Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường
Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường
- I. Dàn ý Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt
- Dàn ý Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt mẫu 1
- Dàn ý Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt mẫu 2
- II. Văn mẫu Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt
Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường là tài liệu văn mẫu hay dành cho các bạn học sinh lớp 8. tài liệu này bao gồm một số bài văn mẫu về tâm trạng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng. Các bạn có thể tham khảo để hoàn thành bài viết của mình hay hơn.
Cảm nhận về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ
Phân tích tâm trạng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ
Phân tích hình tượng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ
I. Dàn ý Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt
Dàn ý Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Thế Lữ, bài thơ Nhớ rừng và dẫn dắt vào ý kiến: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt.
2. Thân bài
a. Khổ thơ đầu
Tác giả mượn lời con hổ bị giam cầm trong cũi sắt nơi vườn bách thú, đã diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng vì mất tự do của con hổ cũng như người dân Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.
Là chúa tể của muôn loài đang thỏa sức tung hoành ngang dọc, cuộc sống tự do tự tại nay bị nhốt chặt trong một không gian chật chội, tù túng với một thời gian dài.
Nhìn bề ngoài, nó có vẻ cam chịu, bất lực, buông xuôi nhưng bên trong nó lại đang nung nấu một ngọn lửa căm hờn đang bốc cháy ngùn ngụt.
Trong tâm trạng ấy, hổ căm thù và khinh bỉ thế giới xung quanh nó. Căm thù và khinh bỉ những kẻ đã cướp mất cuộc sống tự do của nó, còn hạ nhục nó bằng cách xếp nó ngang hàng với những kẻ vô tư lự, không suy nghĩ, thậm chí còn mang nó ra làm đồ chơi mua vui cho thiên hạ.
b. Khổ thơ thứ 2
Những từ ngữ đẹp đẽ nhất, gợi cảm nhất như: Bóng cả, cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, hoang vu, bí mật… được tác giả sử dụng để miêu tả khung cảnh hùng vĩ, hoang dã và sức sống mãnh liệt của chốn rừng sâu núi thẳm – giang sơn bao đời của dòng họ chúa sơn lâm.
Mở đầu là tiếng gầm vang động núi rừng, tiếp theo là bàn chân với móng vuốt sắc nhọn bước nhẹ nhàng trên nền lá, sau đó là tấm thân dài, mềm mại, uyển chuyển.
Những hình ảnh giàu chất tạo, hình đã diễn tả sống động vẻ đẹp dũng mãnh, mềm mại, uyển chuyển và sức mạnh bên trong ghê gớm của vị chúa tể rừng xanh giữa núi rừng uy nghiêm, hùng vĩ.
c. Khổ thơ thứ 3
Bốn cảnh: Những đêm vàng, những ngày mưa, những bình minh, những chiều lênh láng máu sau rừng, cảnh nào cũng tráng lệ, lần lượt hiện lên trong nỗi nhớ tiếc khôn nguôi của con hổ sa cơ.
Đại từ ta lặp lại nhiều lần trong bài thơ tạo nên nhạc điệu rắn rỏi, hùng tráng của câu thơ, thể hiện khẩu khí đẩy tự tôn, tự hào của vị chúa tể muôn loài.
Nhưng dẫu huy hoàng đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ là hào quang của dĩ vãng hiện ra trong hoài niệm. Những điệp ngữ: Nào đâu, đâu những… lặp đi lặp lại nhấn mạnh sự tiếc nuối của con hổ đối với quá khứ vinh quang. Chúa sơn lâm dường như ngơ ngác, chới với trước thực tế phũ phàng mà mình đang phải chịu đựng.
d. Khổ thơ thứ 4
Cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt trái ngược với khung cảnh rừng sâu núi thẳm hoang vu nơi nó đã từng ngự trị. Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng là hình ảnh ẩn dụ ám chỉ thực tại của xã hội đương thời.
