Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Em hãy viết một bài văn nghị luận xã hội với tiêu đề: “Tiếng kêu cứu từ những dòng sông”

Văn mẫu lớp 7: Em hãy viết một bài văn nghị luận xã hội với tiêu đề: “Tiếng kêu cứu từ những dòng sông” gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý nghị luận xã hội với tiêu đề: “Tiếng kêu cứu từ những dòng sông”

1. Đặt vấn đề:

– Khái quát về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam.

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: thực trạng báo động về những dòng sông bị ô nhiễm.

2. Giải quyết vấn đề:

– Thực trạng và nguyên nhân những con sông bị ô nhiễm ngày càng nặng ở nước ta:

+ Sông Thị Vải (Đồng Nai): ô nhiễm do chất thải công nghiệp.

+ Sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy: ô nhiễm do nước thải đô thị và hóa chất công nghiệp.

+ Sông Tô Lịch (Hà Nội): ô nhiễm do rác thải sinh hoạt. ⇒ Nguyên nhân chính:

+ do sự phát triển của các khu công nghiệp, các nhà máy… đã xả chất thải xuống làm ô nhiễm các dòng sông.

+ do ý thức của người dân trong cuộc sống còn thấp kém.

+ do sự quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo…

– Hậu quả của ô nhiễm các dòng sông:

+ Làm ô nhiễm nguồn nước, cây cối, vật nuôi sẽ bị chết.

+ Làm ô nhiễm không khí ở đó, gây nên những căn bệnh nguy hiểm cho con người.

+ Làm mất mỹ quan của thành phố hoặc tỉnh đó.

– Giải pháp:

+ Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

+ Có những chế tài và hình thức xử lý nghiêm khắc với những hành động làm ô nhiễm sông.

+ Phát triển, nâng cao trình độ xử lý hóa chất và rác thải công nghiệp cũng như sinh hoạt, cải tạo lại những dòng sông đã bị ô nhiễm.

3. Kết thúc vấn đề:

– Khái quát lại vấn đề vừa phân tích, bàn luận.

– Kêu gọi hành động chung tay giúp sức của các cá nhân và tập: thể vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nghị luận xã hội với tiêu đề: “Tiếng kêu cứu từ những dòng sông”

Ô nhiễm môi trường hiện nay đã trở thành một thực trạng đáng báo động ở nước ta. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra các hình ảnh, các thông tin và số liệu chứng minh rằng rất nhiều dòng sông trên đất nước ta bị ô nhiễm nặng nề. Ta hãy cùng tìm hiểu thực trạng ô nhiễm sông ngòi nước ta hiện nay như thế nào.

Về với nông thôn Việt Nam ngày nay, chắc hẳn sẽ khó mà tìm được những dòng sông xanh trong, mát lành như trong những câu thơ: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc- Nước gương trong soi tóc những hàng treo trong thơ của Tế Hanh nữa. Mọc lên ở ven sông hoặc ở gần các dòng sông ngày càng nhiều không chỉ là các khu đô thị mà còn cả các nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn. Cùng với sự phát triển kinh tế là những nguy cơ đã hiển hiện rõ về nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, trong đó có ô nhiễm các dòng sông. Và sau đây là những con số khiến chúng ta phải giật mình.

Sông Thị Vải không còn.. thở”, “Vedan đã “giết” sông Thị Vải”… là tiêu đề nóng hổi của những bài báo gần đây về thực trạng ô nhiễm dòng sông này. Nằm trong lưu vực sông Đồng Nai, có những đoạn trên sông Thị Vải bị “chết” kéo dài hàng chục cây số từ khu vực hợp lưu suối Cả đến khu công nghiệp Mỹ Xuân. Trung bình mỗi ngày hàng trăm nhà máy công nghiệp nằm dọc sông Thị Vải đã thải trực tiếp hàng nghìn ki-lô-gam các chất gây ô nhiễm xuống dòng sông.

Còn ở khu vực miền Bắc, thực trạng ô nhiễm ở ba lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy cũng thật nghiêm trọng. Sông Cầu mỗi năm tiếp nhận thêm 180000 tấn phân hóa học và 1500 tấn thuốc trừ sâu. Lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy thì bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm nước sông đang bốc mùi.

Không chỉ ở nông thôn và các tỉnh thành mà ngay ở giữa thủ đô Hà Nội, chúng ta cũng được được tận mắt chứng kiến dòng sông Tô Lịch – một địa danh nổi tiếng của Thăng Long xưa, nay đã trở thành một “dòng sông chết” với màu nước đen và mùi hôi thối đặc trưng.

Vậy, những nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện trạng đáng đau lòng ấy?

Trước hết, phải kể đến nhu cầu và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đang ngày một được đẩy mạnh và tăng cao. Số lượng các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Chính vì sự vô trách nhiệm và vì lợi ích vật chất vị kỉ mà những nhà máy, khu công nghiệp này đã “thoải mái” xả hàng nghìn tấn chất thải hóa học xuống mà không qua xử lý làm ô nhiễm các dòng sông. Các doanh nghiệp, nhà máy công nghiệp này là đối tượng đầu tiên chịu trách nhiệm về thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng này.

