Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 trường THPT Trần Phú, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11
Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 trường THPT Trần Phú, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017 là đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Sinh dành cho học sinh lớp 11 THPT. Đề thi có đáp án đi kèm, hi vọng sẽ giúp các bạn luyện tập và củng cố kiến thức, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 1)
Đề thi chọn HSG môn Sinh học lớp 11 trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên năm học 2013 - 2014
SỞ GD - ĐT VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ
| ĐỀ THI CHỌN HSG VÒNG TRƯỜNG NĂM HỌC 2016 - 2017 MÔN SINH - LỚP 11 (Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (1,5 điểm):
a. Cây gỗ đỏ sống trong vườn quốc gia Redwood, California, Mỹ cao 115,6 mét và tương đương với tòa nhà 30 tầng. Để đưa nước lên các tầng, con người phải sử dụng hệ thống máy bơm nước hiện đại còn cây không có máy bơm nước hỗ trợ vẫn có thể lấy nước từ dưới đất lên ngọn. Hãy giải thích vì sao cây có thể thực hiện được việc này?
b. Cứ 1000g nước được cây hấp thụ thì có 990g bay hơi, chỉ còn 1-2g nước tham gia tạo chất khô. Quá trình thoát hơi nước của cây có phải là quá trình lãng phí nước không? Vì sao?
Câu 2 (2 điểm):
a. So sánh pha sáng và pha tối trong quang hợp dựa vào các đặc điểm sau: vị trí xảy ra, điều kiện, nguyên liệu, sản phẩm và vai trò.
b. Cho các thực vật sau: Lúa, ngô, dứa. Hãy sắp xếp theo thứ tự tăng dần năng suất sinh học của thực vật. Trong các thực vật trên, thực vật nào xảy ra hô hấp sáng?
Câu 3 (2,5 điểm):
a. Em hãy kể tên và nêu mục đích của một số biện pháp bảo quản nông sản an toàn mà em biết.
b. Khi con người ăn cơm, quá trình tiêu hóa từ khoang miệng đến ruột non diễn ra như thế nào?
Câu 4 (2 điểm):
a. Cho các động vật sau: Trai, cua, cá chép, cá hồi, cá heo, chim bồ câu. Hãy sắp xếp các loài động vật phù hợp vào các dạng hệ tuần hoàn ở động vật:
(1) Hệ tuần hoàn hở
(2) Hệ tuần hoàn đơn
(3) Hệ tuần hoàn kép
b. Một học sinh nhận định rằng: "Cá xương trao đổi khí hiệu quả nhất trong các động vật sống ở nước". Nhận định này đúng hay sai? Hãy giải thích?
Câu 5 (2 điểm)
a. Em hãy lấy ví dụ về một số bệnh tật ở người do mất cân bằng nội môi?
Hãy vận dụng kiến thức sinh học để giải thích câu tục ngữ:
"Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"
b. Hiện tượng cây trồng bên cửa sổ ngọn cong ra ngoài và hiện tượng lá cây trinh nữ cụp lá khi chạm vào khác nhau như thế nào?
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11
Câu 1 (1,5đ)
a. Cây có thể lấy nước từ đất lên ngọn cây lá nhờ các động lực:
- Áp suất rễ (0.25đ)
- Lực hút của lá (0.25đ)
- Lực trung gian (0.25đ)
b. Quá trình thoát hơi nước của cây không phải là quá trình lãng phí nước. Vì:
- Quá trình thoát hơi nước tạo động lực quan trọng cho quá trình hút nước và khoáng (0.25đ)
- Giúp khí CO2 khuếch tán vào lá để cung cấp cho quá trình quang hợp (0.25đ)
- Giúp hạ nhiệt độ 'lá cây vào những ngày nắng nóng đảm bảo các quá trình sinh lý diễn ra bình thường (0.25đ)
Câu 2 (2đ)
a. So sánh pha sáng và pha tối
- Giống nhau: (0.25đ)
- Xảy ra ở lục lạp
- Gồm các phản ứng oxi hóa khử
- Khác nhau:
Đặc điểm | Pha sáng | Pha tối |
Vị trí xảy ra | Màng tilacoit | Chất nền Stroma |
Điều kiện | Cần ánh sáng | Không cần ánh sáng |
Nguyên liệu | Nước, NADP, ADP | CO2, ATP, NADPH |
Sản phẩm | NADPH, ATP, O2 | Chất hữu cơ, H2O, ADP, NADP |
Vai trò | Chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành hóa năng | Chuyển năng lượng trong NADPH, ATP thành hóa năng trong glucozơ, các chất hữu cơ khác |
b. Sắp xếp theo thứ tự tăng dần năng suất sinh học:
Dứa -> Lúa -> Ngô (0.25đ)
Thực vật xảy ra hô hấp sáng:
Lúa (0.25đ)
Câu 3 (2,5đ)
a. Một số biện pháp bảo quản:
- Bảo quản khô (0.25đ)
- Bảo quản lạnh (0.25đ)
- Bảo quản trong điều kiện nồng độ CO2 cao (0.25đ)
Mục đích của các biện pháp bảo quản:
- Giảm mức tối thiểu cường độ hô hấp (0.25đ)
- Ức chế phát triển của vi sinh vật phân hủy (0.25đ)
b. Quá trình tiêu hóa cơm ở người:
- Ở khoang miệng:
- Tiêu hóa cơ học: Nhai, nghiền (0.25đ)
- Tiêu hóa hóa học: Biến đổi 1 phần tinh bột thành đường Maltozơ nhờ enzim Amilaza có trong nước bọt (0.25đ)
- Ở dạ dày:
- Tiêu hóa cơ học: nhào, trộn (0.25đ)
- Ở ruột:
- Tiêu hóa cơ học: Co bóp (0.25đ)
- Tiêu hóa cơ học: Biến đổi tinh bột và đường maltozơ thành đường glucozơ nhờ enzim tiêu hóa và glucozơ được hấp thu vào máu qua bề mặt ruột non (0.25đ)
Câu 4 (2đ)
a. Sắp xếp các động vật phù hợp với các dạng tuần hoàn:
(1) Hệ tuần hoàn hở: Trai, cua (0.25đ)
(2) Hệ tuần hoàn đơn: Cá chép, cá hồi (0.25đ)
(3) Hệ tuần hoàn kép: Cá heo, chim bồ câu (0.25đ)
b. Nhận định "Cá xương trao đổi khí hiệu quả nhất trong các động vật sống ở nước" là đúng (0.25đ)
Vì:
- Miệng và diềm nắp mang đóng mở nhịp nhàng tạo dòng nước chảy 1 chiều và gần như liên tục từ miệng qua mang (0.5đ)
- Cách sắp xếp của mao mạch mang giúp dòng máu chảy trong mao mạch song song và ngược chiều với dòng nước chảy bên ngoài mao mạch mang (0.5đ)
Câu 5 (2đ)
a. Lấy ví dụ về một số bệnh tật ở người do mất cân bằng nội môi:
- Tiểu đường, huyết áp cao (0.25đ)
Giải thích câu tục ngữ " Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"
- Khi ăn mặn -> lượng Na+ trong máu tăng -> tăng áp suất thẩm thấu sẽ kích thích trung khu điều hòa trao đổi nước nằm ở vùng dưới đồi gây ra cảm giác khát nước -> cơ thể cần cung cấp thêm nước để cân bằng áp suất thẩm thấu. (0.25đ)
b. Phân biệt
Tiêu chí | Ngọn cây hướng ra ngoài | Lá cây trinh nữ cụp |
Dạng cảm ứng | Hướng sáng | Ứng động không sinh trưởng |
Khái niệm | Là hình thức phản ứng của ngọn cây trước tác động ánh sáng 1 phía | Là hình thức phản ứng của cây trước va chạm cơ học |
Đặc điểm | Tác nhân kích thích tác động theo 1 hướng xác định Xảy ra chậm Xảy ra sự sinh trưởng | Tác nhân kích thích tác động không định hướng Xảy ra nhanh Không xảy ra sự sinh trưởng |
Cơ chế | Điều tiết bởi hoocmon Auxin | Liên quan đến sức trương nước |
Ý nghĩa | Hấp thụ được nhiều ánh sáng | Bảo vệ lá, tránh tổn thương |