Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Văn năm 2022 - Đề 8
Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 9 Đề 8 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.
Ngữ văn 9 - Đề thi học kì 2
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 9.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 9.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 9
I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng. Nếu chúng ta không lười biếng thì mọi cái mà chúng ta trông thấy đều là cơ hội, bởi vì càng khó khăn cơ hội càng lớn. Tôi nghĩ rằng không lười biếng và phải dũng cảm, hai cái đấy tạo ra cơ hội. Các bạn đừng sợ. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng. Mọi khó khăn là điềm báo tạo cơ hội.
Câu 1 (0,5 điểm): Theo tác giả, kẻ thù lớn nhất của chúng ta là gì? Các yếu tố tạo nên cơ hội là gì?
Câu 2 (1,0 điểm): Nêu nội dung chính của đoạn văn trên.
Câu 3 (1,5 điểm): Từ nội dung của đoạn văn, hãy nêu bài học mà em rút ra được để hoàn thiện mình.
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Người không học như ngọc không mài”
Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình qua bài thơ “Nói với con”.
Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn năm 2022
Đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5 điểm):
Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là sự lười biếng. Các yếu tố tạo nên cơ hội là không lười biếng và phải dũng cảm.
Câu 2 (1,0 điểm):
Nội dung chính của đoạn văn: nêu ra những tác hại của việc lười biếng, thuyết phục con người nên dũng cảm, không lười biếng để tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Câu 3 (1,5 điểm):
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
- Nêu ra tác hại của sự lười biếng đối với bản thân.
- Tại sao chúng ta không nên lười biếng và phải dũng cảm.
- Bản thân em đã, đang và sẽ làm gì để có thể nắm bắt được mọi cơ hội.
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm):
Dàn ý nghị luận xã hội về câu nói: “Người không học như ngọc không mài”
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu nói: “Người không học như ngọc không mài”.
2. Thân bài
a. Giải thích
“ngọc không mài”: viên ngọc sần sùi, thô ráp của tự nhiên, không có tác động của con người, chưa được chế tác hay mài giũa để trở nên tỏa sáng, làm đẹp cho đời, cho người.
Người không học: là người không chịu rèn luyện bản thân, tiếp thu kiến thức để tiến bộ hơn từng ngày.
Ý cả câu: con người không được học hành sẽ không trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội, tỏa sáng, không giúp cho xã hội phát triển. Đề cao vai trò của việc học tập trong cuộc sống mỗi người và trong sự phát triển chung của xã hội.
b. Phân tích
Học tập là việc quan trọng và cần thiết đối với tất ả mọi người, chúng ta thông qua học tập mới lĩnh hội được kiến thức, được những điều hay lẽ phải trong cuộc sống để hoàn thiện bản thân mình hơn.
Để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, con người cần phải học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình.
Không có học hành, con người sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định và xã hội không thể phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Nếu tất cả con người đều cố gắng mài giũa bản thân, trau dồi kiến thức, vươn lên, hướng về phía trước thì xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lựa chọn dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.
(Lưu ý: dẫn chứng phải gần gũi, xác thực và tiêu biểu được nhiều người biết đến).
d. Phản đề
Trong xã hội có những người tuy có điều kiện tốt để học tập và phát triển bản thân nhưng lại không biết trân trọng và cố gắng mà chỉ biết lao theo những thú vui của bản thân mình. Những người này đáng bị chỉ trích và phê phán thẳng thắn.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận (Câu nói: “Người không học như ngọc không mài”) và rút ra bài học và bản thân.
Câu 2 (5,0 điểm):
Dàn ý cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình qua bài thơ “Nói với con”
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Y Phương và bài thơ Nói với con.
2. Thân bài
a. Khái quát chung về "Người đồng mình"
Người đồng mình là người đồng hương, cùng chung sống trên mảnh đất, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng giống nhau, những nét tính cách tương đồng với nhau, gắn kết với nhau bằng sợi dây vô hình bền chặt.
b. Khổ thơ đầu
4 câu thơ đầu: tiếng lòng hạnh phúc của một người cha khi nhắc về kỷ niệm những ngày con còn thơ ấu với những bước đi chập chững đầu đời. Y Phương gợi nhắc quá khứ, gợi mở cho con những nền tảng đầu tiên về tình cảm gia đình ấm áp, về quá trình sinh ra và lớn lên của một con người.
7 câu thơ sau: gợi mở ra những vẻ đẹp của người dân tộc miền núi bằng câu thơ chứa chan tình cảm: Những con người lao động với đôi bàn tay thô sơ, nhưng khéo léo, giữa cuộc sống nhiều khó khăn vất vả thế nhưng tâm hồn của “người đồng mình” vẫn rất đẹp, rất yêu đời, từng câu hát, câu ca trong lối sinh hoạt văn hóa. “Cha vẫn nhớ mãi về ngày cưới/Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời” là lời khẳng định hạnh phúc gia đình, khẳng định thêm về tình cảm gia đình vững chắc là cơ sở để cho con được một cuộc sống êm ấm, và cũng là cơ sở để gây dựng nên một cộng đồng dân tộc với những nét đẹp trong văn hóa, phong tục truyền thống.
c. Khổ thơ cuối
Vẻ đẹp của “người đồng mình” không chỉ dừng lại ở sự khéo léo sáng tạo trong lao động hay lòng yêu cuộc sống, với những nét đẹp tập quán mà còn thể hiện ở ý chí và sức mạnh trong tâm hồn.
“Cao” và “xa” là hai lượng từ khiến độc giả liên tưởng đến một vùng đất núi non trùng điệp khắc nghiệt vô cùng, nhưng những con người nơi đây chưa một lần lấy đó làm nản chí.
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói”: Là “người đồng mình” con phải học được cách thích nghi với cuộc sống, linh hoạt và mềm dẻo như dòng sông, con suối, dù là thác hay ghềnh đều không khiến con phải nản chí, chùn bước.
Cha mong con hãy lấy người đi trước làm tấm gương sáng để noi theo để phấn đấu nỗ lực lấy cái tâm hồn mạnh mẽ, kiên cường, ý chí vượt khó lớn lao để góp phần xây dựng đất nước.
3. Kết bài
Khái quát lại nội dung, ý nghĩa bài thơ Nói với con và rút ra bài học, liên hệ bản thân.
----------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 9 Đề 8. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 9, Trắc nghiệm Tiếng Anh 9, Lý thuyết môn Vật lí lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 9 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em học tập thật tốt.