Học sinh kẹt ở quê do dịch Covid-19 phải làm sao

VnDoc mời các bạn cùng tham khảo bài viết Học sinh kẹt ở quê do dịch Covid-19 phải làm sao?

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, số lượng học sinh kẹt ở các tỉnh thành khi về quê nghỉ hè, hay được cha mẹ gửi về quê tránh dịch COVID-19 chiếm số lượng lớn. Vậy học sinh bị mắc kẹt tại quê do dịch và chưa quay trở lại trường học tại nơi cư trú phải làm sao? VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Được “học nhờ” tại các trường ở quê

Giữa tháng 8, trước khi bước vào năm học mới không lâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3508/BGDĐT-GDTrH về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.

Cụ thể, Công văn này yêu cầu các địa phương tiếp nhận, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường.

Quy định này đã giúp nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh tại các địa phương đang giãn cách được đến trường, thay vì phải học online với nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tuy nhiên, từ năm học 2020-2021, học sinh nhiều khối học đã áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và mỗi trường có thể lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp.

Vì thế, khi được tạo điều kiện “học nhờ” tại địa phương, nhiều học sinh và phụ huynh “lăn tăn” vì lo sách của mỗi trường khác nhau, khi trở lại trường cũ sẽ bị “vênh” về nội dung, tiến độ học tập.

Nhưng, cũng nhờ việc tạo điều kiện này, hàng trăm nghìn học sinh đã được đến trường, thay vì phải học online mà không biết bao giờ trường học cũ mới mở cửa trở lại.

Chưa có kế hoạch đón học sinh trở lại

Vì lo ngại bị “vênh” chương trình, nhiều gia đình chọn cho con học online. Tuy nhiên, việc học online cũng gặp nhiều hạn chế như thiết bị, đường truyền chưa thật sự đảm bảo, ông bà già yếu không kèm cặp được hoặc gia đình muốn đón con quay về nhà vì không biết khi nào mới hết dịch.

Nhưng, cho đến nay, đa số các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc có phương án đón học sinh quay trở lại địa phương.

Đồng thời, các quy định hiện hành về điều kiện, giấy tờ, thủ tục cần chuẩn bị cho cha, mẹ được di chuyển liên tỉnh để đón con không rõ ràng, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho người dân và cả các chốt trực phòng chống dịch.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, theo Công văn 2434 ngày 29/7/2021 của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội chỉ quy định chung, những học sinh đi ra khỏi thành phố trước ngày 24/7/2021 muốn quay lại Hà Nội phải xuất trình Căn cước công dân và kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV2 bằng phương pháp PCR (trong vòng 3 ngày).

Tuy nhiên, học sinh chưa thể tự di chuyển từ quê về Hà Nội, trong khi đó, cha, mẹ về quê đón con không thuộc các trường hợp được ra, vào Hà Nội theo Công văn 2434. Mặt khác, địa phương cũng rất “khó khăn” với người về từ Hà Nội do Thủ đô vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội do dịch có những diễn biến rất phức tạp.

Lãnh đạo TP. HCM cũng cho biết, chưa có kế hoạch đón học sinh trở lại Thành phố học tập. Nhiều người cho rằng, dù nguyện vọng của nhiều phụ huynh là đón học sinh về TP. HCM nhưng việc này rất nguy hiểm bởi dịch Covid-19 tại TP. HCM vẫn căng thẳng và các con chưa được tiêm chủng.

Tại Đà Nẵng, Thành phố đã lên phương án đón, nhận gần 2.500 học sinh mắc kẹt ngoại tỉnh trở về. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi hiện nay thành phố còn đang giãn cách xã hội ở vùng vàng và thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” ở vùng đỏ. Vì vậy, phải đến khi thành phố chuyển qua trạng thái bình thường mới thì việc đón học sinh về mới được thực hiện.

Tại các địa phương đã kết thúc giãn cách xã hội như Hà Nội, người dân đang “truyền tai” nhau cách đón con trở về nhà. Cụ thể, người thân ở quê đưa con đi xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ, xin giấy xác nhận vùng xanh của địa phương, sau đó, đưa con đến các chốt trực. Cha, mẹ có thể đón con tại chốt, cần chuẩn bị giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ, giấy tờ chứng minh con có hộ khẩu Hà Nội…

Đánh giá bài viết
1 20
Sắp xếp theo

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm