Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi HSG môn Lịch sử lớp 10 trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016

Đề thi HSG môn Lịch sử lớp 10

Đề thi học sinh giỏi lớp 10 cấp trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016 là đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Lịch sử lớp 10. Tài liệu bao gồm đề thi và đáp án, thuận tiện cho các bạn luyện tập và kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài, hi vọng giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 10 các trường THPT chuyên hiệu quả.

Trường THPT chuyên Thái Nguyên

Đề chính thức

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
MÔN: LỊCH SỬ - KHỐI 10
Ngày thi: tháng năm 2015
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (2,5 điểm)

Phân tích nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII. Từ những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến này anh/chị hãy rút ra một bài học cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Câu 2 (2,5 điểm)

Hãy đánh giá vai trò của phong trào Tây Sơn đối với lịch sử dân tộc thế kỉ XVIII.

Câu 3 (3,0 điểm)

Sự thành lập triều Nguyễn đầu thế kỉ XIX có điểm khác biệt cơ bản gì so với sự thành lập các triều đại phong kiến Việt Nam ở các thế kỉ XI - XV? Vào giữa thế kỉ XIX, những thách thức lịch sử nào đặt ra cho triều Nguyễn? Tại sao triều Nguyễn lại duy trì đường lối bảo thủ?

Câu 4 (3,0 điểm)

Phân tích nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1858 - 1884).

Câu 5 (3,0 điểm)

Trình bày hoàn cảnh bùng nổ phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX. Chiếu Cần vương ban ra đã tác động như thế nào đến bộ phận văn thân, sĩ phu yêu nước?

Câu 6 (3,0 điểm)

Vì sao cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 được đánh giá là sự kiện vĩ đại trong lịch sử nước Nga và lịch sử nhân loại?

Câu 7 (3,0 điểm)

Nêu nguyên nhân, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 - 1933) ở các nước tư bản.

Đáp án đề thi HSG môn Lịch sử lớp 10

Câu 1: Phân tích nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII. Từ những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến này, anh/chị hãy rút ra một bài học cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1. Nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII

Cần phân tích được các ý sau:

  • Tinh thần yêu nước, đoàn kết chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc của quân dân nhà Trần: các tầng lớp nhân dân, các thành phần dân tộc đều tham gia đánh giặc, nhân dân thực hiện vườn không, nhà trống, quân dân chiến đấu anh dũng... (0,5đ)
  • Nhà Trần có sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc kháng chiến: chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng quân đội, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân... (0,5đ)
  • Có sự chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo và các vua Trần cùng hàng loạt tướng lĩnh tài năng: nghệ thuật rút lui chiến lược, mở trận quyết chiến chiến lược... (0,5đ)

2. Bài học cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

  • Rút ra được một trong những bài học như: đường lối đấu tranh đúng đắn, đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng... (0,5đ)
  • Nêu được vai trò của bài học được rút ra trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (0,5đ)

Câu 2:

Hãy đánh giá vai trò của phong trào Tây Sơn đối với lịch sử dân tộc thế kỉ XVIII.

  • Phong trào nông dân Tây Sơn đã lật đổ ba tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê, bước đầu thống nhất đất nước... (1,0đ)
  • Từ nhiệm vụ giai cấp, phong trào Tây Sơn đã vươn lên gánh vác nhiệm vụ dân tộc: đánh bại quân xâm lược Xiêm (1785), Thanh (1789), bảo vệ nền độc lập dân tộc... (1,0đ)
  • Tiến hành nhiều cải cách tiến bộ... mở ra một bước phát triển mới của lịch sử dân tộc. (0,5đ)

Câu 3:

Sự thành lập triều Nguyễn đầu thế kỉ XIX có điểm khác biệt cơ bản gì so với sự thành lập các triều đại phong kiến Việt Nam ở các thế kỉ XI - XV? Vào giữa thế kỉ XIX, những thách thức lịch sử nào đặt ra cho triều Nguyễn? Tại sao triều Nguyễn lại duy trì đường lối bảo thủ?

1. Điểm khác biệt cơ bản giữa sự thành lập triều Nguyễn đầu thế kỉ XIX so với sự thành lập các triều đại phong kiến Việt Nam thế kỉ XI - XV

  • Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn vào năm 1802. Sự thành lập triều Nguyễn dựa trên sự đánh bại một phong trào nông dân tương đối tiến bộ đó là phong trào Tây Sơn với sự giúp sức của tư bản Pháp. (0,5đ)
  • Trong khi đó, sự thành lập các triều đại phong kiến Việt Nam ở các thế kỉ XI - XV lại là sự thay thế của một triều đại tiến bộ cho một triều đại đã hết vai trò lịch sử hoặc là kết quả của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thắng lợi. (0,5đ)

2. Vào giữa thế kỉ XIX, những thách thức lịch sử nào đặt ra cho triều Nguyễn

Trước nguy cơ bị xâm lược từ bên ngoài... và trong bối cảnh chế độ phong kiến Việt Nam đã bộc lộ những dấu hiệu của sự khủng hoảng suy yếu nghiêm trọng... vào giữa thế kỉ XIX, triều Nguyễn đứng trước những thách thức lịch sử: (0,5đ)

  • Hoặc là tiến hành cải cách để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng ở trong nước, mở rộng quan hệ bang giao để khôn khéo bảo toàn độc lập, chủ quyền. (0,5đ)
  • Hoặc là chìm đắm trong chính sách thủ cựu và tự cô lập nhằm cố gắng duy trì chế độ chế độ quân chủ chuyên chế lạc hậu. (0,5đ)

3. Nguyên nhân triều Nguyễn duy trì đường lối bảo thủ

Vì quyền lợi của dòng họ và giai cấp triều Nguyễn đã thi hành chính sách bảo thủ... hậu quả là đặt Việt Nam vào tình thế bất lợi trước cuộc xâm lược vũ trang của thực dân Pháp. (0,5đ)

Câu 4: Phân tích nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1858 - 1884).

