Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 40

Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 40: Cô bé bán diêm được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6 sách CD.

A. Lý thuyết Ngữ văn 6 bài 40

1. Chuẩn bị

a. Tác giả, tác phẩm:

* Tác giả:

- An-đéc-xen (1805 - 1875) là nhà văn người Đan Mạch nổi tiếng với loại truyện kể cho trẻ em.

- Nhiều truyện của ông được biên soạn lại từ những truyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông sáng tạo ra.

- Một số tác phẩm quen thuộc như: Cô bé bán diêm, Bầy chim thiên nga, Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Nàng công chúa và hạt đậu…

* Tác phẩm:

- “Cô bé bán diêm” là một trong những truyện nổi tiếng nhất của nhà văn An- đéc- xen.

- Tóm tắt: Trong đêm giao thừa rét mướt, một cô bé đầu trần, chân đi đất, bụng đói nhưng phải đi bán diêm. Cô bé ấy đã mồ côi mẹ và ngay cả bà nội - người yêu thương em nhất cũng đã qua đời. Em không dám về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em vội quẹt que diêm thứ hai, một bàn ăn thịnh soạn hiện lên. Đến quẹt que diêm thứ ba thì một cây thông Noel. Quẹt que diêm thứ tư được thắp lên, lần này là bà nội với khuôn mặt hiền từ hiện ra. Những ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để mong níu bà nội lại. Cuối cùng, cô bé bán diêm đã chết rét trong đêm giao thừa lạnh giá.

b. Tìm hiểu từ khó:

- Hiền hậu: Hiền lành và tốt bụng.

- Gia sản: Tài sản của gia đình.

- Lãnh đạm: Lạnh lùng, thờ ơ.

- Gió bấc: Gió lạnh, thổi từ hướng Bắc.

- Thịnh soạn: Có nhiều món ăn ngon, sang.

c. Nội dung chính:

- Truyện gửi gắm bài học về tình yêu thương giữa con người, phê phán lối sống thờ ơ, vô cảm.

d. Bố cục:

Gồm 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “đờ ra”: Hoàn cảnh của cô bé bán diêm.

- Phần 2: Tiếp đến “về chầu thượng đế”: Các lần quẹt diêm và mộng tưởng.

- Phần 3: Còn lại: Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm.

2. Đọc hiểu

a. Hoàn cảnh của cô bé bán diêm:

- Nhà nghèo, mẹ chết sớm, sống với bố và bà nội rồi bà nội cũng qua đời. Người bố khó tính luôn chửi rủa, đánh đập → Em phải đi bán diêm kiếm sống.

-> Hoàn cảnh cô bé thật éo le: mồ côi, thiếu thốn tình thương, phải tự vất vả kiếm sống, bị người cha đối xử hết sức tàn nhẫn.

- Bối cảnh của truyện: Đêm giao thừa, ngoài đường phố rét mướt (nhiệt độ có khi xuống tới không độ) em bé “ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà...” mong cho đỡ lạnh.

=> Bối cảnh truyện làm tăng sự cô đơn và tình cảnh tội nghiệp của cô bé.

- Các hình ảnh tương phản, đối lập:

+ Trời đông giá rét, tuyết rơi, cô bé đầu trần,chân đi đất.

+ Đường lạnh buốt tối đen >< cửa sổ mọi nhà đều sáng rực đèn.

+ Em bé bụng đói cả ngày chưa ăn >< bàn ăn thịnh soạn sực nức mùi ngỗng quay.

+ Xó tối tăm >< ngôi nhà có dây thường xuân bao quanh năm xưa khi bà nội còn sống.

b. Các lần quẹt diêm và mộng tưởng:

- Cô bé đã trải qua 4 lần quẹt diêm với những tưởng tượng lần lượt xuất hiện:

  • Lần thứ nhất: Mơ ước có lò sưởi - mong muốn lúc này có được sự ấm áp.
  • Lần thứ hai: Mơ ước căn phòng có bàn ăn, trên bàn có ngỗng quay - mong muốn được no bụng.
  • Lần thứ ba: Mơ ước có cây thông Noel - mong muốn được đón giao thừa như mọi người.
  • Lần thứ tư: Mơ ước được gặp lại bà - mong muốn được che chở, yêu thương.
  • Lần cuối cùng: Quẹt toàn bộ số diêm còn lại - để gặp lại bà và đi theo bà đến nơi hạnh phúc.

