Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tổng hợp 7 kĩ năng cần có để trẻ Tiểu Học hoạt động nhóm hiệu quả

VnDoc.com xin tổng hợp tới các thầy cô cùng phụ huynh một số kinh nghiệm trong việc dạy con để giúp trẻ Tiểu Học có những kĩ năng hoạt động nhóm hiệu quả nhất. Mời các bạn cùng xem nội dung chi tiết.

1. Kĩ năng lắng nghe

Làm việc nhóm, học nhóm là những hoạt động cần thiết đối với cuộc sống của trẻ. Thông qua những buổi hoạt động nhóm, trẻ học được rất nhiều kĩ năng quan trọng để phục vụ cuộc sống trong tương lai. Một trong những kĩ năng quan trọng bậc nhất khi trẻ tham gia một hoạt động nhóm gồm nhiều thành viên đó chính là lắng nghe. Khi có một vấn đề nào đó nhóm cần thảo luận, mỗi thành viên đều có quyền phát biểu ý kiến, quan điểm riêng của mình, lúc này trẻ cần chú ý lắng nghe những nội dung đó, nếu cảm thấy hay, đồng tình hay cảm thấy không đồng ý thì trẻ có thể bày tỏ quan điểm. Trẻ tuyệt đối không được xen ngang, cắt lời khi những thành viên khác đang nói. Lắng nghe là kĩ năng quan trọng giúp trẻ có thể thấu hiểu các thành viên, trẻ tiếp nhận được nhiều thông tin hữu ích, từ đó bổ sung cho mình nguồn tri thức phong phú đa dạng.

Tổng hợp 7 kĩ năng cần có để trẻ Tiểu Học hoạt động nhóm hiệu quả

2. Biết cách đặt câu hỏi

Kĩ năng đặt câu hỏi là một trong những kĩ năng quan trọng khi hoạt động nhóm, nhất là trong lĩnh vực học tập. Khi các thành viên đã đưa ra ý kiến của mình thì chỗ nào không hiểu hay chưa rõ thì trẻ cần phải biết đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi cho thấy trẻ đã lắng nghe rất kĩ ý kiến của các bạn, thông qua câu trả lời của các bạn thì trẻ hiểu sâu hơn về vấn đề. Những trẻ biết cách đặt những câu hỏi hay là những trẻ có tư duy tốt, đầu óc biết phân tích và sẽ đạt được nhiều thành công trong tương lai. Vì vậy cha mẹ trong khi hướng dẫn con cần luôn khích lệ con đặt câu hỏi.

3. Tiếp nhận các ý kiến từ người khác

Khi trẻ đưa ra một ý kiến nào đó, các thành viên trong nhóm có quyền đóng góp ý. Trong trường hợp có thành viên không đồng ý, phản đối ý kiến thì trẻ cũng cần học cách tiếp nhận những ý kiến đó một cách tích cực. Tuyệt đối không vì bạn chê mình mà tự ái, ghét bạn hay có những hành vi cư xử không đúng đắn. Tiếp nhận ý kiến của các thành viên trong nhóm là một trong những cách giúp trẻ hoàn thiện bản thân mình nhanh nhất, trẻ có cơ hội sửa những lỗi sai và phát huy những ưu điểm của bản thân.

4. Tôn trọng các thành viên khác

Cha mẹ cần dạy con hiểu rằng mỗi cá thể sẽ có quan điểm, suy nghĩ khác nhau và con cần phải tôn trọng những ý kiến của những thành viên trong nhóm. Trước một vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều thì con cần phải bình tĩnh, tôn trọng ý kiến của người khác. Nếu ý kiến đó trẻ cảm thấy không đồng tình thì trẻ có thể đưa ra những ý kiến để phản bác quan điểm đó, nhưng quan trọng thái độ của trẻ cần luôn khiêm nhường, góp ý trên tinh thần xây dựng để tập thể được phát triển tốt nhất. Khi trẻ tôn trọng các thành viên trong nhóm thì chính trẻ cũng được các thành viên ấy tôn trọng ngược lại. Còn nếu trẻ thô lỗ, luôn phủ nhận, phản đối, chê bai hay giễu cợt ý kiến của thành viên khác thì trẻ sẽ bị tách rời khỏi nhóm, hoạt động nhóm sẽ kém hiệu quả.

5. Động viên nhau

Trong những hoạt động nhóm chắc chắn sẽ có những lúc nhóm rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ví dụ nhóm có thể không giải được bài tập thầy cô giao, công việc lao động vất vả. Lúc này thay vì phàn nàn thì trẻ và các thành viên trong nhóm cần học cách động viên nhau vượt qua khó khăn. Những lời động viên, khích lệ có tác dụng rất lớn trong việc kéo tinh thần của cả nhóm đi lên, các thành viên sẽ có nhiều hứng khởi để thảo luận, đưa ra những ý kiến hay nhất.

6. Trách nhiệm với những phần việc được giao

Khi hoạt động nhóm sẽ có rất nhiều việc, mỗi thành viên trong nhóm sẽ phụ trách những nhiệm vụ khác nhau. Trẻ cần phải học cách luôn hoàn thành nhiệm vụ được đưa ra, tuyệt đối không được ỷ lại vào các thành viên còn lại trong nhóm. Lúc làm nhiệm vụ thì cũng cần phải làm hết sức mình, cố gắng làm cho tốt nhất chứ không phải làm chỉ để cho có. Trẻ cần biết rằng chỉ khi có sự chung sức của tất cả thành viên thì hoạt động nhóm mới đạt được những kết quả tốt nhất.

7. Bình tĩnh trước các xung đột

Hoạt động nhóm khó có thể không xảy ra những xung đột do bất đồng quan điểm và ý kiến. Hầu hết thì ai cũng cho mình đúng và khó chấp nhận ý kiến đối lập mà người khác đưa ra. Lúc này cha mẹ cần dạy con phải biết bình tĩnh trước các xung đột. Trong trường hợp trẻ là trưởng nhóm thì cần suy xét và phân tích thật kĩ những ý kiến của các thành viên để có thể đưa ra kết luận cuối cùng hợp tình hợp lí. Nếu trong lúc bất đồng đang xảy ra mà trẻ mất bình tĩnh, không kiểm soát được lời nói và hành động của mình thì sẽ dẫn đến những tiêu cực không đáng có. Với vai trò là đầu tàu, trẻ cần chứng tỏ được bản lĩnh, tháo gỡ những mâu thuẫn để đưa nhóm đoàn kết và hoạt động tốt, làm việc hiệu quả.

-------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Tổng hợp 7 kĩ năng cần có để trẻ Tiểu Học hoạt động nhóm hiệu quả. Hi vọng bài viết cung cấp tới bạn đọc những thông tin hữu ích nhé!

Đánh giá bài viết
1 972
Sắp xếp theo

    Kỹ năng sống

    Xem thêm