Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận về bài Cuộc chia tay của những con búp bê

Những bài văn mẫu hay lớp 7

Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận về bài Cuộc chia tay của những con búp bê gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Cảm nhận về bài Cuộc chia tay của những con búp bê mẫu 1

Khánh Hoài được biết đến là cây bút truyện ngắn hiện đại nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Ông được vinh dự trao tặng giải thưởng quốc tế văn học viết về “Quyền trẻ em”. Có lẽ vì thế những áng văn chương của ông viết nhiều về đề tài trẻ thơ. Tiêu biểu nhắc tới truyện ngắn: “Cuộc chia tay của những con búp bê”.

Truyện ngắn là một văn bản nhật dụng tiêu biểu đề cập tới vấn đề về quyền trẻ em, và được vinh danh trên sàn đấu quốc tế với giải nhì cuộc thi viết văn quốc tế về quyền trẻ em do Rát-đa Bec nơ tổ chức.

Lấy hình ảnh ẩn dụ là những con búp bê, truyện kể lại cuộc chia tay đầy cảm động của hai anh em Thành và Thuỷ vì cha mẹ ly hôn mà phải sống xa nhau. Nhan đề câu chuyện: “Cuộc chia tay của những con búp bê” gợi lên hình ảnh thật trong sáng. Những con búp bê ẩn dụ cho tâm hồn trẻ thơ, vô tội của những đứa trẻ. Chính từ nhan đề này khiến người đọc tò mò, gợi ra một tình huống, buộc người đọc phải theo dõi để tìm hiểu. Truyện được kể theo ngôi kể thứ nhất, nhân vật kể chuyện xưng “tôi”, nhập cuộc để kể lại một cách chân thực, chính xác ,thể hiện sâu sắc những suy nghĩ tình cảm tâm trạng của các nhân vật góp phần tăng sức thuyết phục cao cho truyện.

Mở đầu truyện ngắn là tiếng gọi của nhân vật mẹ. Mở đầu bằng một âm thanh khàn đặc, như gợi cái âm hưởng buồn bã xuyên suốt tác phẩm. Những hình ảnh Thành nhớ lại ban đêm với những giọt nước mắt, với những tiếng nức nở khiến người đọc như nao lòng, và càng tò mò muốn tìm hiểu câu chuyện.

Tiếp đến, tác giả vẽ lại bức tranh khung cảnh buổi sáng. Ông sử dụng nhiều láy từ gợi tả âm thanh, màu sắc của các loài chim, loài hoa: “Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu. Ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi chợ mỗi lúc một ríu ran.”. Khung cảnh thiên nhiên bình dị, thân thuộc, tưởng chừng cuộc sống thật yên bình. Nhưng ngay câu văn tiếp theo: “Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này.” khiến cả đoạn văn như trùng xuống, người đọc dường như ngờ ngợ hình dung ra được câu chuyện xảy ra. Cảnh vật thì cứ đẹp mà lòng người thì đau khổ buồn bã. Nghệ thuật đối lập giữa cảnh và người khắc sâu sự hồn nhiên vô tư và nỗi bất hạnh của những đứa trẻ

Nhân vật “tôi” nhớ lại những kỉ niệm đẹp giữa hai anh em. Thành đi đá bóng ở sân vận động bị ngã rách áo, Thủy đã mang kim chỉ ra tận sân vận động khâu áo cho anh. Từ đó chiều nào Thành cũng đi đón Thủy, hai anh em vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Kỉ niệm ngây thơ hồn nhiên ấy dội về trong kí ức của Thành khắc sâu hơn nỗi đau khổ bất hạnh của hai anh em. Tình cảm ngây thơ, gần gũi của hai anh em càng đẹp bao nhiêu thì hiện thực lại càng đau khổ bấy nhiêu.