Âm hưởng thơ tỏ rõ tâm trạng chán chường, khinh miệt của số đông thanh niên có học thức trước thực tại quẩn quanh, bế tắc của xã hội lúc bấy giờ.
e. Khổ thơ cuối
Trong cảnh giam cầm, hổ chỉ còn biết gửi hồn về chốn nước non hùng vĩ, giang sơn của giống hầm thiêng ngự trị tự ngàn xưa. Bất bình với hiện tại nhưng không thể thoát khỏi xích xiềng nô lệ vị chúa tể sơn lâm đầy uy vũ ngày nào giờ đành buông xuôi, tự an ủi mình bằng những giấc mộng ngàn to lớn trong quãng đời tù túng còn lại.
Tâm trạng của con hổ bị giam cầm cũng là tâm trạng chung của người dân Việt Nam đang sống trong cảnh nô lệ bị nhục nhằn tù hãm, cũng ngậm một khối căm hờn và tiếc nhớ khôn nguôi thời oanh liệt với những chiến công chống giặc ngoại xâm vẻ vang trong lịch sử. Chính vì động đến chỗ sâu thẳm của lòng người nên bài thơ vừa ra đời đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa đặc sắc của tác phẩm.
Dàn ý Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt mẫu 2
*Mở bài:
Thế Lữ là một nhà thơ tiêu biểu, đóng góp không nhỏ cho phong trào Thơ mới buổi đầu. Ông được mệnh danh là ‘‘Đương thời đệ nhất thi ca’’. Bài thơ ‘‘Nhơ rừng’’ được Thế Lữ sáng tác năm 1935 in trong tập ‘‘Mấy vần thơ’’. Nhận xét về bài thơ, SGK ngữ văn 8 tập 2 có viết ‘‘Nhớ rừng của Thế Lữ mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt.
*Thân bài
1. Với 8 dòng thơ mở đầu bài thơ Nhớ rừng, mượn lời con hổ bị giam cầm trong cũi sắt nơi vườn bách thú, đã diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng vì mất tự do của con hổ cũng như người dân Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Hai câu thơ mở đầu vang lên thật đột ngột, trực tiếp diễn tả hành động ‘‘Gậm’’, tâm trạng căm hờn và tư thế ‘‘nằm dài trông’’ của con hổ trong cũi sắt ở vườn bách thú. Từ chỗ là chúa tể của muôn loài đang thỏa sức tung hoành ngang dọc, cuộc sống tự do tự tại nay bị nhốt chặt trong một không gian chật chội, tù túng với một thời gian dài. Cảnh ngộ của hổ thật đáng thương, thật tội nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, nhìn bề ngoài, nó có vẻ cam chịu, bất lực, buông xuôi nhưng bên trong nó lại đang nung nấu một ngọn lửa căm hờn đang bốc cháy ngùn ngụt. Nó ‘‘Gậm khối căm hờn’’ không sao hóa giải được, không làm thế nào để tan biến được. Căm hờn ấy đã kết tụ lại thành hình, thành khối, thành tảng cứng như cũi sắt lạnh lùng kia. Dùng một động từ cụ thể, danh từ hóa một tính từ nhằm diễn tả tâm trạng của chúa sơn lâm tạo cảm hứng chi toàn bài chính là thành công đầu tiên của tác giả.
Trong tâm trạng ấy, hổ căm thù và khinh bỉ thế giới xung quanh nó. Căm thù và khinh bỉ những kẻ đã cướp mất cuộc sống tự do của nó, còn hạ nhục nó bằng cách xếp nó ngang hàng với những kẻ vô tư lự, không suy nghĩ, thậm chí còn mang nó ra làm đồ chơi mua vui cho thiên hạ.
Tình cảnh của hổ cũng chính là tình cảnh mất tự do, nô lệ, lầm than của người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Tâm trạng căn hờn, uất hận ngùn ngụt của hổ cũng chính là thái độ bất hòa sâu sắc của người dân với giai cấp thống trị. Nhà thơ thấy đau đớn, xót xa khi giống nòi Rồng tiên bị kẻ thù coi là bọn man ri, mọi rợ.