=> Những mong muốn của cô bé là hoàn toàn chính đáng.

c. Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm:

- Em bé tội nghiệp chết rét trong đêm giao thừa.

- Đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, trên thi thể là những bao diêm trong đó có một bao diêm đã đốt hết.

- Thái độ người qua đường: Lạnh lùng, vô cảm -> “Bảo nhau: Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”

- Xã hội thiếu tình thương, mọi người lạnh lùng, vô cảm thờ ơ với những con người bất hạnh.

- Nhà văn An-đéc-xen đã viết truyện này với tất cả tình thương và lòng thương cảm đối với em bé bất hạnh.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tác phẩm Cô bé bán diêm của An-đéc-xen truyền cho chúng ta lòng thương cảm sâu sắc đối với một em bé bất hạnh.

- Về nghệ thuật: Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng, với các tình tiết diễn biến hợp lí.

B. Bài tập Ngữ văn 6 bài 40

Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về văn bản Cô bé bán diêm.

a. Hướng dẫn giải:

- Đọc kĩ lại văn bản Cô bé bán diêm để thâu tóm nội dung và viết đoạn văn.

- Cảm nhận của em có thể là: Cảm động, yêu mến, thán phục,...

b. Lời giải chi tiết:

Truyện ngắn Cô bé bán diêm của nhà văn An-đéc-xen đã để lại những dư âm, ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Không chỉ vậy đó còn là niềm cảm thương vô hạn cho số phận bất hạnh, đầy bi thương của nhà văn với cô bé bán diêm. Hoàn cảnh của cô bé vô cùng thương cảm, ngay từ những lời đầu tiên giới thiệu về hoàn cảnh của cô bé đã khiến người đọc phải rơi nước mắt: bà và mẹ những người yêu thương em nhất đều đã qua đời, em sống chui rúc với bố trong một căn gác tối tăm, chật chội. Người bố có lẽ vì cuộc sống nghèo túng, khó khăn nên đâm ra khó tính, đối xử tệ bạc với em: hay mắng nhiếc, chửi rủa em. Và nhà văn đã tô điểm cho nét đẹp của em bằng hình ảnh đối nghịch giữa cảnh và người: “Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Cô bé bán diêm đã chết theo cách của người đang thiếp ngủ trong giấc mơ đẹp. Nhìn hình ảnh những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhàn, người ta có thể đoán đúng hành vi của cô bé trước khi chết: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm! ”, những hình ảnh “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười ” kia thì khó có thể đoán ra điều gì khiến khuôn mặt cô bé biểu hiện nên hình ảnh có vẻ vui sướng và thỏa nguyện ấy. Về cái chết của những người bất hạnh, nói chung nhiều nhà văn đã miêu tả, mà phần lớn là buồn thảm, hoặc vật vã dữ dội (như cái chết của lão Hạc). Duy cái chết của cô bé bán diêm thì người đọc có cảm giác buồn thương nhưng thanh thản, nhẹ nhàng và thấm sâu. Tạo được cảm giác khác lạ ấy có lẽ nhờ vào cách xây dựng tính cách nhân vật (cô bé bán diêm) của An-đéc-xen, một cô bé bán diêm bất hạnh nhưng không giận đời. Em bé thật đáng thương. Trong xã hội tư bản thiếu sự đồng cảm và tình yêu thương giữa người với người nhà văn An-đéc-xen đã viết truyện này với niềm xót thương vô hạn đối với cô bé không may mắn. Tuy vậy nội dung câu chuyện Cô bé bán diêm với kết thúc thương tâm của nó vẫn khiến người đọc rơi nước mắt.

>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 41

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 40: Cô bé bán diêm sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo, Ngữ văn 6 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 6.

Đánh giá bài viết
1 5
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Củ Đậu
    Củ Đậu

    🤗🤗🤗🤗🤗🤗🤗

    Thích Phản hồi 12:29 30/01
    • Khang Anh
      Khang Anh

      😄😄😄😄😄😄😄

      Thích Phản hồi 12:29 30/01
      • Ngọc Mỹ Nguyễn
        Ngọc Mỹ Nguyễn

        😍😍😍😍😍😍😍

        Thích Phản hồi 12:29 30/01

        Ngữ văn 6 sách Cánh Diều

        Xem thêm