Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng bài ca dao Đồng Đăng có phố Kì Lừa

Văn mẫu lớp 7: Bình giảng bài ca dao Đồng Đăng có phố Kì Lừa dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình giảng ca dao Đồng Đăng có phố Kì Lừa

‘Đồng Đăng hữu phố,

Kì Lừa khuyết danh.

Thạch hữu Tô Thị,

Tự hữu Tam Thanh.

Dư giả giai hĩ,

Vô thiếm sơ sinh…’

Đối chiếu thơ chữ Hán của Tam Nguyên Yên Đổ, ta có thể xác định được diện mạo bài ca dao gồm có 14 câu lục bát. Bài ca dao là lời nhắn gửi bạn tình phương xa, cùng anh lén xứ Lạng, nói như thi sĩ Tản Đà, đó là ‘Thư đưa người tình không quen biết’ nghe mênh mang. Hai câu cuối mang máng như một lời sấm kí truyền kì:

Bao giờ chùa lở xuống sông,

Đá tảng trôi mất, ngô đồng chơ vơ"

Bốn câu trong đoạn đầu là hay nhất, dễ hiểu nhất:

‘Đồng Đăng có phố Kì Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh,

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…’

Hai câu đầu với cách ngắt nhịp 2/4/4/4/ bằng ba nét vẽ, nhà thơ dân gian đã giới thiệu một cách khái quát cảnh sắc Đồng Đăng thuộc tỉnh Lạng Sơn của đất nước ta:

‘Đồng Đăng/ có phố Kì Lừa,

Có nàng Tô Thị/ có chùa Tam Thanh’

Phố Kì Lừa có chợ Kì Lừa nổi tiếng phồn hoa đô hội. Đó là một chợ biên giới Việt – Trung, không chỉ phong phú về hàng hóa, về lâm thổ sản, mà còn nổi tiếng về chợ tình vùng cao. Giai điệu dân ca miền núi lơ lửng, chơi vơi, với sắc phục màu chàm, với những ngựa thồ sa nhân, hồi, măng khô, mộc nhĩ, những cô gái, chàng trai Nùng, Thổ, Tày… quấn quít bên nhau, đã trở thành nếp sống vật chất, tinh thần, một nét đẹp văn hóa giàu bản sắc đã bao đời nay. Mấy trăm năm về trước đã thế, ngày nay vẫn thế, tuy màu sắc có hiện đại hơn. Ai đã một lần trong đời mình đến thăm phố Kì Lừa, đi xem chợ Kì Lừa? Kì Lừa tiếng Thổ là Khâu Lừ. Đồng bào Thổ Lạng Sơn gọi chợ Kì Lừa là háng Khau Lừ (háng: chợ; khau: núi đất; lừ: lửa). Chợ Kì Lừa nằm gần bờ sông Kì Cùng ngày nay.

Đồng Đăng ‘có nàng Tô Thị’ còn gọi là núi Vọng Phu, một huyền tích đầy lệ về bi kịch vợ chồng, về tình nghĩa thủy chung của người phụ nữ Việt Nam. Ở Lạng Sơn, núi Vọng Phu còn gọi là núi Tam Thanh. Núi có động lớn gọi là động Tam Thanh; trong động có chùa thờ Phật, nhiều tượng Phật được tạc vào hang đá – Tương truyền nàng Tô Thị đã ôm con thơ, đứng trên núi này ngóng trông chồng và hóa thành đá.

Đồng đăngHai câu ca dao đã giới thiệu và ca ngợi cảnh sắc kỳ thú hữu tình của Đồng Đăng, là ‘nơi phên giậu thứ ba về phía Bắc’ (‘Dư địa chí’ – Nguyễn Trãi) của Đại Việt. Nó như dẫn hồn người gần xa, những du khách chìm sâu vào huyền tích, huyền thoại, tìm thấy bao niềm vui, bao nỗi niềm man mác bàng khuâng về một địa danh trên ải Bắc, giàu truyền thống lịch sử và có nền văn hóa lâu đời.

