Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bài viết số 3 lớp 6: Kể chuyện đời thường

Bài viết số 3 lớp 6: Kể chuyện đời thường

Văn mẫu lớp 6: Bài viết số 3 lớp 6: Kể chuyện đời thường được VnDoc sưu tầm, tổng hợp bao gồm các bài văn mẫu hay, chọn lọc cho các em học sinh tham khảo củng cố kỹ năng làm bài văn kể chuyện lớp 6 chuẩn bị cho bài viết số 3 lớp 6. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

Đề bài bài viết số 3 lớp 6

Đề 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm,…).

Đề 2: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,…).

Đề 3: Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt đọng văn nghệ, thể thao mà quen, hoặc do tính tình của bạn,…).

Đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,…).

Đề 5: Kể về những đổi mới ở quê em (có điện, có đường, có trường mới, cây trồng,…).

Đề 6: Kể về thầy (cô giáo) của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập).

Đề 7: Kể về một người thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,…).

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 1

Ngày ấy, nhà tôi ở ven một con suối nhỏ nước trong veo, vào những hôm trời nắng đẹp đứng trên bờ suối, tôi có thể nhìn thấu xuống tận dưới đáy, ở đó có những viên sỏi trắng tinh và cả những đàn cá trắng tung tăng bơi lội.

Hàng ngày, tôi cùng lũ bạn lại rủ nhau ra suối, đi men theo mép của con suối bắt ốc, nhặt đá trắng về để chơi đồ hàng. Và vui nhất là vào những ngày hè, chúng tôi thường trốn mẹ ra suối tắm. Thực ra con suối nhỏ nhưng có những đoạn rất sâu có thể ngập đầu người lớn. Và ở trên đó là chiếc cầu của nhà dân bắc qua để lấy lối đi vào nhà.

Như thường lệ, buổi trưa ấy, chờ cho mẹ ngủ say tôi liền chạy sang nhà mấy thằng bạn học cùng lớp rủ chúng ra chỗ cầu nhà ông Quân (chúng tôi thường đặt tên những chiếc cầu bằng chính tên nhà chủ đó). Buổi trưa trời nắng nóng như lửa đốt, được đắm mình trong dòng nước mát thì còn gì bằng. Bởi vậy nên vừa nghe tiếng huýt sáo báo hiệu quen thuộc của tôi, mấy thằng cũng vội vã lách cửa sau, nhanh chóng ra chỗ hẹn.

Vừa ra khỏi nhà, cả lũ chúng tôi chạy thật nhanh vì sợ cha mẹ phát hiện ra, bởi chúng tôi đều biết rằng nếu bị bại lộ chắc chắn đứa nào đứa nấy sẽ no đòn.

Năm phút sau, cây cầu và dòng nước mát đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Tôi có ý kiến hôm nay sẽ không bơi bình thường như mọi khi nữa mà thi nhảy xa, tức là đứng trên cầu nhảy xuống, ai nhảy xa nhất sẽ là người thắng cuộc. Một hồi lâu đã chán, chúng tôi trèo lên một mỏm đá nằm nghỉ ngơi ngắm mây trời. Lúc này Thắng – thằng cha gan lì cóc tía nhất lên tiếng:

- Tớ nghĩ ra trò mới nữa rồi.

- Trò gì vậy?

Cả lũ nhao nhao lên tiếng hỏi.

- Chơi lặn, đứa nào lặn được lâu nhất tuần sau đi học sẽ không phải đeo cặp.

Cả lũ reo hò hưởng ứng nhiệt liệt. Trở lại chỗ chơi cũ, tôi nói:

- Bây giờ sẽ thi lần lượt từng đứa một, những đứa còn lại đứng trên bờ theo dõi bấm giờ.

Và tôi phân công luôn vì Thắng là người đầu têu nên sẽ là người thử sức đầu tiên, cả bọn vỗ tay hưởng ứng. Quả thật trong nhóm Thắng luôn tỏ ra đàn anh hơn cả, hắn không những học giỏi mà mọi trò chơi hắn cũng chẳng bao giờ chịu thua ai.

Thắng chuẩn bị tinh thần xong, tôi hô:

- Một. Hai. Ba. Bắt đầu…

Ùm…Thắng đã nhảy khỏi cây cầu mất tăm trong dòng nước. Lũ chúng tôi reo hò tán thưởng và bắt đầu bấm giờ: 1,2, 3, phút trôi qua sang phút qua vẫn chưa thấy Thắng nổi lên. Chúng tôi trầm trồ khen ngợi sự tài ba của Thắng. Sang đến phút thứ 4, tôi bỗng cảm thấy nóng ruột bởi bình thường nhiều lắm thì chỉ đến phút thứ ba là chúng tôi đã chẳng thể nào chịu nổi. Thế mà đến giờ vẫn chưa thấy Thắng, mấy đứa kia cũng bắt đầu lo lắng, chỉ trong nháy mắt chẳng kịp bảo nhau câu nào mấy đứa bơi giỏi liền nhảy xuống, vừa lúc đó chúng tôi đã thấy Thắng trồi lên, khuôn mặt tái nhợt, thở lấy thở để, chúng tôi vội vàng dìu Thắng vào bờ. Người Thắng lúc này đã gần như lả đi. Phải mười phút sau Thắng mới lên tiếng:

- Chỉ cần một tích tắc nữa thôi là tao đi chầu thuỷ thần chúng mày ạ.

- Sao vậy, mọi ngày mày bơi, lặn giỏi lắm cơ mà.

- Ừ, thì tao vẫn tự tin như vậy, nhưng đúng lúc sắp chịu không nổi định trồi lên thì tao bị vướng vào chùm rễ cây mọc lan từ rừng ra cuốn chặt vào chân, tao cứ định trồi lên thì nó lại kéo tao xuống, may quá đúng lúc nghĩ rằng chết thật rồi thì bỗng dưng chân tao lại giật ra được và cố sức ngoi lên.

Nghe tiếng Thắng hổn hển kể, chúng tôi đứa nào đứa nấy đều khiếp sợ. Chờ cho Thắng đỡ mệt chúng tôi mới dám về nhà và câu chuyện này vẫn mãi là bí mật của lũ chúng tôi. Và đó là kỉ niệm sâu sắc nhất mà tôi nhớ mãi đấy các bạn ạ.

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ

Bài viết số 3 Ngữ văn lớp 6 - Đề 2

Một hôm lớp học tôi bỗng xôn xao vì một chuyện lạ. Đầu tiên không ai để ý gì cả, nhưng dần dần mọi việc đã quá rõ. Thằng Tí là người luôn đi học sớm. Điều này lạ hoắc vì chưa bao giờ nó siêng năng như vậy. Khi đi học, nó còn không thèm gọi tôi. Nhiều lần lặp lại liên tiếp thế là tôi ráng dậy sớm để đi theo rình nó. Nó giở trò gì đây, tôi chẳng biết. Nó chỉ cắm cúi đi.

Khi đến lớp, nó nhảy xổ đến bàn cô giáo nhặt một cái gì đó rồi đi về bàn mình, cầm cái vật nho nhỏ trong tay, nó cứ cười miết. Hỏi cười cái gì nó cũng không nói.

Tôi kể mọi chuyện cho tụi bạn nghe. Thế là cả bọn chúng tôi quyết định sẽ đến sớm hơn. Nhưng thật không may, khi đến lớp đã thấy nó chễm chệ cười cười, không nói. Hôm sau tụi tôi đến sớm hơn, vẫn thấy nó ngồi cười cười. Nó luôn đến trước. Mãi cả tuần sau tôi mới được hân hạnh là người đầu tiên.

Trên bàn cô giáo là một gói giấy nhỏ. Khi mở ra bên trong có một viên kẹo, chẳng biết ai đã để ở đây và để khi nào. Tôi vừa lột viên kẹo bỏ vào miệng thì vừa lúc thằng Tí xông vào.

Tôi hét to:

- Tao biết bí mật của mày rồi.

Thằng Tí bĩu môi:

- Tao đã ăn được những hai mươi viên.

- Nhưng ai để lại vậy?

- Tao không biết.

Giờ ra chơi tụi bạn bu quanh tôi hỏi:

- Cái gì vậy?

Tôi nhìn thằng Tí rồi cười cười. Bọn chúng tức điên lên, hỏi mãi tôi cũng chỉ cười cười. Làm sao có thể cho bọn chúng biết được điều bí mật ngọt ngào này được.

Cách vài hôm, lại thêm một đứa mới biết điều bí mật. Chúng tôi cứ nhìn nhau cười cười... Rồi dần dần lớp chúng tôi ai cũng biết điều bí mật. Chúng tôi đã phân công nhiều ổ mai phục, nhưng cuối cùng chẳng thu được kết quả gì. Luôn luôn, vào sáng sớm trên bàn cô lại xuất hiện một viên kẹo.

Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ là cô giáo Hà. Nhưng không phải. Cô luôn ra khỏi lớp khi trong phòng vẫn còn chúng tôi. Vậy thì ai? Nghĩ mãi vẫn không ra.

Một hôm tôi ngồi lì trong lớp, định ngồi đến sáng để chờ người lạ mặt, nhưng vì đói bụng quá đành ôm sách về. Rồi tôi chợt nghĩ lại tại sao mình không gởi lại cho người lạ mặt đó một lá thư. Thế là tôi viết ngay: “gởi người lạ mặt, anh là ai vậy, có thể cho tôi biết được không?”

Hôm sau tôi vào lớp sớm, trên bàn vẫn như thường lệ có một viên kẹo gói trong tờ giấy nhỏ. Không có lá thư trả lời, còn lá thư của tôi thì biến mất. Chứng tỏ người lạ mặt đã lấy nó đi.

Tôi suy nghĩ lung tung lắm. Tại sao người lạ mặt không trả lời tôi. Một ý định khác chợt đến với tôi, tôi sẽ là người lạ mặt. Tại sao không chứ? Tôi cũng làm được vậy.

Hôm đó tôi giấu một quả ổi to tướng trong cặp. Đợi tụi bạn đi học về hết, gói nó lại bằng một tờ báo rồi đề chữ lên: “Tôi - người lạ mặt - có món quà nhỏ tặng người đến sớm.”

Hôm sau nghe tụi bạn kháo nhau:

- Đến hai người lạ mặt. Một người để trái ổi, một người để viên kẹo.

Hôm sau nữa bỗng xuất hiện ba người lạ mặt, rồi bốn, rồi năm, rồi sáu, rồi bảy... Bây giờ chúng tôi vỡ lẽ ra rồi. Người lạ mặt đang ở trong lớp. Những buổi đi học về, đứa này cứ nhìn đứa kia nấn ná không muốn rời lớp. Chúng chính là kẻ lạ mặt.

Nhưng người lạ mặt đầu tiên là ai, vẫn không biết.

Nhưng buổi sáng đi học sớm, chúng tôi những người lạ mặt - người lạ mặt này ăn món của người lạ mặt kia. Lâu lâu trong món quà kèm theo câu hỏi rất vui. Và chúng tôi ngầm thỏa thuận những câu hỏi bằng những món quà. Nhưng chúng tôi vẫn ấm ức một điều, ai là kẻ lạ mặt đầu tiên?

Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:

- Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có điều bí mật và một món quà, đúng chưa? Khi biết món quà của ai ta sẽ yêu người đó, mà không yêu những người khác. Khi nhận món quà không biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con vừa quen. Vì biết đâu, một trong số họ đã gởi món quà đó, chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì, đó cũng là điều hay…

Tôi đi học và tôi biết, mỗi buổi sáng luôn có một người bạn nào đó, tặng tôi một món quà. Bạn có thấy điều đó thú vị không? Bạn hãy tưởng tượng đi. Những người xung quanh ta đều có thể là người lạ mặt. Và tất nhiên trước khi đi học về, bạn hãy nhớ quên một cái gì đó. Và bạn sẽ thấy, người lạ mặt từ từ xuất hiện thật nhiều cho đến lúc tất cả chúng ta đều là người lạ mặt.

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 2: Kể một chuyện vui sinh hoạt

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 3

Trong lứa tuổi học trò ai cũng đã từng có bạn. Như tôi đậy bạn bè tôi tràn ngập những tiếng cười và hạnh phúc. Trong năm học lớp 6 này, tôi quen được rất nhiều bạn mới, bạn nào cũng hiền và tốt cả. Nhưng trong số bạn đó tôi đã tìm ra một người bạn tri kỉ đó là Khánh Linh.

Năm nay Linh trạc tuổi với tôi, nhưng Linh cao hơn tôi một cái đầu. Bạn có mái tóc dài đen và dày kì lạ ôm sát với khuôn mặt đều đặn của Linh, vầng trán cao và rộng lộ ra vẻ thông minh của Linh khi làm bài. Đôi môi đỏ như son, luôn luôn nở nụ cười với tôi. Mỗi khi cười bạn để lộ hàm răng trắng tinh như ngọc trai đều và thẳng như hạt bắp. Núp dưới đôi chân mày vòng nguyệt của Linh là đôi mắt long lanh, to và sáng luôn nở nụ cười với tôi. thân hình mảnh mai, dong dỏng. Mỗi sáng đi học, cô học trò bé nhỏ này mặc một bộ đồng phục, áo trắng váy xanh, khăn quàng đỏ thắm tung bay trong gió lộ ra vẻ sạnh sẽ của bạn mỗi khi đi học. Ở nhà Linh là con ngoan, còn ở lớp Linh là trò giỏi. Mỗi lần thầy cho những bài toán khó, bạn đều xung phong lên giải. Môn nào cũng vậy Linh đều cố gắng nghe giảng và phát biểu xây dựng bài học. Ra chơi, chúng tôi chơi với nhau rất vui vẻ và trò chuyện với nhau. Có lần tôi bị vấp ngã bạn là người nắm tay tôi dẫn tôi dến phòng y tế. Chúng tôi đã khắc bốn chữ ở dưới gốc cây rằng "Chăm ngoan, học giỏi" cuối cùng những bài kiểm tra của tôi và Linh đều đạt điểm 9, điểm 10. Bạn còn tham gia cuộc thi văn hay chữ tốt ở trường tuy không đạt giải nhưng trên khuôn mặt của bạn vẫn nở nụ cười. Có lần tôi để quên sách ở nhà, nhưng ngạc nhiên bạn là người đã nhận lỗi thay tôi. Mỗi lần cô giáo cho bài tập về nhà bạn luôn luôn làm bài đầy đủ. Bạn hay giúp đỡ mọi người, khi thấy ai gặp khó khăn bạn đều giúp đỡ. Ở nhà bạn còn phụ giúp mẹ làm những cộng việc nội trợ như là: Trông em, lau nhà, quét nhà, giặt đồ,... mà không bỏ đi chơi. Tuy nhà Linh rất nghèo nhưng bạn vẫn cố gắng phấn đấu học giỏi. Mỗi sáng đi học. Linh đều qua nhà tôi gọi đi học. Trong một lần thi chạy ở trường, dẫn đầu là Linh, thứ hai là tôi, bỗng tôi bị vấp ngã, Linh đã không giúp đỡ tôi mà một mạch chạy tới đích. Thấy vậy em liền không chơi với bạn nữa. Ra về lần nào Linh cũng về với tôi, nhưng hôm nay Linh đã đi với người khác, giận nhau được mấy tuần rồi lại thấy nhớ. Bạn là người bạn tốt của mình, luôn giúp đỡ mình trong học tâp, chỉ vì một chuyện nhỏ như vậy mà giận nhau làm mất tình bạn của hai người. Mới tí mà thấy nhớ: Nhớ dáng đi yêu kiều, thiết tha của bạn, nhớ mái tóc dài và đen kì lạ, nhớ giọng nói lảnh lót của bạn. Rồi một ngày tôi đến xin lỗi bạn, Linh nói: Mình mới là người phải xin lỗi bạn. Rồi tình bạn của Linh và tôi lại như cũ.

Thử hỏi những vì sao lấp lánh trên bầu trời, tình bạn và sao xa thứ nào quí nhất, sao xa khẽ lắc đầu: Tình bạn là một thứ thiêng liêng nhất. Bạn Linh là một người bạn tốt. Em hứa sẽ giữ chặt tình bạn này và mãi mãi sẽ không để nó bị tan rã nữa.

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 3: Kể về người bạn mới quen

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 4

Bài viết số 3 lớp 6

Xe dừng bánh, cả doanh trại bộ đội rộng lớn, sạch sẽ, ngăn nắp hiện ra trước mắt. Hội trường trang hoàng lộng lẫy, các bác các chú quân phục chỉnh tề, gương mặt rạng rỡ, tự hào. Chúng em quây quanh các chiến sỹ áo xanh, mặt các bạn hớn hở, hãnh diện lạ thường! Chúng em hỏi các chú nhiều chuyện lắm, cả về lịch sử ra đời ngày 22/12 nữa. Giờ thì chúng em đã biết: Bác Hồ chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944. Ngay sau đó đội đánh thắng 2 trận liên tiếp tại Phay Khắt, Nà Ngần…Đội ngày càng lớn mạnh và được đổi tên thành QĐND Việt Nam. Và từ đó lấy ngày 22/12 làm ngày truyền thống. Bây giờ thì em đã hiểu lịch sử ra đời của ngày 22/12, hiểu về truyền thống yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Càng hiểu em càng thấy trân trọng và muốn khắc ghi vào tiềm thức để nhớ về một thời kì hào hùng với những con người quả cảm của một đất nước bé nhỏ mà kiên cường…

Chúng em còn được nghe kể nhiều về những chiến công anh dũng, hào hùng của những người lính cụ Hồ, về những tháng năm bôn ba chinh chiến chống kẻ thù xâm lược, những gian khổ hy sinh không thể diễn tả bằng lời. Đến thời bình, bộ đội đâu đã hết nguy nan: Những đêm tuần tra lạnh run người khi truy bắt tội phạm chống lại những lực lượng thù địch phá hoại từ bên ngoài, những lúc giúp dân chống thiên tai, lụt lội…Nhìn gương mặt rắn rỏi, xạm đen vì nắng gió, nghe những câu chuyện kể và chứng kiến vẻ bình thản của những chiến binh, em thật sự thấy rất cảm động xen lẫn cả niềm tự hào, biết ơn sâu sắc…Trong dòng cảm xúc khó tả, ấy em lại được vinh dự thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ tình cảm của mình: “Kính thưa các bác, các chú, chúng cháu may mắn được sinh ra và lớn lên trong một dân tộc anh hùng. Chúng cháu biết để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều, bằng cả nước mắt và máu xương của bao người đã hy sinh cho Tổ quốc. Để thể hiện lòng biết ơn của thế hệ mình đối với cha anh, chúng cháu hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân có ích, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước. Có như vậy mới xứng đáng với truyền thống cao quí cuả dân tộc, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh. “Em ngồi xuống mà thấy tay mình vẫn còn run, trái tim lâng lâng một cảm xúc bay bỗng lạ kì .

Ánh nắng đã nhạt dần, chúng em chia tay với các bác, các chú trong lưu luyến. Buổi gặp gỡ đã khơi dậy những ước mơ trong em, tăng thêm lòng quyết tâm và niềm tin của em vào một tương lai tươi sáng.

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 5

Quê hương - hai tiếng thiêng liêng vang lên mỗi khi ai đó nhớ về chốn đã từng chôn rau cắt rốn, gắn bó với biết bao kỉ niệm, bao kí ức đẹp đẽ. Quê hương tôi, một miền quê trù phú với sông nước hữu tình, đang từng ngày đổi mới, thay da đổi thịt, trở nên đẹp đẽ và văn minh hơn.

Tôi thường được nghe bà kể lại về những khó khăn vất vả thời xưa, thời mà đường làng vẫn còn đất đỏ, chỉ cần một trận mưa thì trơn như đổ mỡ, còn nắng thì con đường trở thành cơn lốc bụi, người đi sau không thấy người đi trước. Bà vẫn hay kể, ngày xưa, cây cối ở đây um tùm, toàn phải sống trong nhà tranh, nhà nào có nhà ngói thì phải gọi là giàu nhất làng. Bà còn bảo, ngày xưa nước sông trong veo, cứ mỗi sáng mọi người lại rủ nhau đi gánh nước tấp nập không khác gì đi hội. Bà hay đi chợ phiên, mỗi hôm có chợ phiên là bà và ông phải dậy thật sớm, đi bộ hàng ki lô mét mới tới chợ. Mà ngày xưa nghèo lắm, chẳng như bây giờ, mua được bao nhiêu thứ thì cũng phải nhìn trước nhìn sau. Tôi thích nghe những câu chuyện như thế, để tôi thấy bây giờ cuộc sống và quê hương mình thay đổi như thế nào. Thật là mọi thứ đã thay đổi, không còn như ngày xưa, sống động, giàu có và văn minh hơn.

Trên con đường đi học, tôi cùng bạn bè trang lứa được đi trên những con đường trải nhựa tăm tắp, nắng hay mưa cũng không lo như thời của bà của mẹ nữa. Nhìn những con đường uốn lượn trải dài y như những con rồng chạy quanh khắp xóm làng. Những ngôi nhà mái đỏ, nhấp nhô những ngôi nhà cao tầng đủ màu sắc càng tô điểm thêm khung cảnh của quê hương. Những quán ăn, hàng tạp hóa, chợ được xây dựng khang trang hơn, thuận tiện cho mọi người mua sắm. Cây cối cũng được phát quang, nhà mọc lên như nấm, người ta thường trồng nhiều loại cây cảnh để trang trí cho ngôi nhà. Không chỉ có nhà cửa cảnh quan thay đổi mà từ khi công nghệ phát triển, mạng internet có khắp mọi nơi, khiến cho công việc và tìm kiếm thông tin càng trở nên dễ dàng. Những dự án mới ngày càng được chú trọng xây dựng cho quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Sân vận động cho các hoạt động thể dục thể thao, trạm phát thanh của xã được xây dựng và phát triển đi vào hệ thống. Những chương trình sự kiện được tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy hoạt động văn hóa văn nghệ. Đền đài và các di tích lịch sử được tu sửa, đời sống tinh thần của con người cũng phong phú đa dạng hơn.

Trên con đường đổi mới từng ngày, tôi lại càng thấy quê hương mình giàu đẹp và trù phú biết bao nhiêu. Tôi lại càng yêu quê hương và lại nhẩm mấy câu hát “quê hương em biết bao tươi đẹp, đồng lúa xanh núi rừng hàng cây..”

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 5: Kể về những đổi mới ở quê em

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 6

Trường Trung học cơ sở Nam Trung Yên là mái nhà của tình thương, của kỷ luật. Trong trường, học sinh luôn luôn quý mến các thầy, các cô và đáp lại đó các thầy, cô luôn luôn chăm sóc, quan tâm đến các học sinh của mình. Tôi, riêng tôi đây, tôi luôn luôn kính trọng giáo viên toán của mình: Cô Trang, người giáo viên đã giúp tôi như một sự thần kỳ.

Cô Trang có vóc dáng dong dỏng cao, mái tóc cô màu đen cắt đầu vuông trông thật đẹp, vào tầm khoảng này, cô đang mang một bé trai trong bụng, giờ đã được khoảng năm, sáu tháng (cũng không rõ lắm). Cô rất hiền lành, nhân hậu, trên đôi môi cô vẫn luôn nở một nụ cười tươi, giúp cô vốn đã xinh nay còn xinh hơn! Theo các giờ toán trên lớp của chúng tôi cho biết: Hẳn cô vẫn luôn muốn trên bảng của lớp có tám từ: “Tổ một: Đủ; tổ hai: Đủ; tổ ba: Đủ; tổ bốn: Đủ”.

Hẳn sẽ có rất nhiều người đang tự hỏi: “Tại sao cô giáo chủ nhiệm là cô văn: Vừa hiền, vừa xinh hay". Thật ra cũng chỉ vì lí do sau: Hồi tôi còn học cấp 1, cái từ “toán” với tôi chỉ là một môn vô dụng: “Một phụ nữ ra chợ mua sáu mươi quả dưa hấu, mỗi quả ...vân và vân…”; vậy, tôi thường phân tích nó: “Bà ấy mua để làm gì và mang chúng về như thế nào?”, “Cấp I ta được học một cộng một bằng hai; cấp 2 ta được biết âm một cộng ba bằng hai; cấp 3 rồi Đại học…” Chung quy, lớn lên, trên máy tính của ta có mấy chữ “Một cộng một bằng hai???”… Nói chung, trong mắt tôi, “Toán” chỉ là một khối gạch vô tri, vô giác, không có ích cho đời.

Cho đến khi tôi học cấp 2, những ngày học hè đầu tiên đã đến. Sau khi nghe thời khóa biểu, tôi phàn nàn: “Mình sẽ ngủ vào hai tiết cuối (Toán)”. Thời gian dần trôi, hai tiết toán đã đến, tôi chui tọt xuống bàn cuối cùng để ngồi, thở dài: “Chín mươi phút à? Buồn thật…”. Cô Trang bước vào lớp, cô đi chầm chậm, cái dáng đi khoan thai ấy giờ tôi vẫn nhớ. Tôi khá ấn tượng với nó, mèo hoàn mèo tôi gục đầu xuống bàn. Lớp trưởng hô cho các bạn chào: “Học sinh Nam Trung Yên kính thầy, yêu bạn, chăm ngoan, học giỏi”. Giọng cô vang lên nhẹ nhàng: “Cô chào các con, mời các con ngồi xuống”. Giờ câu nói ấy cứ luôn vang mãi trong mỗi giờ toán của chúng tôi, nhớ mãi nó. Quay lại tiết toán, tôi ngồi xuống, mặt bàn như có lực hút, “hút” mặt tôi xuống bàn. Cô Trang quan sát lớp, cô thấy tôi, những bước chân của cô khẽ vang lên, cô lại gần tôi hỏi: “Con có mệt không? Cần xuống y tế không con?” Tôi đáp lại bằng cái giọng chán nản, thường nghe muốn “đập”: “Con không sao ạ”. Cô mỉm cười, xoa đầu tôi: “Mệt thì nói với cô nhé!” Tôi chỉ coi đó là xã giao, không quan tâm. Thật tình lúc đó cũng thấy áy náy, mất mười phút của lớp rồi! Song, tôi nghĩ: “Ai cũng như ai thôi, giáo viên toán thường rất cứng và rắn, nghe giảng hẳn ngang phè phè ý mà…” Cô cất lên tiếng giảng bài. Ôi! Sao nó trong và mềm, hay đến như thế! Hẳn đó là lúc tôi thay đổi mọi khái niệm về môn toán, cắt đứt sợi dây có ghi hình “Toán bằng vô dụng” và nối tiếp sợi dây “toán”. Tôi liền nhận ra: “Thù không phải không là bạn”. Tôi quyết tâm học toán. Ngày tháng trôi qua, những con số “sáu, bảy” và thay vào đó là những điểm “chín, mười”. Và đây: Một con tám rưỡi xuất hiện trong bài kiểm tra giữa học kỳ I của tôi, tất cả đều nhờ công lao cô Trang dạy dỗ, rèn luyện cho tôi từng ngày, từng tháng một. Tôi vẫn chưa thể tự mình nói lời “cảm ơn” với cô, cho đến khi vào ngày hai mươi tháng mười một, trên tay tôi, tôi cầm chiếc thiếp tặng cô Trang. Theo tôi, đó là lời cảm ơn gián tiếp, tôi không đủ dũng cảm để bật ra hai chữ “cảm ơn”.

Tôi rất biết ơn cô Trang! Cô là người dẫn lối cho tôi trước khi quá muộn, trước khi nó (khái niệm về “toán”) bị đóng khuôn, không thể thay đổi được nữa… “Con cảm ơn Cô!” – Đây là lần thứ hai con phải gián tiếp nói hai chữ “cảm ơn”. “Con sẽ cố gắng cô ạ, vào ngày nào đó, chính con sẽ tự nói chúng trước cô, Cô ạ!”.

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 6: Kể về thầy (cô giáo) của em

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 7

Trong gia đình tôi, bố tôi là người yêu thương tôi nhất. Bố luôn luôn lắng nghe mọi người nói và đặc biệt là tôi.

Bố có một thân hình to, cao, khoẻ mạnh. Bố rất khoẻ và luôn giúp đỡ mọi người trong gia đình. Bố có một đôi tay nổi cơ bắp, bàn tay bố có nhiều vết chai cứng như đá vì phải làm việc nhiều. Mặt bố tròn, mũi cao, mồm rộng, để râu và bố có đôi mắt màu nâu tuyệt đẹp.

Hôm nào tôi đi học, bố và mẹ cũng ra tiễn tôi. Bố dặn dò tôi rất kỹ, nào là "đi học hôm nay phải…", rồi thì "phải nghe lời cô giáo…", nhưng câu cuối cùng vẫn là "con đi đường cẩn thận nhé”. Khi đi học về, đang dắt xe vào nhà thì tiếng nói của bố từ trong nhà vọng ra "Con đã về rồi à?". Nhưng bố cũng rất nghiêm khắc, những hôm nào tôi mắc khuyết điểm, hay bị điểm kém thì bố lại bắt tôi làm bản kiểm điểm. Tuy vậy, nhưng tôi vẫn yêu bố.

Bố tôi! Một người trụ cột trong gia đình. Đối với tôi, bố cho việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thì cho qua. Bố tôi là một tấm gương sáng cho gia đình. Tục ngữ có câu "con không cha như nhà không có nóc " và đúng là như vậy. Bố tôi như người cha trong câu tục ngữ ấy, là một con người mẫu mực, một trụ cột không thể thiếu trong gia đình tôi. Là một người siêng năng, kiên trì, thông minh khác hẳn những người khác và đã có ý định làm gì thì phải làm cho bằng được nên bố tôi được rất nhiều người kính trọng.

Tôi rất tự hào khi là con trai của bố, con sẽ luôn ghi nhớ những điều bố dạy bảo và sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ công ơn của bố.

>> Tham khảo chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6: Kể về một người thân của em

Chia sẻ, đánh giá bài viết
351
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 6

    Xem thêm