Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2014 - 2015
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 năm học 2014 - 2015 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc là đề tham khảo dành cho các bạn học sinh và thầy cô nghiên cứu, học tập tốt môn Sử lớp 9 cũng như luyện tập và làm quen với nhiều đề học sinh giỏi hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi sắp diễn ra. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 9 phòng GD&ĐT Nam Sách năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Chấn Hưng, Vĩnh Phúc
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 của sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2014 - 2015
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC | KỲ THI CHỌN HSG LỚP 9 NĂM HỌC 2014 – 2015 ĐỀ THI MÔN: Lịch sử Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề. |
Đề chính thức
Câu 1 (2,0 điểm) Nêu những lực lượng cách mạng chủ yếu tham gia vào phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Giai cấp nào đủ khả năng lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi? Phát biểu ý kiến của em về vai trò của giai cấp đó trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Câu 2 (2,0 điểm) Bằng những sự kiện lịch sử trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, hãy làm rõ: Nghệ An - Hà Tĩnh là nơi phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ nhất và là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931.
Câu 3 (3,0 điểm) Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã có chủ trương và giải pháp gì để giải quyết hòa bình mối quan hệ Việt - Pháp từ ngày 06 - 3 - 1946 đến trước ngày 19 - 12 - 1946? Em có liên hệ gì với chủ trương, biện pháp của Đảng trong việc giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay?
Câu 4 (3,0 điểm) Trình bày những thành tựu quan trọng của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại. Cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật đó đã và đang có những tác động như thế nào đối với cuộc sống của con người?
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9
Câu 1: Nêu những lực lượng cách mạng chủ yếu tham gia vào phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Giai cấp nào đủ khả năng lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi? Phát biểu ý kiến của em về vai trò của giai cấp đó trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
a) Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam các lực lượng tham gia phong trào dân tộc dân chủ đó là: giai cấp tư sản, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp nông dân, giai cấp công nhân...(0,5đ)
b) Giai cấp công nhân là giai cấp có đủ khả năng lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi đến thắng lợi.
Giai cấp công nhân Việt Nam vốn có nguồn gốc từ nông dân, gắn bó máu thịt với nông dân, đây là cơ sở dẫn tới liên minh công – nông... (0,25đ)
Giai cấp công nhân Việt Nam chịu ba tầng áp bức, bóc lột: thực dân, phong kiến, tư sản; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng, bất khuất của dân tộc; sớm tiếp thu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng vô sản... làm cho các phong trào đấu tranh có tính triệt để. (0,25đ)
c) Phát biểu ý kiến: Học sinh nêu lên ý kiến của mình, trong đó nhấn mạnh giai cấp công nhân có vai trò quan trọng, là lực lượng sản xuất chủ yếu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.... (0,5đ)
Câu 2: Bằng những sự kiện lịch sử trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, hãy làm rõ: Nghệ An - Hà Tĩnh là nơi phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ nhất và là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931.
Nghệ An - Hà Tĩnh là nơi có truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất, lại chịu tác động mạnh mẽ của chính sách khai thác thuộc địa lần 2 của Pháp... nên ở đây phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931. (0,25đ)
Tháng 9 năm 1930, phong trào công nhân và nông dân phát triển tới đỉnh cao, nhất là hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Khẩu hiệu đấu tranh chính trị kết hợp với các khẩu hiệu đấu tranh kinh tế, các cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, quần chúng tổ chức tuần hành, thị uy, biểu tình có vũ trang tự vệ, các cuộc đấu tranh của nông dân được sự hưởng ứng của công nhân Vinh - Bến Thuỷ... (0,25đ)
Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ngày 12 - 9 - 1930 với sự tham gia của hàng ngàn nông dân kéo đến nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính khố xanh... (0,25đ)
Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bộ máy chính quyền thực dân phong kiến ở nhiều huyện, xã bị tê liệt, tan rã. Các tổ chức Đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chức năng của chính quyền Xô Viết. Lần đầu tiên nhân dân nắm quyền ở một số huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh... (0,25đ)
Chính quyền cách mạng đã kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế do đế quốc và phong kiến đặt ra, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan...
Thành lập các tổ chức quần chúng như Nông hội, Công hội, Hội phụ nữ giải phóng...việc tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng qua hội nghị, mít tinh, sách báo cách mạng được tổ chức rộng rãi... (0,25đ)
Pháp tập trung lực lượng đàn áp, Xô Viết tan rã. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian từ 4 - 5 tháng nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn, là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931, là hình thức nhà nước sơ khai nhưng thể hiện tính ưu việt, của dân, do dân và vì dân, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho Đảng trong việc lãnh đạo đấu tranh ở các thời kì tiếp theo... (0,5đ)
Câu 3: Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã có chủ trương và giải pháp gì để giải quyết hòa bình mối quan hệ Việt - Pháp từ ngày 6 - 3 - 1946 đến trước ngày 19 - 12 - 1946? Em có liên hệ gì với chủ trương, biện pháp của Đảng trong việc giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay?
a) Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã có chủ trương và giải pháp gì để giải quyết hòa bình mối quan hệ Việt - Pháp từ ngày 6 - 3 - 1946 đến trước ngày 19 - 12 - 1946?
Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, tránh trường hợp cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã khai thác mọi khả năng, chủ động đàm phán, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đặc biệt trong việc giải quyết hòa bình mối quan hệ Việt - Pháp từ ngày 6 - 3 - 1946 đến trước ngày 19 - 12 - 1946. (0,25đ)
Sau khi đánh chiếm các đô thị Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, với âm mưu thôn tính cả nước ta, thực dân Pháp đã kí với Chính phủ Tưởng Giới Thạch Hiệp ước Hoa - Pháp (28 - 2 - 1946). Theo đó, Pháp được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam thay cho quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật... (0,25đ)
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã có chủ trương tạm thời đàm phán, hòa hoãn với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí với đại diện Chính phủ Pháp là Xanh - tơ - ni bản Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946) (0,25đ)
Theo Hiệp định này Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, nằm trong khối Liên hiệp Pháp. (0,25đ)
Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15 000 quân Pháp được vào miền Bắc thay cho quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, số quân này sẽ rút dần trong thời hạn 5 năm. Hai bên ngừng bắn ngay tại Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi cho việc mở cuộc đàm phán chính thức ở Pa - ri. (0,25đ)
Với Hiệp định Sơ bộ, ta đã tránh được cuộc chiến đấu bất lợi vì phải chống nhiều kẻ thù cùng một lúc, đẩy nhanh được 20 vạn quân Tưởng và tay sai ra khỏi nước ta, đồng thời có thêm thời gian hòa bình để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp. (0,25đ)
Sau khi kí Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp vẫn tiếp tục gây xung đột vũ trang ở Nam Bộ.... Do sự đấu tranh kiên quyết của ta, cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ được tổ chức tại Phông - ten - nơ - blô – nước Pháp. Nhưng cuộc đàm phán thất bại. Ở Đông Dương, Pháp tăng cường khiêu khích. Quan hệ Việt - Pháp ngày càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh. (0,25đ)
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với Chính phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14 - 9 - 1946, tiếp tục nhượng bộ Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thêm thời gian củng cố lực lượng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp nhất định sẽ bùng nổ. (0,25đ)
Kiên trì giải quyết quan hệ Việt – Pháp bằng biện pháp đàm phán, thể hiện thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời thể hiện sự chủ động của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. (0,5đ)
b) Em có liên hệ gì với chủ trương, biện pháp của Đảng trong việc giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay?
Học sinh có thể liên hệ với chủ trương, giải pháp của Đảng theo ý hiểu của mình, nhưng phải nêu được chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp đồng thời kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền... (0,5đ)
Câu 4: Trình bày những thành tựu quan trọng của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại. Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đó đã và đang có những tác động như thế nào đối với cuộc sống của con người?
a) Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại đạt được những thành tựu quan trọng đáng chú ý:
Khoa học cơ bản: con người đã đạt được những phát minh to lớn, đánh dấu những bước nhảy vọt trong Toán học, Vật lí, Hoá học và Sinh học. Dựa vào những phát minh lớn của ngành khoa học cơ bản, con người đã ứng dụng vào kĩ thuật và sản xuất để phục vụ cuộc sống của mình. (0,25đ)
Tháng 3 - 1997: các nhà khoa học đã tạo ra được cừu Đô - li bằng phương pháp sinh sản vô tính lấy từ tuyến vú của con cừu đang mang thai... đây là một thành tựu khoa học lớn nhưng cũng gây ra những lo ngại về mặt xã hội và đạo đức... (0,25đ)
Tháng 6 - 2000, các nhà khoa khoa học Mĩ đã công bố "Bản đồ gen người", đến tháng 4 – 2003, "Bản đồ gen người" được giải mã hoàn chỉnh... với thành tựu này, trong tương lai gần người ta có thể chữa trị được những căn bệnh nan y... (0,25đ)
Chế tạo ra những công cụ sản xuất mới, trong đó có ý nghĩa quan trọng bậc nhất là sự ra đời của máy tính điện tử, máy tự động và hệ thống máy tự động... (0,25đ)
Tìm ra được các nguồn năng lượng mới hết sức phong phú và vô tận như năng lượng nguyên tử, năng lượng mặt trời, năng lượng gió... (0,25đ)
Chế tạo ra những vật liệu mới trong tình hình các vật liệu tự nhiên đang cạn kiệt dần trong thiên nhiên: chất Pô-li-me đang giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong đời sống và trong các ngành công nghiệp, vật liệu tổng hợp... (0,25đ)
Cuộc "Cách mạng xanh" trong nông nghiệp với những biện pháp cơ khí hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá, hoá học hoá và những biện pháp lai tạo giống mới... (0,25đ)
Những tiến bộ thần kì trong lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc với những loại máy bay siêu âm khổng lồ, tàu hoả cao tốc.... (0,25đ)
Con người còn có những bước tiến thần kì trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ: phóng thành công vệ nhân tạo đầu tiên của trái đất, đưa người lên mặt trăng... (0,25đ)
b) Tác động của cách mạng khoa học - kĩ thuật
Tích cực: cách mạng khoa học - kĩ thuật có ý nghĩa vô cùng to lớn như một cột mốc chói lọi trong lịch sử tiến hoá văn minh của loài người, mang lại những tiến bộ phi thường, những thành tựu kì diệu và những thay đổi to lớn trong cuộc sống con người. Cách mạng khoa học - kĩ thuật tạo ra những bước nhảy vọt chưa từng thấy về sản xuất và năng suất lao động, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của con người... (0,25đ)
Cách mạng khoa học - kĩ thuật đã đưa tới những thay đổi về cơ cấu dân cư lao động, chất lượng nguồn nhân lực, những yêu cầu mới về giáo dục đào tạo... (0,25đ)
Cách mạng khoa học - kĩ thuật đưa đến những tác động tiêu cực (chủ yếu do con người tạo nên): chế tạo ra các loại vũ khí và phương tiện quân sự có sức huỷ diệt cao nhiều lần sự sống của con người, ô nhiễm môi trường, trái đất nóng dần lên, bệnh dịch mới... (0,25đ)