2. Nhưng dù ngùn ngụt ngọn lửa căm hờn đến mấy thì con hổ chỉ có thể thu mình trong mộng tưởng nhớ về một thời oanh liệt đã mất khi sống ở núi rừng đại ngàn. 2 tiếng ‘‘ngày xưa’’ nghe thật xa vời như không bao giừ còn có thể trở lại.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thưở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Trong kí ức của hổ cảnh núi rừng đại ngàn hiện lên với một vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ, thâm nghiêm, bí ẩn với bóng cả, cây già, âm thanh của gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi. Phép điệp ngữ ‘‘với’’ đã diễn tả dòng cảm xúc đang dâng trào mãnh liệt trong tâm hồn hổ. Và khi nó nhớ về cảnh núi rừng đại ngàn hùng vĩ không giấu nổi niềm tự hào.
Ở chốn nước non hùng vĩ ấy, hình ảnh chúa sơn lâm hiện lên thật dũng mãnh:
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Những từ ngữ chỉ tư thế kết hợp với biện pháp so sánh giúp ta hình dung vẻ đẹp vừa mềm mại, vừa cân dối lại dũng mãnh đầy uy quyền của chúa tể rừng xanh. Câu thơ có sự co duỗi nhịp nhàng theo nhịp bước chân của hổ giúp ta hình dung con hổ giống như một vị hoàng đế đang từng bước oai phong đến với ngai vàng của mình. Mở đầu là tiếng gầm vang động núi rừng, tiếp theo là bàn chân với móng vuốt sắc nhọn bước nhẹ nhàng trên nền lá, sau đó là tấm thân dài, mềm mại, uyển chuyển. Như vậy trong mỗi hành động hổ đã cho mọi vật thấy uy quyền của mình.
Hòa vào dòng cảm xúc ấy, nhiều kỉ niệm đẹp hiện về trong tâm trí của hổ. Mỗi kỉ niệm lại gắn với một không gian khác nhau và cảm xúc khác nhau gợi ra những khung cảnh thiên nhiên đẹp như những bức tranh:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Hai chữ nào đâu phiếm chỉ, hỏi một kỉ niệm đẹp đã lùi xa vào quá khứ với bao niềm nhớ tiếc, bâng khuâng. Áng trăng chan hòa trên dòng suối, tan vào nước. Hổ say mồi và say trăng trở thành một thi sĩ lãng mạn thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng bên suối vắng. Trong những ngày mưa dữ dội, hổ ung dung, tự tại, trầm ngâm ngắm nhìn giang sơn của mình đang thay đổi. Và khi vương quốc của nó tràn ngập trong màu xanh cùng ánh nắng rộn rã âm thanh thì hổ trở thành một bậc đế vương có chim ca hầu quanh giấc ngủ. Có thể nói đẹp nhất, dữ dội nhất, bi tráng nhất là cảnh hoàng hôn đỏ:
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Nhớ đêm trăng, ngày mưa, bình minh rồi hổ lại nhớ những chiều tà trong khoảnh khắc hoàng hôn chờ đợi. Trong cảm nhận của hổ trời chiều không đỏ rực mà là ‘‘lênh láng máu sau rừng’’, Mặt trời không lặn mà ‘‘chết’’. Vào lúc ấy, hổ sẽ chiếm lấy riêng phần bí mật của rừng đêm để tung hoành ngang dọc. Nó trở về vai trò của một vị chúa tàn bạo làm cho bóng tối. Đây là điểm cáo nhất của quyền lực gần như là bất tử. Ở 4 khung cảnh hổ đều chế ngự hoàn cảnh: Say, đứng, lặng ngắm, đợi, chiếm lấy. Và từ trên đỉnh cao huy hoàng ấy của hồi tưởng, hổ sực tỉnh trở về với thân tù:
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Quá khứ càng đẹp, càng oanh liệt bao nhiêu thì nỗi nhớ tiếc càng đau đớn bấy nhiêu. Xưa là tung hoành ngang dọc, nay là tù hãm. Có thể nói đây là đoạn thơ hay nhất, thể hiện rõ nhất tài hoa trong ngòi bút của Thế Lữ.
3. Kỉ niệm càng đẹp thì khung cảnh và cuộc sống hiện tại càng trở nên mờ nhạt, đáng ghét đến uất hận trong lòng.
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Uất hận cho số phận của mình lúc sa cơ, thất thế, luyến tiếc quá khứ oai hùng, lẫm kiệt hổ càng tỏ thái độ coi thường cuộc sống tẻ nhạt đang diễn ra xung quanh. Cảnh vườn bách thú hiện lên trong con mắt của nó toàn là cảnh tầm thường, giả dối, thấp kém, nhỏ bé, quẩn quanh. Bức tranh thiên nhiên ở đây thu nhỏ lại được sắp xếp bởi bàn tay con người nên không âm u, bí hiểm, cảnh sắc không có hồn, nhạt nhẽo, vô vị, học đòi bắt chước.
