Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều bài 9

Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 9: Trao đổi chất qua màng sinh chất được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 10 sách Cánh diều.

A. Lý thuyết Sinh học 10 bài 9

I. Khái niệm trao đổi chất ở tế bào

Trao đổi chất ở tế bào thực chất là tập hợp các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào và trao đổi chất giữa tế bào với môi trường.

Có hai hình thức trao đổi chất qua màng: vận chuyển chủ động và vận chuyển thụ động.

II. Sự vận chuyển thụ động qua màng sinh chất

1. Sự khuếch tán

Là sự khuếch tán các chất từ nơi có nồng độ chất tan cao đến nơi có nồng độ chất tan thấp (xuôi chiều gradient nồng độ) và không tiêu tốn năng lượng của tế bào.

Gồm có ba hình thức: khuếch tán đơn giản, khuếch tán tăng cường và thẩm thấu.

Đặc điểmKhuếch tán đơn giảnKhuếch tán tăng cường
Con đườngQua lớp kép phospholipidQua protein kênh hoặc protein mang

Các chất vận chuyểnKhông phân cực và nhỏ: O2, CO2, nướcIon, chất phân cực, nước, amino acid...
Tốc độ vận chuyểnPhụ thuộc vào bản chất chất tan, sự chênh lệch nồng độPhụ thuộc vào số lượng kênh protein.
Tế bào có thể tự điều chỉnh thông qua việc thêm kênh và đóng mở kênh theo nhu cầu

2. Thẩm thấu

Sự khuếch tán các phân tử nước qua màng tế bào gọi là sự thẩm thấu. Tốc độ thẩm thấu của nước phụ thuộc vào áp suất thẩm thấu của tế bào.

Áp suất thẩm thấu của tế bào cao hay thấp phụ thuộc vào nồng độ chất tan trong tế bào. Dựa vào nồng độ chất tan trong dung dịch có dung môi là nước, người ta chia môi trường bên trong và bên ngoài tế bào thành 3 loại: ưu trương, đẳng trương và nhược trương.

III. Vận chuyển chủ động qua màng sinh chất

Là kiểu vận chuyển qua màng từ nơi có nồng độ chất tan thấp tới nơi có nồng độ chất tan cao (ngược chiều gradient nồng độ) và cần tiêu tốn năng lượng.

Các phân tử được vận chuyển qua bơm protein, muốn bơm hoạt động, tế bào phải cung cấp cho nó ATP.

VD: các tế bào thận sử dụng 90% năng lượng để lọc máu và bơm các amino acid và glucose từ nước tiểu trở lại máu.

IV. Sự nhập bào và xuất bào

Là hình thức vận chuyển các đại phân tử như protein, đường đa, DNA, … không thể đi qua protein xuyên màng. Tế bào lấy các chất này vào bằng cách thực bào và xuất bào.

Tế bào lấy vào các phân tử có kích thước lớn, hoặc thậm chí là cả một tế bào nhờ sự biến dạng màng tế bào, bọc lấy vật cần chuyển và hình thành bóng chứa tách khỏi màng và di chuyển vào trong.

Là hình thức vận chuyển các chất có kích thước lớn, có thể là các sản phẩm tiết, chất độc hại, chất thải … ra khỏi tế bào. Bóng chứa chất này tiến lại gần màng tế bào và liên kết với màng tế bào, giải phóng chất ra bên ngoài.

Sơ đồ tư duy trao đổi chất qua màng sinh chất:

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 bài 9

Câu 1: Sự thẩm thấu là

A. sự di chuyển của các phân tử nước qua màng bán thấm ngăn cách giữa hai vùng có nồng độ chất tan khác nhau.

B. sự di chuyển của các phân tử khí qua màng bán thấm ngăn cách giữa hai vùng có nồng độ chất tan khác nhau.

C. sự di chuyển của các phân tử chất tan qua màng bán thấm ngăn cách giữa hai vùng có nồng độ chất tan khác nhau.

D. sự di chuyển của các phân tử đường qua màng bán thấm ngăn cách giữa hai vùng có nồng độ chất tan khác nhau.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Sự thẩm thấu là sự di chuyển của các phân tử nước qua màng bán thấm ngăn cách giữa hai vùng có nồng độ chất tan khác nhau.

Câu 2: Nguyên lí của sự thẩm thấu là

A. nước di chuyển từ nơi có thế nước cao sang nơi có thế nước thấp hơn.

B. nước di chuyển từ nơi có ít phân tử nước sang nơi có nhiều phân tử nước hơn.

C. nước di chuyển từ nơi có nồng độ chất tan cao sang nơi có nồng độ chất tan thấp hơn.

D. nước di chuyển từ nơi có áp suất thẩm thấu cao sang nơi có áp suất thẩm thấu thấp hơn.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Nước di chuyển từ nơi có nhiều phân tử nước (nồng độ chất tan thấp, thế nước cao, áp suất thẩm thấu thấp) sang nơi có ít phân tử nước (nồng độ chất tan cao, thế nước thấp, áp suất thẩm thấu cao).

Câu 3: Dung dịch có nồng độ chất tan bằng nồng độ chất tan trong tế bào thì được gọi là dung dịch

A. ưu trương.

B. nhược trương.

C. đẳng trương.

D. bão hòa.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Khi dung dịch có nồng độ chất tan bằng nồng độ chất tan trong tế bào thì được gọi là dung dịch đẳng trương.

Câu 4: Cho tế bào hồng cầu ếch vào môi trường A thấy tế bào hồng cầu bị teo lại. Môi trường A là

A. môi trường bão hòa.

B. môi trường ưu trương.

C. môi trường đẳng trương.

D. môi trường nhược trương.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Môi trường ưu trương là môi trường có nồng độ chất tan cao hơn nồng độ chất tan trong tế bào → Khi cho tế bào động vật vào môi trường ưu trương, nước từ tế bào bào đi ra ngoài môi trường dẫn đến hiện tượng teo bào.

Câu 5: Cho tế bào biểu bì của thài lài tía vào môi trường NaCl 10% sẽ xuất hiện hiện tượng nào sau đây?

A. Cả tế bào co lại.

B. Cả tế bào trương phồng lên.

C. Khối nguyên sinh chất của tế bào co lại.

D. Khối nguyên sinh chất của tế bào trương phồng lên rồi vỡ.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Môi trường NaCl 10% là môi trường ưu trương đối với tế bào thực vật → Khi cho tế bào thực vật vào môi trường NaCl 10%, tế bào thực vật bị mất nước nhưng do có thành tế bào cứng chắc nên chỉ có khối nguyên sinh chất của tế bào co lại, tách khỏi thành tế bào (hiện tượng co nguyên sinh).

Câu 6: Trao đổi chất ở tế bào là

A. sự trao đổi các chất giữa tế bào và môi trường.

B. tập hợp các phản ứng hoá học diễn ra trong tế bào và sự trao đổi các chất giữa tế bào và môi trường.

C. tập hợp các quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra trong tế bào và sự trao đổi các chất giữa tế bào và môi trường.

D. tập hợp các phản ứng hoá học diễn ra trong tế bào và sự trao đổi các chất qua lại giữa các tế bào với nhau.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Trao đổi chất ở tế bào là tập hợp các phản ứng hoá học diễn ra trong tế bào và sự trao đổi các chất giữa tế bào và môi trường.

Câu 7: Các hình thức trao đổi chất qua màng gồm

A. khuếch tán và thẩm thấu.

B. vận chuyển chủ động và xuất nhập bào.

C. vận chuyển thụ động và vận chuyển chủ động.

D. vận chuyển thụ động và xuất nhập bào.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Có hai hình trao đổi chất qua màng gồm vận chuyển thụ động và vận chuyển chủ động.

Câu 8: Đặc điểm nào sau đây là đúng khi nói về sự khuếch tán các chất qua màng?

A. Diễn ra theo chiều gradient nồng độ.

B. Chỉ diễn ra khi có sự chênh lệch nồng độ hai bên màng.

C. Là hình thức vận chuyển chủ yếu của các ion khoáng.

D. Có sự tiêu tốn năng lượng ATP nhưng với mức độ thấp.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Sự khuếch tán các chất qua màng diễn ra theo chiều gradient nồng độ, không tiêu tốn năng lượng ATP, có thể diễn ra khi nồng độ hai bên màng chênh lệch hoặc cân bằng. Đây là hình thức vận chuyển các chất có thể đi qua lớp lipid kép.

Câu 9: Các chất thường được vận chuyển thụ động theo hình thức khuếch tán tăng cường là

A. các chất khí và các phân tử ưa nước.

B. các chất khí và các phân tử kị nước.

C. các phân tử ưa nước và các ion.

D. các phân tử kị nước và các ion.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: C

Các phân tử ưa nước như đường, amino acid đi qua lớp lipid với tốc độ rất thấp, còn các ion khoáng thì hầu như không đi qua được nên chúng thường được vận chuyển thụ động theo hình thức khuếch tán tăng cường.

Câu 10: Khuếch tán tăng cường khác khuếch tán đơn giản ở điểm là

A. có tiêu tốn năng lượng ATP.

B. cần có protein vận chuyển.

C. khuếch tán trực tiếp qua lớp lipid kép.

D. vận chuyển ngược chiều gradient nồng độ.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Khuếch tán tăng cường cần có protein vận chuyển còn khuếch tán đơn giản là hình thức khuếch tán trực tiếp qua lớp lipid kép.

Câu 11: Trong môi trường nhược trương, tế bào động vật bị trương lên rồi vỡ còn tế bào thực vật thì chỉ bị trương lên mà không bị vỡ ra là do

A. tế bào thực vật có lục lạp.

B. tế bào thực vật có kích thước lớn.

C. tế bào thực vật có không bào trung tâm.

D. tế bào thực vật có thành tế bào cứng chắc.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: D

Tế bào thực vật có thành tế bào cứng chắc nên khi nhiều phân tử nước đi vào trong tế bào sẽ làm tế bào trương lên và gây áp lực lên thành tế bào dẫn đến sự ngăn cản các phân tử nước khác đi vào. Nhờ đó, dù đặt tế bào thực vật trong môi trường nhược trương thì tế bào cũng không bị vỡ.

Câu 12: Điểm khác nhau cơ bản của vận chuyển chủ động so với vận chuyển thụ động là

A. có sự vận chuyển các chất ngược chiều gradient nồng độ và tiêu tốn năng lượng.

B. có sự vận chuyển các chất cùng chiều gradient nồng độ và tiêu tốn năng lượng.

C. có sự vận chuyển các chất ngược chiều gradient nồng độ và không tiêu tốn năng lượng.

D. có sự vận chuyển các chất cùng chiều gradient nồng độ và không tiêu tốn năng lượng.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: A

Vận chuyển chủ động là sự vận chuyển các chất ngược chiều gradient nồng độ và tiêu tốn năng lượng. Vận chuyển thụ động là sự vận chuyển các chất cùng chiều gradient nồng độ và không tiêu tốn năng lượng.

Câu 13: Các hình thức trao đổi chất qua màng sinh chất tiêu tốn năng lượng gồm

A. vận chuyển chủ động, xuất bào, thẩm thấu.

B. vận chuyển chủ động, xuất bào, nhập bào.

C. vận chuyển chủ động, khuếch tán, nhập bào.

D. vận chuyển chủ động, xuất bào, khuếch tán.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Các hình thức trao đổi chất qua màng sinh chất tiêu tốn năng lượng gồm: vận chuyển chủ động, xuất bào, nhập bào.

Câu 14: Điểm khác nhau giữa hình thức xuất nhập bào với các hình thức vận chuyển chủ động khác là

A. có sự tiêu tốn năng lượng.

B. không có sự tiêu tốn năng lượng.

C. có sự tham gia của kênh protein.

D. có sự biến dạng của màng sinh chất.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: D

Hình thức xuất nhập bào không có sự tham gia của các kênh protein vận chuyển mà các chất được vận chuyển nhờ sự biến dạng của màng sinh chất.

Câu 15: Cho các hoạt động sau:

(1) Hấp thụ nước ở rễ cây

(2) Trao đổi khí O2 và CO2 ở phổi

(3) Tuyến tụy tiết enzyme, hormone

(4) Hấp thụ glucose ở ống thận

Số hoạt động có sự tham gia của hình thức vận chuyển chủ động là

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Hình thức vận chuyển chủ động: (3), (4).

Hình thức vận chuyển thụ động: (1), (2).

>>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều bài 10

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 9: Trao đổi chất qua màng sinh chất sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Sinh học 10, Giải bài tập Sinh học lớp 10, Giải Vở BT Sinh Học 10, Sinh học 10 Kết nối tri thức, Sinh học 10 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 10.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Đinh Đinh
    Đinh Đinh

    😉😉😉😉😉😉

    Thích Phản hồi 15:28 22/02
    • Đen2017
      Đen2017

      💯💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 15:28 22/02
      • Xucxich14
        Xucxich14

        🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙

        Thích Phản hồi 15:28 22/02

        Sinh học 10 Cánh Diều

        Xem thêm