Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 18: Ông đồ

Giải bài tập Ngữ văn bài 18: Ông đồ

Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 18: Ông đồ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo

Ông đồ

Vũ Đình Liên

I. Kiến thức cơ bản

- Vũ Đình Liên (1913 – 1996): Quê gốc ở Hải Dương nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội, là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ Mới. Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Ngoài sáng tác thơ ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học.

- Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ Mới.

Ông đồ của Vũ Đình Liên là bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng đầy gợi cảm. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình cảm đáng thương của “Ông đồ” qua đó toát lên niềm thương cảm chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nuối tiếc nhở cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

II. Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản

Câu 1. Phân tích hình ảnh Ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh Ông đồ ở khổ 3, 4 để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó?

* Ông đồ và phong tục đón Tết của người Việt Nam ngày trước

+ Người Việt Nam chúng ta từ đầu thế kỉ XX về trước bao giờ đón Tết cũng có các thứ:

Thịt lợn, dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Câu đối đỏ được viết bằng chữ Nho (chữ Hán, chữ Nôm) trên tờ giấy điều hình chữ nhật dùng để treo ở hai bên bàn thờ tổ tiên hoặc dán trên vách, thường do ông đồ hoặc các thầy khoá viết.

+ Từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ Nho không còn được coi trọng, ngày Tết không còn mấy ai sắm câu đối hay chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời, dần dần biến mất vào dĩ vãng “chỉ còn là di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

* Hình ảnh ông đồ trong hai khổ thơ đầu

+ Không gian ông đồ xuất hiện:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Ông đồ xuất hiện cùng với hoa đào tươi thắm rực rỡ, với cái nhộn nhịp tưng bừng của phố phường “bên phố đông người qua”.

Từ lại thể hiện sự gắn bó tất yếu, ông đồ và mùa xuân như sự gắn bó đã có từ ngàn đời.

+ Hành động và tâm trạng:

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

Đây chính là lúc ông đồ cảm thấy vui hơn bao giờ hết, ông thể hiện mình trong những nét chữ say mê sáng tạo, nét chữ phượng múa rồng bay hay chính là tâm hồn ông đang bay bổng.

+ Người thuê viết:

Bao nhiêu người thuê viết

Người thuê viết thật đông vòng trong, vòng ngoài chật ních và với những tiếng trầm trồ, ngợi ca, tán thưởng “Tấm tắc ngợi khen tài” và niềm háo hức chờ đợi.

+ Mực tàu giấy đỏ.

Mực tàu giấy đỏ hòa cùng niềm vui với ông đồ cộng hưởng với những sắc màu tươi tắn, đậm nét.

* Hình ảnh ông đồ trong hai khổ thơ 3, 4

+ Không gian ông đồ xuất hiện:

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay.

Không gian buồn ảo não, chảy tràn từ lòng người vào cảnh vật, mưa giăng đầy trời, lá vàng rơi rụng, phố phường vắng ngắt, hoàn toàn đối lập với phố đông người qua ở khổ thơ trên.

Không gian hai khổ thơ 1, 2 rực rỡ, tươi tắn bao nhiêu thì không gian khổ 3, 4 càng ảm đạm bấy nhiêu.

+ Hành động và tâm trạng:

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Dáng ngồi bó gối, bất động kiên nhẫn chờ đợi, nhưng dường như chẳng có ai để ý đến ông. Ông bị đời lãng quên ngay khi đang còn hiện hữu: Không ai hay, xót xa, thương cảm biết bao! Sự tiêu điều của ông đồ hay là sự tiêu điều của cả xã hội?

+ Người thuê viết:

Người thuê viết mỗi năm một vắng: Ít dần... ít dần và không còn một ai. “Người thuê biết nay đâu?” ngơ ngác trống vắng, ông đồ rơi vào “tình cảnh một nghệ sĩ không còn công chúng”.

+ Mực tàu giấy đỏ:

Mực tàu giấy đỏ cũng như tủi sầu với người: “Giấy đỏ buồn không thắm” màu sắc phai nhạt, nghiên mực trở thành nghiên sầu đọng nỗi tâm tư.

Bốn đoạn thơ tạo dựng nên hình ảnh ông đồ với hai thời kì khác nhau: Thời kì oanh liệt vàng son và thời kì tàn, suy thoái. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt đó là luồng gió Tây học đã phá đổ thành trì hệ tư tưởng Nho giáo hàng nghìn năm dẫn đến sự ra đi của nền Hán học. Người đọc không chỉ buồn thương cảm cho ông đồ mà còn ngậm ngùi trước sự thăng trầm dâu bể của cuộc đời.

Câu 2. Phân tích hình ảnh ông đồ trong khổ thơ cuối.

Năm nay đào lại nở,

+ Bài thơ mở ra với màu hoa đào, và khép lại cũng là màu hoa ấy. Đó là lối kết cấu đầu cuối tương ứng. Hoa đào vẫn vậy nhưng ông đồ lại không còn xuất hiện nữa, hai hình ảnh gắn bó từ ngàn đời bỗng dưng thay đổi, một cái không còn, đã mất đi vĩnh viễn.

+ Hình ảnh ông đồ mờ dần, mờ dần và mất hút: Ông đồ giàông đồ xưa → người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ? Câu hỏi lay động lòng người. Ông đồ đã đi về thời xa vắng những nét đẹp và sức mạnh từ trong thẳm sâu vẫn còn lan toả trong hồn người.

III. Tư liệu tham khảo

Chính vì đồng điệu mà nhà thơ có một linh cảm không vui khi cơn gió đã đổi chiều, đổi chiều mà không hiểu vì sao mới thành ngơ ngác.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết này đâu?

Một chữ “nhưng” đặt ở đầu câu nói lên một sự thật, cũng nói lên một tâm trạng. Sự thật ấy là mọi cái đã khác xưa, tâm trạng ấy là bất ngờ, sửng sốt. Đọc kĩ khổ thơ thứ ba ta mới nhận ra một xu thế khó lòng đảo ngược để tất cả trở về vị trí ban đầu (khổ 1). Đông (“Bên phố đông người qua”) đã thành vắng (“Nhưng mỗi năm mỗi vắng”). Đến đã thành đi. Những con người quen thuộc ngày nào nay đã trở nên xa lạ. Có lẽ vẫn là những con người ấy, nhưng trong lòng họ không còn bóng dáng ông đồ. Giữa họ và ông đồ đã diễn ra cảnh đồng sáng dị mộng. Giữa biển người mênh mông đó, ông như một hòn đảo cô đơn. Một câu hỏi nghi vấn có từ nghi vấn, có dấu chấm hỏi ở cuối câu không có lời đáp, không có hồi âm như tan loãng vào không gian hun hút thì đây là tâm trạng xót xa, ngao ngán, đâu còn của người ngoài cuộc nữa. Phải nhập thân vào hình tượng ông đồ đến mức nào mới viết được hai câu thơ đó, cái thực và cái ảo xen nhau:

Giấy đỏ buồn không thắm,

Mực đọng trong nghiên sầu.

(Theo Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo

Bình giảng văn 8)

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay,

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay.

Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kẻ đón người đưa - Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hoá sầu tủi. Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ “đắt khách” nào có thấy gió mưa. Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa rơi trên mặt giấy, nó rơi và nằm tại đây vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động của ông đồ ngồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội.

(Theo Vũ Quần Phương - Thơ với lời bình)

Bức tranh thứ nhất (I và II): Giấy đỏ, mực tàu (đen), nét bút thảo nhanh, tiếng người khen ngợi và “bao nhiêu người thuê biệt”, như những tiếng reo vui. Nhịp điệu nhanh khoẻ, được biểu đạt về ngữ pháp bằng hai câu trọn vẹn. Cả hai đoạn gồm 8 câu thơ, liền một mạch, ở đó ông đồ chiếm vị trí trung tâm, ông bày giấy mực, ông thảo chữ đẹp trong khung cảnh hoa đào nở, phố đông tấp nập. Âm “d” ở bốn câu 1, 2, 3, 4 (hoa đào, ông đồ, giấy đỏ, đông người), âm “t” và “b” ở sáu câu 3, 4, 5, 6, 7, 8 (bày, bên, bao, tấm tắc, tài, tay, bay) là những âm thanh giòn giã có khả năng tăng cường vẻ đông vui ngày Tết, và có thể gọi tiếng pháo nổ.

Giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sâu.

Lá vàng rơi trên giấy, ngoài giời mưa bụi bay.

Tất cả các trùng điệp trên tạo cho ông đồ chất thơ tuyệt đối, tính nhạc thuần tuý, thơ là trùng điệp.

Một số nhà bình luận nói đến chủ đề hoài cổ của thơ Vũ Đình Liên, có lẽ chưa đủ và có lẽ Ông đồ là một triết lí về thời gian.

Vang dội trong lòng người, nhịp thơ ba đoạn cuối này là nhịp ngập ngừng, tái tê, luôn luôn nó dừng lại, luôn luôn nó trùng điệp, day dứt nhưng câu thơ như quẩn quanh, ngẩn ngơ.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 18: Ông đồ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 8 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Cảm nhận về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 18: Nhớ rừng

Đánh giá bài viết
3 1.279
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 8

    Xem thêm