4. Chán ghét thực tại, hổ càng khao khát được trở về với núi non hùng vĩ, một cuộc sống tự do, phóng khoáng. Thân trong cũi sắt nhưng tâm hồn lại ôm giấc mộng ngàn to lớn quay trở về với núi rừng – một cuộc sống chân thực của chính mình. Nhưng đó dường như chỉ là niềm khao khát vô vọng nên càng đau sót và bất lực. Dù vậy, hổ không chịu khuất phục hoàn cảnh, không từ bỏ giấc mộng ngàn của mình. Mong ước và tâm trạng ấy cũng chính là nỗi lòng của người dận Việt Nam đương thời: Chán ghét và đau xót trước cảnh đời nô lệ lầm than mà vẫn son sắt thủy chung với giống nòi, dân tộc. Câu thơ kết là tiếng vang vọng sâu thẳm của tiếng lòng yêu nước thầm kín:
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
5. Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi cảm xúc mãnh liệt, tưởng tượng bay bổng thành những bức tranh rực rỡ sắc màu đối lập với cảnh hiện tại tầm thường, giả dối. Câu thơ 8 chữ trải dài cùng với cách vắt dòng, điệp ngữ ‘với’, ‘nào đâu’ làm cho ý thơ mở rộng, câu thơ co duỗi nhịp nhàng. 5 đoạn thơ mang 5 giọng điệu khác nhau đều làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.
6. Thế Lữ đã kí thác vào hình tượng con hổ bị giam cầm nơi vườn bách thú ôm trong lòng niềm uất hận ngàn thâu nhưng vẫn theo giấc mộng ngàn to lớn nỗi niềm của thế hệ mình, thời đại mình: Mối bất hòa với thực tại. Sống giữa quê hương mà luôn thấy thiếu quê hương, sống trong hiện tại mà luôn muốn thoát li khỏi hiện tại. Nhớ rừng là nhớ tự do, nhớ cái cao cả xuất phát từ phản ứng dữ dội với thực tại. Tâm trạng của hổ cũng chính là tâm trạng của con người.
*Kết bài
Nhà thơ Thế Lữ đã trở về với cát bụi nhưng bài thơ Nhớ rừng của ông xứng đáng là một tuyệt tác mở đầu cho phong trào Thơ mới. Phong cách thơ của Thế Lữ đủ khẳng định tài năng đương thời đệ nhất thi ca của ông.
II. Văn mẫu Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt
Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt mẫu 1
Tên tuổi Thế Lữ gắn liền với bài thơ Nhớ rừng được nhiều người yêu thích. Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú, tác giả đã diễn tả sâu sắc và sinh động tâm trạng uất hận, chán ghét cảnh đời tù túng, tầm thường và nhớ tiếc cuộc sống tự do trong quá khứ. Qua đó kín đáo thể hiện thái độ phủ nhận thực tại nô lệ, khát vọng tự do mãnh liệt và lòng yêu nước thầm kín, thiết tha của nhân dân ta.
Muốn hiểu hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm, trước hết chúng ta tìm hiểu sơ qua khái niệm Thơ mới và phong trào Thơ mới.
Hai chữ Thơ mới lúc đầu dùng để gọi tên thể thơ tự do vừa xuất hiện trên thi đàn thuở ấy. Sau năm 1930, hàng loạt thi sĩ trẻ theo Tây học cùng lên tiếng phê phán thơ cũ (thơ Đường luật) là khuôn sáo, trói buộc. Họ đòi hỏi phải đổi mới hình thức thơ ca. Phong trào Thơ mới ra đời và phát triển mạnh mẽ trong khoảng mười lăm năm rồi dần dần đi vào bế tắc.
