Soạn bài Tuyên ngôn độc lập - Phần 2: Tác phẩm

Soạn bài lớp 12: Tuyên ngôn độc lập - Phần 2: Tác phẩm là tài liệu hướng dẫn soạn văn lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo. Bài soạn văn 12 Tuyên ngôn độc lập này nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về một trong những văn bản quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn cũng như soạn bài môn ngữ văn 12 tốt hơn.

1. Soạn bài: Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Phần 2: Tác phẩm mẫu 1

1.1. Tìm hiểu chung

1.1.1. Tác giả

  • Hồ Chí Minh sinh thời đã không bao giờ tự nhận mình là nhà văn nhà thơ nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng Người lại biến văn thơ làm vũ khí chiến đấu lại quân thù.
  • Với những quan điểm văn học nghệ thuật vô cùng tích cực Hồ Chí Minh đã thành công trên ba lĩnh vực văn học là thơ ca, truyện kí và văn chính luận
  • Bác để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và khổng lồ làm giàu cho nền văn học Việt Nam.
  • Ở mỗi thể loại Bác đều thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo đa dạng và thống nhất.

1.1.2. Tác phẩm

  • Hoàn cảnh sáng tác:
    • Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, toàn quốc ta nổi dậy giành chính quyền.
    • Cách mạng tháng Tám thành công lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi quân xâm lược tuy nhiên đất nước ta phải đứng trước muôn vàn khó khăn.
    • Các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, cùng Trung Quốc đang lăm le tiến đến xâm lược nước ta đồng thời mở đường cho Pháp quay lại xâm lược.
    • Trong nước quân đội Nhật đang chờ giải giáp.

-> Trước tình hình đó Hồ Chí Minh về Hà Nội lập bản tuyên ngôn độc lập đứng trước quảng trường Ba Đình rực nắng đọc tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

  • Đối tượng hướng đến:
    • Nhân dân trong nước.
    • Toàn bộ thế giới.
  • Mục đích:
    • Tuyên bố chấm dứt quyền hành của thực dân Pháp của Việt Nam lật đổ phong kiến và đánh tan âm mưu quay trở lại xâm lược của chúng.
    • Khẳng định quyền độc lập dân chủ của Việt Nam.
  • Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, giá trị tư tưởng lại có giá trị văn chương.
  • Bố cục: 3 phần.
    • Phần 1: từ đầu đến cãi được: cơ sở pháp lý và chính nghĩa.
    • Phần 2: tiếp đến độc lập: tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
    • Phần 3: còn lại: lời tuyên bố độc lập của nhân dân ta.

Soạn bài lớp 12: Tuyên ngôn độc lập

1.2. Tìm hiểu chi tiết.

1.2.1. Cơ sở pháp lý và chính nghĩa của bản tuyên ngôn độc lập.

  • Hồ Chí Minh trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đề làm mở đầu cho bài tuyên ngôn.
    • Trước hết là ca ngợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại ấy.
    • Hai là chọc thẳng tim đen kế hoạch xâm lược lần nữa của chúng, đây là kế gậy ông đập lưng ông.
  • Từ hai bản tuyên ngôn tác giả suy rộng ra con người ai cũng có quyền được sống được tự do và sung sướng đó là quyền không thể xâm phạm được.

-> Chính sự suy rộng ra ấy đã nâng quyền sống của con người lên là một quyền cho toàn thế giới, nâng cuộc cách mạng Việt Nam đòi quyền sống cũng giống như dân tộc trên toàn thế giới đòi quyền sống.

  • Đặt 3 bản tuyên ngôn ngang hàng nhau nhằm thể hiện, cuộc đấu tranh của Việt Nam ngang hàng với cuộc đấu tranh của Mỹ và Pháp.

-> Như vậy bằng cách lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục bác đã chọc thủng tim đen quân xâm lược. Chúng hành động ngược với tổ tiên của chúng chẳng phải là chúng đã dập đạp lên lá cờ nhân nghĩa của tổ tiên chúng hay sao.

1.2.2. Bản cáo trạng đanh thép về tội ác của quân giặc Pháp và quá trình đấu tranh của nhân dân ta.

a. Bản cáo trạng đanh thép về tội ác của giặc Pháp.

  • Từ nối "thế mà" -> sự trái ngược trước hành động và lời nói của chúng.
  • Về chính trị:
    • Chúng cướp quyền tự do.
    • Thi hành luật pháp dã man.
    • Chúng lập ra nhiều nhà tù nhiều trường học, chém giết những người yêu nước.
    • Ràng buộc dư luận, chính sách ngu dân.
  • Về kinh tế:
    • Bóc lột đến tận xương tủy.
    • Cướp không ruộng đất.
    • Độc quyền in giấy bạc.
    • Đặt ra nhiều thứ thuế vô lí.
  • Bẻ gãy luận điệu xảo trá về một nền bảo hộ khai hóa văn minh của chúng.
    • Chúng không những không có công mà còn có tội, chúng quỳ gối đầu hàng nhật và mở đường cho chúng xâm lược nước ta.
    • Chúng thẳng tay khủng bố Việt Minh giết chết những người tù chính trị.

-> Bằng những lời lẽ đanh thép tội ác của thực dân Pháp đã được tác giả phơi bày trước ánh sáng.

b. Quá trình đấu tranh của nhân dân ta.

  • Đối lập với những việc làm của chúng, quân dân việt Nam đã anh dũng chống lại Nhật.
  • Điệp từ "sự thật" nhấn mạnh vào những sự thật lịch sử hai năm rõ mười không thể chối cãi được.
  • Chúng ta dành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải tay Pháp.
  • Chúng ta thậm chí không giết những người tù chính trị của chúng mà còn tạo điều kiện cho họ trở về.

-> Chính vì thế mà Pháp không có quyền nói với thế giới rằng Đông Dương thuộc quyền Pháp, khi mà đất nước cần chúng bảo hộ thì chúng lại giơ tay đầu hàng mà trao Việt Nam cho Nhật.

  • Và sự thật là Việt Nam đã giành được độc lập, lật đổ phong kiến đánh đuổi phát xít cũng như Pháp.
  • Bác Hồ kêu gọi nhân dân toàn quốc đoàn kết để giữ gìn nền độc lập ấy.

1.2.3. Lời tuyên bố độc lập.

  • Tuyên bố nền độc lập.
  • Thể hiện ý chí bảo vệ nền độc lập của Việt Nam.

1.3. Tổng kết

  • Bằng những lời kết tội đanh thép, dẫn chứng thuyết phục, lập luận chặt chẽ sắc bén Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam tố cáo tội ác của thực dân Pháp đồng thời chặn ngang âm mưu quay trở lại xâm lược của các nước đế quốc. Khẳng định nền độc lập và tất cả làm vì nền độc lập đó.

2. Soạn bài: Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Phần 2: Tác phẩm mẫu 2

2.1. Câu 1 (trang 41, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Bố cục

- Phần 1 (từ đầu đến “không ai chối cãi được”): Nêu nguyên lí chung của bản Tuyên ngôn độc lập (Cơ sở lí luận của bản tuyên ngôn)

- Phần 2 (tiếp đó đến “phải được độc lập”): Tố cáo tội áo của giặc và khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta (cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn)

- Phần 3 (còn lại): lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ chủ quyền của dân tộc

2.2. Câu 2 (trang 41, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Ý nghĩa việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn độc lập (1776) của Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1791) của Pháp có ý nghĩa:

- Đảm bảo tính khác quan, chính xác của dẫn chứng, làm tiền đề cơ sở pháp lí để tăng sức thuyết phục cho bản tuyên ngôn

- Thể hiện cách tiếp cận lẽ phải khôn khéo, tài tình của tác giả. Qua đó, thể hiên sự tôn trọng những giá trị, lẽ phải được nêu lên trong hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mĩ

- Dùng nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” để ngăn chặn dã tâm xâm lược của chúng

- Thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc khi đặt 3 bản Tuyên ngôn, 3 nền độc lập ngang hàng nhau

2.3. Câu 3 (trang 42, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Những lập luận Bác đưa ra để khẳng định quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam ta là:

- Vạch rõ tội ác của kẻ thù qua sự thật trong chính sách “khai hóa” của chúng:

+ Đưa ra dẫn chững về tội ác của kẻ thù trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa – xã hôi – giáo dục, kinh tế

+ Sử dụng nghệ thuật liệt kê (liệt kê các tội ác trên từng lĩnh vực), điệp từ (chúng) nhấn mạnh tội ác chồng chất, trái với nhân đạo, chính ngĩa của kẻ thù

- Vạch rõ sự thật về chính sách “bảo hộ” của thực dân Pháp:

+ Mùa thu năm 1940, khi “phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật.”

+ 9 - 3 - 1945, Nhật tước khí giới quân đội Pháp thì “Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng.”

→ Trong năm năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật.

- Nêu lên sự thật về cách mạng Việt Nam:

+ Nhân dân Việt Nam đã đứng về phe đồng minh, chống phát xít Nhật; nhân dân Việt Nam cướp chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp

+ Sự khoan hồng và nhân đạo của cách mạng Việt Nam

→ Từ những lí lẽ sắc bén, dẫn chững thuyết phục, Hồ Chí Minh đã khẳng định độc lập, tự do của dân tộc ta

2.4. Câu 4 (trang 42, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

- Lập luận chặt chẽ: thể hiện qua bố cục bài viết chặt chẽ, luận điểm rõ ràng

+ Phần mở đầu: nêu lên tiền đề, cơ sở pháp lí của bản Tuyên ngôn

+ Phần thứ hai: nêu lên cơ sở thực tiễn của bản Tuyên ngôn. Cơ sở thực tiễn ấy là tội ác của thực dân Pháp ở Việt Nam và thực tiễn về cách mạng Việt Nam – một cuộc cách mạng hoàn toàn nhân đạo và chính nghĩa

+ Phần kết: từ cơ sở lí luận và thực tiễn nêu trên, Hồ Chí Minh đi tới lời tuyên ngôn.

- Lí lẽ sắc bén:

+ Sử dụng hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mĩ – những lẽ phải đã được mọi người thừa nhận để làm cơ sở pháp lí và trên cơ sở đó “suy rộng” ra quyền dân tộc

+ Bằng chứng xác thực

+ Cách sử dụng các quan hệ từ như “thế mà”, “tuy vậy”, ‘bởi thế cho nên”,...

- Ngôn ngữ hùng hồn:

+ Sử dụng từ ngữ chính xác

+ Đanh thép, mạnh mẽ khi buộc tội kẻ thù và hùng hồn, trang trọng trong lời tuyên ngôn

2.5. Luyện tập

Câu 1 (trang 42, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Bản “Tuyên ngôn độc lập” từ khi ra đời cho đến nay là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam, vì:

- Bản Tuyên ngôn là sản phẩm của một trí tuệ sáng suốt, một tầm tư tưởng và văn hóa lớn

+ Kết cấu bản tuyên ngôn: 3 phần rõ ràng, mạch lạc. Từ cơ sở pháp lí và cơ sở thực tiễn trong hai phần đầu đi đến lời tuyên ngôn ở phân cuối như một lẽ tất yếu

+ Nghệ thuật lập luận sắc bén, dẫn chứng xác thực:

• Hệ thống luận điểm rõ ràng

• Chứng cứ xác thực: cụm từ “sự thật là” được láy đi láy lại nhiều lần

• Cách sử dụng các quan hệ từ: thế mã, tuy vậy,..

- Bản tuyên ngôn còn là sản phẩm của những tình cảm lớn – tình yêu nước, thương dân, khát khao độc lập cho dân tộc và lòng căm thù giặc

+ Nghệ thuật điệp từ “chúng”

+ Sử dụng câu văn giàu hình ảnh

+ Giọng văn chính luận đa dạng: đanh thép khi vạch tội kẻ thù, ôn tồn, thấu tình đạt lí khi nói về cuộc chiến của nhân dân, hùng hồn, trang trọng trong lời tuyên ngôn

Nội dung chính của văn bản

- Giá trị nội dung:

+ Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới

+ Bản Tuyên ngôn vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm có hội quốc tế, vừa bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả

- Giá trị nghệ thuật:

+ Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, chứng cứ xác thực

+ Ngôn ngữ vừa hùng hồn, đanh thép khi tố cáo tội ác kẻ thù vừa chan chứa tình cảm, ngôn ngữ châm biếm sắc sảo

+ Hình ảnh giàu sức gợi cảm.

3. Soạn bài: Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Phần 2: Tác phẩm mẫu 3

3.1. Đọc – Hiểu Văn Bản

Câu 1: Nêu bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập

Trả lời:

- 3 phần:

+ Phần 1: từ đầu đến... “Không ai có thể chối cãi được”

-> Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn độc lập.

+ Phần 2: tiếp đến ...“phải được độc lập!”

-> Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

+ Phần 3: (còn lại)

-> Lời tuyên bố của Việt Nam với thế giới .

Câu 2: Việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mĩ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp trong phần mở đầu có ý nghĩa gì ?

Trả lời:

- So sánh, đặt ngang hàng thậm chí là hơn so với hai bản tuyên ngôn => vì Tuyên ngôn độc lập đã giải quyết cùng lúc cả hai vấn đề dân tộc và dân chủ.

- “Gậy ông đập lưng ông” vì hành động chúng đi ngược lại bản tuyên ngôn của chính mình.

- Lập luận chặt chẽ, lý lẽ không thể chối cái,tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho dân tộc. “Suy rộng ra” nghĩa là đã mở rộng phạm vì ý nghĩa, bản tuyên ngôn có ý nghĩa cả nhân loại.

Câu 3: Trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn , tác giả đã lập luận như thế nào để khẳng định quyền độc lập tự do của nước Việt Nam ta?

Trả lời:

- Nội dung: Vạch ra tội ác trên các phương diện (kinh tế, chính trị, văn hoá) và đặc biệt đã bán nước ta hai lần cho Nhật của bọn thực dân Pháp.

- Nghệ thuật : Giọng văn hùng hồn, đanh thép với khí thế hừng hực căm hờn bọn xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, với hình ảnh chân thật, và điệp từ “chúng” càng làm rõ hơn tội ác của Pháp. Qua đó cũng thể hiện tấm lòng thương xót cho dân tộc, cho đất nước va Bác Hồ kính yêu

=> Tạo nên sức mạnh hùng hồn và đáng tin cậy cho lời tuyên bố độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Câu 4: “Tuyên ngôn độc lập” thể hiện phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận: ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà súc tích, đanh thép, sắc sảo. Hãy làm sáng tỏ điều đó?

Trả lời:

- Ngắn gọn, giản dị, súc tích: dễ hiểu,lời lẽ rõ ý,cô đọng.

- Trong sáng: biểu thị các tình cảm yêu, căm ghét rõ ràng; Từ ngữ rõ ràng,chính xác, trong sáng .

- Đanh thép, sắc sảo: mượn bản Tuyên ngôn của chúng để kết tội chúng; dẫn chứng hùng hồn,đã được kiểm nghiệm; lập luận sắc bén không thể chối cãi được.

3.2. Luyện Tập

Lí giải vì sao “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục trái tim con người Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay?

Trả lời:

Vì:

- Tuyên ngôn đã thể hiện rõ các cung bậc tình cảm (Căm phẫn kẻ thù, yêu nước, tự hào dân tộc, thương xót đồng bào).

- Khơi dậy sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, khợi dậy trong mỗi con người tình cảm đặc biệt.

- Mang tính pháp lý sâu sắc có ý nghĩa cả dân tộc và cả thế giới.

- Là bản Tuyên ngôn hay cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

4. Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập chi tiết

I. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Nhân dân ta giành được chính quyền trên cả nước.

- Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.

- Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

2. Bố cục

Gồm 3 phần:

Phần 1. Từ đầu đến “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”: Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn để khẳng định quyền bình đẳng, độc lập dân tộc.

Phần 2. Tiếp theo đến “Dân tộc đó phải được độc lập”: Cơ sở thực tế tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong tám mươi năm thống trị nước ta.

Phần 3. Còn lại: Lời tuyên bố độc lập.

3. Ý nghĩa nhan đề

Trong lịch sử nhân loại, không phải bất cứ một văn kiện nào cũng được gọi là một bản “Tuyên ngôn độc lập”. Chúng ta đã từng biết đến những bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới: “Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ”, “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791” và đặc biệt là “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam năm 1945. Trước hết, chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn một nhan đề ngắn gọn, quy chuẩn và mang tính pháp lý cao: “Tuyên ngôn độc lập”. Qua nhan đề này người đọc, người nghe đã thấy được mục đích cũng như vai trò của văn bản trên. Đây là một văn kiện lịch sử đánh dấu chấm hết cho chính quyền cai trị của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời khẳng định Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và quyền tự quyết. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền tự do dân chủ. Đây là những quyền được luật pháp quốc tế công nhận. Như vậy, “Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong nội dung câu chữ mà ngay từ nhan đề cũng đã thể hiện được điều đó.

4. Tóm tắt

Tuyên ngôn độc lập đã trích dẫn hai bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sau đó, bản tuyên ngôn lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam trong đó hơn 80 năm xâm lược. Đó là tội ác về kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục và tội bán nước hai lần cho Nhật. Đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng là lời tuyên bố độc lập.

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Cơ sở pháp lý

- Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791, cho thấy vốn am hiểu sâu rộng của Bác.

- Trích dẫn sáng tạo “suy rộng ra…”: từ quyền cá nhân nâng lên thành quyền dân tộc, cho thấy tư tưởng nhân văn cao đẹp.

=> Qua đây thì đã đề cao những giá trị hiển nhiên của tư tưởng nhân loại và tạo tiền đề cho lập luận sẽ nêu ở mệnh đề tiếp theo.

- Ý nghĩa: thủ pháp “gậy ông đập lưng ông”, đặt ba nền độc lập ngang hàng nhằm thể hiện niềm tự hào dân tộc.

2. Cơ sở thực tiễn

a. Bản cáo trạng tội ác thực dân Pháp:

- Vạch trần bộ mặt xảo quyệt của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.

- Bác đã kể ra năm tội ác về chính trị:

Tước đoạt tự do dân chủ.

Luật pháp dã man, chính sách chia để trị.

Chém giết những chiến sĩ yêu nước của dân ta.

Ràng buộc dư luận và thi hành chính sách ngu dân.

Đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện.

- Năm tội ác lớn về kinh tế:

Bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy.

Cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, dân cày và dân buôn trở nên bần cùng

Không cho nhà tư sản của ta góc đầu lên.

- Về văn hóa - giáo dục:

Lập ra nhiều nhà tù hơn trường học.

Thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta.

Tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Trong vòng 5 năm bán nước ta 2 lần cho Nhật.

Thẳng tay khủng bố Việt Minh; “thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

b. Quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta

- Từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Nhân dân ta đã giành độc lập từ tay Nhật không phải từ tay Pháp.

- Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân và chế độ quân chủ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.

- Kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh: “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

3. Lời tuyên bố với thế giới

- Khẳng định nước Việt Nam ta có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.

- Nhân dân đã quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

=> “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc ta, thể hiện phong cách chính luận của Hồ Chí Minh.

Tổng kết

- Nội dung: Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỷ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.

- Nghệ thuật: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, ngôn ngữ hùng hồn, sử dụng các thủ pháp nghệ thuật hợp lý…

5. Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập mẫu 5

I. Trả lời câu hỏi

Câu 1. Nêu bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập.

  • Phần 1: Từ đầu đến “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”: Khẳng định quyền bình đẳng, độc lập dân tộc.
  • Phần 2. Tiếp theo đến “Dân tộc đó phải được độc lập”: Tội ác của thực dân Pháp trong tám mươi năm thống trị nước ta.
  • Phần 3. Còn lại: Lời tuyên bố độc lập.

Câu 2. Việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp trong phần mở đầu có ý nghĩa gì?

  • Thể hiện sự tôn trọng của Bác đối với nền độc lập của hai quốc gia, đồng thời lấy đó làm cơ sở pháp lí được luật pháp quốc tế công nhận, không thể chối cãi.
  • Sử dụng phương pháp “gậy ông đập lưng ông” đó là lấy chính tuyên ngôn của Pháp, Mĩ để phản bác lại chúng, ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của chúng.
  • Thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
  • Bác trích dẫn một cách sáng tạo, từ quyền con người (tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc), nâng lên thành quyền dân tộc.

Câu 3. Trong phần thứ hai của bản tuyên ngôn, tác giả đã lập luận như thế nào để khẳng định quyền độc lập tự do của nước Việt Nam ta?

- Vạch trần bộ mặt xảo quyệt của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” với những dẫn chứng cụ thể trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục.

- Biểu dương tinh thần giành độc lập của nhân dân ta, đồng thời tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh.

Câu 4. Tuyên ngôn Độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận: ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà súc tích, đanh thép, sắc sảo. Hãy làm sáng tỏ điều đó?

- Ngắn gọn, giản dị mà súc tích: Tóm lược những vấn đề lớn lao của dân tộc nhưng chỉ trong vài mặt giấy.

- Trong sáng:

Trong sáng ở việc dùng từ đặt câu, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực của tiếng Việt.
Trong sáng về tư tưởng tình cảm. Thái độ rõ ràng, yêu ghét phân minh trên lập trường chính nghĩa.
- Đanh thép, sắc sảo: Khẳng định quyền độc lập, tự chủ của dân tộc; yêu cầu các nước đồng minh phải công nhận điều đó, lời tuyên bố hùng hồn…

II. Luyện tập

Lí giải vì sao bản Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục trái tim con người Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay?

Gợi ý:

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh được nhận xét là “áng văn chính luận mẫu mực nhất mọi thời đại” có sức lay động sâu sắc. Điều đó được thể hiện qua những giá trị nghệ thuật mà bản Tuyên ngôn đem lại.

Trước hết, “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử to lớn. Đó là lời khẳng định quyền độc lập của dân tộc cũng như tư thế làm chủ của nhân dân. Đó cũng là tiếng nói đại diện cho quốc gia, dân tộc về quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nhân dân đối với đất nước.

Là văn kiện chính trị, lịch sử song “Tuyên ngôn độc lập” không hề khô khan, giáo điều mà vô cùng dễ hấp dẫn, thuyết phục.

Đầu tiên, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho bản Tuyên ngôn một kết cấu lập luận vô cùng chặt chẽ: cơ sở pháp lý, cơ sở thực tế và lời tuyên bố độc lập. Ở mỗi phần, cách lập luận chứng minh của Bác cũng vô cùng sáng tạo.

Về cơ sở pháp lý, Người đã không nhắc lại truyền thống vẻ vang của dân tộc như người xưa:

“Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

Mà Người đã khéo léo trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của cách mạng Mỹ: “ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ đó Bác đã khẳng định những quyền con người, quyền dân tộc (quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc...) của dân tộc Việt Nam. Nhưng Người trích dẫn một cách sáng tạo khi nâng từ quyền cá nhân lên dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cách trích dẫn sáng tạo này đã cho thấy một tầm tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh.

Sau khi đưa ra cơ sở pháp lý, Bác đã chứng minh bằng cơ sở thực tế với hai luận điểm chính đó là: Tố cáo tội ác của thực dân Pháp, đồng thời biểu dương tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Nếu như Pháp luôn kể công khai hóa và bảo hộ dân tộc Việt Nam, thì nhân danh người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bác bỏ điều đó. Trong tám mươi năm thống trị nước ta chúng đã gây ra bao tội ác tày trời làm đau khổ cho nhân dân ta. Bác đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, phong phú được chắt lọc từ những sự thật không thể chối cãi được. Pháp bóc lột nhân dân ta trong mọi mặt đời sống từ kinh tế, văn hóa - giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong hai năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật. Cuối năm 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Việt Minh cứu giúp cho nhiều người Pháp thì chúng lại nhẫn tâm giết chết số đông tù chính trị của ta. Pháp luôn nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của nước mẹ vĩ đại thì Hồ Chí Minh đã khiến chúng phải rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông” - khéo léo nhắc nhở họ đừng làm vấy bẩn lên ngọn cờ chính nghĩa mà tổ tiên họ đã phải đổ biết bao xương máu mới có được. Như vậy, Bác khẳng định lại đó không phải là công mà là tội. Khi đưa ra tội ác của thực dân Pháp, Bác đã sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ kết hợp với lối điệp cấu trúc “chúng…” góp phần vạch ra tội ác của kẻ thù. Sau đó, Người còn biểu dương tinh thần đấu tranh của nhân dân ta: cùng lúc phá bỏ ba xiềng xích lớn là thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến. Cách mạng tháng 8 thành công với thắng lợi vẻ vang đã đem lại nền độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam. Từ đó, khẳng định rằng quyền được tự do, độc lập của Việt Nam phù hợp với nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn để kêu gọi các nước Đồng minh cùng với cộng đồng quốc tế công nhận điều đó. Người khéo léo thuyết phục đồng minh rằng: “ Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Lí lẽ của Người đã chỉ ra nếu các nước đồng minh không chịu công nhận nền độc lập của Việt Nam thì có nghĩa là đồng minh đang phản bội lại chính mình.

Cuối cùng là lời tuyên bố độc lập mang dáng vẻ của “bài thơ thần” đã từng vang vọng trên sông như Nguyệt: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!” Giọng điệu hùng hồn, lời lẽ quyết đoán đã thể hiện được tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Qua chứng minh trên, có thể khẳng định rằng Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục trái tim con người Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay.

-------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Soạn bài lớp 12: Tuyên ngôn độc lập - Phần 2: Tác phẩm. ể có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu phân tích Tuyên ngôn độc lập, Soạn văn lớp 12, Văn mẫu lớp 12

Đánh giá bài viết
5 51.024
Sắp xếp theo

    Soạn bài lớp 12

    Xem thêm