Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề kiểm tra học kì I môn Ngữ văn lớp 6 năm 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6

Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 6 năm học 2015 - 2016 có đáp án. Đề thi học kì 1 lớp 6 môn Văn này là là tài liệu ôn tập và luyện tập hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 6 muốn củng cố kiến thức môn Ngữ Văn. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

ĐỀ BÀI:

Câu I (2 điểm):

Căn cứ vào sách Ngữ văn 6 tập 1, hãy cho biết:

a) Cụm danh từ là gì? Lấy ví dụ 2 cụm danh từ.

b) Tìm các cụm danh từ trong câu văn sau:

Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển.

Câu II (3 điểm):

a) Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng nhằm phê phán và khuyên nhủ điều gì? Tìm những câu thành ngữ có nội dung gần gũi với câu chuyện?

b) Qua truyện Ếch ngồi đáy giếng, em hiểu gì về nghệ thuật truyện ngụ ngôn?

Câu III (5 điểm):

Hãy kể về một tấm gương tốt trong học tập mà em biết.

Đáp án đề kiểm tra học kì I môn Ngữ văn lớp 6

Câu I (2đ):

1. Trả lời đúng khái niệm theo SGK, lấy được VD (0,5đ)

2. Xác định đúng, đủ 3 cụm danh từ: Ngày xưa, hai vợ chồng ông lão đánh cá, một túp lều nát trên bờ biển. (1,5đ)

(Mỗi cụm được 0,5đ).

Câu II (3đ):

1. Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng:

  • Phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang, kiêu ngạo. (0,5đ)
  • Khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo. (0,5đ)
  • Thành ngữ: Ếch ngồi đáy giếng; Coi trời bằng vung (0,5đ)

2. Nghệ thuật: Ngắn gọn, mượn chuyện vật để nói điều khuyên răn bổ ích đối với con người. (0,5đ)

Câu III (5 đ)

1. Yêu cầu về kĩ năng: (0,5đ)

  • Biết làm bài văn tự sự.
  • Bố cục đầy đủ, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc,...
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...

Lưu ý: Bài viết mắc 1 trong các lỗi trên thì trừ 0,25 điểm.

2. Yêu cầu về kiến thức: (4,5 điểm)

a) Mở bài: Giới thiệu nhân vật (bạn anh, chị, em ....) (0,5đ)

b) Thân bài: (3,5đ)

  • Sơ lược về nhân vật: tên tuổi, lai lịch, hình dáng, tính cách ...
  • Kể biểu hiện cụ thể về việc học tốt của nhân vật:
    • Cần cù chăn chỉ
    • Tận dụng thời gian học tập
    • Phương pháp học tập
    • Cách khắc phục khó khăn để vươn lên học tốt

c) Kết bài: cảm nghĩ về nhân vật. (0,5đ)

Lưu ý: Bài viết sơ sài trừ 1/2 số điểm.

Các em tham khảo: Kể về một tấm gương tốt trong học tập mà em biết

"Người có ý chí vượt qua tất cả sự nặng nhọc có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào" (Menander) – Vâng, với một cậu học sinh lớp 6 quen được sống trong sự đùm bọc của ba mẹ, sống đúng nghĩa "biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan" như tôi, thì câu nói đó quả thật nghe như là một triết lí suông. Nhưng từ khi được biết đến tâm gương hiếu học Nguyễn Thế Hoàn, tôi hoàn toàn tin vào điều đó. Nguyễn Thế Hoàn – thần tượng của tôi!

Vốn là một học sinh rất đam mê học Toán, ngoài việc đam mê giải các bài Toán, tôi còn có sở thích tìm hiểu những thông tin về các cuộc thi Toán học. Một lần tình cờ, tôi đọc được trên mạng thông tin về thành tích của đoàn Việt Nam trong kì thi Olympic Toán. Tôi đã thật sự xúc động trước câu chuyện của anh Nguyễn Thế Hoàn.

Anh Hoàn hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Tự nhiên (ĐH KHTN-ĐHQGHN) đã xuất sắc giành huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2014. Điều đó đã khiến biết bao người nể phục, nhưng đằng sau vinh quang đó của anh còn là một câu chuyện lấy đi nước mắt của không ít người. Câu chuyện của ý chí, của sự kiên trì, của một tấm gương dám ước mơ và thực hiện ước mơ, và trên hết đó là câu chuyện của tình cảm gia đình rất đỗi thiêng liêng.

Tìm hiểu thông tin về anh, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.Trước tiên đó là câu chuyện về chàng trai tên Hoàn bắt đầu với chiếc mũ thêu tên mình. Đó là món quà anh được bố mẹ tặng. Một món quà thật giản đơn, tưởng như quá đỗi bình thường với tôi – một cậu nhóc thành phố vốn quen với những món quà đắt tiền, hiện đại. Lúc đó, anh Hoàn mới 3 tuổi nhưng đã tỏ ra là một cậu bé vô cùng thông minh. Khi được mẹ anh cho biết ý nghĩa của nét thêu trên mũ, ngày nào anh cũng hý hoáy lấy viên gạch vẽ tên mình lên khắp sân. Tưởng như chỉ là sự bắt chước giản đơn, nhưng không phải vây! Khi anh đọc vanh vách những chữ trên mặt báo mà người hàng xóm sang chơi thì mọi người trong gia đình anh mới ngã ngửa ra khi biết rằng anh đã tự học thuộc được các mặt chữ. Tôi vốn không tin lắm vào việc có thần đồng, nhưng câu chuyện từ thưở lên ba của anh làm tôi suy nghĩ lại!

Anh Hoàn sống trong một gia đình thuần nông. Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm làm sao nuôi đủ bốn người, huống hồ gì là anh Hoàn và em trai đang trong tuổi ăn, tuổi học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thế nhưng anh đã vượt qua mọi khó khăn để hiện thực hóa ước mơ. Học cấp ba, dù nhà xa nhưng trưa nào anh cũng đạp xe về nhà ăn cơm. Đơn giản bởi với anh thì tiền một suất ăn trưa bằng tiền mua thức ăn cho cả hai anh em. Tôi chợt nghĩ về những lần làm nũng mẹ, những món quà ăn vặt mà không có nó tôi còn không muốn tới lớp. Tôi thấy mình thật trẻ con, thật vô tâm. Tôi tự thấy xấu hổ với mình.

Anh luôn là học sinh giỏi toàn diện, đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi. Với một loạt thành tích cao nhưngchưa một lần nào anh đi học thêm mà đều tự rèn luyện ở nhà. Điều đó khiến tôi phải tự suy ngẫm lại phương pháp học của mình và rồi thêm khâm phục chàng trai giàu nghị lực và kiên trì ấy.

Hết lớp 9, anh Hoàn cùng lúc thi đỗ vào lớp 10 chuyên toán của 3 ngôi trường mà nhiều người mơ ước. Anh đã chọn vào học trường THPT Chuyên thuộc trường ĐH KHTN vì ở đó có nhiều tấm gương như Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn... làm động lực học tập. Nhà nghèo, để anh được học ở Hà Nội, bố mẹ anh cũng khăn gói lên thủ đô kiếm tiền. Bố mẹ anh người làm thợ xây, người làm phụ hồ nuôi con ăn học. Bố mẹ anh không thuê nhà trọ mà sống tạm trong chiếc lều bạt, dựng bên cạnh công trường xây dựng. Tôi chợt thấy thương bố mẹ tôi vô cùng. Đã bao đêm tôi nghe tiếng bố thở dài bên bàn làm việc, đã bao lần mẹ thức tới sáng bên giường tôi khi tôi ốm. Tôi tự hỏi phải chăng người bố, người mẹ nào cũng có thể trở nên vĩ đại như vậy vì con mình?

Thế rồi "Khổ tận cam lai", chắc hẳn bố mẹ anh đến giờ vẫn chưa hết mừng vì cậu con trai bé nhỏ trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn của cả đất nước Việt Nam. Tấm Huy chương Vàng Olympic mà anh giành được là món quà vô giá anh dành tặng bố mẹ mình.

Không ngủ quên trên chiến thắng, anh làm tôi thêm phần nể phục khi anh dự định, trong năm tới sẽ học thêm tiếng Anh để đi du học. Đồng thời, anh cũng cố gắng kiếm càng nhiều học bổng càng tốt vì điều kiện gia đình rất khó khăn.Tôi tin rằng anh sẽ không đơn độc trên con đường học tập vì giờ đây, anh sẽ là tấm gương, là động lực cho những bạn trẻ khác vượt lên chính mình để tìm đến thành công, trong đó có tôi.

"Khi nhiều trông đợi được đặt lên vai một cá nhân, anh ta có thể bắt nhịp vào thời thế và biến giấc mơ thành hiện thực" (Elbert Hubbard) – vâng, không phải chân lí nào cũng mang tính tuyệt đối và hẳn nhiên không phải trong trường hợp nào câu nói trên đây vẫn đúng. Nhưng thiết nghĩ với tâm gương hiếu học Nguyễn Thế Hoàn thì điều đó hoàn toàn đúng. Ở anh, tôi học được một tấm gương của lòng hiếu học, của ý chí và trên hết là sự nỗ lực vươn lên không ngừng để dám ước mơ, dám thực hiện ước mơ. Một bài học bằng xương, bằng thịt chứ không phải là một lý thuyết hay một công thức làm người sáo rỗng. Tôi tự hứa sẽ nỗ lực hết mình từng giây, từng phút, vì ngoài kia còn có bao nhiêu người ở điểm xuất phát thấp nhưng đang vượt xa tôi. Phải rồi, vạch xuất phát đâu có gì quan trọng, quan trọng là cách thức để đến đích thôi mà. Tôi sẽ đến đích!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
77
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 6

    Xem thêm