Bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2017 - 2018 (Có đáp án)

Bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2017 - 2018 (Có đáp án) tổng hợp nhiều đề thi thử vào lớp 10 môn Văn của tất cả các trường trên cả nước, nội dung đề thi bám sát chương trình học theo yêu cầu và quy định của Bộ GD&ĐT. Mời các em tham khảo để làm quen với cấu trúc đề thi, các dạng bài tập, mỗi đề thi kèm theo đáp án và hướng dẫn giải chi tiết giúp các em dễ dàng hơn trong việc ôn tập cũng như rèn luyện kỹ năng giải đề.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn - Đề số 1

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 LẦN 1
NĂM HỌC 2017 - 2018
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút

Phần I (5,0 điểm): Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB. Giáo dục, 2014).

1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào? Giới thiệu ngắn gọn về tác giả và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm ấy.

2. Tìm một hình ảnh ẩn dụ trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng của hình ảnh ẩn dụ đó.

3. Tại sao nói hình ảnh những chiếc xe không kính là một sáng tạo độc đáo của Phạm Tiến Duật?

4. Từ việc cảm nhận phẩm chất của những người lính trong bài thơ trên và những hiểu biết xã hội của bản thân, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về lòng dũng cảm.

Phần II (5,0 điểm)

Dưới đây là đoạn trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng):

Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

- Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba...a...a...ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm chặt lấy cổ ba nó.

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014).

1. Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, những tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu?

2. Chỉ ra 2 lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên và chuyển chúng thành những lời dẫn gián tiếp.

3. Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ tình cảm cha con sâu nặng, cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay, trong đó có sử dụng kiểu câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định và phép lặp để liên kết (gạch dưới câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định và các từ ngữ được sử dụng trong phép lặp)

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Phần I

Câu 1.

  • Bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (0,25đ)
  • Tác giả: Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, năm 1964 gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. (0,5đ)
  • Sáng tác năm 1969 lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt (0,25đ)

Câu 2.

  • Hình ảnh ẩn dụ: trời xanh hoặc trái tim (0,25đ)
  • Nêu được tác dụng của hình ảnh ẩn dụ: làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho điều tác giả muốn thể hiện (0,75đ)

Câu 3 Hình ảnh những chiếc xe không kính rất độc đáo vì:

  • Đó là những chiếc xe có thực trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mĩ và đã đi vào thơ Phạm Tiến Duật cũng rất thực, không một chút thi vị hóa. (0,5đ)
  • Hình ảnh ấy vừa nói lên cái khốc liệt của chiến tranh vừa làm nổi bật chân dung tinh thần của người lính; thể hiện phong cách thơ của Phạm Tiến Duật: nhạy cảm với nét ngang tàng, tinh nghịch, yêu thích cái lạ (0,5đ)

Câu 4 Học sinh phải đảm bảo những yêu cầu về: (2,0đ)

  • Nội dung: Từ việc cảm nhận lòng dũng cảm của những người lính lái xe trong bài thơ, bày tỏ được những suy nghĩ về lòng dũng cảm: Thế nào là dũng cảm? Những biểu hiện của lòng dũng cảm trong cuộc sống? Vì sao có thể khẳng định đây là phẩm chất cao quý của con người? Em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người dũng cảm?
  • Hình thức: văn nghị luận, có thể kết hợp với các phương thức biểu đạt khác, diễn đạt sinh động, độ dài theo quy định...

* Lưu ý: khuyến khích học sinh có suy nghĩ riêng, tuy nhiên phải lí giải hợp lí, thuyết phục

Phần II

Câu 1

  • Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng bé Thu không nhận ra cha, đến lúc bé nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi. (0,25đ)
  • Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con nhưng chưa kịp trao thì ông đã hi sinh. (0,25đ)

Câu 2

  • Học sinh chỉ đúng 2 lời dẫn trực tiếp (0,5đ)
  • Chuyển thành lời dẫn gián tiếp đạt yêu cầu (0,5đ)

Câu 3

* Đoạn văn diễn dịch

  • Phần mở đoạn đạt yêu cầu (0,25đ)
  • Phần thân đoạn gồm khoảng 12 câu với đầy đủ dẫn chứng và lí lẽ để làm rõ: tình cảm cha con sâu nặng, đầy cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay
    • Tình huống éo le: ông Sáu phải vào chiến trường sau ba ngày phép, lúc này bé Thu mới nhận ra ba (0,25đ)
    • Tình yêu thương mãnh liệt bé Thu dành cho ba thể hiện ở các chi tiết như tiếng gọi ba, cử chỉ, hành động dành cho ba... (1,0đ)
    • Tình yêu thương con sâu sắc ở ông Sáu biểu lộ qua những chi tiết
  • diễn tả tâm trạng, cử chỉ, đặc biệt là ánh nhìn của ông dành cho con... Từ những cảm nhận trên, cần khẳng định thành công của tác giả trong việc tạo tình huống, miêu tả tâm lí nhân vật nhằm làm nổi bật tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. (1,0đ)

* Có sử dụng phép lặp (gạch dưới) (0,25đ)

* Có câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định (gạch dưới)

Lưu ý: Nếu đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn trừ 0.5 điểm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn - Đề số 2

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ
KỲ THI THỬ LẦN 1 VÀO LỚP 10 CHUYÊN
Năm học 2017 - 2018
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
Dành cho thí sinh hệ chuyên Văn
Thời gian 150 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới, tác giả Vũ Khoan khẳng định "...có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất".