Trong Thơ mới, số bài viết theo kiểu tự do không nhiều, chủ yếu vẫn là hình thức thơ bảy chữ và lục bát. Tuy vậy, so với thơ cũ, Thơ mới phóng khoáng, tự nhiên hơn hẳn, vì nó không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc chặt chẽ về niêm luật. Hai chữ Thơ mới sau này trở thành tên gọi của trào lưu thơ ca lãng mạn, gắn liền với những thi sĩ nổi tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Phạm Huy Thông…
Cuộc tranh luận về Thơ mới và thơ cũ diễn ra sôi nổi, gay gắt trên báo chí đương thời. Cuối cùng, Thơ mới đã thắng, không phải bằng lí lẽ mà bằng nhiều bài thơ hay. Nhận xét về vai trò của Thế Lữ, nhà phê bình nghiên cứu văn học Hoài Thanh đã viết: “Thế Lữ không bàn về Thơ mới, không bênh vực Thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc, cả hàng ngũ nhà thơ xưa phải tan vỡ. Bởi vì không có gì khiến người ta tin ở Thơ mới hơn là đọc những bài thơ mới hay”. (Thi nhân Việt Nam).
Xét về vai trò, Thế Lữ không chỉ là người giương cao ngọn cờ tiên phong của Thơ mới mà còn là thi sĩ tiêu biểu nhất cho đặc điểm nghệ thuật Thơ mới chặng đầu tiên (1932 – 1935). Nhà thơ chọn bút danh Thế Lữ, ngoài việc chơi chữ (nói lái cái tên Thứ Lễ) còn có ngụ ý tự nhận mình là lữ khách lang thang trên trần thế, chỉ biết đi tìm cái đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời:
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
(Cây đàn muôn điệu)
Tuy tuyên ngôn như vậy nhưng trong lòng Thế Lữ vẫn mang nặng nỗi buồn mất nước. Trong bài thơ Nhớ rừng, thi sĩ mượn nỗi u uất của con hổ sa cơ để diễn tả tâm trạng bi phẫn của người anh hùng chiến bại. Chiến bại nhưng vẫn đẹp, vẫn hào hùng.
Nhớ rừng viết theo thể thơ tám chữ, vần liền (hai câu liền nhau có chung vần). Vần bằng, vần trắc thay đổi nhịp nhàng, đều đặn. Đây là thể thơ được sử dụng khá rộng rãi trong Thơ mới.
Bài thơ có hai hình ảnh tương phản là vườn Bách Thảo, nơi con hổ đang bị giam cầm và chốn rừng núi đại ngàn, nơi nó tung hoành hống hách những ngày xưa. Cảnh trên là thực tại, cảnh dưới là dĩ vãng và cũng là mộng tưởng, khát khao cháy bỏng.
Cảnh ngộ bị cầm tù chính là nguyên nhân tâm trạng chất chứa đầy bi kịch của con hổ. Tính bi kịch thể hiện ở chỗ hoàn cảnh sống hoàn toàn thay đổi nhưng tính cách con hổ chẳng thể đổi thay. Nó không cam chịu cúi đầu chấp nhận hoàn cảnh bởi luôn ý thức mình là bậc chúa tể của muôn loài. Nếu chấp nhận thì nó sẽ không còn là nó. Tâm trạng uất hận, bất bình, giằng xé dữ dội của con hổ bị cầm tù là cảm xúc chủ đạo bao trùm toàn bài và thấm sâu vào từng câu, từng chữ.
Tâm trạng ấy được nhà thơ miêu tả bằng ngòi bút sắc sảo, tài hoa:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm.
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi,
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Đoạn thơ thể hiện nỗi khổ tâm ghê gớm của chúa sơn lâm bị giam cầm lâu ngày trong một không gian bé nhỏ, ngột ngạt.
Ở câu thơ đầu, những thanh trắc đi liền nhau kết hợp với nhịp thơ chậm, ngắt quãng gợi ta liên tưởng đến một mối hờn căm kết tụ thành khối đè nặng trong lòng. Con hổ muốn hất tung tảng đá vô hình ấy nhưng bất lực, đành nằm dài trông ngày tháng dần qua. Những thanh bằng kéo dài ở câu hai phản ánh tình cảnh bó buộc và tâm trạng chán ngán tột cùng của chúa sơn lâm.
Từ chỗ là chúa tể của muôn loài được tôn thờ, sùng bái, tha hồ tung hoành chốn núi non hùng vĩ, nay sa cơ, thất thế, bị nhốt chặt trong cũi sắt, hổ cảm thấy nhục nhằn tù hãm. Chúa sơn lâm bất bình khi bị biến thành trò lạ mắt, thứ đồ chơi của lũ người nhỏ bé mà ngạo mạn, bị hạ xuống ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, với cặp báo chuồng bên vô tư lự… là những hạng vô danh, thấp kém không đáng kể. Vùng vẫy cách nào cũng không thoát, hổ đành nằm dài với tâm trạng bất lực, buông xuôi.
Thực tại đáng buồn khiến cho hổ càng da diết nhớ thuở còn tự do vùng vẫy giữa núi cao, rừng thẳm:
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thốt khúc trường ca dữ dội,
Phủ nhận hiện tại phũ phàng, chúa sơn lâm chỉ còn hai hướng: Hoặc trở về quá khứ, hoặc ngưỡng vọng tương lai. Hổ không thể có tương lai mà chỉ còn quá khứ. Hào quang chói lọi của quá khứ tạo nên ảo giác và ảo giác đó được trí tưởng tượng chắp cánh bay bổng tới mức tột cùng.
Chúa sơn lâm thừa hiểu dĩ vãng oanh liệt một đi không bao giờ trở lại. Bởi vậy tâm trạng của nó là vừa tự hào, vừa xen lẫn đau thương, tuyệt vọng.
Những từ ngữ đẹp đẽ nhất, gợi cảm nhất như: Bóng cả, cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, hoang vu, bí mật… được tác giả sử dụng để miêu tả khung cảnh hùng vĩ, hoang dã và sức sống mãnh liệt của chốn rừng sâu núi thẳm – giang sơn bao đời của dòng họ chúa sơn lâm. Đó là chốn ngàn năm cao cả âm u, là cảnh rừng ghê gớm không bút nào tả xiết.
Trên cái nền hoành tráng ấy, chúa sơn lâm hiện ra với dáng vẻ oai phong, đường bệ:
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Những hình ảnh giàu chất tạo, hình đã diễn tả sống động vẻ đẹp dũng mãnh, mềm mại, uyển chuyển và sức mạnh bên trong ghê gớm của vị chúa tể rừng xanh giữa núi rừng uy nghiêm, hùng vĩ.
Đoạn ba của bài thơ giống như một bộ tranh tứ bình lộng lẫy miêu tả phong cảnh thiên nhiên trong những thời điểm khác nhau:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Bốn cảnh: Những đêm vàng, những ngày mưa, những bình minh, những chiều lênh láng máu sau rừng, cảnh nào cũng tráng lệ, lần lượt hiện lên trong nỗi nhớ tiếc khôn nguôi của con hổ sa cơ.
Đó là cảnh huyền ảo, thơ mộng của những đêm vàng bên bờ suối, chúa sơn lâm say mồi đứng uống ánh trăng tan. Là những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, chúa sơn lâm lặng ngắm giang sơn… đổi mới. Là cảnh bình minh cây xanh nắng gội chan hòa, rộn rã tiếng chim ca. Cuối cùng là cảnh những chiều lênh láng máu sau rừng thật dữ dội, bi tráng. Vị chúa tể đại ngàn đang ung dung đợi chết mảnh mặt trời gay gắt, để chiếm lấy riêng ta phần bí mật trong vũ trụ bao la. Đại từ ta lặp lại nhiều lần trong bài thơ tạo nên nhạc điệu rắn rỏi, hùng tráng của câu thơ, thể hiện khẩu khí đẩy tự tôn, tự hào của vị chúa tể muôn loài.
Nhưng dẫu huy hoàng đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ là hào quang của dĩ vãng hiện ra trong hoài niệm. Những điệp ngữ: Nào đâu, đâu những… lặp đi lặp lại nhấn mạnh sự tiếc nuối của con hổ đối với quá khứ vinh quang. Chúa sơn lâm dường như ngơ ngác, chới với trước thực tế phũ phàng mà mình đang phải chịu đựng. Giấc mơ đẹp đẽ đã khép lại trong tiếng thở dài u uất:
Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?
Tuy nhân vật tự sự trong bài thơ là con hổ, xưng là Ta, (Ta sống mà…, Ta bước chân lên,Ta biết ta…) nhưng thực chất đó là “cái tôi” của nhà thơ lãng mạn bừng thức giữa xã hội tù hãm đương thời.
Đoạn bốn tả cảnh vườn Bách Thảo qua cái nhìn khinh bỉ của chúa sơn lâm. Tất cả chỉ là sự sắp đặt đơn điệu, buồn tẻ, khác xa với thế giới tự nhiên. Càng cố học đòi, bắt chước cảnh đại ngàn hoang dã thì nó lại càng lộ rõ sự tầm thường, giả dối đáng ghét:
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt trái ngược với khung cảnh rừng sâu núi thẳm hoang vu nơi nó đã từng ngự trị. Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng là hình ảnh ẩn dụ ám chỉ thực tại của xã hội đương thời. Âm hưởng thơ tỏ rõ tâm trạng chán chường, khinh miệt của số đông thanh niên có học thức trước thực tại quẩn quanh, bế tắc của xã hội lúc bấy giờ.
Ở đoạn cuối cùng, giọng thơ da diết đã đúc kết nỗi niềm tâm sự của chúa sơn lâm:
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Nhà thơ phản ánh rất thành công nỗi bất bình sâu sắc và niềm khao khát tự do mãnh liệt của chúa sơn lâm trước thực tại tù túng, ngột ngạt. Bút pháp khoa trương của Thế Lữ đã đạt tới độ thần diệu. Trong cảnh giam cầm, hổ chỉ còn biết gửi hồn về chốn nước non hùng vĩ, giang sơn của giống hầm thiêng ngự trị tự ngàn xưa. Bất bình với hiện tại nhưng không thể thoát khỏi xích xiềng nô lệ vị chúa tể sơn lâm đầy uy vũ ngày nào giờ đành buông xuôi, tự an ủi mình bằng những giấc mộng ngàn to lớn trong quãng đời tù túng còn lại. Một nỗi buồn tê tái thấm đẫm tâm hồn. Than ôi! Quá khứ hào hùng oanh liệt giờ chỉ còn hiện lên trong giấc mộng! Tự đáy lòng vị chúa tể rừng xanh bật thốt lên tiếng than ai oán: Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Tâm trạng của con hổ bị giam cầm cũng là tâm trạng chung của người dân Việt Nam đang sống trong cảnh nô lệ bị nhục nhằn tù hãm, cũng ngậm một khối căm hờn và tiếc nhớ khôn nguôi thời oanh liệt với những chiến công chống giặc ngoại xâm vẻ vang trong lịch sử. Chính vì động đến chỗ sâu thẳm của lòng người nên bài thơ vừa ra đời đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
Tác giả mượn lời con hổ bị nhốt chặt trong cũi sắt để nói lên một cách đầy đủ, sâu sắc tâm trạng u uất của thế hệ thanh niên trí thức Tây học vừa thức tỉnh ý thức cá nhân, vô cùng bất mãn và khinh ghét thực tại bất công, ngột ngạt của xã hội đương thời. Họ muốn phá tung xiềng xích nô lệ để “cái tôi” tự do được khẳng định và phát triển. Nhiều người đọc bài thơ Nhớ rừng, cảm thấy tác giả đã nói giùm họ nỗi đau khổ của thân phận nô lệ. Về mặt nào đó, có thể coi đây là một bài thơ yêu nước, tiếp nối mạch thơ trữ tình yêu nước trong văn chương hợp pháp đầu thế kỉ XX.
Thế Lữ đã chọn được một hình ảnh độc đáo, thích hợp với việc thể hiện chủ đề bài thơ. Con vật oai hùng được coi là chúa tể sơn lâm, một thời oanh liệt, huy hoàng ở chốn nước non hùng vĩ nay bị giam cầm tù hãm tượng trưng cho người anh hùng chiến bại. Cảnh đại ngàn hoang vu tượng trưng cho thế giới tự do rộng lớn. Với hình ảnh chứa đựng ý nghĩa thâm thúy đó, Thế Lữ rất thuận lợi trong việc gửi gắm tâm sự của mình trước thời cuộc qua bài thơ. Ngôn ngữ thơ đạt tới độ điêu luyện, tinh tế, nhạc điệu du dương, lúc sôi nổi hào hùng, lúc trầm lắng bi thiết, thể hiện thành công nội dung tư tưởng của bài thơ.
Bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn, thi hứng cuồn cuộn tuôn trào dưới ngòi bút thi nhân. Đây là đặc điểm tiêu biểu của bút pháp lãng mạn và cũng là yếu tố cốt lõi làm nên sức lôi cuốn mạnh mẽ, chi phối các yếu tố nghệ thuật khác của bài thơ. Bài thơ Nhớ rừng sống mãi trong lòng người đọc. Nhắc đến Thế Lữ, người ta nhớ tới Nhớ rừng. Là thi sĩ, chỉ cần điều đó cũng đủ sung sướng, hạnh phúc và mãn nguyện.
Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt mẫu 2
Nhớ rừng mượn lời con hổ bị giam cầm trong vườn thú để bộc lộ tâm sự của chính tác giả Thế Lữ. Toàn bài thơ xoay quanh tâm sự của con hổ.
- Sự chán ghét thực tại tầm thường, giả dối được thể hiện thông qua hình ảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt. Đó là cảnh tù túng (cũi sắt), nhàm tẻ (những cảnh không đời nào thay đổi), cảnh nhân tạo do bàn tay con người sửa sang (hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng) tầm thường, giả dối, học đòi bắt chước vẻ hoang vu của chốn núi rừng (dải nước đen giả suối, mô gò thấp kém, vừng lá hiền lành, không bí hiểm,..).
- Niềm khao khát tự do một cách mãnh liệt được thể hiện thông qua sự hồi tưởng của con hổ về núi rừng oai nghiêm (đối lập với cảnh rừng bách thú tầm thường. Núi rừng chứa đựng nhiều bí ẩn: Hang tối, thảo hoa không tên không tuổi, rừng sâu bí mật,... những âm thanh dữ dội, man dại: Gió gào ngàn, nguồn thét núi,... cảnh vật rực rỡ: Những đêm vàng bên bờ suối, những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, những bình minh cây xanh nắng gội, những chiều lênh láng máu sau rừng với tiếng chim ca giấc ngủ…
- Hình ảnh chúa sơn lâm hiện lên rất uy nghi, lẫm liệt ngự trị tối cao trong vương quốc của chính mình. Đại từ xưng hô Ta đầy quyền uy, kiêu hãnh tôn thêm tư thế vị chúa sơn lâm. Tác giả sử dụng nhiều động từ, tính từ mạnh để khắc họa sự hùng tráng của núi rừng và tư thế uy nghi của con hổ: Tung hoành, hống hách, gào, hét, dữ dội, dõng dạc, cuộn, quắc,…
- Tâm trạng con hổ thể hiện bất hòa với thực tại tầm thường, bó buộc, giam hãm (gặm một khối căm hờn trong củi sắt, bị nhục nhằn tù hãm), khao khát vươn lên cái cao cả, tự do, phi thường không chấp nhận thực tại vô nghĩa (tiếc nhớ khôn nguôi thời oanh liệt).
Tâm trạng của con hổ cũng chính là tâm sự của tác giả, là một cách khẳng định cái Tôi cá nhân của con người. Cảnh vườn bách thú tầm thường, giả dối và tù túng dưới con mắt hổ chính là thực tại xã hội dưới con mắt của những tâm hồn lãng mạn. Thái độ căm ghét của con hổ đối với vườn bách thú chính là thái độ của con người đối với xã hội đương thời. Bài thơ đã chạm đến những gì nhạy bén nhất của một xã hội đang sống trong cảnh nô lệ, tù túng nhưng không nguôi nhớ về quá khứ vàng son với những chiến công hiển hách của cha ông.
Như vậy bài thơ chính là tâm sự yêu nước thầm kín được gửi gắm qua hình tượng con hổ.
----------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài lý thuyết Ngữ văn 8: Nhớ rừng - Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường cho các bạn tham khảo chuẩn bị cho bài học sắp tới. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.