Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 phòng GD&ĐT Tam Đảo, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9
Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 phòng GD&ĐT Tam Đảo, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 giúp các bạn học sinh ôn thi học sinh giỏi môn Lịch sử, chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố, ôn thi vào lớp 10 các trường chuyên trong cả nước. Mời các bạn tải đề thi học sinh giỏi lớp 9 này về và cùng tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT Tam Đảo, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016
PHÒNG GD&ĐT TAM ĐẢO | ĐỀ KHẢO SÁT ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI THI TỈNH NĂM HỌC 2015-2016 MÔN: LỊCH SỬ 9 Thời gian làm bài: 150 phút |
I - LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)
Câu 1 (1,0 điểm). Trình bày hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc năm 1930. Ý nghĩa của hoạt động này?
Câu 2 (3,0 điểm). Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời kỳ 1936 - 1939 như thế nào?
Câu 3 (3,0 điểm). Vì sao Nhật đảo chính Pháp vào đêm ngày 9/3/1945. Trước sự kiện đó Đảng Cộng sản Đông Dương đã có chủ trương và hành động gì?
II - LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)
Câu 4 (3,0 điểm). Thành tựu, ý nghĩa của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật sau Chiến tranh thế giới thứ hai? Theo em mọi người cần suy nghĩ và hành động như thế nào trong cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật này?
Đáp án đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9
I - LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)
Câu 1:
a) Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc năm 1930:
- Năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân cùng các giai cấp khác tạo thành làn sóng đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ khắp cả nước, hoạt động riêng rẽ của 3 tổ chức cộng sản... đặt ra yêu cầu bức thiết phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước. (0,25đ)
- Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Cửu Long (Hội nghị bắt đầu họp từ ngày 6/ 1/ 1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc). (0,25đ)
- Hội nghị tán thành thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, ra lời kêu gọi... (0,25đ)
b) Ý nghĩa: Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo, đường lối cách mạng Việt Nam (0,25đ)
Câu 2:
a) Hoàn cảnh lịch sử:
Thế giới:
- Do hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, giai cấp tư sản lũng đoạn ở nhiều nước tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng bằng cách thiết lập chế độ phát xít - Một chế độ độc tài tàn bạo nhất của tư bản tài chính. (0,25đ)
- Chúng ra sức xóa bỏ mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân trong nước, ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường và các vùng thuộc địa trên thế giới, chủ yếu là tiêu diệt Liên Xô và đẩy lùi phong trào cách mạng vô sản đang phát triển trong nước và trên thế giới. Như vậy chủ nghĩa phát xít xuất hiện, lò lửa chiến tranh đang tới gần, trở thành mối nguy cơ đe dọa nền dân chủ, hòa bình và an ninh thế giới... (0,25đ)
- Đứng trước nguy cơ đó, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Mát-xcơ-va (7/1935), xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít. Vì vậy phải tập trung mũi nhọn chống phát xít. Đại hội chủ trương thành lập một Mặt trận Nhân dân ở các nước để tập hợp rộng rãi các lực lượng dân chủ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới. (0,25đ)
- Thực hiện chủ trương trên, nhiều nước thành lập Mặt trận Nhân dân. Năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp do Đảng cộng sản Pháp lên cầm quyền và thi hành một số chính sách tiến bộ cho nhân dân các nước thuộc địa... (0,25đ)
Trong nước: Hậu quả của cuộc khủng hoảng làm cho đời sống các tầng lớp, giai cấp bị ảnh hưởng. Thêm vào đó đế quốc Pháp ở Đông Dương vẫn thi hành những chính sách bóc lột, vơ vét, khủng bố, đàn áp làm cho đời sống của nhân dân ta càng thêm đói khổ, ngột ngạt. Một số tù chính trị được thả ra và nhanh chóng hoạt động trở lại. (0,25đ)
b) Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương:
- Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước. Đảng ta nhận định kẻ thù cụ thể, trước mắt là bọn phản động Pháp và bè lũ tay sai không chịu thi hành chính sách của Mặt trận Nhân dân Pháp tại các thuộc địa. (0,25đ)
- Tạm gác khẩu hiệu "Đánh đổ đế quốc, Đông Dương hoàn toàn độc lập", "Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày", nhiệm vụ trước mắt là: "Chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình". (0,5đ)
- Thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương năm 1936 (tháng 3/1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương), nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ tiến bộ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và bảo vệ hòa bình thế giới.
- Hình thức và phương pháp đấu tranh: Hợp pháp và nửa hợp pháp, công khai và nửa công khai. (0,5đ)
Kết luận: Do hoàn cảnh lịch sử thay đổi nên chủ trương của Đảng cũng thay đổi, điều đó chứng tỏ Đảng ta đã trưởng thành hơn trong việc chỉ đạo sách lược đấu tranh. (0,25đ)
Câu 3:
a) Vì sao Nhật đảo chính Pháp vào đêm ngày 9/3/1945:
Về bản chất: Đế quốc Pháp và phát xít Nhật không thể chung một thuộc địa như Đông Dương. Chúng câu kết chặt chẽ với nhau nhưng mâu thuẫn gay gắt. (0,25đ)
Trên thực tế:
- Vào đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, ở mặt trận Châu Âu, quân đội Liên Xô mở cuộc tấn công về phía Béc-lin, nước Pháp được giải phóng, Chính phủ Đờ Gôn về Pa-ri. (0,25đ)
- Ở mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật cũng khốn đốn trước đòn tấn công dồn dập của Anh - Mĩ trên bộ cũng như trên biển. (0,25đ)
- Ở Đông Dương, thực dân Pháp nhân cơ hội ráo riết hoạt động, chờ khi quân Đồng minh vào sẽ đánh Nhật và giành lại địa vị thống trị cũ.