Không chỉ vậy, trình độ nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong cuộc sống còn thấp kém cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng sông bị ô nhiễm. Là những người sống gần dòng sông, thậm chí trực tiếp sử dụng nguồn nước từ những dòng sông này, chứng kiến tình trạng môi trường bị hủy hoại nhưng có mấy người dám lên tiếng phản ánh, tố cáo. Nguy hiểm hơn, chính những người dân cũng là “thủ phạm” khi họ thản nhiên xả rác thải sinh hoạt cũng như những hóa chất phế thải dùng trong sản xuất xuống sông. Không ít dòng sông đang dần trở thành những bãi rác của cả một vùng dân cư.

Ngoài ra, hiện trạng ô nhiễm các dòng sông đã kéo dài và trở nên trầm trọng còn do sự quản lý của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng còn lỏng” lẻo. Có thể nói, chính quyền địa phương là thành phần quan trọng có vai trò và chức năng ban bố các văn bản, quy định việc đầu tư xây dựng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ phải đi cùng với bảo vệ môi trường, nghĩa là phải “phát triển bền vững”. Vậy mà nhiều nơi, chính quyền địa phương đã tỏ ra bàng quan, vô trách nhiệm, để cho những hành động phạm pháp ngang nhiên xảy ra. Do đó, họ cũng phải chịu trách nhiệm trước hiện trạng đau lòng này.

Mức độ ô nhiễm sông càng cao thì hậu quả mà nó để lại càng nặng nề.

Hậu quả đầu tiên đó là, các hóa chất độc hại cùng rác thải công nghiệp và sinh hoạt đã làm ô nhiễm nguồn nước. Nồng độ oxy trong nước thấp khiến cho cây cối và các sinh vật ở dưới nước không thể sống được. Điều này không chỉ nguy hại vì đã phá hủy môi trường sinh dưỡng của cây cối và thủy sản mà nó còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân bởi vì họ không thể hưởng lợi nhuận từ việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản được nữa. Vậy nên “cá chết”, còn người thì khóc.

Một hậu quả nữa của ô nhiễm sông là nó dẫn đến ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt, từ đó gây nên những căn bệnh nguy hiểm cho con người. Mùi hôi thối từ những dòng sông bị ô nhiễm và những hóa chất độc hại từ các nhà máy, các khu công nghiệp sẽ ngấm vào nguồn nước, thấm vào đất đai và làm nhiễm độc nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt của người dân. Hậu quả mà nó để lại là rất lâu dài, có thể truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Do vậy mà gần đây, ta đã thấy xuất hiện những “làng ung thư” đang cất lên tiếng kêu cứu đầy bất lực. Chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân gây nên căn bệnh quái ác này cùng những cái chết đau thương, nhưng cũng có thể phần nào thấy được ảnh hưởng không nhỏ của ô nhiễm từ những dòng sông đến sức khỏe và cuộc sống của con người nơi đó.

Bên cạnh đó, những dòng sông bị ô nhiễm cũng còn ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố hoặc của khu vực đó, để lại ấn tượng ghê sợ đối với những người khách khi đến đây.

Như vậy, hậu quả do ô nhiễm các con sông gây nên có thể nói là sâu sắc và toàn diện. Nó không chỉ tác động về mặt kinh tế, môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và diện mạo cảnh quan, văn hóa của khu vực, rộng ra là của cả đất nước.

Đứng trước thực trạng đó, chúng tôi mạn phép đưa ra một số gợi ý về những giải pháp góp phần làm giảm hiện trạng ô nhiễm sông ngòi hiện nay.

Thứ nhất, chúng ta nên nhân rộng hình thức giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Phải có những chiến dịch vận động rộng khắp, những thông tin cụ thể, những hình ảnh ấn tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến người dân ở gần sông. Cần cho họ hiểu thực trạng, hậu quả của ô nhiễm, đồng thời kêu gọi ý thức giữ gìn, bảo vệ những dòng chảy tự nhiên đó.

Thứ hai, chúng ta nên xây dựng những chế tài và áp dụng những hình thức xử lý nghiêm khắc với những hành động làm ô nhiễm sông. Không chỉ các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp mà cả bộ phận lãnh đạo ở địa phương cũng cần bị xử phạt nghiêm minh vì thái độ vô trách nhiệm với cuộc sống của người dân và của chính mình.

Bên cạnh đó, nhất thiết, chúng ta phải nghiên cứu để đạt tới trình độ phát triển khoa học công nghệ cao, nâng cao năng lực xử lý hóa chất và rác thải công nghiệp cũng như sinh hoạt, đồng thời tiến hành cải tạo lại những dòng sông đã bị ô nhiễm. Giải pháp này mang tính thiết thực, cụ thể, đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chuyên trách về môi trường và kinh tế Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, ô nhiễm các dòng sông đã và đang trở thành “vấn nạn” ở nước ta. Ngày càng nhiều các dòng sông lên tiếng kêu cứu. Với mỗi học sinh chúng ta, hãy cùng cất lên tiếng nói, lời kêu gọi bảo vệ những dòng sông thân yêu, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Và đặc biệt, mỗi cá nhân hãy cùng chung tay góp sức, làm cho môi trường của chúng ta trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Em hãy viết một bài văn nghị luận xã hội với tiêu đề: “Tiếng kêu cứu từ những dòng sông” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm