Bạn hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ bạn Lượm trong một lần đi liên lạc
Những bài văn mẫu hay lớp 6
Văn mẫu lớp 6: Bạn hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ bạn Lượm trong một lần đi liên lạc gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bạn hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ bạn Lượm trong một lần đi liên lạc
Hôm nay cô giáo dạy văn đã giảng cho tôi nghe một thơ về chú bé Lượm, hình ảnh Lượm luôn hiện trong tâm trí tôi trong suốt buổi học. Buổi trưa hôm đó khi đang trên đường đi học về qua cánh đồng làng, tôi đã gặp được Lượm.
Cánh đồng làng đang mùa trổ bông mà ruộng nào ruộng nấy gãy rạp từng mảnh, loang lổ những vết cháy đen. Đường quốc lộ thì nham nhở những hầm hố ở gà, nhìn hết sức bi thương. Không chỉ vậy, từ xa thỉnh thoảng lại vang lên tiếng súng nổ đì đùng. Tôi nhìn thấy một cậu bạn chừng tuổi tôi, rất hồn nhiên vui tươi, trên đầu còn đội mũ ca nô nữa. Nhìn cậu bạn dễ thương, tôi trấn tĩnh lại rồi hỏi:
– Chào bạn! Bạn là ai? Và đây là ở đâu hả bạn?
Nụ cười lại lấp lánh trên đôi môi của người bạn mới gặp:
– Bạn không biết mình đang ở đâu ư? Bạn đang đứng ở trên mảnh đất bom đạn: Thừa Thiên Huế. Còn tôi, tôi tên là Lượm.
– Sao nhìn bạn giống Lượm được nói đến trong bài thơ mà tôi đã học thế.
– Ừ đúng mình rồi đấy. Chắc gia đình bạn tản cư, bạn bị lạc đường mất rồi. Bạn có nhìn thấy cái cây cổ thụ phía xa kia không? Bạn chịu khó đi đến đó hỏi đường các chú cảnh vệ nhé. Mình phải đi bây giờ, mình đang vội lắm!
Lượm toan rảo bước chân đi nhưng tôi phần vì không muốn rời xa người bạn đáng mến mới quen như thế, phần vì tò mò (bom đạn thế này sao bạn ấy không đi tản cư như mình mà định đi đâu?) nên vội níu áo bạn:
– Ấy khoan! Cậu đi đâu mà vội thế?
– Mình là liên lạc của Việt Minh! – Cậu bạn tự trả lời. Khi nói câu này, mặt cậu ấy còn hơi nghênh lên rất ngộ! – Mình đi làm việc như mọi ngày thôi, đưa thư cho các các bộ trong tỉnh, trong huyện…
Tôi thấy ngạc nhiên và vô cùng thán phục tài năng của bạn, bạn nhỏ xíu mà làm được việc thật lớn lao, tôi hỏi:
– Thế… thế cậu có sợ không?
– Ư… Sợ thì cùng có sợ chứ. Tớ mấy lần bị đạn bắt hụt chết. Có lần bị thương thật rồi đấy, nằm mấy ngày liền. Nhưng đất nước có chiến tranh ai cũng phải góp sức mình cho Tổ quốc. Nghĩ đến những mất mát mà đồng bào ta phải chịu, sự anh dũng hi sinh của các chiến sĩ và sự chiến đấu kiên cường của dân tộc, mình không sợ gì nữa. Hơn nữa, cứ ở nhà mà nghe tin này, tin nọ của ta, của địch sốt ruột lắm, mình thấy chân tay như thừa cả ra ấy, chỉ muốn góp chút sức mình cùng với mọi người. Mình làm liên lạc, đi lên đồn Mang Cá với các anh chị trên ấy vui lắm! Thôi chào bạn nhé! Mình đi đây!
Tôi ngỡ ngàng nhìn bóng Lượm thoăn thoắt trên con đường đầy thương thích. Cậu ấy đang chữa lành vết thương cho những con đường đấy! Để tin tức của ta không vì bom đạn mà đứt quãng. Nhìn từ xa, tôi chỉ thấy một dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, chiếc xắc lắc lên đập xuống theo nhịp chân sáo của Lượm; nhất là cái mũ ca lô, Lượm đã vào những bờ lúa mà chiếc mũ vẫn nhấp nhô thoắt ẩn thoắt hiện. Nắng đang lên nhẹ rải những ánh vàng trên con đường Lượm đi…
Bóng Lượm vẫn đang thấp thoáng, bỗng có tiếng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Tôi giật bắn mình, mắt ngớ ngàng nhìn những tia máu nóng bắn tung lên và dáng Lượm chơi vơi giữa đồng lúa…mảnh đạn đã bắn trúng vào thân hình nhỏ bé của Lượm, Lượm đã anh dũng hi sinh.
Cuộc gặp gỡ của tôi và Lượm diễn ra rất ngắn ngủi, nhưng tôi được chứng kiến thái độ yêu đời, tu thế hiên ngang bất khuất trước bom đạn của kẻ thù của một chàng thiếu niên dũng cảm. Cuộc gặp gỡ với Lượm làm tôi thấy được rõ hơn những mất mát trong chiến tranh mà cha ông ta đã phải chịu đựng. Tôi nhận thấy mình cần cố gắng học tập thật tốt để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 6: Bạn hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ bạn Lượm trong một lần đi liên lạc. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 6 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 6.
Bài tiếp theo: Em hãy nêu suy nghĩ của em về hình ảnh Dế Mèn trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên của nhà văn Tô Hoài