Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9
Chúng tôi hiểu được rằng trong quá trình ôn thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 cấp Tỉnh các bạn học sinh rất cần những tài liệu hay và chất lượng để tham khảo. Chính vì vậy chúng tôi đã sưu tầm và xin được gửi tới bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đại Lộc, Quảng Nam năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Phan Bội Châu, Quảng Nam năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016
SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH ĐỀ CHÍNH THỨC | KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016 Môn thi: Ngữ văn lớp 9 Thời gian 150 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (4,0 điểm)
Ước mong mà không kèm theo hành động thì dù hi vọng có cánh cũng không bao giờ bay tới mục đích.
Shakespeare
Là học sinh anh/chị rút ra được bài học gì cho mình từ quan niệm trên.
Câu 2 (6,0 điểm)
"...Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng."
(Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 9, tập 2)
Bằng những hiểu biết về văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
HƯỚNG DẪN CHUNG:
- Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho điểm tối đa hoặc thấp hơn.
- Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0,25; 0,5; 0,75...đến tối đa là 10.
HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu 1 (4,0 điểm):
I. Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách trình bày bài văn nghị luận xã hội.
- Diễn đạt tốt, có sự sáng tạo, làm nổi bật luận đề.
II. Yêu cầu về nội dung:
1. Giải thích
- Ước mong là những mong muốn, ước mơ về những điều tốt đẹp
- Ý nghĩa cả câu: Ước mong mà không gắn liền với những việc làm cụ thể thì dù có hi vọng bao nhiêu cũng không thể đạt tới đích.
- Nhấn mạnh vai trò của hành động trong việc hiện thực hóa ước mơ
2. Bàn luận
* Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề
- Trong cuộc đời ai cũng nuôi dưỡng ước mơ, nhưng nếu ước mơ chỉ dừng lại hi vọng thì chưa đủ, chỉ có hành động mới thực hiện được ước mơ.
- Ước mơ phải đi liền với hành động vì hành động giúp con người có cơ hội thể hiện mình, phát huy sở trường, tài năng, từ đó chinh phục mơ ước.
- Hành động có thể biến ước mơ thành hiện thực, nhưng nếu ước mơ xa vời, thiếu thực tế thì cũng khó lòng đạt được. Con người cần đặt ra mục tiêu phù hợp khả năng, hoàn cảnh của mình.
3. Bài học rút ra
- Luôn luôn ước mơ và luôn luôn hành động (là học sinh cần học tập rèn luyện chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực).
- Hành động hợp lí sẽ đến đích thành công (cần tìm cách thức, phương pháp học tập, làm việc hợp lí để có cơ hội chạm đến thành công).
- Lưu ý: HS cần lấy dẫn chứng phù hợp để làm rõ vấn đề
Câu 2 (6,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận văn học.
- Bố cục rõ ba phần; hệ thống ý sáng tỏ, mạch lạc.
- Diễn đạt chính xác, trôi chảy; lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Giải thích
- Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác...Tác phẩm phản ánh thực tại nhưng không phải phản ánh nguyên xi, mà được chọn lọc, được thăng hoa qua cảm hứng sáng tạo, qua lăng kính chủ quan, kết tinh tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ.
- Tác phẩm vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng. Cảm xúc tâm tư mà nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm sẽ lan truyền đến người đọc tạo nên sự rung cảm, đồng điệu.
2. Bàn luận, chứng minh
* Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề
- Tác phẩm văn học là con đẻ tinh thần của nhà văn, là kết quả của quá trình lao động miệt mài nghiêm túc, kết tinh tài năng, sáng tạo, tình cảm, tâm huyết của người nghệ sĩ.
- Nhà văn gửi nỗi lòng, truyền cảm hứng vào từng câu chữ. Khi tiếp nhận, người đọc tắm mình trong thế giới cảm xúc ấy, thả hồn cùng những vui buồn chờ đợi...để cùng rung cảm, nhận thức (HS lấy dẫn chứng chứng minh).
- Từ đó giúp cho người đọc được sống phong phú hơn, tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình (HS lấy dẫn chứng chứng minh).
3. Mở rộng, nâng cao
- Sức mạnh của tác phẩm văn học bắt nguồn từ nội dung của nó và con đường mà nó đến với người đọc người nghe. Tuy nhiên để sống được trong lòng độc giả nội dung ấy phải chuyển tải trong một nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, có tính thẩm mĩ.
- Nhà văn phải trau dồi vốn sống, phải nhạy cảm trước cuộc đời, phải có đời sống tinh thần phong phú, trải nghiệm sâu sắc.
* Lưu ý: Giám khảo linh động khi chấm, đặc biệt những bài viết có tính sáng tạo.