Cần phân tích được các ý sau:

  • Thực dân Pháp mạnh, đủ sức đàn áp cuộc kháng chiến. (1,0đ)
  • Triều Nguyễn thiếu sự chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, không thấy được dã tâm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. (1,0đ)
  • Triều Nguyễn đã không có một đường lối kháng chiến đúng đắn: xa rời đường lối đấu tranh vũ trang truyền thống của dân tộc, cắt đất cầu hòa...; bỏ qua những cơ hội để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp... (1,0đ)

Câu 5: Trình bày hoàn cảnh bùng nổ phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX. Chiếu Cần vương ban ra đã tác động như thế nào đến bộ phận văn thân, sĩ phu yêu nước?

1. Hoàn cảnh bùng nổ phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX

  • Thực dân Pháp cơ bản hoàn thành quá trình xâm lược vũ trang Việt Nam, bước vào thời kì bình định, tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp trở nên sâu sắc. (0,75đ)
  • Triều đình phong kiến nhà nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp qua việc kí hai Hiệp ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884) với Pháp. Nội bộ triều đình Nguyễn phân hóa sâu sắc giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa... Phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết vẫn nuôi hi vọng khôi phục lại chủ quyền khi có thời cơ. Trong bối cảnh đó, thực dân Pháp quyết tâm trừ khử phe chủ chiến trong triều đình Nguyễn. (0,75đ)
  • Sau cuộc phản công của phe chủ chiến tại kinh thành Huế (7-1885), Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời kinh đô Huế, nhân danh nhà vua ra chiếu Cần vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu cùng nhân dân cả nước đứng lên giúp vua, cứu nước. Chiếu Cần vương đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước vốn đang âm ỉ cháy trong quần chúng nhân dân và nhanh chóng biến thành một phong trào lớn. (0,5đ)

2. Tác động của chiếu Cần vương đến bộ phận văn thân, sĩ phu yêu nước

  • Văn thân, sĩ phu là trí thức phong kiến. Họ bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo "trung quân, ái quốc". Đối với họ, yêu nước tức là trung thành với nhà vua và ngược lại trung thành với nhà vua nghĩa là yêu nước. (0,25đ)
  • Trước khi chiếu Cần vương ban ra, các văn thân, sĩ phu bị mâu thuẫn giữa tư tưởng "trung quân" và "ái quốc". Bởi "trung quân" thì không "ái quốc" do một bộ phận vua quan triều Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp. Ngược lại "ái quốc" thì không thể "trung quân" vì phải chống lại vua. (0,25đ)
  • Chiếu Cần Vương ban ra đã giải quyết được mâu thuẫn tư tưởng của văn thân, sĩ phu về mối quan hệ giữa "trung quân" và "ái quốc". Giờ đây "trung quân", "ái quốc" đã thống nhất. Ngay lập tức, các văn thân, sĩ phu đã hăng hái hưởng ứng chiếu Cần vương. (0,5đ)

Câu 6: Vì sao cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 được đánh giá là sự kiện vĩ đại trong lịch sử nước Nga và lịch sử nhân loại?

1. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử nước Nga

Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra kỉ nguyên mới, làm thay đổi hoàn toàn tình hình đất nước và số phận hàng triệu người ở Nga: (0,5đ)

  • Giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc khỏi mọi gông xiềng nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh mình. (0,5đ)
  • Một chế độ mới được thiết lập ở nước Nga với mục đích xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc, công bằng cho người lao động. (0,5đ)

2. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử nhân loại

Cách mạng tháng Mười ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới: (0,5đ)

  • Phá vỡ trận tuyến của chủ nghĩa tư bản, làm cho nó không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới. Sự xuất hiện của nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới đã tạo ra một chế độ xã hội đối lập với hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa. (0,25đ)
  • Cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. (0,25đ)
  • Thức tỉnh, cổ vũ ý chí đấu tranh và mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. (0,25đ)
  • Làm cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông gắn bó mật thiết với phong trào công nhân ở các nước phương Tây trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. (0,25đ)

Câu 7: Nêu nguyên nhân, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 - 1933) đối với các nước tư bản.

1. Nguyên nhân

  • Do sự phát triển kinh tế chạy theo lợi nhuận, không đều, thiếu kế hoạch của các nước tư bản chủ nghĩa. (0,75đ)
  • Do đời sống của người lao động các nước tư bản không được cải thiện tương xứng với sự phát triển kinh tế... mâu thuẫn giữa cung và cầu... (0,75đ)

2. Hậu quả

Kinh tế: Nền kinh tế các nước tư bản bị tàn phá nặng nề, sản xuất đình đốn... (0,5đ)

Chính trị - xã hội:

  • Số người thất nghiệp tăng nhanh, nông dân mất ruộng đất, sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn... Mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng, các phong trào đấu tranh diễn ra khắp các nước tư bản. (0,5đ)
  • Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Để cứu vãn tình thế, Mĩ, Anh, Pháp tiến hành những cải cách kinh tế - xã hội; trong khi đó, Đức, Italia, Nhật Bản tìm lối thoát bằng cách thiết lập chế độ độc tài phát xít... Từ trong cuộc khủng hoảng, đã hình thành nên hai khối đế quốc đối lập, báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới. (0,5đ)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 10

    Xem thêm