Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều bài 22

Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 22: Phương thức lây truyền, cách phòng chống và ứng dụng của virus được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 10 sách Cánh diều.

A. Lý thuyết Sinh học 10 bài 22

I. Phương thức lây truyền và cách phòng, chống virus gây bệnh ở thực vật

Khi mới bị nhiễm virus, cơ thể thường không có triệu chứng rõ rệt, đặc trưng nên rất khó kiểm soát sự lây lan của nó trong quần thể.

Sau khi nhân lên trong tế bào, virus lây nhiễm sang tế bào bên cạnh qua cầu sinh chất, hoặc lây nhiễm đến các bộ phận khác trong cây qua mạch dẫn.

Cây bị bệnh có thể lây truyền cho cây khác qua thụ phấn, côn trùng, nông cụ, hạt nhiễm virus ...

Có hai phương thức lây truyền chính là truyền ngang (giữa các cá thể) và truyền dọc (giữa các thế hệ).

Cây bị nhiễm virus thường có biểu hiện lá đốm vàng, đốm nâu ... sọc, xoăn và héo; thân còi cọc; bị lùn.

Hiện nay, người ta phát triển vaccine và thuốc để phòng chống virus. Biện pháp tốt nhất là lựa chọn giống cây sạch bệnh, tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh.

II. Phương thức lây truyền và cách phòng chống bệnh do virus gây ra trên người và động vật

1. Phương thức lây truyền

Có hai phương thức lây truyền là: truyền ngang (cá thể này sang cá thể khác) và truyền dọc (mẹ sang con).

2. Cách phòng chống bệnh do virus

a) Các phòng chống bệnh do virus ở người:

- Thực hiện các biện pháp chung: chăm sóc sức khỏe bản thân, kiểm tra sức khỏe định kì, tiêm vaccine đầy đủ, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ...

- Ngoài ra cần tìm hiểu biểu hiện bệnh, cơ chế lây truyền mỗi loại bệnh để phòng chống khác nhau.

b) Cách phòng chống bệnh do virus ở động vật:

Để phòng chống bệnh do virus gây ra ở động vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cần tìm hiểu rõ triệu chứng gây bệnh và cơ chế lây truyền, không sử dụng động vật nhiễm virus, chôn lấp đúng quy trình; vệ sinh chuồng trại; chủ động tiêm vaccine ...

3 Các biến chủng ở virus

Trong quá trình nhân lên trong tế bào vật chủ, bộ gene của virus có thể bị đột biến và thay đổi so với bộ gen ban đầu, tạo ra các biến thế mới.

Một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học của virus như làm tăng khả năng lây nhiễm, tăng khả năng xâm nhập và tế bào vật chủ, do đó virus có thể lẩn tránh hệ miễn dịch.

III. Ứng dụng virus

1. Một số thành tựu về ứng dụng virus trong sản xuất chế phẩm y học

Chế phẩm sinh học là các sản phẩm được tạo ra bằng con đường sinh học. Nhờ ứng dụng virus mà con người tạo ra một lượng lớn chế phẩm trong thời gian ngắn, giúp giảm giá thành và đáp ứng được nhu cầu.

2. Ứng dụng trong nông nghiệp và sản xuất thuốc trừ sâu sinh học

Người ta cho nhiễm virus vào các loài côn trùng và nuôi chúng tạo ra các chế phẩm diệt côn trùng gây hại thực vật.

Ví dụ: Baculovirus là nhóm virus có khả năng kí sinh gây bệnh trên 600 loại côn trùng. Người ta dùng chúng để sản xuất thuốc trừ sâu diệt côn trùng gây hại.

Sơ đồ tư duy phương thức lây truyền, cách phòng chống và ứng dụng của virus:

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 bài 22

Câu 1: Ở người và động vật, phương thức lây truyền bệnh do virus từ cơ thể này sang cơ thể khác qua 2 phương thức là

A. lây truyền ngang và lây truyền dọc.

B. lây truyền qua đường tiêu hóa và lây truyền qua đường máu.

C. lây truyền qua đường hô hấp và lây truyền qua đường tiêu hóa.

D. lây truyền qua vết trầy xước trên cơ thể và lây truyền qua quan hệ tình dục.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Ở người và động vật, phương thức lây truyền bệnh do virus từ cơ thể này sang cơ thể khác qua 2 phương thức là lây truyền ngang và lây truyền dọc.

Câu 2: Cho các con đường lây truyền sau:

(1) Qua đường hô hấp

(2) Qua đường tiêu hoá

(3) Qua vết trầy xước trên cơ thể

(4) Qua quan hệ tình dục

(5) Qua đường máu

(6) Qua mẹ truyền sang con

Số con đường lây truyền thuộc phương thức lây truyền ngang là

A. 4.

B. 5.

C. 3.

D. 6.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Con đường lây truyền thuộc phương thức lây truyền ngang là: (1), (2), (3), (4), (5).

Câu 3: Các con đường lây truyền bệnh HIV/AIDS là

A. đường máu, đường tình dục, mẹ truyền sang con.

B. đường máu, đường hô hấp, mẹ truyền sang con.

C. đường tình dục, đường tiêu hóa, đường hô hấp.

D. đường tiêu hóa, đường máu, đường tình dục.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Các con đường lây truyền bệnh HIV/AIDS là: đường máu, đường tình dục, mẹ truyền sang con.

Câu 4:Một người bị nhiễm SARS-CoV-2 hắt hơi làm các giọt tiết bắn ra và lây lan sang những người xung quanh khi họ hít phải. Đây là kiểu lây lan qua con đường nào?

A. Đường tiêu hóa.

B. Đường hô hấp.

C. Đường bài tiết.

D. Đường tình dục.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Virus SARS-CoV-2 lây lan qua đường hô hấp: Một người bị nhiễm SARS-CoV-2 hắt hơi làm các giọt tiết bắn ra và lây lan sang những người xung quanh khi họ hít phải.

Câu 5: Để phòng tránh lây nhiễm COVID - 19 do SARS -CoV-2 gây ra, cần thực hiện biện pháp nào sau đây?

A. Tiêu diệt muỗi vằn truyền bệnh, mắc màn khi đi ngủ.

B. Tránh tiếp xúc với động vật, không để động vật cắn.

C. Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn.

D. Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, tiêm vaccine.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: D

Thông điệp của Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống dịch COVID - 19 do SARS -CoV-2 gây ra cần: khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách và vaccine.

Câu 6: Để xâm nhập vào tế bào thực vật virus không sử dụng phương thức nào sau đây?

A. Virus truyền từ cây này sang cây kia thông qua các vết thương.

B. Virus truyền từ tế bào này sang tế bào bên cạnh qua cầu sinh chất.

C. Virus trực tiếp phá hủy thành cellulose để xâm nhập vào tế bào thực vật.

D. Virus truyền từ cây mẹ sang cây con qua hạt phấn, hạt giống hay hình thức nhân giống vô tính.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Virus không thể trực tiếp xâm nhập vào tế bào thực vật do tế bào thực vật có thành cellulose cứng chắc.

Câu 7: Virus có thể lây nhiễm từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cây thông qua

A. cầu sinh chất.

B. hệ thống mạch dẫn.

C. khung xương tế bào.

D. hệ thống nội màng.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Virus có thể lây nhiễm từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cây thông qua hệ thống mạch dẫn.

Câu 8: Cây bị nhiễm virus thường có biểu hiện là

A. lá bị đốm vàng, đốm nâu, bị sọc hay vằn, bị xoăn và héo, bị úa vàng và rụng; thân còi cọc hoặc bị lùn.

B. lá bị đốm vàng, đốm nâu, bị sọc hay vằn, bị xoăn và héo, bị úa vàng và rụng; thân cây mọc cao vống lên.

C. lá chuyển sang màu xanh đậm bất thường, bị xoăn, rụng sớm; thân cây còi cọc hoặc lùn, dễ bị đổ gãy.

D. lá bị đốm vàng, đốm nâu, bị nhỏ đi và dày lên bất thường, dễ rụng sớm; thân cây phát triển nhiều nhánh.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Cây bị nhiễm virus thường có biểu hiện lá bị đốm vàng, đốm nâu, bị sọc hay vằn, bị xoăn và héo, bị úa vàng và rụng; thân còi cọc hoặc bị lùn.

Câu 9: Cho các biện pháp sau:

(1) Chọn giống cây sạch bệnh

(2) Tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh

(3) Tạo giống cây trồng kháng virus

(4) Phun thuốc trừ sâu

Số biện pháp có thể sử dụng để phòng, chống virus gây bệnh ở thực vật là

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Các biện pháp có thể sử dụng để phòng, chống virus gây bệnh ở thực vật là: (1), (2), (3).

Câu 10: Vì sao để hạn chế sự lây truyền của virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở lúa, người ta thường phun thuốc diệt rầy nâu?

A. Vì rầy nâu là tác nhân trực tiếp gây ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

B. Vì rầy nâu là vật chủ trung gian truyền virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

C. Vì rầy nâu hút nhựa cây khiến cây bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá héo nhanh hơn.

D. Vì rầy nâu hút nước của cây khiến cây bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá héo nhanh hơn.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Rầy nâu là vật chủ trung gian truyền virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Câu 11: Miễn dịch đặc hiệu khác miễn dịch không đặc hiệu ở điểm là

A. được hình thành sau khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh.

B. là phản ứng miễn dịch chung đối với tất cả các mầm bệnh.

C. giúp ngăn cản mầm bệnh xâm nhập vào tế bào và cơ thể.

D. được hình thành mà không cần yêu cầu tiếp xúc với mầm bệnh.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Miễn dịch đặc hiệu chỉ hoạt động khi mầm bệnh đã xâm nhập vào cơ thể và thể hiện tính đặc hiệu đối với từng mầm bệnh cụ thể.

Câu 12: Con người thường chủ động kích hoạt miễn dịch đặc hiệu của cơ thể bằng cách

A. vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

B. vệ sinh môi trường sạch sẽ.

C. tiêm vaccine.

D. hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Con người thường chủ động kích hoạt miễn dịch đặc hiệu của cơ thể bằng cách tiêm vaccine: Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, khi được đưa vào trong cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận diện và hình thành kháng thể phù hợp để liên kết và làm bất hoạt kháng nguyên. Đồng thời, hệ thống miễn dịch cũng ghi nhớ để nếu có kháng nguyên tương tự xâm nhập vào thì cơ thể sẽ chủ động hình thành kháng thể để bất hoạt kháng nguyên đó ngay.

Câu 13:Vì sao các virus RNA có nhiều biến thể hơn so với các virus DNA?

A. Virus RNA không có khả năng tự sửa chữa như ở virus DNA, nên có tỉ lệ đột biến cao hơn.

B. Virus RNA chứa hệ gene nhỏ nên dễ xảy ra đột biến hơn virus DNA.

C. Virus RNA có khả năng biến đổi hình thái dễ dàng hơn do chúng có lớp vỏ ngoài.

D. Virus RNA có thể điều khiển hệ gene của vật chủ để làm biến đổi gai glycoprotein.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Virus nói chung và đặc biệt là những virus có hệ gene là RNA thường có tần số và tốc độ đột biến rất cao bởi vì enzyme polymerase do virus tổng hợp không có cơ chế sửa chữa.

Câu 14: Dựa vào đặc điểm nào mà virus được dùng làm vector chuyển gene tạo giống cây trồng?

A. Virus có khả năng tự đưa nucleic acid mang theo gene cần chuyển vào trong tế bào vật chủ (giống cây trồng).

B. Virus có khả năng điều khiển quá trình tái bản của hệ gene vật chủ (giống cây trồng).

C. Nucleic acid của virus có chứa các gene có lợi cho cây trồng và có thể chuyển chúng vào cây trồng.

D. Virus có khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Virus có khả năng tự đưa nucleic acid mang theo gene cần chuyển vào trong tế bào vật chủ (giống cây trồng). Dựa vào đặc điểm này, người ta sử dụng virus làm vector chuyển gene giúp chuyển các gene kháng vi khuẩn, kháng virus, kháng sâu bệnh, chịu hạn,… vào cây trồng để tạo các giống cây trồng kháng bệnh.

Câu 15:Thuốc trừ sâu từ virus được sản xuất dựa trên cơ sở nào sau đây?

A. Một số loại virus mang gene kháng vi nấm gây bệnh cho cây trồng.

B. Một số loại virus làm vector chuyển gene kháng bệnh cho cây trồng.

C. Một số loại virus có khả năng tạo ra chất để tiêu diệt sâu hại cây trồng.

D. Một số loại virus có khả năng xâm nhập và gây bệnh cho sâu hại cây trồng.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: D

Một số loại virus có khả năng xâm nhập và gây bệnh cho sâu hại cây trồng. Dựa vào đặc điểm này, người ta sử dụng sâu làm vật chủ để nhân nhanh số lượng virus, tạo chế phẩm thuốc trừ sâu.

-------------------------

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 22: Phương thức lây truyền, cách phòng chống và ứng dụng của virus sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Sinh học 10, Giải bài tập Sinh học lớp 10, Giải Vở BT Sinh Học 10, Sinh học 10 Kết nối tri thức, Sinh học 10 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 10.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Cự Giải
    Cự Giải

    🤠🤠🤠🤠🤠🤠🤠

    Thích Phản hồi 20:28 22/02
    • Kẹo Ngọt
      Kẹo Ngọt

      😃😃😃😃😃😃😃

      Thích Phản hồi 20:28 22/02
      • Vợ cute
        Vợ cute

        😍😍😍😍😍😍😍

        Thích Phản hồi 20:28 22/02
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Lý thuyết Sinh 10 Cánh diều

        Xem thêm