120 câu hỏi thực tế môn Vật lý lớp 7 có đáp án
Câu hỏi thực tế môn Vật lý lớp 7 có đáp án
120 câu hỏi thực tế môn Vật lý lớp 7 được VnDoc sưu tầm, tổng hợp bao gồm các dạng bài tập trọng tâm, chọn lọc dành cho các bạn học sinh lớp 7, giúp các bạn ôn luyện các dạng bài khác nhau để chuẩn bị cho bài thi cuối kì sắp diễn ra. Mời các bạn tải về để xem đầy đủ 120 câu hỏi trong bộ tài liệu của chúng tôi.
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 7, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 7. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.
Bài tập Vật lý 7
1. Lúc chạy để tránh con chó đuổi bắt, con cáo thường thoát thân bằng cách bất thình lình rẽ ngoặt sang hướng khác, đúng vào lúc con chó định ngoạm cắn nó. Tại sao làm như vậy chó lại khó bắt được cáo?
- Khi cáo bất thình lình thay đổi hướng chạy, con chó sẽ không thể chạy được theo cáo, vì theo quán tính, chó còn phải chạy hướng cũ thêm một lúc nữa.
2. Tại sao khi nhổ cỏ dại không nên dứt quá đột ngột, kể cả khi rễ cỏ bám trong đất không được chắc?
- Khi nhổ cỏ quá đột ngột thì rễ cỏ chưa kịp chuyển động thân đã bị đứt. Rễ vẫn nằm trong đất, cỏ dại sẽ nhanh chóng mọc lại.
3. Khi tàu đi vào các vùng biển nhiệt đới ở Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, các thuỷ thủ thường thấy có những con cá bay trên mặt biển để trốn tránh cá dữ. Thoạt đầu, chúng lấy đà, rồi quẫy mạnh đuôi, vọt lên khỏi mặt nước và bay một quãng dài đến 150 m. Bay như thế cá thường bị rơi vào boong tàu. Tại sao chúng lại không đổi được hướng bay?
- Sự bay của cá được ổn định là nhờ vẫy đuôi. Vây này không thể đổi được hướng bay do đó cá bay chỉ nhờ quán tính.
4. Tại sao lúc rơi xuống, các vận động viên nhảy cao và nhảy xa phải co hai chân lại?
-Nhờ co hai chân ở giai đoạn cuối bước nhảy, vận động viên tạo thêm được đường để hãm, và nhờ thế giảm bớt được lực va xuống đất.
5. Tại sao người điều khiển bánh lái uốn mình cho ăn nhịp với người chèo sẽ làm tăng thêm được vận tốc của thuyền?
- Khi người điều khiển bánh lái vươn mình về phía trước, thuyền bị đẩy về phía sau. Nhưng những người chèo đã dùng bơi chèo đẩy nước để cản lại lực này. Khi người lái ngả người về phía sau thì thuyền tiến lên phía trước - không còn gì cản lại thuyền nữa, vì lúc đó các mái chèo của người chèo nằm trong không khí.
6. Tại sao sóc và cáo cần cái đuôi lớn?
- Con sóc nhảy được xa từ cây này sang cây khác một phần nhờ cái đuôi. Đuôi sóc là bộ phận cân bằng độc đáo. Còn đuôi cáo giúp nó rẽ ngoặt bất ngờ khi đang chạy nhanh. Đó là tấm lái không khí đặc biệt.
7. Một số cây họ đậu đã lợi dụng quán tính để phát tán như thế nào?
- Quả đậu khi chín đã nhanh chóng tách ra và nở theo đường cong. Đồng thời, theo quán tính, hạt trong quả văng ra mọi phía theo đường tiếp tuyến.
8.Tại sao trước khi nhảy người ta lại phải nhún xuống một chút?
- Trước khi nhảy người ta phải khom người xuống để tăng thêm quãng đường trên đó lực đẩy của chân tác dụng và nhờ thế mà tăng thêm được vận tốc cuối cùng của thân.
9. Lớp lông co giãn ở gan bàn chân thỏ có ý nghĩa gì?
- Lớp lông co giãn được ở gan bàn chân thỏ kéo dài thêm thời gian hãm dừng lại khi nhảy, do đó đã làm giảm lực va chạm.
10. Những lông mọc trên bề mặt thân giun đất có ý nghĩa gì đối với sự di chuyển của nó?
Ởđộng vật, rất phổ biến những bộ phận mà nhờ chúng lúc đang chuyển động theo một hướng, ma sát sẽ nhỏ và khi chuyển động theo hướng ngược lại, ma sát lại lớn. Lớp lông của con giun đất giúp nó di chuyển về phía trước dễ dàng, và giữ chặt không cho thân chuyển động ngược lại, nhờ đó giun bò được. Lúc thân kéo dài ra, phần đầu chuyển dịch lên phía trước, còn phần đuôi vẫn giữ nguyên tại chỗ. Khi thân co ngắn lại, phần đầu được giữ nguyên, còn phần đuôi được kéo lại gần đầu.
11. Tại sao chạy lấy đà trước, ta lại nhảy được xa hơn là đứng tại chỗ nhảy ngay?
- Trong trường hợp này chuyển động theo quán tính được cộng thêm vào chuyển động xuất hiện do việc đẩy người rời khỏi mặt đất.
12. Tại sao trong lúc bay, cánh con bướm lại vỗ chậm hơn cánh con ong vẽ?
- Khi di chuyển mà vận tốc không đổi, khối lượng chuyển dịch càng lớn thì động lượng càng nhiều. Vì khối lượng của cánh ong vẽ bé hơn khối lượng của cánh bướm nhiều lần, nên cánh ong sẽ nhất thiết phải đập nhanh hơn.
13.Tại sao một người đang chạy, đột nhiên muốn đi quanh một cái cột hay một thân cây, phải lấy một tay ôm lấy cột hay thân cây?
- Để thay đổi hướng chuyển động nhất thiết phải tác động thêm một lực nào đó. Tác động giữa tay người và thân cây tạo ra lực này.
14. Bạn hãy quan sát kỹ sự chuyển động của con cá và con đỉa. Định luật thứ 3 của Newton đã được vận dụng như thế nào trong sự chuyển động của chúng?
- Trong khi chuyển động, các động vật này đẩy nước lại đằng sau, và chính nhờ định luật thứ 3 của Newton mà chúng chuyển động được về phía trước. Con đỉa đang bơi đẩy nước lại đằng sau nhờ thân uốn thành hình sóng. Con cá bơi được nhờ đuôi vẫy đi vẫy lại.
15. Tại sao diễn viên xiếc ngồi trên yên ngựa đang phi nhanh, nhảy lên cao, khi rơi xuống lại vẫn đúng vào yên ngựa?
- Diễn viên xiếc khi rời khỏi mình ngựa, vẫn tiếp tục chuyển động theo quán tính với vận tốc ban đầu, vì vậy mà vẫn rơi đúng vào yên ngựa.
16. Khi bị trượt chân hay bị vấp ngã, người ta ngã như thế nào?
- Khi một người bị vấp thì hai chân dừng bước nhưng thân người vẫn tiếp tục chuyển động, vì thế người đó bị ngã dập mặt xuống. Còn khi bị trượt chân, thường bao giờ cũng ngã ngửa.
17. Trọng tải bổ sung con người phải chịu ở trong tên lửa lúc phóng lên phụ thuộc vào gia tốc hay vận tốc chuyển động?
- Sự tăng trọng của con người ở trong tên lửa phụ thuộc vào gia tốc chứ không phụ thuộc vào vận tốc, nghĩa là sự tăng trọng chỉ xuất hiện vào những lúc tên lửa phóng lên, xuống và khi thay đổi hướng bay.
18. Có động vật nào chuyển động theo lối chuyển động của tên lửa không?
- Nhiều động vật ở biển - như mực, ở phía bụng, giữa đầu và thân, có một ống ngắn hình nón. Ống này thông với một xoang nằm giữa lớp áo và thân. Nước vào xoang qua khe nằm ở đầu. Nhờ sự co cơ, khe này khép lại và nước bị đẩy ra qua một phễu ở bên thân với vận tốc lớn. Xoang lại chứa đầy nước và các tia nước được đẩy ra tiếp nối nhau nhịp nhàng. Nhờ phản lực của dòng nước mà con vật chuyển dịch được. Con vật có thể hướng phễu theo những góc khác nhau đối với cơ thể nó, nhờ đó hướng chuyển động thay đổi. Bằng cách này, mực có thể chuyển dịch khá nhanh.
19. Trong lúc bơi nhanh có một số cá ép vây sát vào mình để nhằm mục đích gì? Tại sao khó cầm được con cá còn sống trong tay?
Cá ép vây sát vào mình để giảm bớt lực cản chuyển động. Khó cầm được cá còn sống trên tay bởi sự ma sát của cá trên tay nhỏ, do đó cá dễ tuột khỏi tay.
20. Galileo Galilei viết: "Ai mà không biết, khi con ngựa rơi từ độ cao ba bốn khuỷu tay* xuống sẽ bị gãy chân, nhưng con chó cũng từ độ cao ấy rơi xuống lại không việc gì, và con mèo bị ném từ độ cao tám mươi khuỷu tay xuống vẫn hoàn toàn vô sự. Tương tự như vậy, côn trùng thuộc bộ cánh thẳng có rơi từ đỉnh ngọn tháp xuống, hoặc con kiến dù rơi từ Mặt Trăng xuống cũng không làm sao cả"?
Tại sao các côn trùng nhỏ bé bị rơi từ nơi rất cao xuống hoàn toàn không việc gì, còn động vật lớn sẽ chết?
* Khuỷu tay: Đơn vị đo chiều dài cổ, dùng vào khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Một khuỷu tay bằng hai mươi "ngón cái", vào khoảng 540 mm.
- Trọng lượng của con vật tỷ lệ thuận với lập phương kích thước cơ thể, còn diện tích - tỷ lệ thuận với bình phương. Do đó, song song với kích thước cơ thể bị giảm đi, thể tích cơ thể con vật giảm đi nhanh hơn so với diện tích. Lực cản đối với chuyển động ở trong không khí phụ thuộc vào diện tích của vật rơi. Vì thế, các động vật nhỏ bị một lực cản lớn hơn so với động vật lớn vì ở động vật nhỏ mỗi đơn vị trọng lượng ứng với một diện tích cản lớn hơn. Ngoài ra, vật có thể tích nhỏ khi va đập vào vật cản thì hầu như ngay lập tức tất cả các phần chuyển động của vật ngừng ngay lại, và vào đúng lúc va chạm, các phần của vật không đè ép lên nhau. Khi động vật lớn rơi, phần dưới của cơ thể lúc va chạm sẽ ngưng ngay chuyển động, còn phần trên vẫn tiếp tục chuyển động và gây ra một áp suất lớn lên phần dưới. Đó chính là cái "sốc", làm thiệt mạng các động vật lớn.
21. Người ta đã xác định được là cá heo bơi rất nhanh, ví dụ: trong 10 giây chúng bơi được 100m. Qua tính toán thấy tỷ khối của nước gấp 800 tỷ khối không khí. Giải thích thế nào về sự bơi nhanh của cá heo?
- Từ lâu nhiều người đã cố gắng tìm hiểu tại sao cá heo và cá voi lại bơi được nhanh, nhưng chỉ gần đây mới xác định được là vận tốc của các loài này phụ thuộc vào hình dạng cơ thể của chúng. Các chuyên gia đóng tàu sau khi nghiên cứu đã tiến hành đóng một con tàu vượt đại dương có dạng không giống hình con dao, như hình dáng các con tàu hiện đại thường có, mà trông nó giống con cá voi. Chiếc tàu loại mới này đỡ tốn kém hơn, công suất của động cơ giảm 25%, nhưng vận tốc và trọng tải lại bằng các tàu bình thường.
Ngoài ra, vận tốc của những con vật này còn phụ thuộc vào lớp da của chúng. Lớp da ngoài rất dày và đàn hồi (mức đàn hồi không kém loại cao su tốt nhất), gắn với một lớp khác có nhiều mũi lồi nằm lọt vào những hốc của lớp da ngoài, và da cá heo trở thành đàn hồi nhiều hơn.
Khi vận tốc tăng lên đột ngột, trên lớp da của cá heo xuất hiện "những nếp nhăn vận tốc" và "dòng chảy tầng" (dòng chảy các lớp nước), không biến thành dòng xoắn (lộn xộn). Sóng chạy trên da cá heo sẽ làm cho dòng xoáy tắt.
22. Như mọi người đều biết, một số loài chim khi di cư xa đã bay thành từng chuỗi hay từng đàn có hình góc nhọn. Nguyên nhân gì lại sắp xếp như thế?
- Con chim khoẻ nhất sẽ bay trước. Không khí trườn quanh thân chim, giống như nước biển trườn quanh mũi và sống tàu. Điều này giải thích rõ tại sao đàn chim lại xếp thành góc nhọn khi bay. Trong giới hạn của góc này các con chim trong đàn bay được dễ dàng về phía trước. Theo bản năng, chúng đoán được những lực cản nhỏ nhất, và chúng cảm thấy ngay là mỗi con có bay đúng vị trí hay không so với con chim đầu đàn. Ngoài ra, sự sắp xếp của chim thành một dây xích còn được giải thích bằng một nguyên nhân quan trọng nữa. Sự vỗ cánh của con chim đi đầu tạo nên một sóng không khí, sóng này mang theo năng lượng và làm cho đôi cánh của những con chim yếu nhất, thường bay ở phía sau, vận động dễ dàng hơn. Chính vì thế mà chim bay thành từng đàn hoặc từng chuỗi, gắn với nhau chặt chẽ bằng sóng không khí và hoạt động của những cánh chim tạo ra sự cộng hưởng. Điều này được xác nhận như sau: Nếu nối liền bằng một đường tưởng tượng các phần chót của cánh chim trong một thời điểm nhất định thì ta có một đường hình sin.
23. Tại sao cá măng bơi trong nước nhanh hơn nhiều so với các loài cá khác?
- Hình dạng thuôn nhọn của đầu cá măng ít bị lực cản của nước, vì vậy cá măng bơi rất nhanh.
24. Màng bơi ở chân vịt hay ngỗng có tác dụng gì?
- Muốn chuyển dịch được nhanh về phía trước, cần phải đẩy lại phía sau một lượng lớn nước, do đó các chi bơi hầu như bao giờ cũng rộng và phẳng. Khi chân chuyển động về phía trước thì màng bơi bị uốn cong, nên chân chịu một lực cản nhỏ. Khi chân chuyển động về phía sau thì con vật dang rộng bàn chân để đẩy đủ nước và do đó tiến nhanh lên phía trước.
25. Giẫm lên hạt đậu Hà Lan khô người ta có thể bị trượt ngã. Tại sao?
Ma sát tạo điều kiện cho sự chuyển dịch của con người. Hạt đậu khô, giống như hòn bi, làm giảm sự ma sát giữa chân người và điểm tựa
26. Về mùa thu, đôi khi người ta treo một tấm biển: "Cẩn thận! Có lá rụng" ở chỗ có đường xe điện chạy bên các vườn cây và công viên. Ý nghĩa của việc báo trước này là thế nào?
- Những chiếc lá khô rụng xuống đường ray làm giảm ma sát, vì vậy khi đã hãm phanh, toa xe điện có thể còn trôi một đoạn đường dài nữa.
27. Tại sao về mùa hè gió mạnh thường làm gãy nhiều cây hơn về mùa đông?
- Mùa hè cây cối xum xuê. Lá làm tăng đáng kể diện tích tán cây, nên lực tác động của gió lên cây cũng tăng lên đáng kể.
28. Tại sao lúa kiều mạch ít bị gió làm hư hại và hầu như không khi nào dập gãy hoặc đổ rạp xuống?
- Bông lúa kiều mạch có tư thế này là để cho lúa có một lực cản gió bé nhất, các bông lúa quay theo chiều gió và hướng gốc về phía gió.
29. Mầm cây ngô cần một lực bằng bao nhiêu để chui được lên mặt đất?
- Chiếc mầm xinh xắn phải chịu lực cản lớn nhất ở gần lớp đất phủ. Muốn xuyên thủng lớp đất này, mầm cây cần tạo ra một lực bằng 2,5N.
30. Tại sao sự vung tay, do vận động viên thực hiện lúc nhảy, làm tăng thêm độ cao và độ dài bước nhảy?
- Vung tay đã truyền cho cơ thể một vận tốc phụ, góp phần đưa toàn bộ vận tốc của nhà thể thao tăng lên.
31. Khi đốt người, con muỗi đã thực hiện một công bằng bao nhiêu?
- Công do con muỗi tạo ra khi đốt người rất bé, xấp xỉ bằng 10-7 Jun.
32. Tại sao đi lên núi lại khó khăn?
- Đi trên đường phẳng chúng ta sử dụng lực của cơ chủ yếu để thắng ma sát và lực cản không khí. Đi lên dốc, không những phải thắng được các lực cản này mà còn cả một phần trọng lượng cơ thể nữa.
33. Đôi chân nhảy của châu chấu thường rất dài. Tại sao?
- Cơ thể có một năng lượng dữ trữ rất lớn, nếu như lực tác dụng vào thân trong một thời gian dài hoặc trong một khoảng cách khá lớn, ví dụ như lấy đà trước khi nhảy, lấy đà để đánh. Những cơ của châu chấu không thể sinh ra lực lớn được, vì thế để nhảy xa, mà điều này đòi hỏi tích luỹ nhiều năng lượng, thì châu chấu phải dùng đến đôi càng dài.
------------------------------------------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu 120 câu hỏi thực tế môn Vật lý lớp 7. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Vật Lý lớp 7, Giải bài tập môn Vật lý lớp 7, Giải vở bài tập Vật Lý 7, Tài liệu học tập lớp 7, ngoài ra các bạn học sinh có thể tham khảo thêm đề học kì 1 lớp 7 và đề thi học kì 2 lớp 7 mới nhất được cập nhật.