Đề thi chọn HSG môn Địa lý lớp 10 trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016
Đề thi chọn HSG môn Địa lý lớp 10
Đề thi học sinh giỏi lớp 10 cấp trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016 là đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Địa lý lớp 10. Tài liệu bao gồm đề thi và đáp án, thuận tiện cho các bạn luyện tập và kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài, hi vọng giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 10 các trường THPT chuyên hiệu quả.
Đề thi HSG môn Lịch sử lớp 10 trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016
TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN Đề chính thức | ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI MÔN: ĐỊA LÝ - KHỐI: 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi gồm 02 trang) |
Câu 1. (4 điểm)
1. Giải thích hiện tượng địa lí được đề cập đến trong câu ca dao Việt Nam sau
"Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối"
2. Tác động của sinh vật có gì khác với tác động của đá mẹ và khí hậu trong sự hình thành đất?
Câu 2. (3 điểm)
1. Trình bày sự phân bố lượng mưa trên Trái Đất theo vĩ độ. Vì sao cùng ở bờ đông của lục địa nhưng vùng chí tuyến mưa nhiều hơn vùng ôn đới?
2. Cho biết tên gọi cụ thể của các khối khí sau: Ac, Tm. Vì sao tính chất của các khối khí thường không ổn định?
Câu 3. (4 điểm)
1. Trình bày quy luật hoạt động của dòng biển trên Trái Đất. Vì sao sông Von-ga có mùa lũ không trùng với mùa mưa?
2. Nêu giới hạn và thành phần của lớp vỏ địa lí. Tại sao việc rừng bị phá hủy sẽ ảnh hưởng đến các thành phần tự nhiên khác?
Câu 4. (5 điểm)
1. Vì sao dân cư trên thế giới phân bố không đều? Đô thị hóa có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sinh, tử và hôn nhân ở khu vực thành thị?
2. Nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài khác nhau như thế nào? Phân tích ảnh hưởng của dân cư đến sự phát triển và phân bố của ngành dịch vụ.
Câu 5. (4 điểm)
1. Thế giới cần phải làm gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay?
2. Cho bảng số liệu:
DÂN SỐ VÀ SẢN LƯỢNG LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI THỜI KÌ 2000 - 2013
Năm | 2000 | 2003 | 2007 | 2013 |
Dân số (triệu người) | 6240 | 6317 | 6625 | 7137 |
Sản lượng lương thực (triệu tấn) | 2060 | 2021 | 2120 | 2478 |
a. Vẽ biểu đồ kết hợp thể hiện tình hình dân số và sản lượng lương thực thế giới thời kì 2000 - 2013.
b. Từ biểu đồ đã vẽ, rút ra nhận xét và giải thích.
Đáp án đề thi chọn HSG môn Địa lý lớp 10
Câu 1:
1. Giải thích hiện tượng trong câu ca dao.
Hiện tượng được đề cập đến trong câu ca dao: ngày đêm dài ngắn theo mùa. Tháng 5 ngày dài hơn đêm, tháng 10 đêm dài hơn ngày. (0,5 điểm)
Nguyên nhân: Do trục Trái Đất luôn nghiêng và không đổi phương trong suốt quá trình chuyển động quanh Mặt Trời nên đường phân chia sáng tối không trùng với trục của Trái Đất mà thường xuyên thay đổi vị trí trong năm. (0,5 điểm)
Cụ thể ở nước ta thuộc vùng nội chí tuyến BBC:
- Vào tháng 5 (nằm trong khoảng thời gian 21/3 – 23/9), BBC ngả về phía Mặt Trời, đường phân chia sáng tối nằm ở sau cực Bắc, trước cực Nam nên các địa điểm ở BBC có diện tích được chiếu sáng lớn hơn diện tích khuất trong bóng tối tức là có ngày dài hơn đêm "chưa nằm đã sáng". (0,5 điểm)
- Vào tháng 10 (nằm trong khoảng thời gian 23/9 – 21/3), BBC chếch xa Mặt Trời, đường phân chia sáng tối nằm ở trước cực Bắc, sau cực Nam nên các địa điểm ở BBC có diện tích được chiếu sáng nhỏ hơn diện tích khuất trong bóng tối tức là có đêm dài hơn ngày "chưa cười đã tối". (0,5 điểm)
2. Tác động của sinh vật có gì khác với tác động của đá mẹ và khí hậu trong sự hình thành đất?
Đất là vật thể tự nhiên độc đáo được hình thành do tác động đồng thời của các nhân tố. Mỗi nhân tố đá mẹ, sinh vật, khí hậu tác động khác nhau: (0,25 điểm)
Đá mẹ là nguồn cung cấp vật chất vô cơ cho đất, quyết định thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới và ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất lí, hóa của đất. (0,25 điểm)
Khí hậu
- Tác động trực tiếp thông qua nhiệt và ẩm (diễn giải). (0,25 điểm)
- Tác động gián tiếp thông qua lớp phủ thực vật (diễn giải). (0,25 điểm)
Sinh vật: đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành đất.
- Thực vật (diễn giải). (0,25 điểm)
- Vi sinh vật (diễn giải). (0,25 điểm)
- Động vật (diễn giải). (0,25 điểm)
Câu 2:
1. Trình bày sự phân bố lượng mưa trên Trái Đất theo vĩ độ. Vì sao cùng ở bờ đông của lục địa nhưng vùng chí tuyến mưa nhiều hơn vùng ôn đới?
Lượng mưa trên Trái Đất có sự phân bố không đều theo vĩ độ
- Mưa nhiều nhất ở vùng xích đạo. (0,25 điểm)
- Mưa tương đối ít ở hai vùng chí tuyến Bắc và Nam. (0,25 điểm)
- Mưa nhiều ở hai vùng ôn đới ở bán cầu Bắc và bán cầu Nam. (0,25 điểm)
- Mưa càng ít khi càng về hai cực Bắc và Nam. (0,25 điểm)
Giải thích
Bờ đông của lục địa ở vùng chí tuyến mưa nhiều vì:
- Chịu ảnh hưởng của dòng biển nóng ven bờ. (0,25 điểm)
- Vĩ độ thấp, nhiệt độ cao, lượng bốc hơi lớn, mưa nhiều. (0,25 điểm)
Bờ đông của lục địa ở vùng ôn đới mưa ít hơn vì:
- Chịu ảnh hưởng của dòng biển lạnh ven bờ. (0,25 điểm)
- Vĩ độ trung bình, nhiệt độ thấp, lượng bốc hơi nhỏ hơn, mưa ít. (0,25 điểm)
2. Cho biết tên gọi cụ thể của các khối khí sau: Ac, Tm. Vì sao tính chất của các khối khí thường không ổn định?
Tên khối khí:
- Ac: địa cực lục địa (khô). (0,25 điểm)
- Tm: chí tuyến hải dương (ẩm). (0,25 điểm)
Tính chất của các khối khí không ổn định vì:
- Các khối khí không đứng yên mà luôn dịch chuyển theo chuyển động biểu kiến của Mặt Trời. Trong quá trình dịch chuyển, nó ma sát với bề mặt đệm và bị biến tính. (0,25 điểm)
- Các khối khí hoạt động lấn đẩy và tranh chấp nhau, trong quá trình đó có sự trao đổi nhiệt ẩm với nhau làm biến đổi tính chất của chúng. (0,25 điểm)
Câu 3:
1. Trình bày quy luật hoạt động của dòng biển trên Trái Đất. Vì sao sông Von-ga có mùa lũ không trùng với mùa mưa?
Trình bày
- Các dòng biển nóng thường phát sinh ở hai bên xích đạo chảy về hướng tây, khi gặp lục địa thì chuyển hướng chảy về phía cực. (0,25 điểm)
- Các dòng lạnh thường xuất phát khoảng 30-400 thuộc khu vực bờ đông của các đại dương rồi chảy về xích đạo. (0,25 điểm)
- Dòng nóng và dòng lạnh tạo thành hệ thống hoàn lưu trên các đại dương: BBC hướng chảy thuận chiều kim đồng hồ, NBC ngược lại. (0,25 điểm)
- Ở BCB còn có những dòng biển lạnh xuất phát từ vùng cực chảy men theo bờ tây các đại dương về xích đạo.
- Vùng gió mùa có các dòng biển đổi chiều theo mùa. (0,25 điểm)
- Các dòng nóng và lạnh chảy đối xứng nhau ở hai bờ các đại dương. (0,25 điểm)
Giải thích sông Von-ga:
- Sông chảy trong vùng ôn đới lạnh nên có nguồn cung cấp nước chủ yếu là băng tuyết tan. Mùa lũ vào mùa xuân do băng tuyết tan. (0,25 điểm)
- Mùa mưa vào mùa hè nhưng do nhiệt độ cao, nước bốc hơi lên mạnh nên mực nước sông không cao. (0,25 điểm)
2. Nêu giới hạn và thành phần của lớp vỏ địa lí. Tại sao nói việc rừng bị phá hủy sẽ ảnh hưởng đến các thành phần tự nhiên khác?
Giới hạn và thành phần của lớp vỏ địa lí
Giới hạn: (0,5 điểm)
- Giới hạn trên: từ giới hạn dưới của lớp ôdôn (độ cao 22-25km).
- Giới hạn dưới: đáy vực thẳm đại dương hoặc xuống hết lớp vỏ phong hóa ở lục địa.
Thành phần: thạch quyển, khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thổ nhưỡng quyển xâm nhập và tác động lẫn nhau. (0,25 điểm)
Giải thích
Việc phá hủy rừng sẽ dẫn đến: khí hậu biến đổi; dòng chảy không ổn định gia tăng lũ lụt và hạn hán; đất đai bị thoái hóa, xói mòn; địa hình bị xâm thực mạnh. (0,5 điểm)
Nguyên nhân:
- Do tất các các thành phần của tự nhiên đều đồng thời chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiến của nội lực và ngoại lực. (0,25 điểm)
- Vì thế chúng không tồn tại và phát triển một cách cô lập mà luôn xâm nhập vào nhau, trao đổi vật chất và năng lượng cho nhau. (0,25 điểm)
- Nếu một thành phần thay đổi sẽ dẫn tới sự biến đổi của các thành phần còn lại và toàn bộ lãnh thổ. (0,25 điểm)
Câu 4:
1. Vì sao dân cư trên thế giới phân bố không đều? Đô thị hóa có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sinh, tử và hôn nhân ở khu vực thành thị?
Giải thích:
- Do sự phân bố dân cư chịu tác động tổng hợp của hàng loạt nhân tố (kể tên). Các nhân tố trên ở mỗi lãnh thổ không giống nhau. (0,25 điểm)
- Những khu vực đông dân thường là những nơi có: điều kiện tự nhiên thuận lợi (địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào..); Trình độ phát triển kinh tế- xã hội cao; Nền kinh tế dựa chủ yếu vào công nghiệp và dịch vụ hoặc nông nghiệp thâm canh lúa nước; Lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời... (0,5 điểm)
- Những khu vực thưa dân thường là những nơi thiếu sự đồng bộ của các nhân tố trên: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ phát triển thấp, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lịch sử khai thác lãnh thổ muộn... (0,5 điểm)
Ảnh hưởng:
- Giảm mức sinh do sự phát triển đô thị thường gắn với trình độ phát triển kinh tế xã hội được nâng cao, tâm lí xã hội thay đổi... (0,25 điểm)
- Mức tử vong: Đô thị hóa nếu không xuất phát từ công nghiệp hóa sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế- xã hội như tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, tai nạn, bệnh tật làm gia tăng mức tử vong và ngược lại. (0,25 điểm)
- Quá trình hôn nhân: tuổi kết hôn cao hơn, tỉ lệ li hôn nhiều hơn. (0,25 điểm)
2. Nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài khác nhau như thế nào? Phân tích ảnh hưởng của dân cư đến sự phát triển và phân bố của ngành dịch vụ.
Sự khác nhau:
Về phạm vi lãnh thổ và thành phần.
- Nguồn lực trong nước (nội lực): gồm có vị trí địa lí, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực KT-XH trong nước. (0,25 điểm)
- Nguồn lực nước ngoài (ngoại lực): bao gồm vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lí sản xuất - kinh doanh từ nước ngoài. (0,25 điểm)
Vai trò khác nhau
- Nguồn lực trong nước giữ vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. (0,25 điểm)
- Nguồn lực nước ngoài đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với nhiều quốc gia đang phát triển ở những gia đoạn lịch sử cụ thể nhưng không quyết định. (0,25 điểm)
Phân tích ảnh hưởng của dân cư đến dịch vụ
- Số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ gia tăng dân số ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu và nhịp độ tăng trưởng của ngành dịch vụ (dẫn chứng). (0,5 điểm)
- Phân bố dân cư và mạng lưới quần cư ảnh hưởng đến mạng lưới dịch vụ (dẫn chứng). (0,5 điểm)
- Mức sống và thu nhập thực tế ảnh hưởng đến nhu cầu và sức mua ngành dịch vụ (dẫn chứng). (0,5 điểm)
- Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán có ảnh hưởng không nhỏ tới tổ chức dịch vụ (dẫn chứng). (0,5 điểm)
Câu 5:
1. Thế giới cần phải làm gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay? (1,0 điểm)
- Cần có sự phối hợp, nỗ lực chung của các quốc gia, mỗi tầng lớp xã hội.
- Chấm dứt chạy đua vũ trang, chiến tranh, xóa đói giảm nghèo.
- Thực hiện các công ước quốc tế về môi trường và luật môi trường.
- Áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật để kiểm soát môi trường.
- Biện pháp khác: tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ môi trường.
(HS nêu được 4/5 ý cho điểm tối đa)
2. Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích
a. Vẽ biểu đồ (1,5 điểm)
- Biểu đồ thích hợp nhất: Biểu đồ đường cột kết hợp.
- Yêu cầu vẽ chính xác, đúng khoảng cách năm, thẩm mĩ, đầy đủ tên biểu đồ, chú giải, số liệu.
- Thiếu hoặc sai mỗi yếu tố trừ 0,25 đ/yếu tố.
b. Nhận xét và giải thích
Nhận xét:
Nhìn chung dân số và sản lượng lương thực thế giới đều tăng nhưng mức độ tăng khác nhau: (0, 25 điểm)
- Quy mô dân số thế giới tăng nhanh hơn và liên tục (dẫn chứng). (0, 25 điểm)
- Sản lượng lương thực thế giới tăng chậm hơn và biến động (dẫn chứng). (0, 25 điểm)
Giải thích:
Dân số thế giới tăng do quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng dân số còn cao, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. (0, 25 điểm)
Sản lượng lương thực:
- Tăng do mở rộng diện tích canh tác, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhu cầu lương thực của con người... (0, 25 điểm)
- Năm 2003 sản lượng giảm do tác động của thiên tai, dịch bệnh,... (0, 25 điểm)