Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2
Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5
Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2 bao gồm đầy đủ các nội dung trong chương trình học lớp 4, củng cố kiến thức cho các em học sinh chuẩn bị cho chương trình học lớp 5 môn Tiếng Việt đạt kết quả cao.
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 4, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 4 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 4. Và để chuẩn bị cho chương trình học lớp 5, các thầy cô và các em tham khảo: Nhóm Tài liệu học tập lớp 5. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.
Đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4
A. Phần Luyện đọc
1. Bài tập thành tiếng
2. Bài tập đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Hãy sống với ước mơ
Rô-Bớt, chủ một trại ngựa đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện:
Cách đây đã lâu, có một cậu bé nhà nghèo, ngày ngày theo cha đi hết chuồng ngựa này đến chuồng ngựa khác để giúp cha luyện ngựa. Một hôm thầy giáo của cậu đề nghị học sinh viết ước mơ của mình. Trong khi các học sinh khác mong muốn sẽ trở thành những kĩ sư, bác sĩ, diễn viên,... thì cậu bé lại viết một mạch về ước mơ của mình, rằng một ngày nào đó cậu sẽ trở thành một chủ trại ngựa. Cậu còn vẽ cả sơ đồ trại ngựa, ghi rõ vị trí tất cả từng tòa nhà, chuồng ngựa. Bài viết hôm ấy cậu chỉ được điểm 4 cùng lời phê của thầy giáo: “Ở lại gặp thầy sau giờ học!”. Thầy giáo nói với cậu vào cuối buổi học hôm ấy:
- Đây là một ước mơ viển vông. Em có biết là để làm chủ một trại ngựa thì phải cần số tiền lớn như thế nào không? Nào là tiền mua ngựa giống, tiền mua đất dựng trại ....Em nên xác định mục tiêu của mình thiết thực hơn. Nếu em viết lại một bài khác thầy sẽ chấm điểm lại cho em. Suốt cả tuần đó, cậu bé nghĩ ngợi rất nhiều. Cậu hỏi ý kiến bố xem nên làm gì. Bố cậu bảo:
- Con phải tự quyết định thôi. Điều đó rất quan trọng đối với con.
Sau khi đắn đo, cậu vẫn nộp cho thầy giáo bài làm cũ mà không sửa đổi gì. Cậu mạnh dạn nói:
- Thưa thầy, em xin giữ lấy ước mơ và đồng ý nhận điểm kém.
Kết thúc câu chuyện, Rô-bớt nói:
- Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này vì đây là trại ngựa rộng 200 mẫu của tôi. Tôi vẫn còn giữ bài kiểm tra đó, nó còn được lồng vào khung kính treo trên lò sưởi. Một điều thú vị là vào mùa hè cách đây hai năm, người thầy cũ của tôi đã dẫn học sinh đến đây cắm trại cả tuần. Trước lúc chia tay, ông nói :
- Rô-bớt này, chính em đã cho thầy một bài học về nghị lực để sống với ước mơ.
*Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi sau hoặc làm bài tập:
Câu 1: Cậu bé đã mơ ước làm nghề gì trong bài văn của mình?
A. Muốn trở thành người giàu có.
B. Muốn trở thành chủ trại ngựa.
C. Muốn trở thành diễn viên.
Câu 2: Khi bị thầy giáo ghi điểm kém vì cho rằng đó là một ước mơ viển vông cậu bé đã làm gì?
A. Hỏi ý kiến bố và vẫn nộp bài văn cũ mà không sửa đổi gì.
B. Viết lại một bài văn khác để thầy chấm điểm lại cho em.
C. Cậu bé nghĩ ngợi rất nhiều và không biết nên làm thế nào.
Câu 3: Vì sao bố cậu bé cho rằng: Bài tập làm văn rất quan trọng với cậu bé?
A. Vì bố cho rằng cậu bé cần nói về một ước mơ của mình.
B. Vì bố cho rằng cậu bé cần làm theo lời thầy để được điểm cao.
C. Vì bố cho rằng ước mơ sẽ giúp cậu có mục đích để phấn đấu ngay từ khi còn nhỏ
Câu 4: Lời khen của thầy giáo ở cuối bài ngụ ý khen cậu học trò cũ (Rô - bớt) điều gì?
A. Khen cậu học trò có ước mơ đẹp.
B. Khen cậu học trò có nghị lực thực hiện ước mơ.
C. Khen trại ngựa và ước mơ của cậu học trò.
Câu 5: Câu chuyện khuyên chúng ta điều gì?
A. Hãy cứ ước mơ và quyết tâm thực hiện bạn sẽ đạt được điều mình muốn.
B. Không nên ước mơ viển vông.
C. Chỉ nên ước mơ những điều giản dị để nó có thể trở thành hiện thực.
Câu 6: Tên người nước ngoài nào sau đây viết đúng chính tả?
A. Lép tôn-xtôi
B. Béc-tôn Brếch
C. An-Phông-xơ đô-đê
Câu 7: Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy :
A. mong muốn, ngày ngày, trang trại.
B. mong muốn, trang trại, vị trí.
C. ngày ngày, viển vông, đắn đo.
Câu 8: Dấu hai chấm trong câu văn: Bài viết hôm ấy cậu chỉ được điểm 4 cùng lời phê của thầy giáo: “ Ở lại gặp thầy sau giờ học!” dùng để:
A. Báo hiệu bộ phận đứng sau là lời nói nhân vật.
B. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.
C. Có tác dụng liệt kê các sự vật có trong câu.
Câu 9: Các danh từ có trong câu “Một hôm, thầy giáo đề nghị học sinh viết về ước mơ của mình.” là:
A. thầy giáo, học sinh, ước mơ
B. hôm, thầy giáo, học sinh, ước mơ
C. thầy giáo, học sinh, mình
Câu 10: Cấu tạo của tiếng “ước” gồm:
A. Chỉ có 2 bộ phận: vần và thanh
B. Chỉ có 2 bộ phận: âm đầu và vần
C. Đủ 3 bộ phận: âm đầu, vần và thanh
B. Phần Luyện viết
1. Chính tả: (nghe – viết)
Văn hay chữ tốt
Thưở nhỏ, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Ông còn mượn những cuốn sách chữ viết đẹp để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.
Kiên trì luyện tập ông đã nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.
2. Tập làm văn:
Đề bài: Em hãy viết một bức thư cho bạn hoặc người thân để hỏi thăm và nói về ước mơ của em.
Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 và đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục và các dạng bài ôn tập môn Toán lớp 4. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.