Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 8 thị xã Phú Thọ năm 2014 - 2015
Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 8
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 năm học 2014-2015 thị xã Phú Thọ là đề khảo sát chất lượng môn Văn lớp 8 nhằm kiểm tra năng lực học sinh giỏi. Đề thi môn Văn có đáp án, giúp các em tự hệ thống và củng cố kiến thức cơ bản và nâng cao môn Ngữ văn lớp 8. Mời các em tham khảo đề thi.
Đề thi học sinh giỏi môn Vật lí lớp 8 trường THCS Hạ Hòa, Phú Thọ năm 2013 - 2014
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2012 - 2013
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỊ XÃ PHÚ THỌ | ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 8 THCS NĂM HỌC 2014 – 2015 Môn: Ngữ Văn Thời gian thi: 120 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Đề chính thức
Câu 1. (4 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:
''Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim''
(Từ ấy-Tố Hữu)
Câu 2. (4 điểm): Em hãy viết một bài văn ngắn trình bày cảm nhận của em về hai câu thơ sau:
"Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ".
(Quê hương - Tế Hanh)
Câu 3. (12 điểm): Có ý kiến cho rằng: Hình ảnh người cha trong tác phẩm "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao (sách Ngữ văn 8 – Tập I) được diễn tả một cách chân thực, sâu sắc.
Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 8
Câu 1 (4 điểm).
a- Chỉ ra được các phép tu từ có trong đoạn thơ (1 điểm).
b- Nêu được tác dụng của các phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ (3 điểm)
- Hai câu đầu sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ ''Bừng nắng hạ'' (sự giác ngộ ở trong lòng), ''Mặt trời chân lí'' (lí tưởng cách mạng): Là những hình ảnh nghệ thuật đặc sắc diễn tả sự cao đẹp sáng ngời của lí tưởng cách mạng. Đó là sự giác ngộ, sự nhận thức sâu sắc bằng lí trí của người chiến sỹ cách mạng (1.5 điểm).
- Hai câu sau sử dụng nghệ thuật so sánh: ''Hồn tôi là một vườn hoa lá'' là biện pháp nghệ thuật so sánh độc đáo với từ so sánh ''là'' mang ý nghĩa khẳng định, đem cái trừu tượng ''hồn tôi'' so sánh với hình ảnh cụ thể ''vườn hoa lá': tất cả toát lên niềm vui sướng tràn ngập của nhà thơ khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng (1.5 điểm).
Câu 2 (4 điểm)
a. Về hình thức: (1 điểm) Học sinh viết thành bài văn cảm thụ có bố cục 3 phần: mở – thân – kết rõ ràng; diễn đạt, trình bày rõ ràng, lưu loát.
b. Về nội dung: (3 điểm) Cần chỉ rõ
Biện pháp nghệ thuật:
- Nhân hoá: con thuyền
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: nghe...
Tác dụng: Hai câu thơ miêu tả chiếc thuyền nằm im trên bến sau khi vật lộn với sóng gió biển khơi trở về. Tác giả không chỉ "thấy" con thuyền đang nằm im trên bến mà còn thấy sự mệt mỏi , say sưa, còn "cảm thấy" con thuyền ấy như đang lắng nghe chất muối thấm dần trong từng thớ vỏ của nó. Con thuyền vô tri đã trở nên có hồn, một tâm hồn rất tinh tế. Cũng như người dân chài, con thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn mòi của biển khơi. Không có một tâm hồn tinh tế, tài hoa và nhầt là nếu không có tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì không thể có những câu thơ xuất thần như vậy
Câu 3: (12 điểm)
Yêu cầu chung:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận chứng minh.
- Nêu vấn đề cần nghị luận: Hình ảnh người cha trong tác phẩm "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao được diễn tả một cách chân thực, sâu sắc.
- Bố cục cân đối, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu.
Yêu cầu cụ thể:
A. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: (1 điểm)
- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật.
- Hình ảnh người cha trong tác phẩm "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao được diễn tả một cách chân thực, sâu sắc.
B. Phân tích, chứng minh: (10,0 điểm)
Học sinh có nhiều cách trình bày bài viết của mình, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:
I. Khái quát chung về nhân vật lão Hạc: (1 điểm)
- Là nhân vật chính trong truyện.
- Là người nông dân nghèo khổ trong thời kì trước cách mạng tháng Tám.
- Có hoàn cảnh bất hạnh- bị dồn đến đường cùng phải tìm đến cái chết.
- Có vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng, đặc biệt là người cha có tình yêu thương con tha thiết, cảm động.
II. Chứng minh hình ảnh người cha (Lão Hạc): (8 điểm)
a. Cảnh ngộ: (1 điểm)
Phải sống xa con: vợ mất sớm, con phẫn chí bỏ đi phu đồn điền cao su, lão sống thui thủi một mình...
-> Có nỗi khổ tâm: làm cha nhưng không được đoàn tụ cùng con, không được sống trong một gia đình bình thường, yên ổn, hạnh phúc.
b. Lão Hạc là người cha có tình yêu thương con sâu sắc, cao đẹp. (7 điểm)
Vì xa con, lão Hạc luôn thương nhớ con da diết: (2 điểm)
- Mọi câu chuyện đều xoay quanh, liên quan đến con.
- Chăm sóc cậu Vàng ( Kỉ vật của con trai để lại) và xót xa, day dứt khi buộc phải bán nó.
- Đếm từng ngày con đi, mong từng lá thư con.
Lão Hạc luôn day dứt, khổ tõm, ân hận với con: (2 điểm)
- Vì lão không đủ tiền cưới vợ cho con, con phải bỏ đi phu đồn điền cao su...
-> Lão dằn vặt, đớn đau, giằng xé tâm can, chết cũng không yên vì nghĩ mình mắc nợ với con.
Lão sống vì con, chết cũng vì con: (3 điểm)
- Lão tính toán, trăn trở trước sự sống- cái chết. Nếu lão sống, lão sẽ phải bán dần mọi thứ để ăn vì lão không còn đủ sức làm thuê kiếm sống.
- Lão âm thầm chuẩn bị cho mình cái chết (bán chó, thu nhặt tiền để dành, gửi ông giáo tiền nhờ làm ma, gửi vườn cho ông giáo sau này trao cho con).
-> Lão thà chết để giữ lại tài sản (mảnh vườn cho con). Lão chọn cái chết đớn đau như sự tự trừng phạt.Tình yêu thương con của lão Hạc được thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đó là đức hy sinh cao cả của lão. Lão sẵn sàng hy sinh cả sự sống của mình cho tương lai, hạnh phúc của con.
III. Đánh giá: (1 điểm)
- Tình cảm cha con là tình cảm bền vững, mang giá trị nhân bản sâu sắc. Đó là tình cảm cao đẹp của lão Hạc - của tất cả những người cha trong bất kì hoàn cảnh, thời đại nào cũng đều yêu thương con, hy sinh vì con.
- Nam Cao rất thành công khi xây dựng nhân vật lão Hạc: miêu tả diễn biến tâm lí tinh tế, phức tạp ...-> để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
C. Khẳng định vấn đề nghị luận (1 điểm)
- Khẳng định tình cảm cha con là đề tài truyền thống nhưng vẫn mới, vẫn hấp dẫn.
- Suy ngẫm về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện nay.
* Lưu ý:
1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản mang tính định hướng, giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm; tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc; cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của học sinh; phát hiện, trân trọng những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách trình bày khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lý, có sức thuyết phục. (riêng phần tiếng Việt cần căn cứ đúng theo hướng dẫn chấm để ghi điểm).
2. Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, điểm lẻ đến 0, 5 điểm. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số thang điểm chính, giám khảo cần bàn bạc, thống nhất để định ra các thang điểm cụ thể.