Truyện dâng lên cao trào khi người mẹ nhắc hai anh em chia đồ chơi. Khi Thành mang hai con búp bê chia ra thì Thuỷ tru tréo lên giận dữ vì em không muốn hai con Vệ Sĩ và Em Nhỏ phải rời xa nhau. Thành nhớ lại kỉ niệm về hai con búp bê, đó là sự quan tâm lẫn nhau của hai anh em. Hai con búp bê luôn ở cạnh nhau không bao giờ xa cách là biểu tượng cho tình cảm anh em bền chặt không bao giờ xa nhau của Thành và Thủy. Bởi có lẽ búp bê là hình ảnh của gia đình sum họp, sự gắn bó của hai anh em, là kỉ niệm đẹp của thời thơ ấu, là hình ảnh trung thực của hai anh em Thành và Thủy.

Trong cuộc chia tay của Thủy với lớp học 4B thân yêu khi Thủy cho biết mình không được đi học nữa khiến cho không chỉ cô giáo, các bạn trong lớp xúc động mà còn khiến người đọc thật xót xa. Về quê ngoại ở xa trường học quá nên em không thể tiếp tục đến trường được. Về quê cũng đồng nghĩa với việc em không thể được vui chơi như những đứa trẻ khác mà sẽ phải đi bán hoa ngoài chợ không những khiến cả lớp mà còn khiến người đọc chúng ta cảm thấy thật bàng hoàng. Em mới chỉ là một em bé còn rất nhỏ vậy mà cuộc đời em lại phải lặn lội kiếm sống ngoài chợ thật khiến người đọc cảm thấy nghẹn ngào xiết bao. Với một đưa trẻ, điều quan trọng nhất, đáng quý nhất chính là giáo dục. Được đi học là trách nhiệm, là niềm vui của mỗi đứa trẻ. Nhưng với Thuỷ đó là điều xa vời với em. Em sẽ không được đi học, em quá nhỏ để phải lăn lộn với cuộc đời khổ cực. Thuỷ trở thành cô bé vừa thiếu tình cảm gia đình vừa thiếu đi kiến thức.

Với Thành, em là đứa trẻ ít nói, không thích bộc lộ những cảm xúc ra bên ngoài nhưng từ những suy nghĩ, hành động nhường nhịn của em với Thuỷ cũng đủ để thấy em là đứa trẻ sống tình cảm, yêu thương, nhường nhịn em gái. Em sống rất tình cảm và có những suy nghĩ chững trạc về cuộc sống.

Bằng nghệ thuật đối lập trong miêu tả ngoại cảnh và nội tâm nhân vật, Khánh Hoài đã xuất scaws kể lại câu chuyện thấm đẫm tình cảm nhân văn sâu sắc. Câu chuyện đã ca ngợi tình cảm anh em thắm thiết trong sáng để từ đó lên tiếng phê phán những cặp cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, đẩy con cái mình vào những hoàn cảnh bế tắc, éo le.

Cảm nhận về bài Cuộc chia tay của những con búp bê mẫu 2

Dù trong hoàn cảnh hay xã hội ra sao, một cuộc hôn nhân tan vỡ luôn là vết nứt dễ gây tổn thương cho bất cứ một người nào trong gia đình mà nhất là đối với những đứa trẻ. Đọc “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài, ta càng cảm nhận rõ hơn sự mất mát, ảnh hưởng này mà trong đó, nổi trội hơn cả là nỗi đau gia đình chia cắt.

Truyện mở đầu bằng tiếng ra lệnh chia đồ chơi lạnh lùng của mẹ trong sự lưỡng lự của anh em Thành và Thủy. Việc mà bố mẹ li dị có lẽ không còn bất ngờ với hai anh em, đồng thời những đứa trẻ nhạy cảm hiểu rằng chúng sắp phải xa nhau. Vì thế mà Thủy “hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều”. Thành và Thủy cùng ngồi ra vườn, nhớ lại những kỉ niệm của hai anh em trước đây và chẳng bao giờ có suy nghĩ sẽ xa nhau. Hình ảnh hai đứa trẻ ngồi trong vườn đợi bình minh lên với đôi mắt buồn bã vô ngần khiến cho không người đọc nào có thể cầm được cảm xúc thương xót cho những tâm hồn trẻ thơ vốn còn trong trẻo đã phải hứng chịu những đau khổ tột cùng về tinh thần. Trong mỗi ánh nhìn, hành động của hai anh em đều toát lên những giọt buồn của sự lo sơ về một tương lai không mong muốn.

Hẳn chúng muốn cứ mãi ngồi bên nhau như vậy nhưng rồi chúng vẫn phải lăn buồn bã theo vòng quay của thời gian và bắt buộc phải làm theo những điều đầu tiên mà số phận yêu cầu, và sự kiện đầu tiên bắt đầu cho nỗi đau xót chia li của hai đứa trẻ là chia đồ chơi. Chúng lưỡng lự rồi lại nhường nhau hết món này đến món nọ, chúng yêu thương và lo lắng cho nhau, muốn những món đồ chơi ấy ở lại thay chúng để chăm sóc cho người kia. Chúng đâu muốn chia năm sẻ bảy những món đồ chơi mà chúng vốn dĩ dành để chơi chung với nhau trong bấy lâu, có lẽ đối với hai anh em thì những món đồ chơi ấy là cùng một nhà giống như họ là một gia đình không thể chia cắt và cũng không muốn phải chia cắt. Và có lẽ đỉnh điểm của nỗi đau chia li là những giọt nước mắt trong lời hứa, lời dặn dò, ánh nhìn trìu mến, cái níu tay của hai anh em dành cho nhau vào những giây phút cuối trước lúc Thủy lên xe theo mẹ về quê ngoại. Thủy đã chia đôi búp bê ra để mong mỗi người sẽ có cho mình một món kỉ niệm về tuổi thơ của hai anh em. Cuộc chia li ấy có lẽ khiến cho chính những búp bê cũng buồn bởi chính con người cũng không sao giấu được nỗi buồn của lòng mình. Người đọc thậm chí vỡ òa cảm xúc vì thương xót biết bao Thành và Thủy- những đứa trẻ đáng thương chịu nỗi đau gia đình phân li, mỗi đứa một nơi.

Nhưng đối với cô bé Thủy, sự li dị của cha mẹ đâu chỉ khiến cô chịu nỗi đau chia lìa anh Thành mà còn chia lìa cả tuổi thơ trong sáng, êm đềm khi phải xa các bạn, xa trường, xa lớp nơi cô bé đã gắn bó suốt quãng đời tuổi thơ. Thậm chí, cô còn phải xa cả một tươi lai tươi sáng khi có nguy cơ phải xa cả việc học để bước vào cuộc sống mưu sinh. Cuộc sống cô bé từ nay thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hẳn với một thương tâm hồn sẽ không bao giờ lành miệng và có lẽ cô bé sẽ mất đi vẻ hồn nhiên, ngây thơ, cuộc sống vô lo vô nghĩ của tuổi học trò mà đáng ra cô phải được hưởng.

Người lớn luôn là người đưa ra những quyết định và những đứa trẻ đôi khi phải hứng chịu khổ đau vì những quyết định ấy bởi dường như họ chẳng buồn quan tâm đến suy nghĩ của chính con cái mình. Li dị là quyết định của cha mẹ nhưng họ làm không đủ tốt, giải quyết không đủ sáng suốt để bảo vệ con cái họ khỏi những mất mát.

Câu chuyện như là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta để chúng ta hiểu, những đứa trẻ cũng biết tổn thương và đừng khiến cho chúng phải xa những điều chúng yêu thương chỉ vì lỗi lầm của người lớn.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận về bài Cuộc chia tay của những con búp bê. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 7 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 7.

Bài tiếp theo: Cảm nhận vẻ đẹp của biển đảo Cô Tô

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm