Lập dàn ý Kể một chuyện vui sinh hoạt lớp 6
Dàn ý bài văn kể chuyện đời thường lớp 6
Lập dàn ý Kể một chuyện vui sinh hoạt lớp 6 (nhận lầm, nhát gan..) bao gồm các dàn ý chi tiết giúp các em học sinh củng cố kỹ năng cách làm bài văn kể chuyện đời thường, chuẩn bị cho tiết luyện nói lập dàn ý kể chuyện trên lớp. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.
Lập dàn ý kể về 1 chuyện vui sinh hoạt lớp 6 Mẫu 1
1. Mở bài
- Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
2. Thân bài
- Kể lại diến biến của câu chuyện.
+ Thời gian địa điểm xảy ra câu chuyện?
+ Tình huống đáng cười trong câu chuyện là gì?
+ Câu chuyện kết thúc ra sao?
- Em rút ra được điều gì từ câu chuyện đó?
3. Kết bài:
- Ấn tượng mà câu chuyện để lại trong em là gì?
Lập dàn ý kể về 1 chuyện vui sinh hoạ Mẫu 2
I. Mở bài: giới thiệu về một chuyện vui sinh hoạt lớp
Ví dụ:
Trong quãng đời học sinh, chúng ta ai cũng có những kỉ niệm vui và đáng nhớ. Đối với tôi, mỗi ngày đi học là mỗi ngày tôi cảm thấy vui vẻ và cảm xúc nhất. Những giờ học hay những giờ giải lao đều là những kỉ niệm đẹp. Nhưng có một kỉ niệm tôi không thể quên là một kỉ niệm vào giờ sinh hoạt.
II. Thân bài: kể về một kỉ niệm vui sinh hoạt
1. Kể bao quát về giờ sinh hoạt
- Giờ sinh hoạt diễn ra tiết cuối cùng của ngày thứ 7
- Giờ sinh hoạt gồm cô chủ nhiệm và toàn thể học sinh
- Giờ sinh hoạt là tổng kết học tập một tuần và nêu phương hướng và mục tiêu tuần tới.
2. Kể về kỉ niệm vui trong giờ sinh hoạt
- Lớp đang sinh hoạt bình thường
- Cô giáo nhận xét lớp trong tuần qua
- Các tổ trưởng báo cáo tình hình lớp
- Đến lớp trưởng nhận xét lớp thì bỗng ở cuối lớp có một tiếng cười rất lớn của Hùng
- Cả lớp quay lại nhìn Hùng
- Hùng cười mà không biết gì, bạn ấy đang xem phim nhưng đeo phone
- Bỗng cả lớp kêu “Hùng….Hùng” mà bạn ấy không nghe
- Cô giáo chủ nhiệm bước đến thì Hùng mới nhận ra mình sai
- Cô phạt Hùng dọn vệ sinh một tuần
- Cả lớp cứ cười khúc khích và chọc Hùng
- Hùng cười ngượng cho qua
III. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em vè kỉ niệm vui trong giờ sinh hoạt
Ví dụ:
Đây là một kỉ niệm mà em không bao giờ quên trong quãng thời gian học sinh của em.
Lập dàn ý kể về 1 chuyện vui sinh hoạt Mẫu 3
1. Mở bài: Giới thiệu về chuyện vui sinh hoạt đó (như nhận nhầm, nhát gan…) và cảm xúc của bản thân về sự việc đó.
2. Thân bài:
- Hoàn cảnh xảy ra sự việc:
+ Thời gian: Khi nào? Em bao nhiêu tuổi?
+ Địa điểm: Ở đâu? Không gian đó có đặc điểm gì?
- Kể chi tiết về sự việc đó:
+ Sự việc bắt đầu.
+ Sự việc phát triển: Kể chi tiết các sự việc diễn ra và tâm trạng của em khi sự việc diễn ra.
+ Kết thúc sự việc: trình bày kết quả của sự việc.
- Thái độ của mọi người trước chuyện vui sinh hoạt đó là gì?
3. Kết bài: Trình bày cảm nhận của bản thân về sự việc.
Lập dàn ý kể về 1 chuyện vui sinh hoạt Mẫu 4
1. Mở bài
- Thời gian, thời điểm, hoàn cảnh nào mà em nhớ về, hoặc kể ra một chuyện vui sinh hoạt đã xảy ra trong quá khứ của mình.
2. Thân bài
- Thời gian, địa điểm mà câu chuyện em kể diễn ra
- Những ai đã tham gia vào câu chuyện đó (ngoài em)
- Câu chuyện đó đã diễn ra như thế nào? (Kể rõ ràng các chi tiết kết hợp miêu tả, biểu cảm, theo trình tự nhất định)
- Kết thúc câu chuyện là gì? Em rút được bài học gì sau câu chuyện đó?
- Thái độ của mọi người dành cho em sau sự kiện đó có gì thay đổi.
3. Kết bài
- Vì sao đến bây giờ em vẫn nhớ mãi câu chuyện ấy?
- Câu chuyện đó để lại trong em những cảm xúc và suy nghĩ như thế nào?
Bài văn mẫu tham khảo Kể về một lần nhát gan Mẫu 1
Những chuyện vui diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Những mẩu chuyện vui đời thường khiến ta vui vẻ mỗi ngày. Có một chuyện vui mà mãi mãi em khó quên được đó là câu chuyện về sự nhát gan đầy xấu hổ của mình.
Lần đó, trong xóm em lũ nhóc cứ đồn lên với nhau ở ngôi nhà cuối xóm dạo này có ma. Em không hiểu rõ sự việc thế nào. Đến tận hôm thứ Bảy, nghe cu Tôm kể mới biết rõ sự tình:
- Bữa trước con Nhi lớp em có đi qua cái nhà cuối xóm mình. Nó kể nó thấy cái bóng trắng trắng cầm đèn pin đi đi lại lại. Nó sợ quá mà không dám hét lên. Nó chạy thẳng về nhà và đến bây giờ nó không dám đi lại đó. Anh Nam này, chắc nhà đó có ma đấy
Nghe thằng em kể mà em thấy buồn cười, gõ đầu nó:
- Ma gì ở đây. Thời nào rồi còn có ma. Vớ vẩn
- Thật mà. Không tin tối anh đi thử ra mà xem.
Nó gân cổ lên nói lại. Nó nói thế khiến máu tò mò của em dâng cao. Em ưỡn ngực nói lại:
- Được rồi. Tối mày rủ cả con nhà cô Lý sang đây. Tao dẫn chúng mày đi xem ma gì.
Tối hôm đó, thằng con nhà cô Lý sang nhà tôi từ 8 giờ. Hai đứa chúng nó giục tôi:
- Nhanh đi đi anh Nam.
- Từ từ hẵng. 9 giờ hẵng đi. Đi sớm thế này lấy đâu ra ma cho chúng bay xem.
Vậy rồi ba anh em đợi đến hơn 9 giờ tối. Ba thằng kéo nhau đi về cuối xóm. Tay em cầm theo chiếc đèn pin của bố. Hai thằng nhóc đi theo sau.
Trăng hôm nay tròn đẹp sáng lạ thường. Gió mùa hè thổi mát rượi. Khống gian thật dễ chịu. Nhưng lạ một chỗ, xóm hôm nay im ắng quá. Chẳng thấy lũ nhóc léo nhéo như mọi hôm. Cái im lặng khi tiến gần hơn đến ngôi nhà khiến em bất giác giật mình. Gần đến ngôi nhà, hai đứa kia đứng lại, run run bảo :
- Anh Nam vào xem thử đi. Bọn em không vào đó đâu. Sợ lắm.
- Ừ. Rồi. Hai thằng đứng ngoài này đợi anh
Nói vậy, em nuốt nước bọt một tiếng rồi cầm đèn pin đi vào ngôi nhà. Ngôi nhà im lặng không một tiếng. Không gian lạnh lẽo khiến em rùng mình mấy lần. Ngôi nhà này để không cũng lâu nên mùi ẩm thấp làm căn phòng càng thêm rùng rợn. Bỗng, có bóng người lướt qua cùng ánh đèn pin soi thẳng, và tiếng quát:
- Ai vào đây đấy!
Tiếng quát làm em giật mình, đánh rơi chiếc đèn trong tay. Hét toáng lên, định bỏ chạy:
- Ma. Ma. Ma....
Nhưng đôi bàn tay túm lấy áo em:
- Ma nào. Bác Hoàng đây. Định nghịch ngợm gì thằng nhóc này
Nghe vậy em mới định hình lại, không hét nữa, quay lại nhìn. Quả thực là bác Hoàng:
- Ơ. Bác sao lại ở đây?
Bác phì cười:
- Ơ gì. Nhà tôi, tôi không vào kiểm tra thì ai vào. Chúng mày chỉ được cái linh tinh. Ma mãnh nào. Trời sắp có bão, bác vào kiểm tra xem nhà có chỗ dột nào không thì sửa. Ma nào ở đây.
Nghe bác nói thế, em xấu hổ, đỏ mặt. Chào bác, em đi ra khỏi ngôi nhà tìm hai thằng nhóc mà không thấy bèn đi về nhà. Về nhà, em kể lại cho chúng nghe. Chúng cười ha ha đầy vui sướng.
- Vậy mà anh bảo anh không sợ ma. Anh hét to như thế. Ha ha...
Càng cười, em càng thấy xấu hổ vì sự nhát gan của mình, chỉ biết cười trừ mà chẳng nói được gì.
Đó là kỉ niệm hài hước nhất mà em từng gặp phải. Tuy vậy nó lại là câu chuyện vui vẻ mà em sẽ chẳng thể nào quên được.
Bài văn mẫu tham khảo Kể về một lần nhát gan Mẫu 2
Một hôm lớp học tôi bỗng xôn xao vì một chuyện lạ. Đầu tiên không ai để ý gì cả, nhưng dần dần mọi việc đã quá rõ. Thằng Tí là người luôn đi học sớm. Điều này lạ hoắc vì chưa bao giờ nó siêng năng như vậy. Khi đi học, nó còn không thèm gọi tôi. Nhiều lần lặp lại liên tiếp thế là tôi ráng dậy sớm để đi theo rình nó. Nó giở trò gì đây, tôi chẳng biết. Nó chỉ cắm cúi đi.
Khi đến lớp, nó nhảy xổ đến bàn cô giáo nhặt một cái gì đó rồi đi về bàn mình, cầm cái vật nho nhỏ trong tay, nó cứ cười miết. Hỏi cười cái gì nó cũng không nói.
Tôi kể mọi chuyện cho tụi bạn nghe. Thế là cả bọn chúng tôi quyết định sẽ đến sớm hơn. Nhưng thật không may, khi đến lớp đã thấy nó chễm chệ cười cười, không nói. Hôm sau tụi tôi đến sớm hơn, vẫn thấy nó ngồi cười cười. Nó luôn đến trước. Mãi cả tuần sau tôi mới được hân hạnh là người đầu tiên.
Trên bàn cô giáo là một gói giấy nhỏ. Khi mở ra bên trong có một viên kẹo, chẳng biết ai đã để ở đây và để khi nào. Tôi vừa lột viên kẹo bỏ vào miệng thì vừa lúc thằng Tí xông vào.
Tôi hét to:
- Tao biết bí mật của mày rồi.
Thằng Tí bĩu môi:
- Tao đã ăn được những hai mươi viên.
- Nhưng ai để lại vậy?
- Tao không biết.
Giờ ra chơi tụi bạn bu quanh tôi hỏi:
- Cái gì vậy?
Tôi nhìn thằng Tí rồi cười cười. Bọn chúng tức điên lên, hỏi mãi tôi cũng chỉ cười cười. Làm sao có thể cho bọn chúng biết được điều bí mật ngọt ngào này được.
Cách vài hôm, lại thêm một đứa mới biết điều bí mật. Chúng tôi cứ nhìn nhau cười cười... Rồi dần dần lớp chúng tôi ai cũng biết điều bí mật. Chúng tôi đã phân công nhiều ổ mai phục, nhưng cuối cùng chẳng thu được kết quả gì. Luôn luôn, vào sáng sớm trên bàn cô lại xuất hiện một viên kẹo.
Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ là cô giáo Hà. Nhưng không phải. Cô luôn ra khỏi lớp khi trong phòng vẫn còn chúng tôi. Vậy thì ai? Nghĩ mãi vẫn không ra.
Một hôm tôi ngồi lì trong lớp, định ngồi đến sáng để chờ người lạ mặt, nhưng vì đói bụng quá đành ôm sách về. Rồi tôi chợt nghĩ lại tại sao mình không gởi lại cho người lạ mặt đó một lá thư. Thế là tôi viết ngay: “gởi người lạ mặt, anh là ai vậy, có thể cho tôi biết được không?”
Hôm sau tôi vào lớp sớm, trên bàn vẫn như thường lệ có một viên kẹo gói trong tờ giấy nhỏ. Không có lá thư trả lời, còn lá thư của tôi thì biến mất. Chứng tỏ người lạ mặt đã lấy nó đi
Tôi suy nghĩ lung tung lắm. Tại sao người lạ mặt không trả lời tôi. Một ý định khác chợt đến với tôi, tôi sẽ là người lạ mặt. Tại sao không chứ? Tôi cũng làm được vậy.
Hôm đó tôi giấu một quả ổi to tướng trong cặp. Đợi tụi bạn đi học về hết, gói nó lại bằng một tờ báo rồi đè chữ lên: “Tôi - người lạ mặt - có món quà nhỏ tặng người đến sớm.”
Hôm sau nghe tụi bạn kháo nhau:
- Đến hai người lạ mặt. Một người để trái ổi, một người để viên kẹo.
Hôm sau nữa bỗng xuất hiện ba người lạ mặt, rồi bốn, rồi năm, rồi sáu, rồi bảy... Bây giờ chúng tôi vỡ lẽ ra rồi. Người lạ mặt đang ở trong lớp. Những buổi đi học về, đứa này cứ nhìn đứa kia nấn ná không muốn rời lớp. Chúng chính là kẻ lạ mặt.
Nhưng người lạ mặt đầu tiên là ai, vẫn không biết.
Nhưng buổi sáng đi học sớm, chúng tôi những người lạ mặt - người lạ mặt này ăn món của người lạ mặt kia. Lâu lâu trong món quà kèm theo câu hỏi rất vui. Và chúng tôi ngầm thỏa thuận những câu hỏi bằng những món quà. Nhưng chúng tôi vẫn ấm ức một điều, ai là kẻ lạ mặt đầu tiên?
Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:
- Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có điều bí mật và một món quà, đúng chưa? Khi biết món quà của ai ta sẽ yêu người đó, mà không yêu những người khác. Khi nhận món quà không biết ai gửi, con sẽ yêu tất cả những người con vừa quen. Vì biết đâu, một trong số họ đã gửi món quà đó, chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì, đó cũng là điều hay…
Tôi đi học và tôi biết, mỗi buổi sáng luôn có một người bạn nào đó, tặng tôi một món quà. Bạn có thấy điều đó thú vị không? Bạn hãy tưởng tượng đi. Những người xung quanh ta đều có thể là người lạ mặt. Và tất nhiên trước khi đi học về, bạn hãy nhớ quên một cái gì đó. Và bạn sẽ thấy, người lạ mặt từ từ xuất hiện thật nhiều cho đến lúc tất cả chúng ta đều là người lạ mặt.
>> Tham khảo bài văn mẫu chi tiết: Bài viết số 3 lớp 6 đề 2: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,…)
Lập dàn ý Kể một chuyện vui sinh hoạt lớp 6 cho các em học sinh tham khảo, củng cố làm bài văn kể chuyện lớp 6, ôn tập phần tập làm văn Ngữ văn lớp 6. Ngoài ra, các em học sinh nên tham khảo các tài liệu văn mẫu, đọc thêm các bài soạn văn mẫu lớp 6 để soạn bài tốt hơn.
Tham khảo Dàn ý Kể chuyện lớp 6