(Ngữ văn 9 T2, NXB GD 2016, tr 27).

Viết bài văn (có độ dài khoảng 2 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: mỗi tác phẩm văn học chân chính phải là một khám phá mới mẻ về nội dung.

Giải thích ngắn gọn ý kiến trên và phân tích hai tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật để làm sáng tỏ.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Câu 1 (8,0 điểm)

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, tuy nhiên cần đảm bảo được các yêu cầu chính sau:

1. Giải thích câu nói:

  • Thế kỷ mới: là nhóm từ chỉ thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học công nghệ, của sự hội nhập toàn cầu...
  • Nội dung câu nói: khẳng định vai trò quyết định của con người đối với sự phát triển của xã hội.

2. Bàn luận: Thế kỷ mới sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất vì:

  • Từ xưa đến nay, con người luôn là động lực phát triển của lịch sử.
  • Trong thế kỉ mới với những bối cảnh: đất nước ta đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới; đặc biệt là nền kinh tế trí thức được dự báo là khuynh hướng chủ đạo...thì vai trò của con người lại càng quan trọng.
  • Nếu yếu tố con người không được coi trọng, chúng ta không thể nắm bắt được những cơ hội mới, làm chủ được những tiến bộ khoa học kĩ thuật của thế gới, không có khả năng sáng tạo và thích ứng cao...thì chúng ta sẽ tụt hậu.

3. Nêu suy nghĩ và phương hướng cho bản thân:

  • Sự chuẩn bị con người phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: coi trọng giáo dục đào tạo, chính sách sử dụng nhân tài...
  • Trong mái nhà chung thế giới, mỗi người Việt Nam (trong đó có học sinh, thế hệ tương lai của đất nước) phải có ý thức phấn đấu học tập để chiếm lĩnh những dỉnh cao của tri thức và khoa học công nghệ, đó chính là một trong những hành trang quan trọng, để đóng góp được nhiều cho đất nước trong thế kỷ mới

(Lưu ý: học sinh phải lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống để chứng minh).

Biểu điểm Ý 1: 1đ; Ý 2: 5đ, Ý 3: 2đ

Câu 2 (12,0 điểm) Có thể triển khai bài viết theo những cách khác nhau song phải đáp ứng được những ý chính sau đây:

1. Giải thích ngắn gọn.

Ý kiến bàn về hai khía cạnh:

  • Yêu cầu đối với tác phẩm chân chính (phải có những phám phá, phát hiện mới mẻ về cuộc sống)
  • Khả năng sáng tạo - điều không thể thiếu của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác.

2. Phân tích hai bà thơ để làm sáng tỏ.

a. Vẻ đẹp riêng của mỗi hình tượng người lính

  • Bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu thể hiện hình ảnh người lính xuất thân từ nông dân vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với vẻ đẹp gần gũi, giản dị, mộc mạc. Nét nổi bật là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao đẹp và cảm động giữa những năm tháng thiếu thốn, gian khổ. Chính tình đồng chí là một sức mạnh tinh thần giúp họ vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ...
  • Bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật lại thể hiện người lính lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với vẻ đẹp trẻ trung, sôi nổi, lãng mạn và ngang tàng. Đây là thế hệ những người lính có học vấn, có bản lĩnh chiến đấu, có tâm hồm nhạy cảm, có tính cách riêng mang chất "lính"đáng yêu. Họ tất cả vì miền Nam ruột thịt với trái tim yêu nước cháy bỏng...

b. Lí giải sự khác nhau

  • Sự khác nhau trước hết bởi mỗi hình tượng người lính được khắc họa trong những hoàn cảnh khác nhau: "Đồng chí" sáng tác vào đầu năm 1948, những năm đầu của thời kì kháng chiến chống Pháp gian khổ, khi tác giả Chính Hữu chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc; còn Bài thơ về tiểu đội xe không kính sáng tác năm 1969, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ khốc liệt, khi tác giả Phạm Tiến Duật tham gia họat động ở tuyến đường Trường Sơn...
  • Sự khác nhau còn do tâm hồn và khả năng sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ.

c. Đánh giá chung

  • Viết về những người lính, các nhà thơ nói về chính mình và những người đồng đội của mình. Vì thế, hình tượng người chân thật và sinh động.
  • Khẳng định: chỉ có sáng tạo thì người nghệ sĩ mới đem lại sức sống cho tác phẩm và những điều mới mẻ cho văn chương (Thí sinh cần phân tích những dẫn chứng cụ thể từ hai bài thơ và có những lập luận, đánh giá để làm sáng tỏ những vấn đề trên)

Biểu điểm

  • Ý 1: 2đ, Ý 2a: 6đ, Ý 2b: 2đ, Ý 2c: 2đ
  • Tuỳ theo mức độ bài làm của thí sinh các thầy cô giám khảo xác định mức điểm cho phù hợp. Điểm lẻ tính tới 0,5.

Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về

Đánh giá bài viết
157 153.668
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm