Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 huyện Lâm Thao, Phú Thọ năm 2013 - 2014

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2013 - 2014 huyện Lâm Thao, Phú Thọ được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới các bạn nhằm giúp các em học sinh ôn tập và củng cố kiến thức hiệu quả. Đề thi môn Văn có đáp án đi kèm sẽ giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi môn văn lớp 9 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý lớp 9 huyện Thanh Oai năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Thanh Thùy, Thanh Oai năm 2015 - 2016

PHÒNG GD&ĐT LÂM THAOĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2013 – 2014
Môn: Ngữ văn
Thời gian thi: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Đề thi có 01 trang

Đề chính thức

Câu 1: (4,0 điểm) Tìm và phân tích hiệu quả thẩm mỹ của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

(Từ ấy - Tố Hữu)

Câu 2: (4,0 điểm)

Trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và con người trong hai đoạn thơ sau (bằng cách viết một đoạn văn khoảng 15 câu):

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

(Quê hương - Tế Hanh)

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

(Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

Câu 3: (12,0 điểm)

Bàn về văn chương, Hoài Thanh viết:

Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.

(Trích Ý nghĩa văn chương- SGK Ngữ văn 7, tập hai)

Bằng hiểu biết của em về bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1: (4 điểm)

Yêu cầu về hình thức: HS viết thành đoạn văn có cấu trúc chặt chẽ (Đoạn diễn dịch, qui nạp hoặc T-P-H); (1 điểm)

Yêu cầu về nội dung:

Chỉ đúng các biện pháp tu từ (nói rõ được thực hiện ở các từ ngữ nào): (1 điểm)

  • Phép ẩn dụ: Hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí để chỉ lí tưởng cộng sản.
  • Phép so sánh: Tâm hồn giống như một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Phân tích hiệu quả thẩm mỹ: (2 điểm)

  • Phép ẩn dụ kết hợp với các động từ mạnh (bừng, chói), nhà thơ muốn khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng rực rỡ, chói lòa xua tan những u ám, tối tăm; làm bừng sáng tâm hồn người thanh niên trí thức tiểu tư sản giàu nhiệt huyết nhưng chưa tìm được đường đi đúng đắn, đang băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời. Cách nói thể hiện thái độ thành kính, ân tình của nhà thơ với Đảng.
  • Phép so sánh: So sánh cái trừu tượng (tâm hồn) với cái cụ thể (khu vườn), kết hợp với phép đảo ngữ (rất đậm hương, rộn tiếng chim: một khu vườn tràn đầy màu sắc, hương thơm, âm thanh...), tác giả đã diễn tả niềm vui sương mãnh liệt khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản; ánh sáng của lí tưởng cộng sản có sức mạnh kì diệu đã làm bừng lên một sức sống mới mẻ trong tâm hồn nhà thơ. Niềm vui sống, sự sáng suốt, minh mẫn đến kì lạ của tinh thần trí tuệ khi được lí tưởng chiếu dọi làm tâm hồn nhà thơ trở nên sảng khoái, say mê, náo nức... Đây là giây phút đặc biệt thiêng liêng trong cuộc đời của Tố Hữu và nhà thơ đã ghi lại chân thành, cảm động.

Câu 2: (4 điểm)

Yêu cầu về hình thức: Viết đoạn văn đúng số câu qui định, cấu trúc chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, có chất văn; không mắc lỗi về chính tả. (1 điểm)

Yêu cầu về nội dung:

* HS cảm nhận được điểm chung của hai đoạn thơ: (1 điểm)

  • Đều là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thanh bình, êm ả của sông nước, biển trời. Thiên nhiên ấy vô cùng thuận lợi cho công việc đánh cá:
  • Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
  • Sóng đã cài then, đêm sập cửa
  • Con người trong hai đoạn thơ đều hiện lên mạnh mẽ, khỏe khoắn, đầy hào hứng, nhiệt tình với những cánh buồm căng tràn hi vọng, ước mơ và ăm ắp vẻ đẹp mộc mạc, chân chất của người dân chài: dân trai tráng, hăng như con tuấn mã, phăng mái chèo, câu hát căng buồm...

* Bức tranh thiên nhiên và con người trong mỗi đoạn thơ mang một vẻ đẹp riêng: (2 điểm)

Trong đoạn trích từ Quê hương của Tế Hanh:

  • Bức tranh thiên nhiên hiện lên với vẻ đẹp của buổi sáng trong trẻo, mát lành, ánh sáng dịu dàng, bầu trời trong xanh, gió nhẹ, nắng hồng, báo hiệu một chuyến đi biển thật bình yên và may mắn.
  • Vẻ đẹp của con người là những chàng trai vô cùng vạm vỡ, rắn chắc (với các động từ mạnh: phăng, vượt, phép so sánh hăng như con tuấn mã..). Đó là vẻ đẹp thể chất của con người lao động nhuộm nắng gió biển khơi, là những người con ưu tú nhất, mạnh mẽ nhất của làng chài quê hương...

Trong đoạn thơ trích từ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận:

  • Bức tranh thiên nhiên là vẻ đẹp của buổi hoàng hôn trên mặt biển vô cùng tráng lệ, rực rỡ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa. Phép so sánh, nhân hóa gợi tả không gian mênh mông, làn nước biển lấp lánh phản chiếu sắc đỏ của ánh hoàng hôn đang rực lên... Những con sóng dài được hình dung như những then cài mà cánh cửa là màn đêm đang buông xuống. Biển đêm trở thành một ngôi nhà gần gũi, ấm áp thân thuộc với con người.
  • Vẻ đẹp của con người lao động trong đoạn thơ này là câu hát căng tràn sức sống. Lời hát như khúc tráng ca lên đường, thể hiện niềm vui, lòng lạc quan yêu đời của người dân chài. Đó không chỉ là sức mạnh thể chất mà chủ yếu là sức mạnh tinh thần, là tư thế chủ động, làm chủ thiên nhiên, biển trời của những con người trên những đoàn thuyền nối nhau ra khơi (chứ không phải là chiếc thuyền đơn lẻ)

* Tóm lại: Hai đoạn thơ với bút pháp lãng mạn bay bổng, với cách dùng từ ngữ, BP tu từ đặc sắc đã ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động với tình yêu và niềm tự hào mãnh liệt của các tác giả.

Câu 3, (12 điểm)

Yêu cầu chung:

  • HS làm được bài văn nghị luận về tác phẩm văn học có gắn với một nhận định, xác định đúng luận điểm, có khả năng phân tích- bình DC.
  • Trình bày bố cục mạch lạc, diễn đạt lưu loát, có chất văn, ít mắc lỗi.

Yêu cầu cụ thể:

a- Mở bài: (1 điểm)

Giới thiệu ý kiến của Hoài Thanh gắn với nội dung cơ bản của bài thơ Bếp lửa: Bài thơ thể hiện tình cảm bà cháu thiêng liêng, sâu nặng.

b- Thân bài:

* Khái quát: (1 điểm)

Giải thích nhận định:

  • Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có: tức là khẳng định các tác phẩm văn chương có khả năng khơi gợi những tình cảm, rung cảm đẹp đẽ cho mỗi người khi tiếp cận tác phẩm. Văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có: tức là nhấn mạnh khả năng văn chương bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mỗi người thêm sâu sắc, thêm đẹp đẽ, bền vững.

=>Nhận định đã khái quát một cách sâu sắc hai vấn đề: Khái quát quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương: Đều xuất phát từ tình cảm, cảm xúc của tác giả và bạn đọc; khái quát chức năng giáo dục và thẩm mĩ của văn chương đối với con người.

Hoàn cảnh tác giả sáng tác bài thơ: Viết 1963 khi tg đang du học ở Liên xô (cũ), nơi lạnh giá xứ người xa quê hương, xa người bà đã khơi gợi nỗi nhớ thương về quê hương, về bếp lửa ấm nồng cùng với hình ảnh bà yêu dấu.

Khẳng định: Bài thơ khơi dậy, bồi đắp thêm cho tình cảm gia đình (tình bà cháu thiêng liêng, sâu nặng), tình yêu thương con người, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi con người. Bài thơ là minh chứng cho nhận định của Hoài Thanh.

* Phân tích, chứng minh: (8 điểm)

Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình cảm bà cháu, tình cảm gia đình cho mỗi người đọc qua dòng hồi tưởng của cháu về kỷ niệm tuổi thơ bên bà, bên bếp lửa – qua tình cảm bà cháu của nhân vật trữ tình (3 điểm)

Hồi tưởng của cháu bắt đầu từ hình ảnh bếp lửa và hình ảnh bà.

  • Nhân vật trữ tình hồi tưởng lại những kỷ niệm: Kỷ niệm những năm đói khổ; kỷ niệm tám năm sống bên bà; kỉ niệm những năm giặc dã, chiến tranh. Trong dòng hổi tưởng đó luôn có hình ảnh bà tần tảo, hi sinh, yêu thương cháu, có tình bà ấm áp. (phân tích- chứng minh)
  • Hồi tưởng về bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa, bếp lửa là biểu tượng cho tình bà ấm áp, biểu tượng cho ý chí, nghị lực, niềm tin của bà. (Phân tích – chứng minh)

Cháu khôn lớn, trưởng thành thấm thía cuộc đời bà vất vả, gian khổ, tần tảo, chịu thương chịu khó; công lao của bà mênh mông, sâu nặng (Phân tích – Chứng minh)

  • Cháu tâm nguyện: luôn trân trọng, nhớ bà, biết ơn bà (Phân tích – Chứng minh)
  • Trong suy ngẫm, tâm nguyện của cháu cũng vẫn hiện lên hình ảnh bếp lửa bình dị mà thiêng liêng: Bếp lửa là biểu tượng cho tình bà cháu, biểu tượng của gia đình, quê hương.
  • Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình cảm gia đình gắn bó hài hòa trong tình yêu quê hương đất nước- qua những suy ngẫm của cháu về bà, về đất nước, dân tộc, nhân dân mình. (3 điểm)
  • Tình cảm bà cháu là cội nguồn của tình cảm gia đình, tình cảm với quê hương, đất nước: Mỗi kỉ niệm của cháu với bà gắn với những thời kì lịch sử khó quên của đất nước, dân tộc; gắn với tình làng nghĩa xóm (Phân tích- chứng minh)
  • Người cháu nhớ về bà, biết ơn bà, nhờ hiểu bà mà thêm hiểu nhân dân, đất nước, dân tộc mình. Bếp lửa và bà đã trở thành biểu tượng của quê hương, xứ sở. (phân tích- chứng minh)
  • Khẳng định sự tác động của bài thơ đến tình cảm mỗi người đọc, sự đồng cảm của người đọc với bài thơ. (2 điểm)
  • Với hình tượng bếp lửa và hình tượng người bà, bài thơ bếp lửa đã khơi dậy trong lòng mỗi người đọc tình cảm bà cháu đẹp đẽ, tình cảm gia đình thiêng liêng. Tình cảm của nhân vật trữ tình, của tác giả đã làm sâu sắc, đẹp đẽ, bền vững thêm tình cảm gia đình trong mỗi người đọc. Điều đó chứng minh nhận định của Hoài Thanh là đúng đắn.
  • Bài thơ nhận được sự đồng cảm của bạn đọc, bạn đọc tìm được sự đồng điệu tâm hồn với tác giả. Bài thơ là một minh chứng cho quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương, minh chứng cho vai trò quan trọng và chức năng của văn chương, đặc biệt là chức năng giáo dục và thẩm mỹ.

* Đánh giá, mở rộng: (1 điểm)

  • Bài thơ Bếp lửa với hình tượng thơ độc đáo, ngôn từ biểu cảm, bình dị mà sâu sắc, sử dụng hổi tưởng và hiện tại trong mạch cảm xúc, sử dụng nhiểu biện pháp nghệ thuật đặc sắc đã thể hiện xúc động tình bà cháu thiêng liêng, ấm áp, tình cảm yêu gia đình, quê hương, đất nước trong sáng, đẹp đẽ.
  • Bài thơ đã làm sáng tỏ những quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương; minh chứng cho những tác dụng to lớn của văn chương: Văn chương làm đẹp thêm tình người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.
  • Liên hệ đến các tác phẩm ngợi ca tình cảm gia đình: Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)...

c. Kết luận (1 điểm)

  • Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ tác động đến mỗi người: là lời nhắc nhở mỗi con người luôn biết trân trọng, giữ gìn những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ.
  • Liên hệ nhận thức và hành động của bản thân.

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt khi chấm. Tránh đếm ý cho điểm.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 9

    Xem thêm