Chữ ‘có’ được điệp lại ba lần diễn tả niềm say mê, hứng thú và tự hào của người dân xứ Lạng, của du khách khi đứng trước bao cảnh đẹp, bao di tích văn hóa. Cũng là lối tả ít mà gợi nhiều, hai câu ca đã mở ra một không gian nghệ thuật, như một cuộn phim mẫu. Cảnh vật từ từ xuất hiện: phố Kì Lừa…, nàng Tô Thị,… chùa Tam Thanh,… có biết bao liên tưởng đồng hiện về cảnh vật con người xứ Lạng.

Về mặt cấu trúc, hai câu ca dao này mang tính định hình cho những bài nói về quê hương đất nước:

– ‘Bắc Kạn/ có suối đãi vàng,

Có hồ Ba Bể / có nàng áo xanh’

– ‘Bình Định/ có núi Vọng Phu,

Có đầm Thị Nại/ có cù lao Xanh’

Hai câu tiếp theo là lời nhắn gọi, vẫy gọi:

‘Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em’

Ai là đại từ phiếm chỉ, nói về tất cả mọi người. Đọc ca dao, nghe hát dân ca nhiều lúc ta cảm nhận có mình trong đó. Trong ca dao dân ca, trong văn cảnh

này, chữ ‘ai’ thường hướng về những cô gái xinh đẹp trên mọi miền đất nước. ‘Ai lên xứ Lạng cùng anh’ để có đôi, có bạn tình cùng san sẻ niềm vui nơi phồn hoa đô hội. Được ‘cùng anh’ hành hương đến văn cảnh chùa Tam Thanh, đến chiêm ngưỡng nàng Tô Thị, em sẽ ‘cùng anh’ đi chơi phố, chơi chợ Kì Lừa. Hai chữ ‘cùng anh’ – cùng sánh vai anh, thể hiện chít phong tình, hào hoa của chàng trai đang nhắn gọi, vẫy gọi trong du xuân, trẩy hội:

‘Dập dìu đôi lứa thanh tân,

Cùng đi trẩy hội chùa gần chùa xa’

Có đi lên xứ Lạng ‘cùng anh’ mới thỏa nỗi ước mong, mới ‘bõ công bác mẹ sinh thành ra em’, kẻo phí đi, kẻo hoài đi một thời xuân trẻ. ‘Bõ công’ nghĩa là đáng công, xứng công. Công ở đây là công sinh thành của cha mẹ đã sinh đẻ, bú mớm, nâng niu, nuôi dưỡng, dạy bảo em nên người. ‘Công cha nghĩa mẹ đức cù lao’. Chữ ‘bác mẹ’ nghĩa là cha mẹ, một cách gọi tôn kính người cha. Với phong cách phong tình hào hoà, với lối nói thậm xưng, tác giả đã ca ngợi cảnh đẹp Đồng Đăng là một cảnh đẹp hiếm có trên đời. Một cách tỏ tình bâng quơ thế mà đã làm xao xuyến tâm hồn bao thiếu nữ gần xa xưa nay.

Những tiếng ‘ai về’, ‘ai lên’, ‘ai qua’,… trong ca dao, dân ca rất tình tứ, ý vị. Tình non nước, tình yêu lứa đôi được diễn tả một cách nồng nàn say mê:

– ‘Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu,

Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.

Nào ai đi chợ Thanh Lâm,

Mua anh một áo vải thâm hạt dền’

– ‘Ai về Tuy Phước ăn nem,

Ghé qua Hưng Thịnh mà xem Tháp Chàm’

Đoạn ca dao trên đây đã phản ánh một nét đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam: Đó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm khao khát được sống trong tình duyên hạnh phúc khi lễ hội mùa xuân đã về.

Chất dân dã với chất phong tình hào hoà, vẻ đẹp văn hóa với sinh hoạt đời thường kết hợp một cách hài hòa nên thơ. Phép liệt kê, cách nói thậm xưng đã tạo nên sức hấp dẫn hồn nhiên, tình tứ, gợi cảm.

Đọc đoạn ca dao trên, ta như được sống lại trong không khí lễ hội mùa xuân, tưởng như đang được cùng ‘ai’ hành hương về Đồng Đăng xứ Lạng, cùng đến chơi phố, chơi chợ Kì Lừa, cùng say mê ngắm nàng Vọng Phu, cùng thăm hang động, chùa Tam Thanh.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng bài ca dao Đồng Đăng có phố Kì Lừa cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm