Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018

Đề thi vào lớp 10 môn Văn

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn, đạt kết quả cao trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Toán Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018

Đề thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2017 - 2018

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2017-2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề.

Câu 1 (2,0 điểm).

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt đường. Cái tên gợi sự khát khao làm nên những sự tích anh hùng. Do đó, công việc cũng chẳng đơn giản. Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen”.

(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, tập 2, Nxb Giáo dục, 2009, tr.114)

a) Xác định những phương thức biểu đạt trong đoạn văn trên.

b) Chỉ ra 02 phép liên kết trong đoạn văn.

c) “chúng tôi” là những nhân vật nào trong tác phẩm?

d) Hình ảnh “những con quỷ mắt đen” thể hiện điều gì?

Câu 2 (3,0 điểm).

Thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa?

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em. Trong đoạn văn có ít nhất một câu chứa thành phần biệt lập tình thái (gạch chân dưới thành phần biệt lập tình thái đó).

Câu 3 (5,0 điểm).

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

(Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, Nxb Giáo dục, 2009, tr.140)

———— Hết —————

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!

Họ và tên thí sinh:………………………………………… Số báo danh:………………

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn

Câu 1 (2,0 điểm).

a, Phương thức biểu đạt: Tự sự và miêu tả. (0,5)

b, Chỉ ra được 02 phép liên kết trong số các phép liên kết sau:

Phép lặp (bom, chúng tôi), phép nối (do đó), phép thế (cái tên, những lúc đó), phép liên tưởng (bom - tổ trinh sát mặt đường - anh hùng - cao điểm), phép trái nghĩa (hai con mắt lấp lánh >< khuôn mặt nhem nhuốc). (0,5)

c, “chúng tôi” trong đoạn văn là: Thao, Nho, Phương Định.

(Cho ½ số điểm của câu hỏi nếu HS nêu được tên của 1 hoặc 2 nhân vật trong số 3 nhân vật đó). (0,5)

d, Hình ảnh “những con quỷ mắt đen” thể hiện:

  • Cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh, nhọc nhằn, vất vả.
  • Tâm hồn lạc quan, trẻ trung, tươi tắn coi thường gian khó của những cô gái thanh niên xung phong. (0,5)

Câu 2 (3,0 điểm).

* Về hình thức:

  • Viết đúng hình thức đoạn văn theo yêu cầu đề. (0,5)
  • Trong đoạn văn có câu văn chứa thành phần biệt lập tình thái (gạch chân đúng thành phần biệt lập tình thái đó). VD: dường như, chắc chắn, có lẽ, chắc hẳn, hình như, có vẻ như ... (0,5)

* Về nội dung:

Hs có thể đưa ra những cách trả lời khác nhau theo suy nghĩ riêng, miễn là phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Giải thích và nêu những biểu hiện của một cuộc sống có ý nghĩa: (1,0)
    • Đó là một cuộc sống hữu ích, có giá trị. Khi đó con người được sống hạnh phúc bên gia đình, bạn bè, được sống là mình; có ước mơ, hoài bão; được yêu thương và biết trao đi sự yêu thương; được phát huy những năng lực của bản thân mình; được trải nghiệm nhiều cảm xúc; khám phá nhiều vùng đất mới, đóng góp cho gia đình, xã hội…
  • Bình luận: (0,5)
    • Tại sao sống như vậy lại là một cuộc sống có ý nghĩa?
    • Để có một cuộc sống ý nghĩa, con người cần phải làm gì? (chủ động tạo ra, nỗ lực vươn lên, cảm nhận sâu sắc và biết trân trọng những gì mình có).
  • Đánh giá, liên hệ bản thân: (0,5)
    • Phê phán (những con người sống cuộc đời vô nghĩa, nhạt nhòa, chỉ đơn giản là tồn tại); ca ngợi (những con người luôn biết cách sống có ý nghĩa, sống đẹp, sống nhân văn, sống hết mình).
    • Liên hệ bản thân, rút ra bài học.

Câu 3 (5,0 điểm).

* Yêu cầu về kỹ năng

Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng chính xác, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo, giàu chất văn.

* Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tuỳ tiện. Bài viết phải làm nổi bật được vẻ đẹp của đoạn thơ cả về nội dung và nghệ thuật. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ. (0,5)
  • Về giá trị nội dung
    • Vẻ đẹp của con người: (1,5)
      • Chủ động, khỏe khoắn, đầy hứng khởi trong không khí lao động sôi nổi khẩn trương (Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng).
      • Tư thế, tầm vóc lớn lao, sánh ngang cùng vũ trụ. Con người vừa là một phần của thiên nhiên vừa thực sự làm chủ thiên nhiên và cuộc sống của mình (Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng)..
      • Tình yêu tha thiết và lòng biết ơn sâu nặng dành cho biển quê hương (Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào).
    • Vẻ đẹp của thiên nhiên: (1,0)
      • Không gian bao la, rộng mở, vừa kì vĩ vừa nên thơ.
      • Biển cả phong phú với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy như một bức tranh sơn mài, biển giàu có với sự đa dạng của các loài cá đẹp; biển ân tình với con người.
    • Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên hài hòa, hô ứng với nhau tạo thành vẻ đẹp vừa tráng lệ vừa gần gũi, đó là bức tranh đẹp về cuộc sống mới ở miền Bắc thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. (0,5)
  • Về giá trị nghệ thuật
    • Bút pháp lãng mạn với cảm hứng say sưa, bay bổng cùng các thủ pháp khoa trương, phóng đại về hình ảnh con người, vũ trụ; thủ pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ … đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đoạn thơ. (0,5)
    • Hình ảnh tráng lệ, kì vĩ; giọng điệu thơ sôi nổi, khỏe khoắn, nhịp thơ biến hóa linh hoạt tạo âm hưởng hào hùng, lạc quan. (0,5)
  • Đánh giá chung
    • Đoạn thơ thể hiện sự thống nhất hài hòa giữa cảm hứng thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động mới; bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước vẻ đẹp của đất nước và cuộc sống. (0,5)
Đánh giá bài viết
2 3.198
Sắp xếp theo

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

Xem thêm