúng ta sống và biết cách chia sẻ, giúp đỡ mọi người thì chúng ta cũng sẽ nhận lại xứng đáng với những gì đã cho đi.

Cho là cho đi những yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ người khác có thể cả về vật chất lẫn tinh thần. Những điều này là xuất phát từ tận đáy lòng của mỗi người với mong muốn cuộc sống của tất cả mọi người sẽ trở nên tốt hơn. Họ làm những điều ấy nhưng không màng tới lợi nhuận toan tính. Nhận là được đáp trả lại những gì mình đã cho đi. Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả khăng khít, tương hỗ nhau trong cuộc sống của tất cả mọi người.

Trong cuộc sống xã hội xưa và nay, việc cho và nhận là những điều rất quen thuộc trong cuộc sống. Thầy cô giáo luôn cố gắng dồn bao tâm huyết dạy dỗ học sinh nên người, đạt được những thành công sau này. Và rồi những người học trò năm xưa khi đạt được "công thành danh toại” sẽ luôn biết ơn, tri ân tới những người thầy của mình. Hay ta đã nghe rất nhiều câu chuyện trong cuộc sống, khi chúng ta chung tay giúp đỡ những mảnh nghèo bất hạnh, giúp họ có được điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống thì bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ nhận được những may mắn, giúp đỡ khi ta cần.

Mỗi ngày khi ta sống có ích, biết cách lắng nghe quan tâm người khác một chút thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bao giờ hơn. Ngay cả bản thân tôi, khi đi trên đường chỉ là giúp cụ già sang đường, hay nhắc nhở người đi xe máy quên gạt chân chống xe. Nhận được lời cảm ơn hay một nụ cười từ họ cũng khiến tôi cảm thấy tinh thần mình tốt hơn. Với cuộc sống hiện đại với sự phát triển của thế giới ảo từ mạng Internet, chắc hẳn nhiều người lo ngại rằng con người ngày càng trở nên vô tâm hơn. Thế nhưng tôi tin rằng vẫn có rất nhiều người có tấm lòng bao dung hiền hậu, sẵn sàng trao đi yêu thương. Ông bà ta có câu "Lá lành đùm lá rách” hay "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, đây là những bài học răn dạy ta sống là phải biết chia sẻ. Sự cho đi đôi khi không phải là sự nhận lại đền ơn báo đáp ngay tức thì, mà là sau một quá trình, ta sẽ nhận ra được những thành quả giá trị mà ta đã nhận được.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân sống ích kỉ chỉ biết nhận sự giúp đỡ, dựa dẫm vào người khác. Nhiều câu chuyện thương tâm được chia sẻ trên mạng xã hội vì có cuộc đời bất hạnh, bệnh tật. Họ nhận được sự thương cảm từ những nhà hảo tâm, nhưng đằng sau những câu chuyện ấy là họ chỉ biết lợi dụng lòng thương, phụ thuộc vào những điều ấy thay vì cố gắng vượt lên số phận. Hay sự tính toán thua thiệt trước khi bắt đầu giúp một ai đó cũng khiến cho tâm hồn con người trở nên lấm đen, che mờ đi tấm lòng lương thiện của họ.

Cho đi là điều chúng ta nên làm trong cuộc sống. Tôi tin rằng làm người tốt chắc chắn sẽ nhận được những món quà kì diệu từ cuộc sống khi ta cần.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 12

Trong cuộc sống, có một chân lý hiển nhiên không ai không thừa nhận "Cho là nhận”. Nhưng không hẳn tất cả mọi người trong chúng ta đều hiểu rõ ý nghĩa chân lý ấy.

Nhắc đến "cho" và “nhận”, ta sẽ nghĩ đó là hai khái niệm trái ngược nhau. Nhưng nếu ngẫm lại thì"khi cho đi ta sẽ nhận lại rất nhiều”.

Chắc ai cũng nhớ câu chuyện hai biển hồ, một minh chứng cho chân lý "Cho là nhận”. Biển Ga-li-lê đã cho dòng nước mát lạnh và nó đã được nhận lại sự trong xanh mát rượi, sự thân thiện từ vạn vật: con người đến sinh sống quanh hồ, hai bên bờ luôn tràn ngập cỏ cây và muông thú. Một minh chứng nữa là, khi trái đất tác động lên mặt trăng một lực thì nó cũng nhận lại được một lực tương tự, nhờ vậy mà mặt trăng và trái đất mới không va chạm vào nhau. Trong cuộc sống cũng vậy: khi bạn giúp người khác, người đó sẽ rất vui và ngược lại, trong lòng bạn cũng vui vì đã làm được một việc có ích. Hơn nữa, bạn sẽ có thêm sự yêu mến từ mọi người xung quanh, bạn sẽ có thêm những người bạn thân thiết và những lúc bạn gặp khó khăn, chắc chắn mọi người sẽ không từ chối giúp đỡ. Vậy thì, khi cho đi, hãy yên tâm, bạn sẽ luôn nhận lại xứng đáng, ít ra là niềm vui và sự thanh thản. Còn những người không biết cho đi thì họ cũng giống như biển chết vậy: dòng nước như mặn chát, vạn vật đều cách xa và sự sống trong họ rồi cũng héo mòn dần. Giữ cho riêng mình để rồi phải chịu cô độc, như vậy đâu phải là hạnh phúc. Nhiều người trong chúng ta, ngay cả tôi, chắc cũng đã có lúc từng nghe “Hạnh phúc là khi có được tất cả”. Nhưng chúng ta đã lầm, hạnh phúc đích thực có một phần từ việc cho đi.

Cho đi là gốc rễ của hạnh phúc. Một trái tim rộng mở mới có thể đón nhận yêu thương. Có mỉm cười mới nhận được nụ cười. Có cho đi sự nỗ lực không ngừng ta mới mong nhận lại được thành công. Có mỉm cười mới nhận được nụ cười. Có cho đi sự nỗ lực không ngừng ta mới mong nhận được thành công. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã cho đi không ít thì nhiều, nhưng có ai đã từng nghĩ: Phải “cho” như thế nào? Nếu cho chỉ vì muốn nhận lại thì hành động đó chẳng có ý nghĩa gì. Nó đã trở thành sự trao đổi. Hãy cứ cho đi từ tấm lòng mình và đừng mong người ta trả lại đúng như thế. Tôi đã từng nghe một câu nói rất hay: "Thật hạnh phúc cho những ai biết mà cho mà không cần nhớ đến và biết nhận mà không hề quên”.

Vậy chúng ta hãy đừng ngần ngại nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, quan tâm người khác. Vì đó là món quà mà họ luôn mong đợi khi cho đi tình yêu thương. Một lời cảm ơn sẽ là niềm hạnh phúc với người giúp đỡ ta. Lời cảm ơn sẽ thay cho lòng biết ơn của chúng ta.

Những người cho luôn là người hạnh phúc nhất. Vậy thì tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng cho, để mỗi ngày có thêm niềm vui và cuộc sống thêm ý nghĩa nhất.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 13

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Trong cuộc sống luôn cần có những tấm lòng biết yêu thương và sẻ chia, phải biết cho đi thì mới có thể nhận lại được. Thê nhưng trong cuộc sống hiện đại, dường như con người càng trở nên khép mình, thờ ơ, thiếu quan tâm đến những người xung quanh hơn.

Cho và nhận – đó là một mối quan hệ nhân quả. Cho mang ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ. Đó có thể là những việc nhỏ nhặt như dắt một bà cụ qua đường, bẻ chiếc bánh mì làm đôi cho người bạn nghèo cùng lớp,… Nhận là những gì ta được đền đáp lại. Từ xưa, khi còn thuở ấu thơ, ta vẫn thường được nghe các mẹ, các bà kể câu chuyện về những cô Tấm, nàng Lọ Lem hiền lành được ông Bụt, bà Tiên giúp đỡ khi gặp họa nạn. Đó chẳng phải là cho đi và nhận lại đấy sao?

Nhiều khi, bản thân cho đi nhiều điều nhưng lại không biết được rằng mình đã được nhận lại từ người khác từ lúc nào. Có một câu chuyện kể rằng một cô gái đi trên đường bất chợt gặp một người ăn xin. Thương cho ông lão đã già mà vẫn phải sống cơ cực, nghèo khổ, cô muốn gửi cho ông một chút gì đó để cho ông đỡ vất vả. Tuy nhiên khi lục lọi khắp người, cô lại không tìm thấy gì để có thể cho ông lão. Cảm thấy áy náy, cô lại gần và cầm tay ông lão, xin lỗi ông vì không có gì cho ông. Nhưng thật bất ngờ, ông cụ đã nói rằng:"Cháu đã cho ông rất nhiều rồi”. “Hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”, và thứ mà cô gái đã trao cho ông lão, có lẽ ở đây ai cũng hiểu, đó chính là niềm hạnh phúc, là hơi ấm của tình người. Tình thương của cô đã giúp cho ông lão cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Chính bản thân cô cũng phần nào cảm thấy ấm lòng vì thấy việc mình làm phần nào cũng đem lại giá trị cho người khác. Cái sự nhận lại này đôi khi không phải là trong phút chốc mà có được. Trồng cây phải lâu năm thì mới có được ngày hái quả, sẽ có một lúc nào đó khi gặp khó khăn, bạn sẽ gặp được sự giúp đỡ của những người mà có khi chính bản thân mình không quen biết.

Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ mà không hề đòi hỏi sự báo đáp. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Hoặc thậm chí, khi nhìn thấy những người đang cần sự giúp đỡ của mình, thì điều đầu tiên họ nghĩ là tính toán xem làm thế nào để có lợi cho mình. Họ không quan tâm đến những người xung quanh, chỉ biết giữ lấy của riêng mình. Gieo nhân nào gặt quả nấy, khi gặp khó khăn, họ sẽ bị người khác quay lưng vì trước kia chính họ đã sống quá thờ ơ với mọi người.

Khi ta trao yêu thương cũng là lúc ta nhận lại hạnh phúc, xây dựng và nuôi dưỡng cho tâm hồn giàu đẹp. Cho và nhận – tưởng chừng như là những khái niệm đơn giản nhưng để hiểu và làm được thì không hề dễ dàng. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự sẻ chia, kết nối giữa con người với con người.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 14

Mỗi người sống trên đời đều có những kế hoạch, những dự định riêng, và cả những nỗi lo của cơm, áo, gạo, tiền… Để rồi có đôi lúc, chúng ta không còn có thời gian quan tâm đến mọi người xung quanh. Nhưng cuộc sống đâu chỉ thể biết đến riêng bản thân, mà cần phải quan tâm đến những người xung quanh. Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này.

“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình đã làm được những gì ngoài lời nói? Hơn nữa, khi bạn “cho” đi, bạn có đảm bảo rằng bạn không mong “nhận” về không? Hãy cố gắng sống vì sự tốt đẹp cho người khác bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói và với sự vô tư nhất có thể. Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Bất cứ ai cũng đã có lần nghe câu nói “cho đi là hạnh phúc” nhưng thực hiện được điều đó không phải là điều dễ dàng. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.

“Cho” không có nghĩa là khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp người khác có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống. Các bạn hãy làm một việc gì đó, có thể giúp đỡ một ai đó trong lúc túng quẫn, hay những lúc gặp khó khăn, bạn sẽ nhận được những niềm vui vượt lên cả sự mong đợi. Dù cho sự giúp đó là tiền bạc hay chỉ là một lời động viên an ủi. Bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập từ trong sâu thẳm trái tim mình, hạnh phúc đó đang đến từ chính hành động đẹp đẽ của bạn. Đó là khi người khác gặp khó khăn, bạn luôn chìa tay ra giúp đỡ. Khi người khác có tâm sự, nỗi niềm, bạn luôn là người lắng nghe và luôn sẵn sàng sẻ chia. Khi người khác hạnh phúc, bạn hãy luôn mỉm cười, chung vui với người khác.

Không phải lúc nào “cho” cũng mang lại hạnh phúc cả. Một điều kỳ diệu xảy ra khi nó đúng lúc, đúng việc. “Cho” là không mong được “nhận” lại, không mong người khác sẽ trả ơn lại cho mình vì đã giúp đỡ họ. Thật vậy, nếu như ta đem niềm vui đến cho người khác có nghĩa là đã tạo được cho mình một niềm hạnh phúc. Chúng ta hãy sống hết mình với người khác, rồi sẽ nhận lại niềm hạnh phúc từ nơi người khác. Hãy nhớ rằng: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”.

Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất. Có ai đó đã từng nói “Hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”, mỗi người chúng ta hãy thử cho đi môt cái gì đó, để rồi biến niềm hạnh của người khác thành niềm hạnh phúc của chính mình.

“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

“Cho” và “nhận” cũng giống như cặp phạm trù “nhân”, “quả”, trong Triết học. Trên đời này luôn có luật “nhân quả”, nếu chúng ta biết yêu thương người thì cũng sẽ được yêu thương trở lại, khi chúng ta giúp người khác thì cũng là tự giúp mình.

Đã là con người thì cũng không ai hoàn thiện cả, vấn đề quan trọng là biết sống như thế nào cho xứng đáng với bản chất thật sự của một con người, để không phải hổ thẹn với lương tâm. Cuộc sống cũng giống như những vết nứt của một chiếc bình, vì vậy hãy biết tận dụng những vết nứt đó để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Khi làm được điều đó, thì cũng chính là lúc bạn nhận lại được niềm vui cho mình.

Ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta, là tình yêu của mẹ cha, là tình thân của bạn bè, là niềm vui và hạnh phúc khi đối mặt và vượt qua khó khăn, là ước mơ và hy vọng vào ngày mai. Và điều gì nuôi dưỡng tâm hồn ta, xây đắp nên cuộc sống của chúng ta, thì ta cần, nên và phải sống vì chính những điều đó. Và đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống đấy các bạn à.

Nghị luận xã hội về cho và nhận mẫu 15

Mỗi con người ai cũng có những phần muốn giữ lại cho riêng mình và phần chúng ta muốn chia sẻ với người khác để được san sẻ, an ủi. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng mình đã làm được gì cho người khác? Mình đã thực sự cho đi hay chỉ mong nhận về? Cuộc sống vốn là cho và nhận. Cho là khi chúng ta yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để khiến cho xã hội này tốt hơn. Còn nhận là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi chúng ta cho đi, giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương, giúp đỡ lại khi mình rơi vào tình huống khó khăn. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác để cộng đồng, xã hội ngày càng vững mạnh trên nền tảng tình cảm. Sẵn sàng cho đi là khi chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác dù là không thân thiết, quen biết khi họ gặp khó khăn cũng như không từ chối người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Người sẵn sàng cho đi còn là người hết lòng vì người khác với mong muốn xã hội tốt hơn, mong cuộc sống của người bất hạnh tốt đẹp hơn mà không hề toan tính thiệt hơn hay mong được tư lợi. Việc cho đi mang nhiều lợi ích, ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại những điều xứng đáng: đó là sự thảnh thản, thoải mái khi nhìn cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, những người sẵn sàng cho đi mà không toan tính sẽ được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại khi chúng ta gặp khó khăn,… Cuộc sống này có tốt đẹp, tràn ngập tình yêu thương hay không phụ thuộc vào cách ta sống, đối xử với người khác, chính vì vậy, hãy trở thành một công dân tốt, sống biế cho đi.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận xã hội về cho và nhận trong cuộc sống cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
58 138.672
Sắp xếp theo

    Nghị luận xã hội lớp 9

    Xem thêm