Trước tình thế thất bại gần kề của phát xít Nhật buộc chúng ra tay trước. Đêm ngày 9 - 3 - 1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Quân Pháp chống cự yếu ớt, sau vài giờ đã đầu hàng. Đông Dương từ chỗ là thuộc địa của Pháp - Nhật nay trở thành thuộc địa của Nhật. (0,25đ)
b) Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương:
- Ngay sau khi nghe tiếng súng đảo chính của Nhật vừa nổ. Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng ra chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Xác định kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt của cách mạng Đông Dương là phát xít Nhật. Hội nghị quyết định phát động một cao trào "Kháng Nhật, cứu nước" mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. (0,25đ)
- Thực hiện chủ trương đó. Giữa 3/1945 trở đi, cách mạng chuyển sang cao trào, phong trào đấu tranh vũ trang và cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra từng địa phương. (0,25đ)
- Ở khu căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giải phóng hàng loạt xã, châu, huyện... (0,25đ)
- Ngày 15 - 4 - 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì họp ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng căn cứ địa kháng Nhật và Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kì thành lập với nhiệm vụ chỉ huy các khu miền Bắc và giúp đỡ toàn quốc về mặt quân sự. (0,25đ)
- Ngày 4 - 6 - 1945, Khu Giải phóng Việt Bắc ra đời gồm Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận. Ủy ban Lâm thời Khu giải phóng thi hành 10 chính sách của Việt Minh đem lại quyền lợi cho nhân dân. (0,25đ)
- Phong trào phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của quần chúng, thu hút hàng triệu người tham gia, báo trước giờ hành động quyết định sắp tới. (0,25đ)
- Qua khởi nghĩa từng phần, lực lượng chính trị, vũ trang được củng cố, phát triển vượt bậc... Quần chúng được tập dượt qua đấu tranh, sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. (0,25đ)
II - LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)
Câu 4:
a) Thành tựu:
- Phát minh to lớn trong lĩnh vực khoa học cơ bản: Toán học, Vật lí, Hóa học và Sinh học, những thành tựu được ứng dụng vào kỹ thuật và sản xuất phục vụ cuộc sống. Tháng 3/1997, con cừu Đô li ra đời bằng phương pháp sinh sản vô tính, tháng 6/2000, tiến sĩ Cô-Lin (Mĩ) đã công bố bản đồ gen người... (0,25đ)
- Phát minh lớn về công cụ sản xuất mới: Sự ra đời của máy tính điện tử, máy tự động và hệ thống máy tự động.
- Tìm ra nguồn năng lượng mới phong phú như: Năng lượng nguyên tử, mặt trời, gió, thủy triều... trong tình trạng các nguồn năng lượng thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. (0,25đ)
- Sáng chế những vật liêu mới: như chất pô li me (chất dẻo), vật liệu siêu nhẹ, bền, siêu cứng, siêu dẫn, giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong đời sống hàng ngày của con người cũng như trong các ngành công nghiệp. (0,25đ)
- Tiến hành cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp. Với các biện pháp cơ khí hóa, điện khí hóa... và phương pháp lai tạo giống mới, chống sâu bệnh. Nhờ cuộc "cách mạng xanh" này, nhiều nước đã có thể khắc phục nạn thiếu lương thực, đói kém từ bao đời nay. (0,25đ)
- Những tiến bộ thần kỳ trong giao thông vận tải và thông tin liên lạc với những loại máy bay siêu âm khổng lồ, tàu hỏa tốc độ cao,... phát sóng vô tuyến hết sức hiện đại qua hệ thống vệ tinh nhân tạo. (0,25đ)
- Những thành tựu kỳ diệu trong lĩnh vực du hành vũ trụ như phóng vệ tinh nhân tạo, bay vào vũ trụ (1961) và đưa người lên Mặt Trăng (1969). Sản xuất các loại vũ khí hiện đại: Tên lửa chiến lược, máy bay tàng hình.... (0,25đ)
b) Ý nghĩa:
- Đó là mốc chói lọi trong lịch sử tiến hóa văn minh của loài người, mang lại những tiến bộ phi thường, thành tựu kỳ diệu và thay đổi lớn lao trong cuộc sống. (0,25đ)
- Cho phép con người thực hiện bước nhảy vọt về sản xuất và năng suất lao động, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của con người. Đưa đến những thay đổi to lớn về cơ cấu dân cư lao động trong công, nông nghiệp và dịch vụ. (0,25đ)
c) Suy nghĩ và hành động:
- Vì xu thế quốc tế toàn cầu nền kinh tế, con người phải tiếp thu áp dụng những thành tựu đó vào sản xuất để nâng cao đời sống con người để con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. (0,25đ)
- Nhà nước và xã hội phải có chính sách, biện pháp để đào tạo ra những con người có trình độ học vấn cao, có như vậy mới nắm bắt được những thành tựu cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật. Mỗi quốc gia nên có chính sách đối ngoại phù hợp để hợp tác, vươn lên tránh nguy cơ tụt hậu... (0,25đ)
- Chống lại những hậu quả tiêu cực do cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật gây ra: Ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, vũ khí giết người hàng loạt...hướng cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật phát triển vì mục đích hòa bình, trong sạch và lành mạnh (0,25đ)