Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9

Các bạn học sinh sẽ được ôn tập lại kiến thức, nâng cao kỹ năng giải đề thi môn Lịch sử lớp 9 khi tham khảo và làm thử: Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B. Chúc các bạn ôn thi tốt và đạt được thành tích cao.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 huyện Hoằng Hóa năm 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT NGHỆ ANĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: LỊCH SỬ LỚP 9 – BẢNG B
Thời gian làm bài: 90 phút

Câu 1 (6,0 điểm)

"Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là từ năm 1950 khi nền kinh tế các nước Tây Âu được khôi phục, một xu hướng ngày càng nổi bật là sự liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực (...). Tới nay, Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới..."

(Trích SGK Lịch sử lớp 9, trang 42, 43 NXB Giáo dục Việt Nam năm 2013)

Bằng những kiến thức lịch sử thế giới hiện đại đã học, hãy làm rõ ý kiến trên.

Câu 2 (6,0 điểm)

Trình bày sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925) và vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Hội.

Câu 3 (3,0 điểm)

Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Câu 4 (5,0 điểm)

Ngay sau khi giành được chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp những khó khăn và thuận lợi nào?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH MÔN LỊCH SỬ LỚP 9

Câu 1. Quá trình liên kết khu vực Tây Âu...

* Nguyên nhân: 1,5 đ

  • Các nước Tây Âu đều có chung một nền văn minh, nền kinh tế không cách biệt nhau lắm. 0,5 đ
  • Do xu thế toàn cầu hoá, đặc biệt là dưới tác động của cách mạng KH - KT, hợp tác phát triển là cần thiết. 0,5 đ
  • Các nước Tây Âu cần phải đoàn kết với nhau để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mĩ. 0,5 đ

* Quá trình liên kết: 4,5 đ

  • Tháng 4/1951, "Cộng đồng than, thép châu Âu" ra đời đời gồm sáu nước Pháp, CHLB Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà lan, Lúc-xăm-bua. 0,5 đ
  • Tháng 3/1957, thành lập "Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu", rồi "Cộng đồng kinh tế châu Âu" (EEC). Cộng đồng kinh tế châu Âu chủ trương xoá bỏ dần hàng rào thuế quan, thực hiện tự do lưu thông hàng hoá, tư bản và nhân công giữa sáu nước. 1,0 đ
  • Năm 1967, ba Cộng đồng trên sát nhập với nhau thành Cộng đồng châu Âu (EC) 0,5 đ
  • Tháng 12/1991, các thành viên EC họp Hội nghị cấp cao tại Ma-a-xtơ-rích (Hà Lan). Hội nghị thông qua hai quyết định quan trọng: 0,5 đ
    • Xây dựng một liên minh kinh tế, chính trị tiến tới nhà nước chung châu Âu. 0,5 đ
    • Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU) và từ ngày 1/1/1999 một đồng tiền chung của Liên minh châu Âu đã được phát hành với tên gọi là đồng ơrô (EURO). 0,5 đ
  • Số lượng thành viên của EU ngày càng tăng: năm 1999 là 15 nước, đến năm 2004 là 25 nước... 0,5 đ
  • Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, có tổ chức chặt chẽ nhất và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế thế giới. 0,5 đ

Câu 2

* Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 4,0 đ

  • Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu Trung Quốc. Tại đây, Người thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là tổ chức Cộng sản đoàn (6/1925). 0,5 đ
  • Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng. 0,5 đ
  • Năm 1925 xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Mở lớp huấn luyện, những bài giảng của Người được tập hợp và in thành sách Đường kách mệnh (1927), vạch ra phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. 1,0 đ
  • Tất cả đã được bí mật chuyển về nước, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển. Hội đã có tổ chức cơ sở hầu khắp cả nước và số hội viên ngày càng tăng. 0,5 đ
  • Một số hội viên xuất sắc được cử đi học ở Liên Xô và Trung Quốc, còn phần lớn lên đường về nước hoạt động. 0,5 đ
  • Năm 1928, Hội có chủ trương "vô sản hóa" nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ tự rèn luyện, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, thúc đẩy phong trào công nhân, phong trào yêu nước phát triển. 0,5 đ
  • Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản, là bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam sau này. 0,5 đ

* Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Hội: 2,0 đ

  • Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 0,5 đ
  • Lựa chọn thanh niên yêu nước đưa vào Hội, vạch ra chương trình của Hội. 0,5 đ
  • Mở lớp huấn luyện chính trị, viết bài, xuất bản báo Thanh niên.... 0,5 đ
  • Thông qua việc thành lập và hoạt động của Hội, Người đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ nòng cốt chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam. 0,5 đ

Câu 3

* Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. 3,0 đ

  • Dân tộc ta giàu truyền thống yêu nước sâu sắc và đấu tranh kiên cường bất khuất từ ngàn xưa cho độc lập, tự do. Khi có Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh phất cao ngọn cờ cứu nước thì mọi người hăng hái hưởng ứng. 0,75 đ
  • Sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối đúng đắn sáng tạo... 0,75 đ
  • Có khối liên minh công nông vững chắc, tập hợp được các lực lượng yêu nước trong mặt trận thống nhất, biết kết hợp tài tình đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa.... 0,75 đ
  • Nhờ hoàn cảnh quốc tế thuận lợi: Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến hồi kết thúc, Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh đã đánh bại phát xít Đức - Nhật, tạo thời cơ thuận lợi cho cách mạng tháng Tám giành thắng lợi. 0,75 đ

Câu 4

* Khó khăn: 4,0 đ

  • Giặc ngoại xâm:
    • Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng, kéo theo bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách lũ lượt kéo vào nước ta với âm mưu thủ tiêu chính quyền cách mạng. 0,5 đ
    • Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam có hơn một vạn quân Anh kéo vào giúp đỡ cho Pháp quay trở lại xâm lược Nam Bộ. 0,5 đ
    • Lúc này trên nước ta còn hơn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Thực dân Pháp muốn khôi phục lại nền thống trị cũ, đã xâm lược trở lại nước ta ở Nam Bộ. 0,5 đ
  • Nội phản: Các lực lượng phản cách mạng ở cả hai miền đều ngóc đầu dậy hoạt động chống phá cách mạng như cướp bóc, giết người... 0,5 đ
  • Khó khăn về kinh tế, tài chính (giặc đói):
    • Nền kinh tế nước ta vốn lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kéo theo nạn đói chưa được khắc phục. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt. 0,5 đ
    • Về tài chính: Ngân sách nhà nước trống rỗng, chính quyền cách mạng chưa nắm được ngân hàng Đông Dương. Trong lúc đó Quốc dân đảng lại tung ra các loại tiền đã mất giá làm cho nền tài chính nước ta thêm rối loạn. 0,5 đ
  • Khó khăn về chính trị - xã hội (giặc dốt): Chính quyền còn non trẻ, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm quản lí. Trong khi đó, hơn 90% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút tràn lan. 0,75 đ

-> Nước Việt Nam đứng trước tình thế hết sức hiểm nghèo "Ngàn cân treo sợi tóc". 0,25 đ

* Thuận lợi: 1,0 đ

  • Ta đã giành được chính quyền, nhân dân tin tưởng vào Hồ Chí Minh, tích cực xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. 0,5 đ
  • Đảng ta đã được rèn luyện và trưởng thành, có lãnh tụ thiên tài và có uy tín trong nhân dân. 0,25 đ
  • Trên thế giới, Liên Xô và các lực lượng dân chủ đã chiến thắng phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai, cổ vũ và ủng hộ nhân dân ta. 0,25 đ
Đánh giá bài viết
1 4.729
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm